Alternative title

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI Kỳ 112: PHẬT GIÁO HÒA HẢO ĐẠO TÂM SÁNG NGỜI

View: 1335 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng    27/06/2025 06:06:18 am
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI Kỳ 112: PHẬT GIÁO HÒA HẢO ĐẠO TÂM SÁNG NGỜI
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI Kỳ 112: PHẬT GIÁO HÒA HẢO ĐẠO TÂM SÁNG NGỜI
Giữa miền tây nam tổ quốc với sông nước hữu tình, nơi những cánh đồng bát ngát trải dài đến tận chân trời, có dòng Hậu Giang lặng lẽ trôi qua làng Hòa Hảo, mảnh đất thanh bình của tỉnh Châu Đốc, nơi trời đất như thấm đượm linh khí thiêng liêng từ bao đời. Chính nơi đây, vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi nhằm ngày 15 tháng Giêng năm 1920 , một bậc chân nhân ra đời: Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vị khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Theo lịch sử cận đại thì tục danh ngài là Huỳnh Phú Sổ, trưởng nam của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm, một gia đình trung lưu đầy đạo hạnh, giàu lòng nhân ái, nổi tiếng về phúc đức và uy tín trong vùng. Làng Hòa Hảo lúc ấy chỉ là một xóm nhỏ heo hút ven biên thùy Việt-Miên, nhưng lại là nơi sớm gieo mầm cho một cuộc vận động tôn giáo đầy cảm hóa và khai sáng thêm một tông phái trong đại gia đình Phật Giáo Việt Nam.

Từ thuở thiếu thời, Ngài đã thể hiện khí chất phi thường, song thân thể lại mảnh mai và bệnh tật triền miên. Học hết bậc tiểu học, Ngài buộc phải rời ghế nhà trường để lui về quê dưỡng bệnh. Suốt ba năm từ tuổi 15 đến 18, bệnh trạng không dứt, các thầy thuốc Đông Tây đều bó tay, thế nhưng chính trong cơn đau trường kỳ ấy, tinh thần Ngài như được nung nấu, tầm nhìn như rộng mở, và ý chí như vươn lên khỏi mọi giới hạn của thân xác con người phàm tục.

Năm 1939, trong một chuyến đi cùng thân phụ viếng các động am linh thiêng nơi Thất Sơn hùng vĩ và núi Tà Lơn u tịch, Ngài đột nhiên đại ngộ. Vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, một ngày thiêng liêng trong vận nước, Ngài chính thức mở Đạo. Từ đó, ánh sáng Hòa Hảo bắt đầu soi rọi từ miền quê nhỏ bé đến khắp miền Tây Nam Bộ, rồi lan dần đến cả nước và bây giờ (2025) đã có mặt khắp bốn bể năm châu.



Chân Dung Đức Huỳnh Phú Sổ 1920-1947

Khởi đầu là việc chữa bệnh, Ngài không dùng thuốc men quý giá, chẳng cần phương tiện cao siêu, chỉ với vài nắm lá cây rừng, ngụm nước lã, hay tờ giấy vàng đơn sơ, cùng các thảo mộc như gừng, sả, ngải cứu v.v… mà bao chứng bệnh hiểm nghèo đều lui tan. Các thầy thuốc Tây y, Đông y, đến cả pháp sư, phù thủy đều kinh ngạc, phải cúi đầu thừa nhận: đây là chuyện vượt ngoài phạm trù thế tục.

Song song với công tác lương y, Đức Thầy bắt đầu thuyết pháp. Ngôn từ của Ngài mộc mạc như lời ru của mẹ, mà sâu thẳm như lời kinh cổ Phật. Từ dân quê chất phát đến trí thức uyên thâm, ai đến nghe cũng đều bị thu phục bởi đạo lý giản dị mà siêu việt. Không hề dựa vào kinh sách bác học, Ngài nói như suối nguồn tuôn chảy từ nội tâm đã từng trải qua vô vàn kiếp luân hồi.

Từ năm 1939, Đức Thầy liên tục sáng tác các bài kệ giảng bằng thơ lục bát, vừa dễ nhớ, vừa sâu sắc mà trong đó, Ngài tiên tri về chiến tranh sắp đến, về cảnh nhân loại điêu linh, về nghiệp quả của đời sống sa đọa. Nhưng điều quan trọng hơn, Ngài kêu gọi mọi người trở về với con đường sáng: bỏ dữ làm lành, sống theo Tứ Ân là Ơn Tổ Tiên, Ơn Đất Nước, Ơn Tam Bảo, Ơn Đồng Bào và Nhân Loại. Từ những thông điệp đó, một nền đạo Phật mang sắc thái dân tộc, gần gũi với dân quê, được khai sinh giữa ruộng đồng sông nước, giữa những vườn cau ao cá, giữa tiếng võng đưa và trăng rằm miệt vườn học được đạo lý thực tiễn cho cuộc sống. Với mục đích Tu Nhân Học Phật để mọi tín đồ thực hành hầu trở thành người tốt, sau đó tiến đến học Phật bằng sự bắt đầu từ việc sửa mình, sống đúng đạo lý nhân nghĩa. Ngài chủ trương không xa lánh trần thế mà đem đạo vào đời sống hằng ngày, sống với tinh thần “cư trần bất nhiễm trần”. Người tu phải giúp đời, không bỏ đời nhằm đem lại sự sống động cho đạo Phật qua cách tu hành đơn giản, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh người dân Việt, nhất là tầng lớp nông dân. Điều đặc biệt là Phật Giáo Hòa Hảo không chỉ riêng chăm lo phần linh hồn mà còn cứu giúp xã hội khỏi đau khổ, loạn lạc. Đức Thầy luôn nhấn mạnh tinh thần từ bi, cứu nhân độ thế hầu bảo tồn văn hóa dân tộc.

Phật Giáo Hòa Hảo không chỉ là một tôn giáo, mà là một nếp sống, một cuộc cách mạng tâm linh thầm lặng mà mạnh mẽ. Trong thời loạn lạc, người dân miền Tây như tìm được ánh đèn soi bước giữa đêm đen. Đức Thầy không tự nhận mình là Phật, cũng không lập giáo đường nguy nga. Đạo của Ngài nằm trong lòng người, nơi căn nhà tranh bên bờ kênh xanh, nơi chiếc ghe nhỏ giữa buổi chiều vàng, nơi lòng trung hiếu và sống thiện từng ngày. Ngài chính là Bồ tát hóa thân.

Hình ảnh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ là vị giáo chủ sáng lập Phật Giáo Hòa hảo, là biểu tượng của niềm tin, của lòng từ bi và tinh thần dân tộc. Ngài đến từ một miền quê nghèo, nhưng tư tưởng lại vươn lên như ngọn đèn giữa đại dương, chiếu rọi cho bao tâm hồn Việt hướng về đạo lý giữa cơn phong ba của lịch sử.

Trong dòng chảy đầy biến động của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX, giữa cảnh dân tình điêu linh, chiến tranh manh nha khắp nơi, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vị Bồ tát hóa thân đồng thời là một nhà cải cách lỗi lạc, vừa xuất hiện như ánh bình minh rạng rỡ trên vùng quê sông nước miền Tây. Ngài không chỉ là người giảng đạo cứu dân, chữa bệnh trừ khổ, Ngài còn là một thiên tài có tầm nhìn chính trị sắc bén và một trái tim chan chứa yêu nước thương nòi.

Nhìn qua công đức của Ngài, ai cũng phải nghiêng mình kính phục: từ việc chữa lành hàng vạn chứng bệnh hiểm nghèo bằng phương pháp đơn sơ mà linh nghiệm, đến việc thuyết pháp hàng ngàn lần trước đại chúng, sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng hàng trăm bài thơ, văn đạo đức, thi ca thấm đẫm nhân nghĩa và chân lý. Ngôn ngữ của Ngài rất đỗi bình dị, không chút sáo ngữ cầu kỳ, nhưng hàm chứa tư tưởng thâm sâu. Kỳ lạ thay, Ngài viết không cần giấy nháp mà từng câu, từng chữ như tuôn ra từ mạch nguồn trí huệ vô tận, khiến văn chương Ngài vừa cuốn hút vừa dễ truyền cảm.

Đức Huỳnh Giáo Chủ, vị Bồ tát siêu phàm và là nhà đại cách mạng Phật giáo vì trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam bị lệch lạc với nhiều hình thức nghi lễ rườm rà xa rời gốc Phật, Ngài đã mạnh dạn canh tân, lược bỏ những hình thức không phải do chính Đức Phật Thích Ca giảng dạy. Ngài trả đạo Phật về lại với đời sống thường nhật, giản dị và gần gũi với nông dân, tiểu thương, người lao động nghèo. Giáo pháp của Ngài không chỉ cao siêu mà còn thực tiễn, có thể áp dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ vùng đất nào, một đạo lý nhập thế, nhân bản, và đầy tính giải thoát, giác ngộ. Chính vì giáo lý hợp thời, khế cơ khế lý, mà trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hơn hai triệu tín đồ tại miền Nam. Phật Giáo Hòa Hảo từ một cuộc vận động tâm linh nhanh chóng trở thành một phong trào xã hội lớn mạnh, nhưng chính sự ảnh hưởng sâu rộng ấy đã khiến nhà đương cuộc thời bấy giờ phải dè chừng và lo ngại. Họ áp dụng biện pháp chính trị, tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Ngài bằng việc lưu trú bắt buộc tại làng Nhơn Nghĩa tỉnh Cần Thơ. tuy nhiên, càng bị giam giữ, Ngài càng được nhân dân kính phục, đạo càng lan rộng hơn. Không thể kiểm soát bằng hình thức quản chế, nhà cầm quyền tiếp tục an trí Ngài tại nhà thương Chợ Quán rồi chuyển về Bạc Liêu, nhưng như hạt giống chân lý gieo vào đất khổ, càng bị chà đạp, mầm đạo càng trỗi mạnh. Đến năm 1942, khi quân đội Nhật Bản nhúng tay vào Đông Dương, họ nhận thấy ảnh hưởng sâu sắc của Ngài đối với quần chúng nên cố gắng thu phục Ngài về phía mình. Ngài bị đưa về Sài Gòn, cư ngụ tại trụ sở Hiến binh Nhật, nơi họ tưởng có thể “thi ân” để chiêu dụ một lực lượng quần chúng hùng hậu. Thế nhưng, với trí tuệ và bản lĩnh chính trị hiếm có, Đức Thầy không hề bị khuất phục, Ngài hiểu rõ âm mưu lợi dụng của người Nhật và giữ vững lập trường độc lập dân tộc. Câu đối bất hủ mà Ngài viết trong thời gian ấy đã trở thành biểu tượng cho lòng kiên cường và minh triết của một bậc chân nhân là: “Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn, Quan Đế cư Tào bất đê Tào” nghĩa là dù sống dưới bóng cờ nào, Ngài vẫn giữ lòng ngay thẳng với dân tộc mình, như Trương Lương giúp Hán nhưng chẳng phải kẻ tôi tớ của Hán, hay như Quan Vũ ở trong trại Tào Tháo mà không thần phục họ Tào. Câu đối ấy không chỉ khẳng định khí phách và lập trường của Ngài, mà còn là lời tuyên ngôn bất khuất giữa thời loạn ly, khiến kẻ hậu sinh phải nghiêng mình ngưỡng phục.

Qua thời kỳ từ năm 1945 đến 1947 là giai đoạn đặc biệt dữ dội và hỗn loạn trong dòng sử Việt. Quả bom nguyên tử thả xuống hai hòn đảo Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản là tiếng nổ khép lại chiến tranh thế giới thì dân tộc ta cũng đang lâm vào cơn chuyển mình đầy máu lửa giữa hai làn sóng: thực dân cũ và cộng sản mới. Trong khói lửa tranh đoạt quyền lực, đói kém lan tràn, lòng dân ly tán, niềm tin bị lung lay tận cội rễ, thì hình ảnh Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thuần Việt lại nổi lên như một điểm sáng đầy hy vọng giữa lòng dân tộc đang rã rời.

Sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật lật đổ Pháp tại Đông Dương, Đức Thầy giữ thái độ vô cùng dè dặt. Với trí tuệ siêu phàm, Ngài đã tiên tri một cách bình dị nhưng đầy ý nghĩa: “Nhật bổn ăn không hết con gà” là ý chỉ năm Dậu (1945) chưa hết, Nhật sẽ thua trận. Quả đúng như vậy, chỉ vài tháng sau, Nhật đầu hàng vô điều kiện trước Đồng minh, chấm dứt Đệ nhị Thế chiến và đẩy Việt Nam vào một khoảng trống quyền lực vô cùng nguy hiểm.

Vào lúc ấy, Đức Thầy không thể ngồi yên trước cảnh “bá tánh đến hồi tai họa”. Với tấm lòng từ bi và tinh thần yêu nước vô hạn, Ngài lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết các tông phái Phật giáo và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để mưu tìm độc lập quốc gia. Ngài đứng vào tuyến đầu, vừa giữ vững tinh thần đạo pháp, vừa dẫn dắt đồng bào hướng về ánh sáng tự do giữa muôn trùng u ám. Rồi Việt Minh lợi dụng cơ hội chiếm lấy chính quyền, Đức Thầy đã tạm thời hợp tác, thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhứt, và chính Ngài là đại diện đầu tiên tại miền Nam trong mặt trận Việt Minh. Nhưng rồi, sau thất sách của ông Hồ Chí Minh với Hiệp ước ngày 6 tháng ba năm 1946, Cộng Sản mời Pháp quay lại Đông Dương, Ngài cùng các lãnh tụ quốc gia thấy dã tâm này nên lập ra Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, như một đối trọng nhằm bảo vệ tinh thần tự chủ và không để dân tộc quay về vòng nô lệ thời Pháp thuộc. Để bảo đảm tính độc lập thật sự cho dân tộc, Đức Thầy còn sáng lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ngày 21/9/1946, chủ trương công bằng xã hội, dân chủ hóa đất nước. Chương trình hành động và tuyên ngôn của Đảng khiến cả những đối thủ khó tính nhất cũng phải công nhận Ngài có một tư tưởng cải cách tiến bộ vượt thời đại. Không dừng ở đó, Ngài còn gửi người ra hải ngoại liên lạc với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong, dựng nên Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Quốc, một bước đi mang tầm vóc chiến lược cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Dưới mưa bão của thời cuộc đầy biến động giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và sự chuyển mình của dân tộc Việt Nam, việc xuất hiện của Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt Nam do Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập là một hiện tượng đặc biệt, phản ánh khát vọng cải hóa xã hội, chấn hưng đạo đức và dựng xây một nước Việt độc lập, dân chủ, thoát ly khỏi cả ba gọng kềm: thực dân, cộng sản và phong kiến. Có lẽ Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt Nam khởi sinh từ niềm tin và lý tưởng cứu dân, cứu nước bởi tiền thân của Đảng là phong trào Phật giáo Hòa Hảo; trên nền tảng đạo lý từ bi, yêu nước và tinh thần nhập thế hành động, Đức Huỳnh Phú Sổ đã cảm hóa hàng triệu tín đồ miền Tây Nam Bộ, biến lòng tin tôn giáo thành động lực cách mạng. Từ năm 1945, Ngài đã sớm nhận rõ bản chất lừa lọc và tàn bạo của chủ nghĩa Cộng sản cũng như mưu đồ trở lại của thực dân Pháp, và đặc biệt cảnh giác trước những tàn dư phong kiến gây ra bao thống khổ cho dân tộc nên Đảng của Ngài được chính thức thành lập lấy ba mục tiêu cách mạng là con người, dân tộc và xã hội. Cách mạng con người nhằm xây dựng một thế hệ công dân mới, đạo đức, kỷ cương, biết yêu nước, thương dân, sống tử tế và hy sinh vì cộng đồng. Cách mạng dân tộc nhằm giải phóng đất nước khỏi xiềng xích của thực dân Pháp và sự áp đặt của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, giành lại độc lập trọn vẹn và Cách mạng xã hội hầu cải tổ cơ cấu chính quyền, xóa bỏ bất công giai cấp, thực hiện công bằng, bác ái, tiến tới một xã hội dân chủ, tự do và hòa bình. Vì vậy mà ngay sau khi thành lập, Đảng Dân Chủ Xã Hội bắt tay vào việc tổ chức hệ thống chính trị vững chắc từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh bộ, huyện bộ đến chi bộ, gắn liền với các cơ sở tôn giáo Hòa Hảo. Đảng còn xây dựng lực lượng vũ trang riêng, nhằm bảo vệ vùng tự trị và ngăn chặn sự xâm nhập của cả Pháp lẫn Việt Minh. Cùng với các tổ chức quốc gia khác, Đảng đã tham gia thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, nhằm tạo thế đối trọng với Việt Minh Cộng Sản. Kế hoạch chiến lược của Đức Huỳnh Giáo Chủ là dựng căn cứ tại Đồng Tháp Mười, kiểm soát các tuyến lương thực và đường giao thông huyết mạch, từ đó làm suy yếu chiến khu của Việt Minh, đồng thời liên kết với các đảng phái miền Bắc như Việt nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng để hình thành một chính phủ quốc gia độc lập, không lệ thuộc Pháp hay Cộng sản.

Tuy nhiên, đường lối độc lập dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm và giáo lý đậm chất đạo đức của Ngài lại trái ngược hoàn toàn với chủ nghĩa vô thần và bạo lực của Cộng sản. Việt Minh xem Ngài như một mối đe dọa lớn lao, và rồi, thảm kịch đã xảy ra, đó là Ngày 16 tháng 4 năm 1947, trong khi gắng sức giảng hòa để tránh cảnh huynh đệ tương tàn giữa các lực lượng kháng chiến, Ngài bị Ủy ban Hành chánh Việt Minh bắt đi tại Đốc Vàng, tỉnh Đồng Tháp, rồi và từ đó, vĩnh viễn bặt vô âm tín.

Người dân miền Tây lặng người. Cả dân tộc chấn động. Một vì sao lớn dường như vừa tắt giữa trời. nhưng đối với hàng triệu tín đồ, Đức Thầy chưa bao giờ khuất bóng, trong lòng người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bởi Ngài vẫn đang ẩn hiện giữa nhân gian, chờ một ngày trở lại, tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng cứu nước, độ dân, hoằng dương chánh pháp. Công hạnh và di sản của Ngài là trang sử thiêng liêng được ghi khắc trong lòng dân, không bao giờ phai nhòa vì lời giảng của Giáo Chủ không chỉ là giáo pháp cứu khổ, mà còn là một cuộc cách mạng đạo đức, lấy con người làm trung tâm, khơi nguồn cho sự tỉnh thức và tự cường. Những giá trị mà Ngài để lại đã vượt khỏi giới hạn thời gian vì một bậc thánh nhân thuần Việt, một nhà cách mạng ái quốc, một chính trị gia với tâm hồn Bồ Tát, đã sống, đã hy sinh cho đại nghĩa của dân tộc thì ngàn năm mới mong có lại một chân nhân

Sau biến cố đau thương của tháng Tư năm 1975, hàng triệu người Việt phải lìa xa quê hương, rời bỏ đất tổ, vượt biển, băng rừng, tìm đến những chân trời tự do nơi xứ người. Trong dòng người ấy, có hàng vạn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, những người không mang theo hành trang gì ngoài một ngọn lửa đạo tâm cháy sáng giữa cơn loạn thế.

Tại các cộng đồng Việt nam Hải ngoại, từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Đức cho đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi nào có người Việt ly hương, nơi đó đều sớm hình thành Ban Trị Sự hay nhóm đạo hữu, đoàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để cùng nhau lập đạo tràng, xây dựng hội quán, tổ chức lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ, ngày Khai Đạo 18 tháng 5, gìn giữ nền giáo lý chơn truyền giữa môi trường đất khách quê người.

Điều thiêng liêng là mặc dù không còn trú nơi đất Tổ, dù chịu cảnh phân tán và thiếu thốn, nhưng tinh thần đạo pháp, dân tộc và lòng trung thành tuyệt đối với Đức Thầy vẫn không hề suy suyển, cho nên nhiều tổ chức Hòa Hảo tại Hải ngoại không chỉ hoạt động tôn giáo mà còn đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, tiếp nối tinh thần yêu nước, chống độc tài và bảo vệ di sản của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đặc biệt tại Hoa Kỳ thì các đoàn thể thanh niên, phụ nữ Hòa Hảo như Nhóm Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo Online... đã trở thành cột trụ đạo đức và văn hóa, truyền thừa chánh pháp và giữ gìn bản sắc đạo nhà cho thế hệ con cháu nơi xứ người bằng phương tiện truyền thông đại chúng. Các buổi lễ hội, thuyết giảng, phát hành kinh giảng, ghi hình tài liệu về Đức Thầy được tổ chức đều đặn, long trọng và chuyển lên các trang mạng xã hội toàn cầu bởi vì nhu cầu giữ mối đạo cho mình, đồng thời là tiếng nói phản đối những đàn áp tôn giáo tại quê nhà, tố cáo sự xuyên tạc và kìm kẹp đối với đạo pháp, cũng như nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tự do tín ngưỡng. Đây là một sứ mệnh vừa tâm linh, vừa chính trị, xuất phát từ tinh thần yêu nước thiết tha mà Đức Thầy đã gieo trồng.

Trong tinh thần đạo lý, hồn dân tộc và niềm tin tâm linh vào ngày trở lại của Đức Thầy vẫn vững vàng như thuở ban đầu, tôi mạn phép viết lên những dòng tâm thành này kính dâng lên Bồ tát Huỳnh Phú Sổ lòng cảm niệm công đức về di sản sống động của một tôn giáo xuất phát từ lòng dân tộc thuần Việt và chứng minh rằng: Đạo còn thì Dân còn, và ánh sáng chân lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ vẫn tỏa rạng giữa lòng thế giới tự do, chờ ngày hội ngộ cùng đất mẹ Việt Nam trong thanh bình và tự do dân chủ.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

Principal of Practical Buddhism College



Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin