Hoa cải vàng bên sông Ni-liên, Ấn Độ
View: 1539 - Thích Nữ Giới Hương 28/12/2017 03:12:44 amBồ-đề-đạo-tràng, nơi nổi tiếng với Tháp Đại Giác – Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền giác ngộ, dọc bên bờ kia sông Ni-liên vào những ngày đầu mưa xuân, cuối đông tháng 12 cũng là mùa hoa cải vàng rực nở khắp cánh đồng.
Vào mùa bội thu hoa này rất nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức tại đây, nhiều nhà làm phim đến lấy cảnh, dân làng tập trung hái cắt hoa ép làm dầu ăn hay mù tạt (chất xanh xanh cay như ớt)…và nhảy múa mừng mùa gặt hái, du khách dừng chân tham quan, ngắm hoa và ghi hình lưu niệm. Chỉ sắc vàng hoa óng ả cũng đã điểm trang cho dân làng một sắc thái mới, huống nữa là hoa đã đem về nguồn lợi nhuận sinh sống cho dân, cho nên hoa là niềm vui, niềm khát khao, hy vọng, hạnh phúc và hữu ích vô giá cho người.
Theo Tự điển Bách Khoa Wiki, tên khoa học của cải dầu là Brassica napus, một loài thực vật có hoa trong họ Cải. Loài này được trồng chủ yếu để thu hạt lấy dầu, đây là nguồn dầu thực vật lớn thứ 3 trên thế giới. Dầu cải được dùng làm nhiên liệu diesel, hoặc làm Diesel sinh học, dùng trong hệ thống sưởi, hoặc pha với dầu hỏa chưng cất để chạy động cơ mô tô. Dầu cải được xem là nguồn sản xuất diesel sinh học ưa chuộng khắp châu Âu, chúng chiếm khoảng 80% nguyên liệu, một phần là do hạt cải dầu sản xuất ra dầu nhiều hơn trên một đơn vị diện tích đất so với nguồn dầu khác, chẳng hạn như đậu nành, nhưng chủ yếu là do dầu canola có điểm Gel thấp hơn đáng kể so với hầu hết các loại dầu thực vật khác. Ước tính có khoảng 66% tổng nguồn cung dầu hạt cải trong Liên minh châu Âu dự kiến sẽ được sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học trong năm 2010-2011. Brassica napus hiện được đồng với một hàm lượng phân chứa nitơ cao, và việc sản xuất lượng phân N2O có khả năng sinh ra một lượng khí nhà kính gấp 296 lần khả năng gây ấm lên toàn cầu của CO2. Ước tính có 3-5% nitơ đã dùng làm phân bón cho Brassica napus được chuyển thành N2O.
Trung Quốc, Ấn độ và Châu Âu là các nước trồng cải dầu từ rất lâu đời và hiện vẫn đang là các nước có diện tích trồng cải dầu lớn nhất khu vực vì diện tích đất đai rộng. Ở Việt Nam, hạt cải được thu mua với giá 15.000 đồng/kg để làm nguyên liệu sản xuất dầu ăn, mù tạt. Sắc hoa nở rộ duy trì được khoảng 3 tuần, nên du khách hay tranh thủ chụp để có những bức tranh vô giá tràn trề sức sống này... Vào mùa này, tại núi Sapa, Hà Bắc, Thái Bình Đắc Lắc (Việt Nam); Vân Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây, Trùng Khánh, Quý Châu (Trung Quốc), Bồ Đề Đạo Tràng, Gaya, Alahabad, Balanai, Kolkata (Ấn độ) và nhiều đồng quê hay dọc đường cao tốc của Berlin, Đức, Pháp, Ý, Anh Quốc… nơi trồng bạt ngàn những cánh đồng hoa cải vàng đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Hoa cải đã đóng góp lớn cho nền văn chương, thơ ca và âm nhạc. Nhiều nhà thơ và nhạc sĩ đã lấy thảm hoa cải dầu vàng rực là cảm hứng sáng tác thơ nhạc.
Tháng mùa này, hoa cải trôi sông
Triền đê đã nhuộm vàng, yêu biết mấy
Gió cuối đông, lùa ngang ai có thấy
Cải vàng bay khắp muôn lối đi về?
Màu vàng kia để ai mãi si mê
Thả hồn mình theo ngàn hương, gió nội
Lòng bâng khuâng cho bước chân thật vội
Giang cánh tay, đón hoa cải – mùa về...
(Đăng Hồng)
Nhiều hãng phim lớn của Bollywood cũng lấy cảnh vườn hoa cải vàng rực làm nền cho phim của mình như phim Dilwale Dulhania Leyayenye (1995) do hai diễn viên bậc A của Ấn độ đóng là nữ diễn viên Kajol và nam diễn viên Shah Rukh Khan.
Dưới ánh nắng của mặt trời, những khói bếp quyện trên mái nhà lá, đàn trâu thanh bình gặm cỏ, giữa bạt ngàn hoa cải vàng rực đong đưa lên xuống theo từng đợt gió, đỉnh tháp Đại giác – nơi Đức Thế Tôn giác ngộ ẩn hiện xa xa nổi bật uy nghiêm tôn kính. Thật là bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Năm nay, thật hy hữu đủ duyên chiêm ngưỡng hoa cải vàng bên sông Ni Liên:
Hoa cải dầu bên sông Ni Liên
Nở vàng sáng điểm tô đài Giác ngộ.
Viết tại cánh đồng cải vàng, Bồ đề đạo tràng, Ấn độ