Alternative title

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - Kỳ 50 - Rồng Bay Về Nam

View: 177 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng    15/03/2024 10:03:25 am
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - Kỳ 50 - Rồng Bay Về Nam
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - Kỳ 50 - Rồng Bay Về Nam
Nguyên năm Đinh Mão (1567) Quận chúa Ngọc Bảo đang thọ thai được tròn ba tháng, mưa thuận gió hòa và dân chúng làm ăn có phần dễ chịu hơn mấy năm trước. Nhiều nơi trong nhân gian đã làm cối xay gạo hầu sắp đặt gặt hái xong thì lúa sẵn sàng được xay. Để chuẩn bị cho đứa con ra đời với cái tên gắn liền đến sự phát triển của muôn dân, Trịnh Kiểm đã ngẫm nghĩ đặt danh tánh cho đứa bé này phải là cái cối xay cho trăm họ nhờ vả, vì vậy mà sau này cái bào thai đó ra đời mang tên ngộ nghĩnh: Trịnh Cối. Nghe vợ vừa kể điềm chiêm bao rằng, thiếp thấy một con rồng vàng bay trên Ngọc Ninh phủ bảy vòng rồi hạ xuống trước đỉnh đồng ngoài sân. Nó đi thẳng vào tự đường gắp chiếc bài vị của phụ thân thiếp bay lên cao hướng về phương Nam. Thấy như vậy nên thiếp đuổi theo và rơi vào hang đá bên vực thẳm thiên nhai. Dứt câu chuyện, Trịnh Kiểm khoái chí đứng dậy cười vang vang ra chiều đắc thắng. Tiếng cười ha hả vang vọng trong thinh không khiến đội tuần tra phải mấy lần dừng lại kiểm soát.

-Như ý của ta, như ý của ta! Trịnh Kiểm tự thốt lên lời.

Từ khi sát hại Nguyễn Uông để tóm thâu quyền lực trong tay, Trịnh Kiểm lấn áp triều đình, coi thường hoàng đế, một mình chuyên quyền định liệu mọi việc hưng suy của quốc gia. Mộng của họ Trịnh là phải lên ngôi thiên tử như nhà Mạc đương thời đóng đô ở phía bắc. Ngặt một nỗi từ trên các đại thần quan tước, đến dưới muôn vạn nhân dân đều tỏ ra không ưa nhà Trịnh mà chuyện soán ngôi thì thiên hạ phỉ khinh. Từ năm Mậu Thân (Tây lịch 1548) khi vua Trang Tông băng hà thì ý niệm soán ngôi đã hình thành trong đầu Trịnh Kiểm. Thái tử Duy Huyến được bá quan văn võ trong triều tung hô vạn tuế để kế thừa ngôi báu đã làm hỏng kế hoạch của họ Trịnh. Thái tử Huyến lấy hiệu là Lê Trung Tôn lại là người hiền từ nhưng không có con cái để nối dõi tông đường. Sau tám năm trị vì, nhà vua đột nhiên băng hà là cơ hội vô cùng quý giá cho họ Trịnh một lần nữa. Trịnh Kiểm họp bàn cùng chư tướng và quần thần thì trăm người như một là muốn tìm lại con cháu Lê triều để kế thừa đại nghiệp. Tính tới, tính lui phân vân trăm kế ngàn phương, bổng Trịnh Kiểm nhớ đến một người mà nhân gian tôn sùng như vị thánh sống “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ. (Trên thì thông hiểu thiên văn, tinh tú, dưới thì thấu biết địa lý, âm ty). Vì vậy Trịnh Kiểm sai một người thân tín đi tìm Trình Quốc Công lý giải.

Trình Quốc Công không còn ở trong Sơn môn quán, kẻ dò tìm phải mất nhiều ngày đêm vượt núi băng ngàn, đến tận núi Yên Tử, qua Thanh Hóa, đến Hải Dương với nhiều lụa là gấm vóc tưởng cầu thỉnh ý tiên sinh. Nào ngờ đi mãi theo lời đồn đãi của thiên hạ mà chả thấy tăm hơi. Hơn mười ngày đêm gian truân tìm kiếm khắp chốn, kẻ thân tín định bụng quay về thì vừa đi ngang qua đò trên giòng sông Tuyết Giang, bỗng dưng Trình Quốc Công đứng đó chờ đợi. Kẻ thân tín của Trịnh Kiểm mừng rỡ vô cùng vội vàng dâng lụa là, gấm vóc xin thỉnh ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tiên sinh nghe xong thì châu mày rồi nói như thét vào tai kẻ đối diện:

“-Tìm giống cũ mà gieo mạ thì mùa màng hưng thịnh, bằng trái ý tìm lúa mới thì chẳng những thất thu mà còn bị nạn đói hoành hành suốt kiếp”. (Lời khuyên rằng hãy giữ vai trò nguyên trạng, không nên soán nghịch, nếu không thì sẽ bị tai ương).

Được kể lại tỉ mỉ về câu nói ẩn ý của Trình Quốc Công, Trịnh Kiểm ngẫm nghĩ suốt mấy đêm trường rồi bỏ ý đồ cướp ngôi và thân hành đi tìm cháu, chắt của nhà Lê lập đại nghiệp cho chính danh. Hành trình truy tìm hậu duệ nhà Lê cũng không mấy vất vả. Nguyên, bào huynh của vua Lê Thái Tổ là Lê Trử có một người cháu huyền tôn là Lê Duy Bang. Trịnh Kiểm bất đắc dĩ mới lập vị tân vương này với danh hiệu là Lê Anh Tông trị vì. Quyền bính lúc này hầu hết vào tay Trịnh Kiểm, mọi định đoạt tối thượng đều phải có sự đồng ý của họ Trịnh, việc đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng kể cả binh mã đều tóm gọn trong tay một người nên Vua Lê Anh Tông như thể một loại trang sức cho họ Trịnh thao túng.

Mặc dù tin lời tiên tri của Trình Quốc Công nhưng ý đồ soán đoạt ngôi thiêntử chưa hẳn đã dứt, Trịnh Kiểm ngày đêm tìm cách tốt nhất để đưa con cháu của họ Trịnh thay thế họ Lê cai trị bá tánh. Do vậy, khi nghe Quận chúa Ngọc Bảo kể câu chuyện chiêm bao vừa xong, Trịnh Kiểm nghĩ ngay đến uớc nguyện của mình và cho đó là điềm cát tường. Rồi đây cái bào thai trong bụng Ngọc Bảo sẽ trở thành Hoàng đế vì rồng vàng lượn ở trời nam đã báo hiệu cho họ Trịnh ngày mai vô cùng hiển hách.

Vừa tản sáng, Trịnh Kiểm thay đổi xiêm y đặng vào cung yết kiến Lê Trang Tông. Mục đích của cuộc yết kiến này là xin được chiếu chỉ cho Nguyễn Hoàng đặng vào Nam trấn ải Thuận Hoá. Vừa nghe tấu trình xong, vua Trang Tông cau mày tỏ vẻ không ưng thuận vì dù sao Đoan quận Công Nguyễn Hoàng cũng là một trụ tướng của triều ca. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng không những là người hiền đức mà còn là nơi thân tình của nhà Lê thì khó mà vua đồng ý với Trịnh Kiểm. Họ Trịnh là người hiểu tâm lý, giỏi thuyết phục, nhưng vua Lê cũng không phải là người vô trí nên vương gia đành bình tâm nghe Trịnh Kiểm phân bày:

-Phía Bắc hiện thời họ Mạc ngày đêm chiêu tập binh mã, lăm le lấy đất Lê vương. Phía Nam Chiêm thành rục rịch lấn sang biên cương lãnh địa. Bắc không phòng, Nam không thủ, thử hỏi bệ hạ ngồi đây thù tạc với kẻ tâm huyết được bao lâu? Ngai vàng là của bệ hạ, xã tắc là của hoàng triều, nếu bệ hạ không nghe những gì tấu trình thì ngày mai chớ xin hờn trách.

Nghe xong, Lê Trang Tông vội vã đứng dậy rồi cười cười nói vớt Trịnh Kiểm: -Khoan khoan! đừng nóng quá, trẫm không nghĩ như vậy. Bấy lâu nay khôi phục giang sơn họ Lê này cũng nhờ vào một tay khanh lèo lái, chuyện phòng thủ phải lưu tâm đúng mức là diệu kế xưa nay. Thôi để ta bảo Phùng Khắc Khoan soạn chiếu chỉ đặng kịp ngày Thìn giờ Thân tiến chỉ.

…Nguyễn Hoàng lăng xăng tiếp khách từ bốn phương về Long Vân quán huý kỵ Lạng Quận Công Nguyễn Uông. Vốn ăn nói hoạt bát, thông văn, thuộc sử lại nghiên cứu kỹ lưỡng về binh thư, đồ trận nên Nguyễn Hoàng rất được nể trọng, từ hàng phẩm trật cung triều cho đến kẻ ngao du sơn thủy, ai ai cũng thích cùng tướng quân đàm đạo kiếm cung. Khách đến đây không những với tấm lòng tưởng nhớ Lạng quận công Nguyễn Uông một thời hưng chấn triều đình, đốt nén hương cầu siêu cho người oan trái, nhưng cũng là dịp mà khách tứ phương đối ẩm với Nguyễn Hoàng bàn luận kim cổ, đông tây. Chính vì vậy mà hừng đông chưa tỏ đã có kẻ lữ hành lò dò thăm hỏi Long Vân toạ lạc nơi nào.

Long Vân quán không nguy nga đồ sộ như Ngọc Ninh Phủ, cũng không hẳn tôn nghiêm như cổ tự Linh Sơn mà ngược lại, nó khiêm tốn ẩn mình dưới hàng tre dày đặc về phía nam cung thành Lê triều vài ba mươi dặm. Long vân quán dựa lưng vào ngọn đồi thoai thoải nhìn ra giòng nước chảy về đông của con sông không tên không tuổi. Từ xa nhìn hướng tây nam, ngọn đồi nhấp nhô trên giòng sông khiến người khéo tưởng tượng thấy con rồng uốn khúc trên mây nên chẳng mấy chốc, chiếc am nhỏ của Nguyễn Hoàng thờ tự bào huynh lại mang tên Long Vân quán.

Tục truyền, ông Nguyễn Hoằng Dụ sinh thời thích uống rượu, ngâm thơ. Vào một đêm trăng sáng, ông vào trong một cái quán ven đường với bầu rượu trên vai. Chủ quán là một ông lão châm thêm rượu cho khách đến nỗi Nguyễn Hoằng Dụ say túy lúy rồi ngủ trên chiếc chõng tre có đến mấy ngày đêm. Tỉnh ra ông thấy mình tọa vị trên phiến đá bằng phẳng, có tàng cây bao phủ như nóc nhà với cảnh trí thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ. Từ đó ông quyết định lập nên một thư quán để kẻ mặc khách tao nhân xa gần quy tụ lại chuyện trò thế sự, uống rượu ngâm thơ. Long Vân quán ra đời thật là tự nhiên như hàng tre xanh tốt tự nguyện chở che và Nguyễn Hoàng dùng nơi ấy như một chỗ an vị hương khói bào huynh.

Sau khi Trịnh Kiểm sát hại Lạng quận công xong, thi hài của Nguyễn Uông được mai táng ở núi Ngũ Châu và thờ tự tại quán Long Vân vì Lạng quận công Nguyễn Uông chính là đích tôn của Nguyễn Hoằng Dụ.

Nguyễn Hoàng nhìn mặt trời đang xế về tây, lòng bồn chồn muốn tiễn biệt khách khứa hầu kịp đến Ngọc Ninh phủ theo lời hẹn của bào tỷ đặng dò la quyết định của Trịnh Kiểm hư thực thế nào. Ngặt nỗi, cả năm mới kỵ một lần, tứ xứ anh hùng hào kiệt sum vầy luận đàm thế thái nhân tình cùng những chuyện thiên địa phong vũ cả hồi lâu mới từ tạ ra về.

Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vừa giáp mặt chị đã thấy Ngọc Bảo tươi tỉnh kể công: -Hoàng thượng đã hạ chỉ nội trong vòng ba ngày em phải vào trấn thủ Thuận Hoá. Rồi hạ giọng vừa đủ cho hai người nghe câu tâm sự như một thành tích lớn lao: -Chị phải thúc lang huynh em cả mấy lần mới được đó.

-Dạ vâng, xin cám ơn chị. Chuyện gì nan giải đến tay chị cũng thành dễ dàng. Nguyễn Hoàng cười nụ như đáp lại tấm lòng của chị mà cũng là sự đắc ý khi thấy kế hoạch tẩu thoát của mình được chấp nhận để ra khỏi lãnh địa triều ca, nơi mà Nguyễn Hoàng hằng ngày bị dòm ngó theo dõi kỹ càng.

Ngoài trời chỉ còn bóng mờ của cái chạng vạng giao hòa giữa âm dương sáng tối. Nói chuyện một đổi về ngày giỗ Lạng Quận Công năm nay đông đủ thế nào, Ngọc Bảo cúi đầu như một phút mặc niệm đến người anh tài hoa bị bức hại đặng an lòng nơi chín suối. Nguyễn Hoàng vội vã cám ơn rồi từ giả bà chị thân yêu với mớ suy tư lộn xộn trong đầu. Viễn ảnh lờ mờ trước mặt mà chính Hoàng sẽ phải đối diện không dễ dàng như bước lên bực đá cheo leo. Nó sẽ khó ngàn vạn lần hơn vì thử thách của gan dạ cùng ý chí đối diện với thực tế hoang sơ man rợ.

-“Hoặc tối, hoặc sáng, đừng tạo cảnh lờ mờ để bóng đêm tràn lan nhận chìm tất cả vào khoảng không vô tận”. Hoàng vừa đi vừa nghĩ mông lung mà bước chân vô tình đã dẫn đến Tây cung hồi nào không biết. Tây cung là nơi thờ tự những vị tiền hiền, anh hùng liệt nữ cũng như những bậc khai quốc công thần, bên cạnh phía hữu là tự đường nơi thiết trí cung nghinh những long vị, bài vị, linh vị của Nguyễn tự đường. Nguyễn Hoàng đứng đó, trước bức hoành phi khảm xa cừ có 4 chữ “Trung Nghĩa Liêm Tiết” với sự thề nguyền phải làm tỏ mặt các đấng tiên liệt, và quyết chí mở rộng bờ cõi thẳng tiến nam phương. Nguyễn Hoàng chấp tay đảnh lễ rồi vội vàng lách mình ra dãy hành lang phía tây để hướng về nam phương trực chỉ.

Rằm tháng Ba khí trời lành lạnh, những bông lê trắng xóa nở rộ chốn hoàng cung thì Ngọc Ninh Phủ cũng bắt đầu việc tế tự Thanh Minh và đại lễ kỵ giỗ Trịnh đường tiên hiền phái. Đây cũng là nơi đặt linh vị của các bậc khai quốc công thần triều Lê đương đại. Gia nhân đang lăng xăng quét dọn trong ngoài, giẫy cỏ ngoài sân, tỉa gọn những cành quất đang trĩu trái trên các chậu sành đời Tống, kê ghế, lau bàn, chưng bình đơm quả. Người quản gia cẩn thận lấy tay quẹt vào đỉnh đồng để chứng tỏ sự sạch sẽ đến độ tuyệt đối trước khi cung nghinh chư vị thượng khách cùng quần thần Lê triều.

Trịnh Kiểm vận thanh bào có thêu những chữ Thọ tròn trĩnh từ cổ xuống chân, chiếc đai nịt màu hồng nhung có điểm vài hạt dạ châu, đôi hài tía cong vút mới thêu hình con bạch hổ trông thật oai nghiêm. Ông chấp tay sau lưng qua lại vài lần trước đại sảnh đường để kiểm tra những gì thiếu sót. Vừa bước tới trước sạp gụ cẩn xa cừ nơi làm bình phong trước bàn hương áng, họ Trịnh chợt nhớ lại điềm chiêm bao của Ngọc Bảo đã nói tuần qua, nên ông tiến thêm vài bước nữa vào trong điện thờ các vị khai quốc công thần. Nhìn qua rồi nhìn lại, dường như không thấy một cái gì, Trịnh Kiểm trầm ngâm rồi tự vấn một mình :

-Ủa, cái long vị thờ Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân An Thành Hầu đặt đâu rồi nhỉ ?

-Ủa, sao lạ vậy à ? Trịnh Kiểm rướn mình nhìn sâu bên trong, cả cái lư hương cũng biến đi mất !. Như một linh tính thoáng trong đầu óc hoài nghi, Trịnh Kiểm vội vã quay ngược lại rồi nghĩ sao lại tiến thẳng vào nội cung khi vua Trang Tông chuẩn bị yết triều.

Nghe bước chân có vẻ khẩn cấp, vua Lê vừa nhìn ra thì đã nghe cao giọng của họ Trịnh :

-Khải bẩm hoàng thượng, hạ thần vừa suy nghĩ lại, rằng không nên tiến chỉ Nguyễn Hoàng trấn thủ phương nam. Xin bệ hạ thu hồi chiếu chỉ, bắt Nguyễn Hoàng trở lại triều ca gấp gấp. Trịnh Kiểm đang nghi ngờ những hành động ám muội của Nguyễn Hoàng nên mới hồ đồ, bốp chác như vậy, chứ bình nhật thì họ Trịnh một mặt ra chiều cung cúc nhà vua rất phải phép. Nghe xong thì Lê Trang Tông hơi nhíu mày, khó hiểu bèn nêu thắc mắc :

-Tướng công mới vừa đề nghị rồi nay cũng tướng công khẩn khoảng triệu hồi. Việc trấn giữ phương nam cũng vô cùng quan trọng, nếu không đưa Nguyễn Hoàng cai quản thì ai xứng đáng để trông nom thay thế ?

Bị hỏi đột ngột, Trịnh Kiểm chưa chuẩn bị nhân sự trong đầu thì từ ngọ môn, võ quan Hoàng Đình Ái xăm xăm bước tới, Trịnh Kiểm như mở cờ trong bụng liền ứng đáp lập tức:

-Phía nam có tả tướng quân Hoàng Đình Ái thì hợp cách vô cùng !

Vua Trang Tông dường như cũng hiểu ra một điều bất tường nào đó cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng mà cái chết tức tử của Lạng quận công Nguyễn Uông cũng chưa phôi pha. Đang tìm cách cứu nguy Nguyễn Hoàng thì Hoàng Đình Ái không kịp chờ đến buổi yết triều mà quỳ trước long đường tấu trình :

-Khải tấu hoàng thượng! hạ thần vừa được cấp báo, phía bắc Mạc Đăng Doanh vận chuyển binh mã đang tấn công vào vùng đất giáp giới kinh thành. Xin bệ hạ thiết triều thảo luận phương pháp đối địch ngay tức khắc.

Thật ra từ ngày Lê Duy Ninh lên ngôi hiệu là Lê Trang Tông thì đêm đêm quân nhà Mạc phía bắc tìm mọi cách tiêu diệt nhà Lê. Dù đến đời Mạc Đăng Doanh thay cha trị quốc nhưng nhân tâm và hàng sĩ phu vẫn hướng vọng về tôn thất nhà Lê. Vì vậy mà họ Mạc đã bao phen đánh úp đều bị nhân dân tình báo khai trình nên nhà Lê đã kịp thời cảnh giác, canh phòng. Vừa nghe Hoàng Đình Ái tâu trình như thế, và vị vương đang lo đến an nguy của Nguyễn Hoàng nên dùng kế hoảng binh mà Vua liền phán :

-Lổ rò phải đắp gấp để giữ ruộng nước nuôi lúa. Chuyện phương nam tạm thời để cho Nguyễn Hoàng lo liệu, sau khi ổn định xong thì triệu hồi cũng chưa muộn. Theo ta thì phương bắc cần kíp hơn, sẳn đây ta hạ lịnh cho võ tướng Hoàng Đình Ái chuẩn bị binh lương nội nhật hôm nay tấn binh trừ khử bọn giặc Mạc. Xoay qua Trịnh Kiểm đang phân vân suy nghĩ, nhà vua vặn hỏi :

-Tướng quân, ý ta như vậy có hợp với binh thư đại pháp hay không, tướng công có thiện ý nào nữa chăng ? Trịnh Kiểm cũng hơi ngần ngại nhưng vì chưa tìm ra lý lẽ minh bạch nên cũng du di :

-Tâu bệ hạ, tạm thời như vậy cũng được nhưng đồng thời tìm nhân tuyển thay thế để triệu hồi Nguyễn Hoàng về cung càng sớm càng tốt.

Nhà vua mĩm cười lấp lững : -Hay lắm, thôi để cho Hoàng Đình Ái dẹp xong bọn giặc họ Mạc rồi công cử vào Nam thay thế cũng chẳng muộn màng...

Cực chẳng đã, Trịnh Kiểm gục đầu hài lòng mà tâm tư vẫn còn ấm ức. Giờ này thì Trịnh Kiểm mới tự trách sự sai lầm của mình để cho hổ về rừng mọc cánh. Buổi thiết triều hôm đó chẳng có sự hiện diện của Trịnh Kiểm nên không khí khá hòa nhã, thân thiện, vua tôi luận bàn thế sự mà vui vẻ như đêm ba mươi tết.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin