Alternative title

Thông điệp Xuân Canh Tý của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

View: 2187 - Thích Quảng Độ    21/01/2020 05:01:37 pm
Thông điệp Xuân Canh Tý của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
Thông điệp Xuân Canh Tý của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Chùa Từ Hiếu – 59 Lô D, Đường Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, Saigon
Phật lịch: 2563
Số: 03/VTT/TT/TĐ

THÔNG ĐIỆP XUÂN CANH TÝ 2020

ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

- Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa-thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,

- Kính thưa Đồng bào Phật tử trong và ngoài nước,

Thừa uy đức Tăng già Hội đồng Viện, nhân dịp Tết Nguyên đán theo truyền thống dân tộc, và mùa Xuân Di-lặc trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, tôi kính gửi đến Chư Tôn đức Trưởng lão, Chư Hòa-thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, và toàn thể bốn chúng đệ tử trong và ngoài nước, kính chúc Đại chúng một mùa Xuân an lạc, với tín tâm bất hoại trước ngày hội Long hoa, kỷ nguyên mới hòa bình và an lạc cho thế giới.

Đón xuân năm nay, Phật giáo Việt Nam đang chịu một tang lớn. Trưởng Lão Thích Trí Quang viên tịch tại Huế đã để lại trong lòng bốn chúng đệ tử một khoảng trống lớn, mà di huấn của Ngài cho các đệ tử thân cận trong đó chưa thấy ai có đủ tài và đức để gánh vác trọng trách thể hiện tâm nguyện của Ngài đối với Dân tộc và Đạo Pháp. Tâm nguyện ấy như đã được ghi trong bản Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của Dân tộc và Nhân loại."

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là tổ chức hợp nhất của tất cả các hệ phái Phật Giáo Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài đen tối dưới sách lược Ki-tô hóa Việt Nam của thực dân Pháp và chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Dù vậy, trong ánh sáng rực rỡ của những ngọn lửa bùng lên từ tâm nguyện đại bi và vô úy của các Thánh Tử Đạo, Phật Giáo Việt Nam, từ thâm sơn cùng cốc, một lần nữa thùy thủ nhập triền, kế thừa công hạnh của Liệt Tổ, xướng cao âm vang tha thiết từ khát vọng hòa bình an lạc của quần chúng khốn cùng, bị áp bức, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn bị thúc đẩy bởi tham vọng phân chia quyền lực của các cường quốc, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại.

Trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, Trưởng Lão Thích Trí Quang, thể hiện tâm tư bản nguyện của Chư Tôn Túc trong các hệ phái, đã chấp bút soạn thảo Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, làm cơ sở pháp lý cho bốn chúng đệ tử, xuất gia và tại gia, hành đạo và hóa đạo trong một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và hủy diệt cùng cực, truyền thống hòa hợp bao dung của dân tộc cùng với di sản tinh thần và vật chất, có nguy cơ bị chôn vùi trong các hố bom, trên những cánh đồng hoang nhuộm máu. Nguồn hy vọng từ Bồ đề nguyện và Bồ đề hành của chúng đệ tử Phật vừa mới chớm chưa bao lâu đã bị đặt trước tham vọng "ai thắng ai" của các thế lực hung bạo, một số các hệ phái không thể kiên trì tâm nguyện, đã phải rút lui vào bóng tối như đã từng, phó mặc vận mệnh tồn vong của dân tộc, an thân lập mệnh dưới sức đè nặng của ý thức mơ hồ về cộng nghiệp và biệt nghiệp.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do đó đã bị phân rã bởi những văn bản pháp lý ngụy tạo được công nhận một cách phi luật dưới Chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy vậy, Trưởng Lão Thích Trí Quang cùng với Chư Tôn Túc vẫn kiên trì sứ mạng kế thừa Tổ Ấn, bằng các phương tiện qua các tổ chức của Giáo hội, trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục và cứu tế xã hội, cố gắng xoa dịu vết thương nhức nhối của chiến tranh đồng thời giữ vững niềm tin cho tuổi trẻ trước hy vọng tương lai tươi sáng của dân tộc trong một đất nước hòa bình, an lạc và thịnh vượng. Các cơ sở từ thiện của Giáo Hội, cùng với hệ thống giáo dục quảng đại, khai phóng, từ trung học cho đến Đại học, và Cao đẳng, đã đóng góp không nhỏ cho niềm tin và hy vọng ấy.

Thế rồi, khi hòa bình được tái lập, đất nước được thống nhất, cùng lúc với hy vọng mơ hồ về một đất nước hòa bình và tự chủ, cùng lúc ấy, không chỉ riêng tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị khống chế, các cơ sở của Giáo hội bị tịch thu; mà toàn bộ các tổ chức tôn giáo đã hiện diện tại miền Nam, dưới ánh sáng của ý thức hệ vô sản chuyên chính, chỉ đạo bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng sử quan, đứng trước nguy cơ giải thể vì được nhận thức như là thuốc phiện ru ngủ quần chúng bị áp bức. Chiến dịch đốt sách quy mô được quy vào hệ văn hóa phản động vì không phản ánh chủ nghĩa duy vật biện chứng, cảnh báo các ý thức hệ tôn giáo sẽ phải bị đào thải trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bước quá độ, theo chỉ thị của Lê-nin, Đảng Cộng sản phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng. Chỉ thị này lại được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: "Phật giáo Việt Nam là chỗ dựa cho Cộng sản Việt Nam làm cách mạng." Từ đó phát động quy mô vận động thành lập một tổ chức Phật giáo chính thức là một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo của các cán bộ Mặt trận cao cấp. Tất nhiên, đó là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính thức công nhận trên phương diện pháp lý của Nhà Nước hiện tại, mặc nhiên đặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra ngoài vòng pháp luật.

Trước tình hình đó, một số các thành viên của Giáo hội đã phản kháng, không thừa nhận đó là tổ chức Phật giáo thuần túy với mục đích hoằng dương Chánh Pháp vì sự tăng ích và an lạc của các cộng đồng xã hội không phân biệt giai cấp và ý thức hệ; mà thực chất đó là một tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản trong hình thức tôn giáo để phục vụ cho sự tồn tại của Chính quyền Vô sản. Khẩu hiệu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: "Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội", đã bộc lộ rõ bản chất tồn tại của nó.

Để thực hiện có hiệu quả sách lược này, Chính quyền nhận thấy, các phần tử trí thức hàng đầu của Phật giáo Việt Nam cần phải bị loại bỏ để không ẩn tàng mầm móng phản kháng nào. Những vị trước đây đã từng giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các hoạt động văn hóa - giáo dục của Phật giáo Việt Nam, bấy giờ được đưa ra trước Tòa án Nhân dân với phán quyết tử hình. Bản án tử hình đã gây phản ứng từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong các cộng đồng xã hội nhân bản, và văn minh.

Hệ luận có thể thấy, sinh lực Phật giáo Việt Nam được kể như đã đến hồi tàn lụi, thay vào đó là sự hưng thịnh của một hình thái "Phật giáo Xã hội chủ nghĩa" mà hậu quả hưng thịnh của nó dưới sự bảo trợ của Chính quyền Vô sản Chuyên chính đã làm nổi rộ những hiện tượng tiêu cực, biến thái dị hình trong xã hội, cùng với sự xuất hiện các dị kiến, tà thuyết, góp công sức tạo thành một xã hội bất an, vọng động, nhân tâm ly tán, qua các biến tướng mê tín dị đoan, kêu ma gọi quỷ.

Tuy không được chính thức công nhận bởi Chính quyền trên cơ sở pháp lý của Nhà Nước Vô sản, nhưng các vị lãnh đạo sau một thời gian bị trấn áp, bị lưu đày, đã không quan tâm đến những đe dọa an ninh, những tuyên truyền xuyên tạc, GHPGVNTN đã phục hoạt, cố gắng gìn giữ những giá trị đã thành tựu.

Phục hoạt và tồn tại trong bối cảnh điên đảo của xã hội, chánh kiến, tà kiến khó phân, thực hư lẫn lộn, bất an và vọng động là hậu quả tâm lý tiêu cực đã tác động lên tư duy và nhận thức của những nhân cách mà sơ tâm vốn gắn liền sinh mạng bản thân với sự tồn vong của dân tộc và Đạo pháp. Tùy miên - kiến thủ kiến vốn tiềm ẩn trong tâm thức của phàm phu bấy giờ đủ duyên để bộc phát. Tị hiềm, nghi kỵ, là những hiện tượng tâm lý tự nhiên, dẫn đến tranh luận và tranh chấp, rồi từ đó sinh hoạt của Giáo Hội trở thành rối loạn, gây nên những vết thương nhức nhối trong lòng Phật tử. Cho đến lúc, mọi sinh hoạt của Giáo hội tất yếu phải tạm thời đình chỉ.

Trong thời gian đó, trong xu hướng phổ biến của Phật giáo tại các nước phương Tây, cùng với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, giáo lý Phật được tiếp thu và hành trì; trong xu hướng toàn cầu đó, một bộ phận trí thức và thanh thiếu niên Việt Nam đã có những nhận thức cơ bản về Phật giáo trong ý nghĩa tổng quát, cũng như trong sứ mệnh lịch sử của dân tộc; đã có thể phân biệt được chính tà, thực hư, chân giả; những gì là giá trị chân thực, và những gì là trá ngụy vì mục đích hư danh và lợi dưỡng. Một thế hệ mới với những giá trị mới, kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, đang từ từ lớn mạnh trong bóng tối, cùng với ý thức cảnh báo về nguy cơ phá sản của tư duy vong bản, dân tộc có nguy cơ bị đào thải, trước sách lược thôn tính và đồng hóa của các tham vọng bành trướng quyền lực thế giới Đông Tây.

Như Đức Phật đã minh thị, từ những chu kỳ thăng trầm xã hội, và các tập quần đa dạng của mọi chúng sinh, chi phối bởi quy luật vô thường biến hoại của các hành hữu vi, từ trong bóng tối khốn cùng bên hố thẳm diệt vong tối hậu, sẽ phát sinh hiện tượng "tùng địa dõng xuất", những con người dũng mãnh kiên trì Bồ đề nguyện, Bồ đề hành, từ dưới lòng đất sẽ xuất hiện để dựng lại một thế giới mới, một chu kỳ mới của nhân loại trong hòa bình và an lạc, trong vô tận các chu kỳ thành-trụ-hoại-không của ba nghìn đại thiên thế giới. Những người học Phật và tu Phật không bao giờ bi quan tuyệt vọng trước những hoang tưởng về một ngày tận thế của nhân loại, của mọi sinh vật trên quả đất.

Bên cạnh những chúng sinh cùng khổ, bị áp bức, đọa đày, luôn luôn có sự hiện diện vô hình của các Hóa thân Bồ tát, để phục vụ, để an ủi, để chỉ đường giải thoát. Mùa Xuân Di-lặc chính là ngày hội của Phật tử Việt Nam đón chào Hóa thân Bồ tát, đã từng xuất hiện, đang và sẽ xuất hiện, như truyền ngôn trong các cộng đồng Phật tử phương Đông: "Di-lặc chân thật là Di-lặc; Hóa thân trăm nghìn ức; Thường xuyên thị hiện cho người đương thời; nhưng người đương thời không tự biết."

Đấy là niềm tin và hy vọng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức Phật tử Việt Nam, mỗi năm, trong chu kỳ vận hành biến đổi của Nhật Nguyệt. Năm nay, Phật tử Việt Nam đón chào mùa Xuân Di-lặc trong sự khuất bóng của ngôi sao sáng đã từng soi tỏ hướng đi của Phật Giáo Việt Nam trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản dân tộc trước những nguy cơ đồng hóa và diệt vong. Và cùng lúc, trong những biến động phân hóa cùng cực, sinh hoạt của Giáo hội tạm thời đình chỉ; từ những dao động, biến động, đây là lúc cần phải tập liễm thân tâm, an định trong tâm tư không vọng động, để cho những tị hiềm, nghi kỵ, những mâu thuẫn tranh chấp, có đủ thời gian và cơ duyên để lắng dịu, để hòa hợp bốn chúng đồng tu, như giáo huấn của Đức Thích Tôn mà chúng đệ tử xuất gia mỗi nửa tháng tụng đọc một lần: "Cùng học một Thầy, hãy cũng nhau hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc."

Nhân dịp trước thềm năm mới của đại khối dân tộc, trong niềm hoan hỷ và hy vọng của mùa Xuân Di-lặc, tôi kính cẩn phụng thừa uy đức Đại Tăng, gửi đến bốn chúng đệ tử Phật với tâm nguyện khẩn thiết, cầu nguyện ân đức Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát, gia trì hộ niệm chúng đệ tử tín tâm bất hoại, vì sự tăng ích và an lạc của tự thân, của những thân quyến, cùng pháp giới chúng sinh, thiện căn tăng trưởng, Đạo tâm kiến cố, trí tuệ sáng suốt, viên thành Phật đạo.

Cẩn nguyện Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa-thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, thân tâm an lạc, chúng sinh dị độ. Kính chúc các chúng đệ tử Phật một mùa Xuân Di-lặc hoan hỷ và an lạc.

Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ-tát

Saigon, chùa Từ Hiếu, Xuân Canh Tý 2020

ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG GHPGVNTN

(Đã Ấn Ký)

Sa-môn THÍCH QUẢNG ĐỘ











.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin