Alternative title

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ PHỤNG THỪA ỦY THÁC CỦA ĐỨC ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG LÃNH ĐẠO GHPGVNTN

View: 4701 - Nguyên Toàn    20/04/2020 09:04:44 pm
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ PHỤNG THỪA ỦY THÁC CỦA ĐỨC ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG LÃNH ĐẠO GHPGVNTN
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ PHỤNG THỪA ỦY THÁC CỦA ĐỨC ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG LÃNH ĐẠO GHPGVNTN
Với thực trạng sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay thì giải pháp tái cấu trúc cơ cấu nhằm phục hoạt GHPGVNTN của Đức Trưởng Lão Đệ Ngũ Tăng Thống Tân Viên Tịch là giải pháp tối ưu, không thể nào có một giải pháp khác tốt đẹp hơn được. Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã ủy thác Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ giữ nhiệm vụ Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống.

Tâm huyết của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống với tuệ tri bừng tỏa trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử Giáo hội là phúc trạch của dòng truyền thừa mạng mạch Phật giáo Việt Nam một cách bất đoạn từ chư Tổ Quốc Sư đến chư Tổ Tăng Cang qua Đức Đệ Nhất Tăng Thống rồi đến Đức Đệ Ngũ Tăng Thống. Chư Tôn đức Trưởng lão, chư Hòa thượng, Thượng tọa cùng quý vị Đại đức Tăng, Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam nên cố gắng bỏ qua những dị biệt để thành tâm phụng hành ý chỉ của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống một cách trang nghiêm trong truyền thống cung kính chấp hành Tổ giáo của lịch sử Phật giáo dân tộc.

Trong hoàn cảnh hoạt động rất khó khăn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà nên Đức Đệ Ngũ Tăng Thống không thể triệu tập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Viện Tăng Thống nhằm ủy thác những điều cơ mật và truyền thừa mạng mạch lãnh đạo Giáo hội truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

1. Những Điều Cơ Mật

Tổ chức nào cũng có những điều căn bản tối mật là xương sống của tổ chức thì GHPGVNTN cũng không là một ngoại lệ. Có những Cư sĩ Phật tử vì nhiệt thành với sự tồn vong của Giáo hội mà nóng vội phát biểu, viết lách bày tỏ quan điểm thiết tha của mình để góp một bàn tay vào việc củng cố và phát triển sinh hoạt của Giáo hội, nhưng vô hình chung các Cư sĩ đó làm cho tình trạng bất ổn của Giáo hội ngày càng trầm trọng hơn. Nói một cách cụ thể ở đây là hai vấn đề.

Một là, không nên ủng hộ chư Tôn đức nào vào vị trí điều hành Giáo hội ngoài việc y giáo phụng hành ý chỉ của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống nhằm thống nhất cơ cấu điều hành Giáo hội về mặt hình thức trước rồi nội dung sẽ từng bước ổn định tiếp theo.

Hai là, chư Tôn đức Cao tăng đã hội ý những điều cơ mật trong một hoàn cảnh chính trị vô cùng đặc biệt của đất nước sau năm 1975 nên quý Ngài đã quyết định hàm dưỡng Tăng tài thuận duyên theo hoàn cảnh với mục đích chính là đào tạo Tăng tài trong và ngoài nước để trở nên thạch trụ của ngôi nhà lớn về lâu về dài. Do vậy, Phật tử không nên bài bác chủ quan chư Tôn đức Tăng, Ni thuộc bất kỳ tổ chức Giáo hội nào. Chư Tôn đức Tăng, Ni thuộc Giáo hội này cũng luôn luôn tôn kính chư Tôn đức Tăng, Ni thuộc Giáo hội khác theo đúng Thanh quy và Giới luật. Đồng thời chư Tôn đức Giáo phẩm đã am tường những điều cơ yếu của GHPGVNTN thì cũng nên khéo léo và kín đáo chia sẻ gián chỉ với các Cư sĩ cận sự nam và cận sự nữ những uẩn khúc mà Giáo hội không tiện bộc bạch.

2. Phụng Thừa Sự Ủy Thác

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã phụng thừa sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống để lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngày 12-5-2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã ban hành Giáo chỉ số 19-VTT/TT/GC cung thỉnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đăng lâm pháp tịch vào hàng Trưởng lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Viện Tăng Thống.

Ngày 24-5-2019, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã ban hành Quyết định số 14-VTT/TT/QĐ thỉnh cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay thế Đức Tăng Thống vì trọng bệnh để lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở vị trí Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống.

Trước đó nhiều lần, Đức Tăng Thống đã sai Hòa thượng Thích Nguyên Lý đi mời Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đến chùa Từ Hiếu để cho Ngài gặp. Sau nhiều lần, Hòa Thượng Tuệ Sỹ bái kiến thăm hỏi sức khỏe và thảo luận với Ngài, đến lần bái kiến của Hòa Tuệ Sỹ vào ngày 21 tháng 3 năm 2019, từ tâm huyết của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống với tuệ trí bừng tỏa trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử Giáo hội là biểu hiện thông qua kim khẩu của Ngài ủy thác sứ mệnh trọng đại lãnh đạo GHPGVNTN cho Hòa thượng Tuệ Sỹ và được Hòa thượng Tuệ Sỹ cung kính nhận lời ủy thác (mời xem video do thầy Nguyên Vương thực hiện) để Ngài an tâm tịnh dưỡng vì tuổi cao sức yếu. Từ đó, để hoàn bị cho việc ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống nên Ngài ban hành 2 văn kiện (Giáo chỉ và Quyết định đã nói trên) đúng theo thủ tục hành chánh của Giáo hội. Và 2 văn kiện này, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống có dặn Hòa thượng Nguyên Lý, sau khi Ngài viên tịch, xét thấy lúc nào đủ duyên thì hãy công bố. Sau Tang lễ Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Hòa thượng Thích Nguyên Lý mới gởi 2 văn kiện (Giáo chỉ và Quyết định) cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thông qua thị giả của Ngài. Ngày 7-4-2020, tức là ngày 15-3 năm Canh Tý, Phật lịch 2563. Vì bệnh duyên, tứ đại bất hòa nên Hòa thượng Tuệ Sỹ không thể hiện diện trong lễ Chung thất - 49 ngày (đúng vào ngày 10-4-2020, tức là ngày 18-3 năm Canh Tý) của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, do đó vào ngày 7-4-2020, tức là ngày 15-3 năm Canh Tý, Phật lịch 2563, Hòa thượng Tuệ Sỹ gởi thư Khâm thừa ủy thác quyết định điều hành Viện Tăng Thống và lời Cảm niệm Ân sư.


3. Một Giải Pháp Tối Ưu.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong số chư Tôn đức Giáo phẩm thạch trụ tòng lâm, là một bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam đương đại. Tuy Ngài sinh năm 1943, tức 77 tuổi, nhưng môn sinh của Ngài tại Đại học Vạn Hạnh và các Phật học viện rất nhiều, và hiện nay quý vị cựu môn sinh đó đều đã ở vào hàng giáo phẩm Hòa thượng hay Trưởng lão Hòa thượng trong và ngoài nước. Ngài là một đồng chân xuất gia khi vừa 7 tuổi, và suốt cuộc đời tu hành của Ngài với một hành trạng không gợn một nét bụi trần. Ngài là một học giả uyên bác và uyên thâm tam tạng kinh luật luận Phật học, làu thông triết học và văn học thế giới. Ngài tinh thông nhiều ngoại ngữ như Lào văn (Phasa Lao), Pháp văn, Anh văn, Đức văn, Nhật văn, San-skrit, Pali, và Hán văn. Các tác phẩm của Ngài về kinh luận Phật học và văn học thế giới nhiều gần như vô kể và phần lớn được dùng làm sách giáo khoa ở bậc Đại học và các khóa tu học của Học tăng, Cư sĩ và Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử khắp bốn châu lục Á, Âu, Mỹ và Úc. Ngài được bổ nhiệm Giáo sư Đại học thực thụ [Full Professor] tại Đại học Vạn Hạnh năm 1970, lúc Ngài mới 27 tuổi.

Trong thời gian mười năm từ năm 1965 đến 1975, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã phụ giúp Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu điều hành Viện Đại học Vạn Hạnh ngày một phát triển thành một Đại học Phật giáo nổi tiếng ở Đông Nam Á, và trong thời gian này Thầy Tuệ Sỹ là Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành, một tạp chí văn học, triết học, và Phật học đã đóng góp vào việc hình thành một phong cách văn hóa cho giới trí thức và thanh niên Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là tại Sài Gòn, rất nhân bản và nhân ái.

Sau khi Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ ra tù của bản án tử hình 1984. Năm 1999 tại Đại hội 8 tổ chức ở Mỹ, Ngài được đề cử chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký, Hòa thượng Thích Quảng Độ là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Đức Nhuận là Cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Huyền Quang là Xử lý Viện Tăng Thống. Cho đến, năm 2003 sau Đại hội Nguyên Thiều, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được đề cử Đệ nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cho đến hết nhiệm kỳ cuối năm 2005.

Việc thỉnh cử và ủy thác Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống là giải pháp tối ưu, không thể nào có một giải pháp khác tốt đẹp hơn được. Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã cùng làm việc với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trong một thời dài hơn mười năm tại Đại học Vạn Hạnh, và đặc biệt là hai Ngài đã cùng thực hiện hai công tác vô cùng quan trọng nên Đức Đệ Ngũ Tăng Thống đã biết rõ khả năng và tâm nguyện phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Khi Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, đi công tác nước ngoài thì Hòa thượng Thích Quảng Độ đảm nhiệm vị trí Quyền Viện trưởng với sự phụ tá điều hành rất chuyên nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nên Hòa thượng Thích Quảng Độ vô cùng tâm đắc về người phụ tá đã làm việc đúng với tính cách công bình, công chính, công minh, chân tình, và thẳng thắn của Ngài.

Sau ngày 30-4-1975, Cộng Sản tịch thu và biến Đại học Vạn Hạnh thành một cơ sở Đại học Sư phạm thì Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đi trước Cộng Sản một bước bằng cách chuyển toàn bộ Thư viện Phật học về một cơ sở trên đường Võ Duy Nguy (bây giờ là đương Nguyễn Kiệm) và dựng tạm lên tấm bảng “Viện Phật Học Vạn Hạnh.” Viện Phật Học Vạn Hạnh chỉ giữ lại được năm nhân viên là Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Ni sư Thích Nữ Trí Hải, và Giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Trong năm nhân viên đó thì chỉ có Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ là “thanh niên” nên công việc chuyển hàng tấn sách vở là do Thầy Tuệ Sỹ đảm nhiệm.

Lời cảm niệm ân sư của Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kính dâng lên Giác Linh Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống nhân ngày Lễ Chung thất của Ngài thật vô cùng cảm động.

“Hình hài xưa đã cháy,
“Còn lại bát tro tàn,
“Với uy nghiêm Đạo Thống,
“Xin nguyện giữ Cương Duy.

Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viên Tăng Thống nhân vì tứ đại bất an nên tạm thời Ngài phải tịnh dưỡng tại Thị Ngạn Am, do vậy trong các buổi lễ về Tang sự cũng như Chung thất của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống thì Ngài đều không chủ trì được, và Ngài đã yêu cầu Hòa thượng Thích Nguyên Lý hiệp trợ trong việc bảo trì Tổ ấn (con dấu Viện Tăng Thống) và khâm tuân Giáo chỉ của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống về các Phật sự thường nhật.

Người viết xin chắp tay nguyện cầu chư Tôn đức Giáo phẩm và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước chấp hành Tổ giáo như là một biểu lộ lòng thành kính tưởng niệm ân đức của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống đã hy hiến cả cuộc đời của Ngài cho tự do, dân chủ, và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.



--------------------------







---------------------------------------

CẢM NIỆM ÂN SƯ


(CẨN BẠCH NHÂN LỄ TƯỞNG NIỆM CHUNG THẤT TRƯỞNG LÃO THÍCH QUẢNG ĐỘ)

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Ngưỡng bạch Cố Hòa thượng Ân Sư

Than ôi , nước chảy đôi dòng
Thuyền không bến đỗ
Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.
Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.

Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay chèo, kiên trung và vô úy. Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc cao tăng Phật giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái: Trưởng lão Thích Quảng Độ , Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN.

Nhớ Giác Linh xưa!
Ngày 27 tháng 11 năm 1928 – Mậu Thìn
Xã Nam Thanh , huyện Tiền Hải , tỉnh Thái Bình thác chất.

Vân thủy tam thiên cô đọng thành thể chân tâm siêu phương xuất thế
Pháp môn tám vạn lưu xuất nên trang hành giả ẩn mật tuyệt trù

Đương lúc quê hương khói lửa mịt mù
Giữa chốn trần lao đa đoan triền phược.
Người lên đường hành cước
Mấy năm vân du xứ Ấn,
tìm lại uyên nguyên Chánh Pháp.

Rồi khi đất nước sạch bóng thực dân, đạo lý dân tộc tưởng có cơ duyên tái lập. Nhưng cùng lúc ấy, tham vọng bá quyền chia hai thế giới, đang đẩy dân Việt vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được khoác cho danh hiệu tiền phong của những ý thức hệ không tưởng và một thiên đường hạ giới độc tôn.

Bấy giờ Ngài trở về Nam, góp sức cùng Chư Tôn phục hưng Chánh Pháp, khơi lại cội nguồn đạo lý tổ tiên. Hướng đi văn hóa giáo dục, dựng lại những gì đã sụp đổ, tài bồi thế hệ tương lai, xây dựng đất nước trong hòa bình an lạc, dân tộc Bắc Nam cũng chung một hướng.

Không bao lâu, Pháp nạn 1963 bùng nổ, Tăng đồ khắp nước lao tù. Ngài bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo. Sau khi qua cơn Pháp nạn, Ngài cùng với các hàng tri thức Phật giáo miền Nam, Tăng cũng như tục, trong môi trường giáo dục Đại học, hiệp lực xây dựng, phát huy truyền thống dân tộc trước nguy cơ xâm thực của chủ nghĩa vô thần và độc thần, đang làm tan rã tình tự dân tộc Bắc Nam.

Năm 1974 tại Đại hội kỳ 6, Ngài được đề cử đương vị Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Với tổ chức quy mô rộng lớn của Giáo hội, đây là lúc Ngài có thể làm gạch nối, đưa những thành tựu văn hóa giáo dục từ Đại học vào thực tế xã hội, làm cơ sở xây dựng đất nước.

Thành tựu ấy chưa được bao lâu, đất nước thống nhất, hòa bình tái lập dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chế độ vô sản chuyên chính, cả nước lâm vào cảnh đói nghèo gần như tuyệt vọng, hàng vạn người bỏ nước ra đi, mặc cho số mạng trước ba đào sóng dữ. Đây là lúc chính sách nhất Tăng nhất Tự được ban hành; các cơ sở giáo dục và từ thiện của Phật giáo bị giải tán, tịch thu, chùa chiền bị sung công làm cơ sở hợp tác xã. Phật giáo miền Nam bị đặt trước viễn ảnh của miền Bắc, Phật giáo chỉ phảng phất trong những hủ tục, mê tín dị đoan.

Trong cương vị lãnh đạo với danh hiệu Tổng Thư Ký, Ngài vẫn giữ vững lập trường, không khuất phục cường quyền, không giải tán cơ cấu Giáo hội để trở thành một chùa nhỏ trong Quận Mười Sài Gòn.

Sau gần mười năm khống chế, bạo lực không thể khuất phục quảng đại Phật tử tín tâm bất thối, Chính quyền thay đổi sách lược. Một Giáo Hội mới được thành lập, thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản để tập hợp quần chúng, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ trong quần chúng.

Hòa Thượng vẫn kiên trì đường lối của Giáo hội, không xu phụ quyền thế, không làm thành viên cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Từ đó, Hòa Thượng trở thành trọng lực chống lại chính sách dùng Phật giáo như là công cụ bảo vệ chế độ.

Cũng từ đó cho đến năm 1998, Ngài trải qua các thời lưu đày biệt xứ, bị quản thúc tại gia, bị tù đày trong các lao ngục từ Nam cho đến Bắc.

Năm 1998, dưới áp lực của những vận động quy mô trong các phong trào nhân quyền, tự do tôn giáo trên thế giới, Chính quyền phải phóng thích Hòa Thượng. Tuy trở về đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng Ngài vẫn bị Chính quyền cô lập, quản chế nghiêm ngặt bằng khẩu lệnh tại một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn. Định lực vô úy, Ngài cùng với Hòa Thượng Huyền Quang kiên trì lập trường của Giáo hội, vận động phục hoạt Giáo hội, triệu tập Đại hội 8 bất thường tại Hoa Kỳ với sự tham gia của các vị Tôn túc vốn là thành viên của Giáo hội đang lưu vong tại các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu. Từ Đại hội này, Hòa thượng Thích Huyền Quang được suy tôn đương vị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Đức Nhuận Cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Giáo Hội được khôi phục, tuy chỉ với cơ sở khung, nhưng trong thực tế đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh đấu tranh cho phẩm giá con người.

Cho đến tháng 10 năm 2003, sau Đại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, cơ cấu Giáo hội gồm cả hai Viện được hoàn bị, Hòa thượng Thích Huyền Quang chính thức được suy tôn đương vị Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Tiếng nói của Giáo hội đã gây ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước, trong các cộng đồng tự do nhân quyền trên thế giới.

Sau khi Hòa thượng Thích Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch năm 2008, Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống suy tôn Ngài đăng lâm pháp tịch, ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, Ngài đã đơn thân hướng đạo con thuyền Chánh pháp không bị lạc lối.

Thời gian trôi qua, con thuyền Chánh Pháp trong tình cảnh vận nước ngửa nghiêng, nhân tâm ly tán:

Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông.

Tháng 10 năm 2018, Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, nơi gắn bó bao năm trước và sau danh phận tù đày, trở về quê cũ Thái Bình. Hai tháng sau Ngài trở lại Sài Gòn, cư trú tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch.
Dự tri thời chí, trước khi viên tịch, Ngài đã ban hành các Giáo chỉ ổn định sinh hoạt Giáo hội, cùng với di chúc và ủy thác sứ mệnh cho người kế thừa mà Ngài tin tưởng và chọn lựa.

Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng!

Hình hài xưa đã cháy
Còn lại bát tro tàn
Với uy nghiêm Đạo Thống
Xin nguyện giữ Cương Duy.

Ô hô, Phương trượng Thanh Minh còn lưu hình lão hạc
Thiền đường Từ Hiếu chưa ấm dáng cổ tùng
Thế sự đa đoan, đảo điên nhân ngã
Cõi đời phiền trược, đố kỵ tương tranh,

Người đã đến và đã đi, đi trong cõi tịch nhiên vô trụ, mà vẫn thường trụ trong lòng đất khổ. Tro cốt của Người theo di nguyện sẽ hòa vào đại dương, cùng với sóng cả biển Đông theo con thuyền cứu khổ của Bồ Tát Nam hải.

Bóng dáng uy nghiêm đã khuất, âm dung còn phảng phất không chỉ trong lòng những kẻ hữu duyên,
Mà trong cả Phật giáo Việt Nam, trong cả tự tình dân tộc

Giữa im lặng hồn nhiên, lòng người thổn thức,

Kính tiễn bậc Cao tăng du phương trong Vô trụ xứ

Xin dâng ba lạy này nguyên vẹn một tâm tang

Kính nguyện Giác linh Người Cao đăng Phật quốc.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG thượng QUẢNG hạ ĐỘ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ NHÃ GIÁM

Khể thủ lễ túc Giác linh Hòa thượng!

Môn hạ thị lập - Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ



Di Ngôn - Lễ Tưởng Niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ - Ngày 18-04-2020



Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin