Tường Trình Về Chuyến Đi Chữa Bệnh Của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang
View: 4342 - Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ 28/04/2020 02:04:29 pm Kính gởi : Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Ðạo GHPGVNTN tại Thanh Minh Thiền Viện - TP/ Hồ Chí Minh; Kính bạch Hòa Thương. Ðầu tháng 01/2003, khối u trên má phải của Ðại lão Hòa Thượng xử lý viện Tăng Thống GHPGVNTN bỗng mỗi ngày một lớn dần. Vì đang trong tình trạng bị quản thúc nên Hòa Thượng lờ đi.Nhưng đến cuối tháng 01 đầu tháng 02/2003, khối u vẫn tiếp tục lớn lên, lại có tình trạng đỏ ửng, đau nhức ; do vậy, ngày 14/02/2003 Hòa Thượng đã được đưa đi khám ở bệnh viện Quảng Ngãi.
Sau khi khám, bệnh viện Quảng Ngãi cho biết sẽ đưa Hòa Thượng vào Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Trong khi chờ đợi, Hòa Thượng đã chữa thuốc Nam ; không có hiệu quả. Ba ngày sau, được biết bệnh viện sẽ chuyển Hòa Thượng lên tuyến trên để điều trị, tức đi Hà Nội.
Sáng ngày 04/03/2003, Hòa Thượng được đưa đến chùa Quang Minh, Ðà Nẵng, chờ tàu. Tại đây, chư Tăng Thừa Thiên - Huế, gồm có Hòa Thượng Thích Như Ðạt, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh cùng nhiều vị Thượng tọa đã có mặt để tiễn chân. Ðến 13 giờ, Hòa Thượng rời chùa, ra ga.
Trước đó, ngày 03/03/2003, con đang nhập thất, nhận được giấy của thị giả đưa vào. Ghi rằng "Hòa Thượng từ Quảng Ngãi cần nói chuyện điện thoại với Thầy". Sau khi nối dây điện thoại xong, Hòa Thượng gọi vào, nói rằng "Tôi đi Hà Nội, thầy đi với tôi nghe".
Con thưa :
- Dạ ôn kêu thì con đi.
Hòa Thượng dạy "Ôn kêu thì đi nha, nhưng Thầy đi với tư cách Tổng Thư Ký Viện Hoá Ðạo chứ không chỉ là thị giả đâu nghe".
Con đến Hà Nội trong ngày mồng 4.
Ðến sáng ngày 05/03/2003, Hòa thượng mới đến Hà Nội. Ngài được đến khách sạn Cây Xoài đường Lê Duẩn - Hà Nội.
Khoảng 7 giờ sáng, con đến hầu Hòa Thượng, 9 giờ Hòa Thượng được đưa đến bệnh viện K.
Sau khi lập xong thủ tục nhập viện, Hòa thượng được bố trí cho một phòng riêng, tuy không tiện nghi cho lắm. Bác sĩ đến khám. Bác sĩ giám đốc bệnh viện đến thăm ; ông nói, bệnh viện xuống cấp, đang sửa chữa nên không được tiện nghi, hơi ồn ào ; nhưng đây là phòng tốt nhất. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật đến khám, rồi nói đợi hội chẩn xong sáng mai có thể tiến hành ca mổ.
Ngày 6/03/2003, lúc 9 giờ sáng, Hòa Thượng được giải phẫu. Thời gian giải phẫu khoảng 30 phút. Xong xuôi, Hòa thượng được đưa về phòng điều trị. Tình trạng sức khỏe của Hòa Thượng sau khi mổ, vẫn khỏe khoắn bình thường. Ðến chiều, lúc 15 giờ, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ Tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam đến thăm. Ông nói : "Sau khi bình phục xin mời Hòa Thượng đến thăm Mặt trận".
Hòa thượng nói, Ngài nhận lời với điều kiện là Chính phủ phải trả lời cho rằng, GHPGVNTN có tội gì với đất nước mà bị cấm hoạt động ? Ông Phạm Thế Duyệt nói, mời Hòa Thượng đến rồi sẽ bàn.
Ngày 7/03/2003, Hòa Thượng Thanh Tứ và các Thượng Tọa ở chùa Quán Sứ, đại diện Hội Ðồng trị sự trung ương GHPGVN, tại Hà Nội đến thăm. Trước khi ra về, Hòa thượng Thanh Tứ mời Ðại Lão Hòa Thượng, sau khi xuất viện, đến chùa Quán Sứ nghỉ ngơi.
Ðại Lão Hòa thượng được bác sĩ, y tá bệnh viện chăm sóc thuốc men trong các ngày kế tiếp. Bác sĩ cho biết đến ngày thứ tư, 12/03/2003 sẽ cắt chỉ. Khoảng ngày thứ 6 sau phẫu thuật, không còn thấy bác sĩ y tá chăm sóc y tế cho Hòa Thượng ; coi như vết mổ đã lành. Nhưng đến thứ tư, 12/03/2003, bác sĩ lại cho biết ngày thứ năm 13/03/2003 mới cắt chỉ cho an toàn.
Chiều thứ tư 12/03, lúc 15 giờ, con xin phép Hòa Thượng về chùa nghỉ. Trên đường về nhận được điện thoại của thị giả báo cho biết có Ðại diện phái đoàn Ủy Hội Châu Âu (EUROPEAN UNION, DELEGATION OF THE EUROPEAN COMMISSION TO VIETNAM) tại Việt Nam, đến thăm Hòa Thượng. Con liền quay lại bệnh viện. Khi lên phòng, con đã thấy hai vị đại diện đang nói chuyện với Hòa thượng. Sau khi giới thiệu, con được biết đó là các ông MARIZIO CALDARONE, Bí thư thứ nhất, Trưởng phân ban chính trị - kinh tế - thương mại ; và ông JORDI CARRASCO - MUNOZ, cố vấn kinh tế.
Quý vị tiếp tục nói chuyện được chừng 5 phút nữa, thì cô y tá vào yêu cầu tất cả ra ngoài để cô chích thuốc. Thông dịch viên đề nghị để phái đoàn nói chuyện xong. Cô y tá đi ra. Lát sau lại trở vào, thị giả yêu cầu cô ra ngoài đợi. Lát sau, một bác sĩ có mang bảng tên bước vào, nói để cho bà làm nhiệm vụ. Thị giả cũng yêu cầu để Hòa thượng tiếp khách một lúc. Bà bước ra. Ngay sau đó, một người khoác áo bác sĩ, không có bảng tên, chen vào, kéo các vị kia ra.
Con đưa hai vị đại diện xuống lầu. Ở chỗ khuất, họ đề nghị ngày mai sẽ đến bệnh viện đón con đến trụ sở của Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam của họ để trao đổi. Sau vài phút, có ông WATSON, bí thư thứ hai tòa Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội đến thăm Hòa thượng. Phòng điều hành trả lời không có Hòa Thượng ở đây ; vị này gặp một tu sĩ tại sân bệnh viện ; hỏi thăm. Tu sĩ này báo tin cho con hay, con đã xuống sân đưa ông lên thăm Hòa thượng. Sau khi chào hỏi được vài phút, có cô y tá vào đề nghị khách đi về để cô làm nhiệm vụ. Ông Bí thư yêu cầu để Ông nói chuyện với Hòa thượng. Cô đi ra. Bên ngoài phòng có nhiều y tá và bác sĩ, có bảng tên và không có bảng tên, đòi vào phòng để mời vị khách ra về. Hai vị thị giả đã tìm mọi cách cản họ. Hòa thượng tiếp ông Bí thư khoảng 30 phút. Ông bí thư nói : "Chính phủ Mỹ hy vọng trong một ngày rất gần Hòa thượng được trả tự do để có thể đi lại Sài Gòn thoải mái. Chính phủ Mỹ cũng hy vọng trong một ngày rất gần GHPGVNTN được sinh hoạt bình thường trở lại".
Ngày hôm sau, thứ năm, 13/03/2003 khoảng 9 giờ 20, hai ông JORDI CARRASCO - MUNOZ và MAURIZIO CALDARONE đã thân hành đi taxi đến đón con tại cổng bệnh viện và đưa về trụ sở Liên hiệp Châu Âu số 56 Lý Thái Tổ Hà Nội.
Tại đây, con được mời vào hội trường và được giới thiệu với các vị đại diện sau đây :
- Frédéric Baron, Ðại sứ, Trưởng phái đoàn - Martin Allgaeuer, Bí thư thứ nhất, Lãnh sự Ðại sứ quán Áo - Jonathan Dunn, Bí thư thứ hai Ðại sứ quán Anh - Giovanni Favilli, Bí thư thứ hai Ðại sứ quán Ý - Irene Knoben, Bí thư thứ hai Ðại sứ quán Vương Quốc Hà Lan - Helena Sangeland, Tham tán Ðại sứ quán Thuỵ Ðiển - Michèle Sauteraud, Tham tán thứ nhất Ðại sứ quán Pháp - Merja Sundberg, Tham tán Ðại sứ quán Phần Lan
Sau khi an tọa, ông Maurizio Caldarone báo cáo việc đi thăm Hòa thựơng ngày hôm qua, bị cản trở bởi nhân viên bệnh viện, không cho nói chuyện. Hôm nay ông có mời Thượng tọa Tuệ Sỹ, Tổng thư ký G.H.P.G.V.N.T.N đến để thuyết minh về tình hình Phật giáo Việt Nam. Tiếp đó, ông Ðại sứ Frédéric Baron, trưởng đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam, tuyên bố : "Ðây là lần đầu tiên đại diện Liên hiệp Châu Âu tại Hà Nội, chính thức có cuộc họp với đại diện G.H.P.G.V.N.T.N, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Tổng thư ký Viện Hoá Ðạo".
Rồi ông nhường lời cho con. Con trình bày 4 điểm chính sau đây :
1.- Những thiệt hại về mặt văn hóa-xã hội mà P.G.V.N tại miền Bắc đã phải gánh chịu từ năm 1945 - 1975. Những thiệt hại to lớn ấy vẫn tiếp tục ảnh hưởng tại miền Nam từ 1975 - 1984.
2.- Từ năm 1982, với mục đích sử dụng Phật giáo như một công cụ để bảo vệ Ðảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ức chế mọi hoạt động của G.H.P.G.V.N.T.N và thành lập Hội phật giáo mới, liệt vào một trong các thành viên của Mặt trận tổ quốc. Chúng tôi coi đó là một tổ chức chính trị, không phải là tổ chức Phật giáo. Phật giáo Việt Nam cần có một tổ chức thuần túy để hướng dẫn tăng ni phật tử sống và tu tập đúng theo giáo lý của đức phật, không bị chỉ đạo bởi bất cứ đảng phái chính trị nào. Hẳn quý vị đã biết, tại Châu Âu, khi Nhà nước và tôn giáo kết hợp lại với nhau thì nhân dân phải chịu vô vàn thống khổ.
3.- Qua trường hợp của Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, chứng tỏ Nhà nước hành xử tùy tiện, không dựa trên một nền tảng pháp luật nào. Ðiều này đã xúc phạm phẩm giá con người. Theo truyền thống của chúng tôi, người dân không bao giờ nói xấu chính phủ của mình với nước ngoài. Trong tinh thần dân tộc tự quyết, chúng tôi không yêu cầu nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước chúng tôi. Nhưng ở đây, khi phẩm giá con người bị xúc phạm thì không phải là vấn đề cá nhân hay nội bộ của một đất nước, mà là vấn đề chung của nhân loại ; mọi dân tộc trên thế giới đều có bổn phận phải bảo vệ.
4.- Ðể Phật giáo có thể nói lên tiếng nói trung thực, chúng tôi cần có tự do ngôn luận để giải thích những ngộ nhận và xuyên tạc đối với giáo lý của đạo Phật. Giáo lý Phật giáo không phải là một công cụ văn hóa để giải thích chủ nghĩa Marx.
Buổi họp kết thúc lúc 12 giờ trưa.
Sau đó, hai ông Maurizio Caldarone và Jordi Carrasco - Munoz đã đề nghị con đưa họ đến thăm Hòa thượng tại bệnh viện. Ðến đây mới biết Hòa thượng đã về chùa Phụng Thánh. Con dẫn họ về Phụng Thánh và được Hòa thượng tiếp ở phòng khách của chùa.
Vị đại diện báo cáo với Hòa thượng, sáng nay, phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam đã có buổi họp với thượng toạ Tổng thư ký Viện Hoá Ðạo G.H.P.G.V.N.T.N ở trụ sở của Liên hiệp. Ông nói tiếp, Liên hiệp Châu Âu luôn luôn quan tâm đến tình trạng của G.H.P.G.V.N.T.N và trường hợp của Hòa thượng. Liên hiệp Châu Âu đã và đang làm hết sức mình để giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được sinh hoạt bình thường. Hôm nay, may mắn không bị cản trở bởi nhân viên y tế nên được nói chuyện thân mật với Hòa thượng, mong được tiếp tục chuyện dở dang hôm qua. Hòa Thượng cảm ơn Liên Hiệp Châu Âu đã tận tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong lúc đất nước chúng tôi đang nghèo khó, và Hòa Thượng đã trình bày những khó khăn mà Phật giáo Việt Nam đã trải qua gần 30 năm nay, và tình trạng giam giữ không lý do đối với chính Hòa Thượng trong 22 năm nay.
Buổi tiếp kết thúc lúc 13h30.
Ngày 12/03/2003, khoảng 10 giờ tối, Hòa Thượng Huyền Quang đã gọi điện thoại vào Huế yêu cầu Hòa Thượng Thiện Hạnh ra Hà Nội gấp.
Chiều 13/03/2003 Hòa thượng Thiện Hạnh cùng Thượng tọa Phước Viên đến Hà Nội lúc 15h30.
Tối đó tại chùa Kim Liên, đại lão Hòa Thượng đã chỉ định các vị sau đây, ngày mai hầu Hòa thượng đi đến Mặt trận : Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ, Thượng tọa Thích Phước Viên.
Về nội dung để nói trong buổi gặp có 3 điểm :
1. Vấn đề pháp lý về việc giam giữ và trả tự do của Hòa thượng Huyền Quang. 2. Vấn đề pháp lý về việc xử lý án phạt phụ đối với Hòa thượng Quảng Ðộ. 3. Vấn đề pháp lý về sự tồn tại và hoạt động của GHPGVNTN ; phục hoạt G.H.P.G.V.N.T.N ; và một quy chế của Phật giáo, trong đó, Phật giáo không phải thành viên của Mặt trận.
Sáng ngày 14/03/2003, theo dự định thì lúc 9 giờ Hòa thượng được đưa sang thăm Mặt trận. Nhưng khi gần 9 giờ, từ chùa Quán Sứ báo cho biết, Mặt trận chưa biết tin Hòa thượng sang thăm.
Hòa thượng cho thị giả liên hệ, được biết Mặt trận sẽ tiếp Hòa Thượng, nhưng ngay lúc nầy thì chuẩn bị không kịp vì ông chủ tịch đi viện khám bệnh chưa về. Khoảng 9 giờ 30 phút, có điện nói là từ Mặt trận gọi cho biết, ông chủ tịch đã về, đang chờ tiếp Hòa thượng.
Hòa thượng trả lời, bây giờ đã hết giờ đi thăm.
Ðến 2 giờ chiều, cô cán bộ Mặt trận đến chùa Kim Liên nói, ông Chủ tịch bảo đến mời Hòa thượng sang thăm ; ông đang đợi. Xe đưa Hòa thượng đi. Trong khi gặp ông chủ tịch Mặt trận, Hòa thượng đã nêu những vấn đề mà Chính phủ đã đối xử với Phật giáo trong 30 năm qua. Ông chủ tịch hứa sẽ trình lên cấp trên để giải quyết. Chương trình những ngày tới, mọi việc sẽ được tiếp tục sau khi Hòa Thượng đi thăm Chính Phủ. Việc đi lại, Mặt Trận đã cho một chiếc xe túc trực đưa đón đại Lão Hòa Thượng.
P/L-2546 Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2003".