Alternative title

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI- KỲ 22: CHỮ HIẾU

View: 2163 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng    24/08/2023 08:08:36 am
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI- KỲ 22: CHỮ HIẾU
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI- KỲ 22: CHỮ HIẾU

Trong Hán ngữ tượng hình thì chữ Hiếu [孝] được ghép từ chữ lão (老 = cha mẹ già) ở trên và chữ tử (子 = con cái) ở dưới, như vậy thì ý nghĩa của chữ hiếu cho ta thấy vai trò của con cái phải đỡ đần, gánh vác hay phụng dưỡng cha mẹ già.

Trong Phật Giáo thì “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, muốn chứng quả đồng với chư Phật thì việc làm đầu tiên là phải lo hiếu dưỡng song thân”; truyện Lục Vân Tiên thì: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thì tiết hạnh là câu trau mình”, trong đó, tư tưởng hiếu hạnh là một trong những phạm trù quan trọng thuộc đạo đức, giúp con người biết cách hiếu thảo cha mẹ, hàn gắn sự rạn nứt giữa cha mẹ với con cái, và làm cho mái ấm gia đình ngày càng được hạnh phúc hơn. Hiếu đạo chính là tinh thần lễ kính, tri ân và báo ân. Nhờ biết được công ơn của cha mẹ và tất cả mọi loài chung quanh cho ta cuộc sống nên mới phát khởi sự báo ân. Trong bất kỳ thời đại nào, con người đều không thể tồn tại độc lập, sống xa lìa quần thể mà phải nương tựa và chịu ân nhau. Từ sự gắn kết như thế, con người nên biết đền đáp công ơn lẫn nhau, để chung tay xây dựng một xã hội hài hòa, thương yêu, tôn kính, thể hiện qua tư tưởng và hành động hiếu thảo của kẻ dưới đối với bậc trên. Theo nghĩa thông thường thì hiếu đạo là phụng dưỡng, cung kính cha mẹ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Tuy nhiên ở một góc độ rộng lớn, người thực hành hiếu đạo không những hiếu dưỡng với cha mẹ mình mà còn mở rộng sự hiếu dưỡng với cha mẹ người trong thiên hạ; hiếu dưỡng với tổ quốc sơn hà, làm ích quốc lợi dân… đều là cách thù ân báo hiếu.

* Trong dòng lịch sử dân tộc Việt nam, chúng ta học được gương Hiếu của một anh hùng dân tộc thời đại nước nhà bị quân Minh đô hộ, một nhân vật danh tiếng trong lịch sử và văn hoá Việt Nam, chính là Nguyễn Trãi (1380 - 1442) một con người khí phách được sắp vào hàng tinh hoa của dân tộc, một văn nhân uyên bác, một thi sĩ hào hùng với những tuyệt tác " Úc Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Gia huấn ca và còn nhiều tác phẩm thất truyền khác"

* Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần năm 1400 thì vài năm sau xảy ra cuộc chiến tranh với Chiêm Thành phía nam, triều Minh bên Tàu nhân danh đồng minh của Chiêm Thành tiến chiếm Đại Việt , bắt các hoàng tử con của Hồ Quý Ly cùng triều thần trong đó có thân phụ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi đi theo cha để giữ tròn đạo Hiếu. Đến biên thùy là Ải Nam Quan, Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách “Rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, mới là hiếu thảo!” Nguyễn Trãi vâng lời cha, trở về tham gia một cách nhiệt tình phong trào Khởi nghĩa Lam Sơn, thu phục nhân tâm, đồng cam cộng khổ với Lê Lợi và nghĩa quân để đi đến chiến thắng, đuổi cổ giặc Minh ra khỏi bờ cõi, viết lên hịch "Bình Ngô Đại Cáo" trở thành áng văn bất hủ, bản anh hùng ca trong lời Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Còn nhớ là năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Liên Hiệp Quốc công nhận ngài là danh nhân văn hóa thế giới. Con dân Việt Nam một lần nữa tự hào rằng: Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, văn võ toàn tài, người đã chấm phá một mốc lịch sử quan trọng trên con đường văn học và chính trị của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ thứ 15. Như vậy nghe lời cha chính là hiếu đạo.

* Trường hợp của đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cũng nghe lời cha dặn nhưng nếu vâng lời cha thì Đại Việt ngày xưa hay Việt Nam ngày nay liệu có còn trên bản đồ thế giới? Đức Thánh Trần là một nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Làm tướng, ông biết dẹp bỏ “thù nhà” dốc lòng báo đền “nợ nước” góp công lớn ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Ngài còn là tác giả của hai bộ binh thư và đặc biệt bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân lập đền thờ ông ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.

* Cha của Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu hay còn gọi là An Sinh vương, con trưởng của Trần Thừa và là đại ca của Trần Thái Tông Trần Cảnh, vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Trần.

* Sự kiện năm Đinh Dậu (1237), khi vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên Công chúa đang mang thai bị ép đem vào cung và trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông là em ruột mình. Vụ việc này khiến Trần Liễu phát sinh biến loạn tại sông Cái, và mối hận này mà Trần Liễu trước khi chết căn dặn con trai Trần Quốc Tuấn phải rửa mối nhục cho cha. Tại sao có chuyện này xảy ra? Trong thời đại bấy giờ đất nước đói kém, loạn ly. Trần Thủ Độ, một tôn thất tài giỏi đã xếp đặt bày mưu giữ cho thế nước chông chênh thành bền vững. Dù là vua nhưng Trần Cảnh mới 11 tuổi, vợ là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của dòng họ Lý lại chưa có con. Vì nhường ngôi cho chồng nên trăm họ và tôn thất nhà Lý dị nghị nhà Trần cướp ngôi. Trần Thủ Độ rất lo lắng. Bấy giờ Trần Liễu, anh ruột vua Trần Cảnh lấy công chúa Thuận Thiên, chị gái Lý Chiêu Hoàng đang có mang. Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh để chắc có một đứa con nối nghiệp đế vương. Mối sầu hận của Trần Liễu sâu nặng nên quyết tâm kén thầy giỏi dạy cho con trai mình thành bậc văn võ toàn tài, ký thác vào con mối thù mất vợ. Người con trai ấy chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

*

* Danh tướng Trần Quốc Tuấn là một bậc “cột đá chống trời”. Ông đã soạn hai bộ: “Binh thư yếu lược”, và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để dạy bảo các tướng cách cầm quân đánh giặc. Trần Khánh Dư, một tướng giỏi cùng thời đã hết lời ca ngợi. Khi giặc lộ rõ ý định gây hấn, Trần Quốc Tuấn truyền lệnh cho các tướng, răn dạy chỉ bảo lẽ thắng bại tiến lui. Bản Hịch tướng sĩ viết bằng giọng văn thống thiết hùng hồn, mang tầm tư tưởng của một bậc “đại anh hùng mưu sĩ”, Trần Quốc Tuấn là một danh tướng có đủ tài đức. Là tướng soái, ông thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân con đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng chí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu. Là tướng dũng, ông sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, lập công, cho nên trận Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời là đại công của ông. Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính biết theo ông thì sẽ được gì, trái lời ông thì sẽ bị gì. Cho nên cả ba lần đánh giặc Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đều lập công lớn.

* Suốt cuộc đời hy sinh cho đất nước, không quên lời cha dặn nhưng chưa lần nào dám nghĩ đến chuyện gia đình cao hơn tổ quốc. Thà không thực hiện lời cha để cho Đại Việt được muôn đời vĩnh cữu, còn hơn theo thói suy nghĩ tầm thường, dù có cướp ngôi vua, rửa hận cho cha thì tiếng xấu ngàn đời không nước nào rửa sạch. Như vậy không nghe lời cha để hành động sai trái đối với giang sơn tổ quốc thì đây cũng là một tấm lòng chí hiếu, chí thiện. Trong sách Trung Dung có câu chuyện về Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Con vâng lệnh cha, có phải là hiếu không? Thần tử nghe lệnh của quân vương, có phải là trung không?”. Khổng Tử trả lời rằng: “Đối với lỗi lầm của phụ thân, nhất định cần khuyên can, khuyên mà không nghe thì cũng không thể phục tùng, bởi vì như thế sẽ hãm phụ thân vào chỗ bất nghĩa”. Mù quáng tuân theo mệnh lệnh sai lầm của cha thì cũng không phải là người con thực sự có hiếu.

* Chữ Hiếu bày tỏ sự khác biệt tùy theo hoàn cảnh và nhân vật thể hiện, cho nên chữ hiếu không đóng khung trong tình nghĩa cha mẹ và con cái mà còn mở rộng trong phạm vi nhân sinh với tổ quốc. Đặc trưng của hiếu đạo theo truyền thống dân tộc là gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội của từng gia đình, do vậy nó không có một tiêu chuẩn đặc biệt so với nhiều phạm trù khác. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hiếu đạo được thực hiện khác nhau ở từng hoàn cảnh chủ thể, từng vùng và từng thời đại lịch sử khác nhau. Điều này phản ánh tính đa dạng trong nhận thức về chữ Hiếu của các cộng đồng dân tộc theo quan niệm Đông hay Tây phương. Tại sao điều này đặt ra là vì trong công trình nghiên cứu về nhân chủng học thì nhà khoa học xã hội Ấn độ K. Ramanujan [2006] đã từng nhận định sự khác biệt giữa gia đình phương Đông và phương Tây như sau: Ở phương Tây, dòng đời gia đình đứng thẳng, gốc cây là nền tảng gia đình như ông bà, cha mẹ, ngọn cây là con cái, luôn vươn mình lên tầm cao mới của thời đại. Trong khi đó, gia đình phương Đông theo kiểu hoàn toàn ngược lại, gốc và rễ bên trên, ngọn trút xuống, con cái luôn nấp dưới cái bóng của ông bà, cha mẹ. Từ sự khác biệt này, chúng ta dễ thấy tính đa dạng của quan niệm về chữ Hiếu giữa các dân tộc trên thế giới. Ngay cả những quốc gia Á châu cũng đã có những quan niệm khác nhau chẳng hạn người Việt Nam thường trọng Ân & Nghĩa; người Tàu trọng sự Trung & Hiếu; người Hàn Quốc trọng Thuận & Kính, hoặc người Nhật Bản thường trọng việc Trung & Dũng. Sự khác biệt này cũng dễ hiểu bởi quan niệm chữ Hiếu thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố như môi trường tự nhiên và xã hội đặc thù cũng như tôn giáo tín ngưỡng.

* Truyền thống hiếu đạo ở nước ta có lẽ xuất hiện rất xa xưa trước thời đại Văn Lang, Âu Lạc khi xã hội chuyển dần từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, cấu trúc gia đình dần dần hoàn thiện, các quan niệm luân lý, đạo đức được củng cố, thẩm thấu qua các truyền thuyết, thần thoại như sự tích Bánh dày và bánh chưng khi Lang Liêu và các hoàng tử chúc thọ vua Hùng vương, sự tích Quả dưa hấu lúc Mai An Tiêm biết mình bị vu oan song vẫn tuân mệnh vua đi đày vì đạo Hiếu, truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh khi công chúa Mỵ Nương tuân theo sự sắp xếp của vua cha; hay chuyện nàng Mỵ Châu chỉ điểm cái nõ thần cho Trọng Thủy khiến An Dương Vương tức giận giết Mỵ Châu vì bất hiếu, bất trung v.v.. , tất cả những điều trên đều phản ánh một sự hoài niệm nào đó của lịch sử và xã hội trước đây.

* Chữ Hiếu cũng bắt nguồn bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Khi Phật giáo truyền sang nước ta thì lễ Vu lan rằm tháng bảy được chú trọng hơn và dung hợp với tín ngưỡng nhân gian lâu đời thành một đại lễ quan trọng trong ngày rằm tháng bảy Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, do đó hành động Hiếu hạnh bắt nguồn rất tự nhiên từ thực tiễn đời sống canh nông, mang tính trật tự tôn ti, chịu ảnh hưởng phương thức định cư kiểu làng xã có tổ chức chặt chẽ trong xã hội sản xuất nông nghiệp lúa nước. Sự thể hiện tính dung hòa với niềm tin tâm linh vốn rất phong phú ở Việt Nam khiến chữ Hiếu thành nền tảng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đây chính là lãnh vực nổi bật trong hệ thống giá trị văn hóa, biểu tượng những cái hay, cái đẹp, những cái đáng được trân trọng làm nền tảng căn bản cho hành vi, cử chỉ, và lối sống của con người văn minh.

* Ở hải ngoại khi mùa Vu lan báo hiếu tới, chúng ta được gắn hoa hồng để biểu tượng lòng tri ơn đến cha mẹ từng cho ta thân mạng này, vì vậy phục hồi và khai triển những giá trị tốt đẹp của chữ hiếu qua mùa Vu lan là một việc làm hữu ích và cần thiết cho sự sống còn của văn hóa Việt cũng như sự trường tồn của dân tộc hiếu hòa. Đối với người con, người cháu bình thường thì “hiếu” là bổn phận chính yếu của con cái săn sóc, chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Khi cha mẹ đã mất thì phải lo tang chế, đắp mộ, và cúng giỗ để nhớ đến công ơn của cha mẹ. “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”, tuy nhiên hành động này cũng chỉ đóng khung trong cuộc đời trần thế trăm năm, dù rằng tinh lực khí huyết một đời của cha mẹ, quá nửa đều là vì con cái mà hao tổn. Nhưng nếu xét theo những nỗi khổ như chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến bên ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, thì sự khó nhọc chịu đựng của người mẹ lại có phần nhiều hơn. Tự xét lại hình hài này quả thật đáng trách! Ta mang đến hệ lụy khó nhọc cho cha mẹ quá nhiều, mà báo đáp lo lắng cha mẹ lại chẳng được bao nhiêu.

* Với người trí tuệ thì báo hiếu cha mẹ là muốn đời đời kiếp kiếp phụ mẫu được yên ổn, nhưng cái gốc là khiến cho cha mẹ huân tu đạo pháp giải thoát. Cha mẹ còn sống thì ta khéo léo hướng tâm cha mẹ ăn chay niệm Phật, chẳng tạo sát nghiệp, vừa diệt được túc ương, tin sâu nhân quả, nguyện cầu sanh Tây Phương, lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, gởi thân nơi chín phẩm sen vàng, siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, mãi mãi xa lìa các khổ nạn trong chốn Ta Bà, thường hưởng niềm hỷ lạc trong cảnh giới Cực Lạc. Chúng ta có duyên trong đời này, cha mẹ con cái, anh em, bè bạn mai sau không biết ra sao vì tất cả do nghiệp duyên lôi kéo mà sinh thân chỗ nọ chỗ kia; chỉ có con đường thiện nghiệp, hiếu hạnh và tu hành thì dù mai sau không là thân bằng huyết thống cũng là quyến thuộc thiện hữu tri thức, hít thở trong chánh pháp để đường đời luôn “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” Mong lắm thay những người con chí hiếu.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng. Mùa Vu Lan Hiếu Hạnh 2023







Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin