Ông Thanh Quyết loạn ngôn hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bất lực?
View: 826 - Kiên Tâm 10/05/2019 09:05:42 pm Tối 10 Tháng Năm, 2019, truyền thông trong nước cho hay tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), trong một nghi thức trang trọng, ông Thanh Quyết với tư cách phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã công bố ra mắt bức tranh “Đạo Pháp và Dân Tộc.”Bức tranh có chiều cao 2 mét, chiều ngang 4.2 mét, tổng diện tích 8.4 mét vuông, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được sáu họa sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt một tháng qua…
Đặc biệt, ông Thanh Quyết chính là người đã đặt những nét vẽ đầu tiên để “khai bút” cho việc thực hiện bức tranh này. Người nảy ra “sáng kiến” thực hiện bức tranh cũng như đã đầu tư cho việc hiện thực hóa sáng kiến này chính là ông Hà Huy Thanh, cháu của ông Hà Huy Tập, một trong những tổng bí thư của đảng Cộng Sản Việt Nam trong quá khứ. Buổi lễ này là một sự kiện lớn, được tổ chức song song với việc khai mạc Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Tam Chúc, Hà Nam. Vì thế, có rất đông tăng ni, Phật tử tham dự.
Trong bầu không khí trang nghiêm như vậy, thật bất ngờ khi ông Thanh Quyết phát biểu trước đại chúng những lời lẽ hết sức khó nghe và bộc lộ rõ rệt một sự mê muội không thể tưởng tượng nổi. Đài Á Châu Tự Do ngay lập tức cho đăng tải đoạn video nguyên văn lời phát biểu của ông Thanh Quyết và đã có hơn 4,200 người bình luận, tuyệt đại đa số là những ý kiến phản đối, bất bình. Hàng loạt diễn đàn xã hội khác cũng tràn ngập những lời phản đối của Phật tử khắp nơi. Các báo Người Việt, Tiếng Dân… cũng đều có bài phản bác sự kiện này.
Vậy thật ra thì ông Thanh Quyết đã nói những gì gây sự bất bình đến như thế? Có lẽ “ý tưởng” quan trọng nhất trong phát biểu của ông ta khiến mọi người đều ngỡ ngàng là ở câu này: “Bác Hồ và Phật Tổ Thích Ca, đây là hai vị cứu tinh của nhân loại.”
Không cần bàn luận nhiều, cho đến trẻ con cũng thừa sức nhận ra tính chất loạn ngôn trong phát biểu này. Bởi nếu chỉ nói để mà nói thì không là vấn đề, nhưng ông Thanh Quyết đang ở cương vị một trong những người lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và ông đang phát biểu trước chư tôn đức tăng ni Phật tử tham dự buổi lễ nên không thể là những lời xằng bậy và khập khiễng theo suy nghĩ của riêng mình được.
Ông Hồ Chí Minh, trong cương vị một người làm chính trị, người đứng đầu một đảng phái, có thể được nhận định, đánh giá theo nhiều cách tốt hay xấu tùy theo mỗi cá nhân, nhưng cho dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào, từ xưa nay cũng chưa từng có ai gọi ông là “cứu tinh của nhân loại.” Ngay cả trong các tài liệu tuyên truyền một chiều chỉ thuần túy ca ngợi ông thì cũng chưa thấy có bài viết nào dùng đến danh xưng này. Điều này chỉ đơn giản là vì một sự ca ngợi lố bịch và phi lý như thế chắc chắn chỉ có thể gây ra tác động phản cảm nơi người đọc, nên ngay cả các cán bộ tuyên giáo trung thành và cuồng tín nhất cũng không dại dột gì ca ngợi ông Hồ Chí Minh theo cách lố bịch này. Câu hỏi mà bất cứ ai cũng có thể đặt ra là: “Ông Hồ Chí Minh đã làm được gì để cứu nhân loại?” Nhìn lại những việc ông làm, theo chính những gì mà đảng Cộng Sản tuyên truyền, cũng không thấy được bất kỳ thành tích nào khả dĩ có thể gán ghép cho ông cái danh xưng to tát, vĩ đại này.
Thế mà ngày nay đã có người công khai “tấn phong” ông lên hàng “cứu tinh của nhân loại!” Đây là một trong những lý do chúng tôi không gọi ông Thanh Quyết là thầy, mặc dù ông đang mang hình tướng một vị tăng sĩ Phật Giáo với giáo phẩm thượng tọa và hơn nữa còn là một trong những lãnh đạo cao cấp của giáo hội. Sự loạn ngôn của ông đã nói lên rất rõ rằng ông không hề hiểu biết gì về Đức Phật và Phật pháp, càng không đủ tư cách làm một vị thầy dẫn dắt người Phật tử.
Không chỉ là hết sức lố bịch khi ca ngợi bằng cách như vậy, chỉ riêng việc gán ghép so sánh ngang hàng Đức Phật với ông Hồ Chí Minh đã là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với bất kỳ người Phật tử nào. Sự ngưỡng mộ đối với ông Hồ Chí Minh, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở mức độ một người dân đối với người lãnh đạo đất nước, trong khi sự quy ngưỡng đối với đức Phật là một sự nương tựa cả về thể chất lẫn tinh thần, cả trong đời này và đời sau. Khi so sánh khập khiễng như vậy, rõ ràng những người “sáng tạo” bức tranh (trong đó có ông Thanh Quyết) đã không hiểu gì về sự khác biệt giữa Đức Phật và một người phàm như ông Hồ Chí Minh, giữa một kiểu “anh hùng dân tộc tự phong” vẫn còn nhiều tranh cãi với một vĩ nhân thực sự của toàn nhân loại đã được kính ngưỡng từ nhiều ngàn năm qua.
Sự mê muội, hay nói theo ngôn ngữ dễ hiểu hơn của người bình dân là sự ngu dốt, càng bộc lộ rõ hơn khi ông mô tả về “bánh xe chuyển pháp luân.” Nhìn trong bức tranh này, nếu không có sự định danh và mô tả của ông, có lẽ không ai nghĩ rằng đây là một “bánh xe chuyển pháp luân” của Phật Giáo. Chẳng những đã hoàn toàn không giống với biểu tượng quen thuộc của mọi người Phật tử, mà ở đây còn có sự pha trộn với đồ hình thái cực âm dương của Lão Giáo. Đây quả thật là một sự pha trộn vô nghĩa và càng làm bộc lộ rõ hơn sự ngu dốt của những người làm ra nó.
Hình được cắt ra từ bức tranh. Không ai có thể nghĩ đây là “Bánh xe chuyển Pháp luân” như ông Thanh Quyết gọi tên và mô tả.
Nhưng điều thú vị đã được nhiều người nhận ra ở bức tranh này lại cho thấy lý nhân duyên đã có sự vận hành mầu nhiệm của nó, khiến cho những người thiết kế bức tranh không biết vô tình hay cố ý lại diễn đạt được những điểm vô cùng đúng thật. Khi quan sát toàn cảnh bức tranh, người ta nhận thấy hình tượng đức Phật với vầng hào quang trên đỉnh đầu và cả cây bồ đề đều được thể hiện rất rõ nét, trong khi hình ảnh ông Hồ Chí Minh dường như mờ nhạt dần và chìm vào các tông màu chung quanh, mà tông màu chủ đạo ở đây là màu của lửa đỏ, khiến ta có cảm giác ông Hồ đang chìm dần trong một biển lửa, chỉ còn ngoi lên được cái đầu và một phần vai bên phải… Điều này miêu tả một cách đúng thật suy nghĩ của nhiều người về hậu quả những việc ông Hồ đã làm, mà trong đó nổi bật hơn hết là đợt cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào năm 1954 khiến hàng triệu người dân lâm nạn, hàng trăm ngàn người bị kết tội oan ức, bị chém giết không thương tiếc…
Hình vẽ đức Phật cắt ra từ bức tranh, thể hiện rõ toàn thân ngài trong tư thế ngồi thiền định với vầng hào quang quanh đỉnh đầu, cả cây Bồ-đề sau lưng ngài cũng được vẽ rất rõ.
Tuy nhiên, sự loạn ngôn hay ngu dốt của cá nhân ông Thanh Quyết lẽ ra không phải vấn đề đáng để chúng ta bàn đến. Điều đáng nói ở đây là một người không hiểu biết gì về Phật pháp như thế lại giữ một cương vị rất cao trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện tại. Như vậy, rõ ràng là những người thực sự có kiến thức, có đạo hạnh trong hàng ngũ giáo hội đã không thể làm được gì để ngăn chặn tình trạng hỗn độn gây tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh và uy tín của giáo hội như thế này. Hay nói cách khác, họ không thể thực hiện quyền lựa chọn hợp lý những người lãnh đạo giáo hội. Đây là một sự bất lực rõ rệt.
Thật ra, đây không phải lần đầu tiên ông Thanh Quyết bộc lộ bản chất “phàm phu tục tử” của mình. Năm 2014, ông phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam rằng “Đảng và nhà nước phải xây dựng quân đội mạnh như Bắc Hàn.” Thật khó tin được một bậc “Như Lai Trưởng Tử” lại có thể nói ra những lời như vậy. Cho nên, sự giả danh và dối trá này không khó để nhận biết. Và còn hơn thế nữa, chùa Phúc Khánh nơi ông trụ trì trong nhiều năm qua còn là một ổ chứa mê tín dị đoan với lễ cúng dâng sao giải hạn hằng năm nhằm vơ vét tiền bạc từ những người dân quê với niềm tin mù quáng và thiếu hiểu biết. Mặc dù vậy, chưa thấy một thành viên nào trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nêu ra vấn đề này.
Cuối cùng, câu chuyện về những phát biểu linh tinh ngu dốt của ông Thanh Quyết cũng sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu chúng ta không đặt nó trong một toàn cảnh lớn lao hơn là Đại Lễ Vesak 2019 Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại Việt Nam với 112 quốc gia có đại biểu tham dự, 1,650 đại biểu quốc tế thuộc đủ mọi tông phái, hệ phái của Phật Giáo.
Việc ông Thanh Quyết phát biểu “vớ vẩn” như thế này trong cương vị của một phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đương nhiệm rõ ràng đã làm hoen ố hình ảnh Phật Giáo Việt Nam trong con mắt những người đồng đạo khắp thế giới. Và vì thế, việc đăng cai Vesak tại Việt Nam hoàn toàn không có gì đáng tự hào đối với người Phật tử Việt Nam khi mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vẫn còn chưa thoát ra khỏi được vòng kiểm soát, chi phối của những người Cộng Sản.