Nắng vàng thơm quê nhà
View: 5301 - Lê Ngọc Trác 28/12/2017 03:12:38 amCô đọng, đầy đủ ngữ nghĩa, giai điệu nhẹ nhàng, cuốn hút, nội dung thể hiện chủ đề của bài thơ, gợi mở cho người đọc suy nghĩ về một không gian kỷ niệm, gần gũi trong cuộc sống. Đó là một bài thơ hay:
“…Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay xuân về
Vỡ òa ngưc biếc!”
(Trích “Gió bấc” của Đỗ Hồng Ngọc)
Những ai đã từng sống ở miền cực Nam Trung bộ hay ở phố biển La Gi tỉnh Bình Thuận đều có chung một cảm nhận: “Gió bấc” ở miền quê này là lúc đất trời chuyển sang mùa, Tết đến, xuân về với quê hương và con người. Thời gian đi được tính bằng nhịp sóng vỗ bờ. Và gió, gió bấc cũng là nhịp mùa đi của đất trời. Gió là những lằn roi của cuộc đời. Gió là tín hiệu của mùa xuân vui… Những người dân quê hương La Gi chúng tôi đã từng yêu những câu thơ của Đỗ Hồng Ngọc gắn bó với quê hương như thế.
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc còn có bút danh là Đỗ Nghê. Anh sinh năm 1940. Đỗ Hồng Ngọc là niềm tự hào của quê hương La Gi và dòng họ Đỗ, một trong bốn dòng họ (Huỳnh, Đỗ, Từ, Nguyễn) sinh sống và gắn bó với La Gi từ thời mở đất lập làng thời xa xưa. Lúc sinh thời, Châu Anh – Đỗ Đơn Chiếu thường nói về Đỗ Hồng Ngọc – người cháu thân yêu của mình với những tình cảm trìu mến: Chúng tôi nhớ nhất là tiếng cười hào sảng nhắm tít đôi mắt đờ mi của ông khi ông đang nhắc chuyện gì sảng khoái nhất. Đỗ Hồng Ngọc bước vào con đường văn chương khi còn đang theo học Đại học Y khoa những năm 60 của thế kỷ trước. Trước năm 1975 thơ của anh đã có chỗ đứng trên thi đàn miền Nam. Nhà văn học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng viết về Đỗ Hồng Ngọc: “Một bác sĩ, lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị…”.
Theo dõi cuộc đời và sáng tác của Đỗ Hồng Ngọc, chúng ta vừa ngạc nhiên vừa cảm phục sức lao động và sáng tạo của anh. Từ năm 1967, Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản thi phẩm: “Tình Người”. Từ đó đến nay, anh đã viết và xuất bản rộng rãi gồm 5 tập thơ: Thơ Đỗ Nghê (1974), Giữa hoàng hôn xưa(1993), Vòng quanh (1997), Thư cho bé sơ sinh…(2010). Bên cạnh anh còn xuất bản các tập văn và tùy bút được đông đảo bạn đọc yêu thích như: Gió heo may đã về (1997), Già ơi chào bạn (1999), Những người trẻ lạ lùng (2001), Cành mai sân trước (2005), Nghĩ từ trái tim (2003), Thư gửi người bận rộn (2005), Như thị (2007)…
Ngoài ra, Đỗ Hồng Ngọc còn viết nhiều đầu sách về y khoa; “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” là cuốn sách gối đầu giường của nhiều đôi vợ chồng trẻ gần 50 năm qua.
Đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc, người đọc vừa thích thú, vừa ngạc nhiên trước sự đổi mới phong cách và bút pháp của anh. Cách đây gần 3 năm, chúng tôi tình cờ đọc trên trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Nghiệp: 4 câu thơ của chính Đỗ Hồng Ngọc viết trên giấy sổ tay đã được chụp hình:
“Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông”…
(2012)
Đọc xong 4 câu thơ ngắn chỉ với 20 từ, lòng chúng tôi rung lên như bị chạm điện, thốt lên: Tuyệt tác! Chúng tôi thầm nghĩ, với 4 câu thơ trên của Đỗ Hồng Ngọc là đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca. Anh đã đặt một dấu son ngời sáng cho con đường sáng tạo thi ca của mình. Có lẽ một bài văn viết nhiều trang chưa chắc đã vượt qua được 4 câu thơ của Đỗ Hồng Ngọc về tình mẫu tử. Một bài thơ ngũ ngôn chỉ với 4 câu mang chủ đề “Bông hồng cho mẹ” trong mùa báo hiếu sẽ bay xa, vươn cao, làm lay động tâm hồn biết bao người yêu thơ trong chúng ta. Ai cũng có mẹ và trong chúng ta ai cũng là người con có hiếu. Với vỏn vẹn 4 câu thơ, Đỗ Hồng Ngọc đã nói lên được “cõi người” và tấm lòng của những người con trong cuộc đời. Nhiều nhà phê bình văn học đã từng đề cập 4 câu thơ trên với nhiều cung bậc, và cho rằng thơ Đỗ Hồng Ngọc đượm tư tưởng Phật giáo. Riêng chúng tôi xem đây là tuyệt chiêu của Đỗ Hồng Ngọc. Làm thơ cũng như làm những công việc khác trong cuộc sống. Một người thợ mộc lành nghề đục đẽo những lỗ mộng, đường nét tinh xảo. Một bác sĩ tận tâm với nghề, có bàn tay vàng khi phẫu thuật cho người bệnh không có vết sẹo, chỉ để lại những hoa văn tuyệt đẹp trên cơ thể người bệnh. Chỉ với 3 điều: Chân, Thiện, Mỹ. Ai làm được và đạt được 3 điều trên sẽ thành công. Làm thơ cũng như thế. Đọc xong một câu thơ, người đọc nhớ mãi là thơ hay và nhận ra tác giả là một người tài hoa.
Từ thi phẩm “Tình người” năm 1967 đến năm 2017, Đỗ Hồng Ngọc có “Thơ Ngắn Đỗ Nghê“. Người yêu thơ đều nhận ra: Đỗ Hồng Ngọc sáng tạo không ngừng, tạo ra nét riêng trong thơ của mình và thu hút được đông đảo người yêu thơ. Đỗ Hồng Ngọc viết cô đọng, từ ngữ bình dị. Không lên gân, không hô hào sáo rỗng. Thơ của anh không bi lụy hay cay cú bất cứ điều gì. Đỗ Hồng Ngọc viết một cách chân thật về những điều bình dị trong cuộc sống mà lay động đến con tim người yêu thơ. Anh không triết lý lộ liễu. Thơ của anh bên trong những câu chữ bình dị làm cho người đọc tự cảm, tự hướng đến một chân trời mênh mông mới. Chúng tôi không dám triết lý cao xa, chỉ nhận ra giữa Đạo và Đời không có khoảng cách trong thơ Đỗ Hồng Ngọc. Tất cả rất đời, an nhiên, đầy ắp tình cảm trong cuộc sống. Là những người đọc bình thường, chúng tôi biết: Những nhà thơ tài hoa và Đỗ Hồng Ngọc viết những câu thơ từ trái tim mình. Chúng tôi cảm nhận thơ bằng trái tim mình. Xin phép được trích tản mạn những bài thơ ngắn của Đỗ Hồng Ngọc, để bạn đọc yêu thơ tự đọc, tự cảm, như thế thú vị hơn!:
“Sóng
quằn quại
thét gào
Không nhớ
mình
là nước”.
(Sóng)
“Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu
Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
…
Từ cơn gió thoảng
Từ làn mây trôi
Từ hơi biển mặt
Từ phía mặt trời
…
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu…”
(Nước)
“Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau”.
(Thở)
Khi đang viết bài viết tản mạn này, chúng tôi chợt nghe cơn gió bấc ùa về với phố biển La Gi. Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi chợt nhớ đến những câu thơ Đỗ Hồng Ngọc viết về quê nhà:
Biển xanh lùa sóng bạc
Cát vàng hoàng hôn xưa
Tiếc em về chốn cũ
Tình vương đến bao giờ
Tiếc đời phơ tóc bạc
Thương mãi núi mây xa
…
Nụ mai vàng trước ngõ
Góc phố bờ quạnh hiu
Con đường xưa đứng đợi
Ta làm chi đời ta
Thương em còn thương mãi
Nắng vàng thơm quê nhà”.
(Trích: “Quê nhà“)
Chúng tôi nghe “nắng vàng thơm quê nhà” trong thơ Đỗ Hồng Ngọc. Nắng. Gió. Thấm đẫm yêu thương trong cuộc đời này khi mùa xuân đang đến gần với con người và đất trời…