Alternative title

Cẩm nang hướng dẫn Hội nghị Thống nhất chính tả tiếng Việt Kỳ 3

View: 1473 - TK NEWS DIRECT    13/10/2019 08:10:37 am
Cẩm nang hướng dẫn Hội nghị Thống nhất chính tả tiếng Việt Kỳ 3
Cẩm nang hướng dẫn Hội nghị Thống nhất chính tả tiếng Việt Kỳ 3
Sự Cần Thiết Thống Nhất Chính Tả Tiếng Việt
Giáo sư Nguyễn Song Thuận

Kính thưa quý vị quan khách, Kính thưa quý Thầy Cô,

Chữ Việt ngày nay chính là "chữ quốc ngữ" do các nhà truyền giáo Dòng Tên, người Ý (Italia), Pháp (France) và Bồ Đào Nha (Portugal), sang Đại Việt (thời đó còn gọi là An- Nam) học tiếng Việt và giảng đạo Thiên Chúa tại “Đàng trong” (miền Nam) và “Đàng ngoài” (miền Bắc), cách đây hơn ba trăm năm, đã sử dụng "Bảng Chữ Cái La-Tinh" (Abecedarium Latinum) và chữ "y" của "Bảng Chữ Cái" nước Hy Lạp (Greck) mà sáng chế ra.

Việt Nam có "chữ quốc ngữ", cũng ví như có thêm được "mỏ Kim Cương" nữa vậy!

Nhưng, kim cương chỉ nói lên được sự quý giá của vật chất. "Chữ quốc ngữ" (tức chữ Việt) là một "sinh ngữ", còn có nhu cầu:

- Phong phú để thích nghi với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật... văn minh nhân loại.

- Chính xác, rõ ràng và trong sáng, cần thiết cho việc giao dịch quốc tế, ký kết hợp đồng hay dùng cho ngành luật pháp.

- Và quan trong hơn cả là sự thay đổi, "cải cách" theo cách suy nghĩ của các nhà trí thức đương thời, hoặc theo những "quy ước" đã được hợp soạn bởi một số đông thầy cô giáo. Tất nhiên, sự thay đổi này phải "hợp lý", không làm "rào cản" giữa thế hệ con cháu và thế hệ cha ông (con cháu phải đọc được chữ viết của cha ông truyền lại qua sách vở).

Trở lại vấn đề Việt Nam có thêm quặng mỏ kim cương. Chúng ta đều biết, "quặng mỏ" nào cũng thế, dù là quặng mỏ kim cương. Viên "kim cương quặng mỏ" không được trong sáng, lấp lánh, "cao quý và sang trọng" như những viên kim cương bày trong tủ kính các tiệm nữ trang! Tại sao vậy? Vì "Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi (ca dao)... "! Những viên kim cương có được sức "quyến rủ"*, "đẹp đẽ", lấp lánh trong tủ kính, đều phải nhờ đến những tay "thợ khéo, thợ giỏi"... mài giũa, trau chuốt...

Chữ quốc ngữ cũng vậy. Muốn được "trong sáng" và "sang trọng" tựa như những viên kim cương bày trong tủ kính... phải nhờ đến công lao nghiên cứu, tu sửa của những " học giả", những "nhà trí thức" am hiểu và yêu thích "Tiếng Việt". Trong số quý vị này, Linh Mục Francisco de Pina, Linh Mục Gaspar do Amaral và nhất là Linh Mục Alexandre De Rhodes đã bỏ ra rất nhiều công sức soạn bộ Tự Điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), xuất bản năm 1651. Những vị học giả Việt Nam có công "truyền bá" và làm cho chữ quốc ngữ "giữ được địa vị quan trọng" trong văn hoá Việt như ngày nay, phải kể tới quý ông Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907), Trương Vĩnh Ký (1837- 1898), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Quỳnh (1892-1945), Dương Quảng Hàm (1898-1946), Đào Duy Anh (1904 - 1988), Lê Ngọc Trụ (1909- 1979)... Các tổ chức phổ bìến và kiện toàn chữ quốc ngữ như “Tự Lực Văn Đoàn” (1932-1944), Hội Khai Trí Tiến Đức (1019- 1945), “Thi Văn Đoàn”, “Câu Lạc Bộ Văn Hoá”…

Tiếng Việt đang trên đường hoàn chỉnh đã phải chậm lại lại vì chiến tranh 1945-1975 và sau đó dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản đã làm tiếng Việt, nhất là trong Nước trở nên tăm tối, nghèo nàn đôi lúc khó hiểu, ngây ngô. Do đó hơn bao giờ hết, chúng ta phải theo các bước chân của các bậc cha anh chấn chỉnh và đưa tiếng Việt ngày càng phong phú thêm. Đây chính là lý do tại sao Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt Nam Tại Hải Ngoại thành hình và chúng ta hiện diện nơi đây.

Phải có Phương pháp để gọt rũa kim cương, chúng ta cũng phải có Phương pháp để tiếng Việt được “trong sáng”, “sang trọng” và “thực dụng”. Nhóm THTĐVNTHN quan niệm:

- Không đặt vấn đề "đúng, sai" khi viết chữ quốc ngữ, mà chú trọng đến sự "hợp lý" hay không.

- Một số người viết chữ Việt theo thói quen hoặc nói sao viết vậy.

- Chấp nhận “ngôn ngữ nói” có thể khác biệt, nhưng ngôn ngữ viết nên được thống nhất.

- Muốn thống nhất chữ viết chính tả cần có nguyên tắc hay quy luật

- Các Nguyên tắc và quy luật cần theo phương pháp khoa học “so sánh” và “phân biệt” và được “đa số chấp nhận”.

Trong giai đoạn này, đa số mẹo luật chỉ là những "đề nghị" dùng để thảo luận, cốt ý tìm ra một phương thức thống nhất chính tả trong “tinh thần Việt Nam”. Những đề nghị này có thể khác với lý thuyết về ngôn ngữ học, ngữ âm học hay âm vị học. Chúng tôi chỉ áp dụng ngữ âm học cho việc đánh dấu chữ Việt.

Nhóm Thực hiện Từ Điển Việt Nam tại hải ngoại chủ trương: Viết chính tả tiếng Việt theo "ý nghĩa và sự phân biệt", không hoàn toàn chỉ theo "cách phát âm” có tính cách đặc thù địa phương. Chúng tôi "dùng" "Phương pháp so sánh và phân biệt" (Hai chữ viết khác nhau - ngoại trừ tiếng địa phương - phân biệt nghĩa khác nhau) để viết chính tả tiếng

Việt (thí dụ "mày" khác "mầy", "bảy" khác "bẩy"... ngoại trừ tiếng địa phương như ngô/bắp, lợn/heo, quả/trái...). Đây là một "phương pháp khoa học thực nghiệm", có thể thử nghiệm lại để biết xem có "hợp lý" và "nhất quán" hay không. Phân biệt được những chữ "phát âm" gần giống nhau nhưng viết lẫn lộn, chúng ta đã "làm giàu" thêm Tiếng Việt và làm cho Tiếng Việt được trong sáng.

Chúng tôi mạo muội đưa ra những đề nghị đề cùng thảo luận tìm sự đồng thuận của đa số. Những đề nghị gồm:

5 Quy Ước:

Quy ước 1: CÁCH PHÁT ÂM VÀ ĐÁNH VẦN

Quy ước 2: CÁC DẤU TRONG TIẾNG VIỆT

Quy ước 3: CÁC VIẾT HOA VÀ PHIÊN ÂM TÊN NGƯỜI

Quy ước 4: CÁCH VIẾT I HAY Y

Quy ước 5: VỊ TRÍ CÁC DẤU CÂU

Luật Biến Âm và các mẹo luật khác như:

a- Mẹo đội nón
b- Mẹo dùng sức
c- Mẹo Hỏi, Ngã
d- Phân biệt những chữ có âm gần giống nhau

Để không mất thì giờ quý báu của quý vị, chúng tôi nhường phần trình bày cho các diễn giả, và kính gửi đến quý vị tập tài liệu liên quan đến những mẹo luật nêu trên kèm với Cẩm Nang của Hội nghị.

Chúng ta cùng quan niệm rằng: Nước Việt Nam là của chung cho 90 triệu đồng bào sinh sống trong và ngoài nước, không phải của riêng một tổ chức hay đảng phái nào. Cũng vậy, tiếng Việt là tiếng nói của người Việt, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, miền Thượng hay miền Xuôi, trong hoặc ngoài nước.

Hiện nay tiếng Việt được ký hiệu bằng chữ viết – chữ quốc ngữ – là chữ viết chính thức của 90 triệu đồng bào Việt Nam. Tiếng Việt là một sinh ngữ, có nhu cầu "phong phú" để thích nghi với trình đô văn minh của loài người, có nhu cầu "rõ ràng trong sáng" để thích nghi với sự giao dịch quốc tế và ngành pháp luật. Quan trọng nhất là tiếng Việt phải có nhu cầu thay đổi, "cải cách", nhưng không làm "rào cản" khiến hâu sinh không đọc được sách vở của tiền nhân để lại. Như vậy, Tiếng Việt theo thời gian, sẽ tự nhiên phát sinh tiếng mới, có tiến triển và nếu tiếng nào "quá cổ", sẽ không được ai dùng nữa. “Nói sao cho mọi người cùng hiểu, viết sao cho những thế hệ "lớp sau" lãnh hội được ý tưởng trong sáng của những người "lớp trước”. Đó chính là mục đích của một “bản quy luật" viết chữ quốc ngữ. Bản quy luật này xưa kia theo chế độ quân chủ độc tôn, do một "Viện Hàn Lâm" về ngôn ngữ quyết định. Ngày nay, bản quy luật này sẽ do một "Ủy Ban Tu Thư" về "Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt" quyết định. Uỷ Ban này sẽ nhóm họp, mỗi năm ít nhất một lần, để "sửa chữa" hoặc "giải thích những từ ngữ cổ ít dùng" và "thêm vào" những chữ mới thực dụng. Mục đích của thầy cô giáo và những ai quan tâm tới tiếng Việt là gì, nếu không phải là muốn điều chỉnh những câu văn nghe chướng tai, những chữ viết làm gai mắt?

Hôm nay chúng ta cùng hội họp nơi đây, đã khởi đầu viết một trang sử mới về ngôn ngữ, về chữ Việt. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta không còn “ngồi yên mà nguyền rủa bóng đêm!”. Chúng ta đã đồng lòng thắp lên một ngọn nến! Ánh sáng của ngọn nến dù chưa đủ sáng, nhưng cũng soi rõ được những khuôn mặt rạng ngời về tình yêu quê hương dân tộc, yêu tiếng mẹ ru hời từ thuở nằm nôi… yêu hai chữ Việt Nam…!

Trân trọng

Nguyễn Song Thuận

Quý vị có thể xem và tải về toàn văn bản Cẩm Nang Hướng dẫn Hội nghị Thống nhất Chính tả Tiếng Việt ở dạng file PDF dưới đây:









Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin