Alternative title

Tâm sự đầu năm

View: 1260 - Thích Tuệ Sỹ    26/02/2021 08:02:01 am
Tâm sự đầu năm
Tâm sự đầu năm

Giọng đọc: Viễn Phương

1.

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

社稷兩回勞石馬,
山河千古奠金甌。

Hoàng đế Trần nhân Tông

Những ngày vui Xuân trong nỗi lo đại dịch cũng đã qua nhanh; tuần lễ kỳ an cho một năm mới cũng vừa hoàn mãn. Nhịp sống bình thường bắt đầu trở lại, cùng với những hy vọng và ưu tư trong một năm mới.

Trong lúc đất nước vừa qua khỏi hai tai kiếp lớn trong năm, thiên tai và đại dịch; cả nước đang vui mừng chuẩn bị đón những ngày Xuân đầy hứa hẹn, bỗng chốc bóng đen đe dọa của loại vi khuẩn chủng mới vừa phát hiện, các biện pháp giãn cách xã hội lại được tuân thủ triệt để, và những ngày vui Xuân sum họp gia đình lại trôi qua trong khoắc khoải, ưu tư.

Cho đến hôm nay, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, các đàn tràng Dược Sư trong nhiều tự viện cũng vừa hoàn mãn, cùng lúc cơn lốc hoành hành của đại dịch cũng đang được chặn đứng. Niềm vui trong tình cảm tự hào dân tộc, trong truyền thống thương yêu, liên đới trách nhiệm, cùng hòa hiệp trong cộng đồng phấn đấu khắc phục tai họa đang làm điên đảo thế giới.

Niềm vui và hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, trong đó vẫn còn vương vấn nỗi buồn khắc khoải bởi hận thù nghi kỵ hơn nửa thế kỷ đã trôi qua sau cuộc chiến dai dẳng huynh đệ tương tàn, mà một thời chấn động lương tâm nhân loại.

Thảm họa chết chóc bởi bom đạn vô tình đã không làm nhụt chí tình tự dân tộc; nhưng ám ảnh không nguôi về một tương lai bấp bênh đè nặng bởi bóng tối của hận thù, nghi kỵ, bởi tham vọng quyền lực, tham ô tài vật, trong một xã hội bất an, đạo đức băng hoại, những mỹ từ nâng cao phẩm giá con người nghe ra phảng phất như là ngôn từ sáo rỗng trên các bảng hiệu quảng cáo sản phẩm rẻ tiền.

Dù vậy, trong tận cùng tâm khảm của đồng bào vẫn âm thầm trôi chảy dòng tâm thức thấm nhuần đức tính từ bi, nhân ái, giữ vững khí tiết của một dân tộc qua nhiều thế hệ.

Thủa xưa, trong khi cả nước, từ Quân vương cho đến sĩ tốt, từ lão ông cho đến thiếu niên, xuất phát từ Hội nghị Diên Hồng, giữ vững ý chí kiên cường bất khuất trước thế lực hùng mạnh đang giẫm nát thế giới dưới vó ngựa chinh phục; bấy giờ một số kẻ hèn nhát, mãi quốc cầu vinh, đã phản bội mà theo giặc. Cho đến ngày chiến thắng, triều thần trình lên Vua danh sách những kẻ phản bội để bị xử trị đích đáng. Nhưng Vua truyền lệnh đốt hết mà không hề xem đến. Đất nước đang cần sự hòa hiệp đồng tâm nhất trí của toàn dân để xây dựng lại những gì đổ vỡ do chiến tranh. Hãy quên đi những lỗi lầm lớn nhỏ của bên này hay bên kia, ứng xử với nhau bằng khoan dung, tha thứ, không nhìn nhau bằng đôi mắt hoài nghi; phẩm chất đạo đức quân vương ấy khơi nguồn dòng suối nuôi dưỡng khí phách của dân tộc này; dù cho thế lực tham tàn hung bạo như thế nào cũng chưa hề, và cũng sẽ không bao giờ làm cho cạn kiệt:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông muôn thủa vững âu vàng.
(Trần Trọng Kim dịch)


 
2.

人生識字多憂患
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn

Người đời, càng hay chữ càng nhiều lo nghĩ.

Nguyễn Trãi


Cuối năm 2019, đại dịch bùng vỡ, cùng với thiên tai do biến đổi khí hậu hoành hành, cho đến cao điểm vào tháng 8/2020, các định chế dân chủ phương Tây từng là chuẩn mực cho những giá trị nhân quyền và dân chủ bắt đầu bộc lộ những khuyết điểm dẫn đến phân hóa xã hội, phân biệt chủng tộc, xung đột tôn giáo, đã là nhân tố cho sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy mà các chính khách không từ thủ đoạn dối trá mị dân để nắm lấy quyền lực, và tham vọng bành trướng của chủ nghĩa bá quyền đang hoạch định sách lược phân chia quyền lực thống trị thế giới.

Trong bối cảnh sôi động và hỗn loạn đó, các y bác sỹ đã quên mình chiến đấu với kẻ thù vô hình vì sự sống của đồng loại; các nhà khoa học căng thẳng với những bài toán khí hậu cho một quả đất an toàn; các nhà văn hóa, giáo dục, tổng hợp tất cả dữ liệu được quan sát và thu thập từ những biến đổi trong thiên nhiên cho đến những biến động trong các cộng đồng xã hội, âm thầm nghiên cứu bối cảnh xã hội trong thời hậu đại dịch, chuẩn bị sẵn sàng, trong khả năng có thể, phương pháp luận tư duy và quan sát cho thế hệ tiếp nối sẽ bằng tự năng lực mà tự định hướng cho một chu kỳ tiến hóa trên một điểm cao trong vòng tròn xoắn ốc.

Những ngày gần đây, từ các phương tiện truyền thông, xuất hiện một số từ ngữ mang tính sử quan và dự trắc. Các nhà giáo dục, các nhà khoa học, kinh tế học, các nhà hoạt động vì môi trường, các nhà vận động nhân quyền, bảo vệ phẩm giá của con người, cho đến các nhà doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ, thường xuyên nêu câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì cho “thế hệ thứ bảy”, thế hệ con cháu trong một xã hội “thất thế đồng cư”, từ ông Sơ, ông Cố cho đến cháu chắt cùng chung gia tộc, cùng sống chung trong một bối cảnh xã hội, cùng tiêu thụ chung những sản phẩm bởi kỹ thuật tân tiến nhất, và khổ quả thật là bất hạnh, cùng xung đột gay gắt về nhân sinh quan, thế giới quan.

Những biến cố thiên nhiên và xã hội không xảy ra ngẫu nhiên hay đột biến, như Dịch kinh đã nói “ ... phi nhất triêu nhất tịch chi cố; kỳ do lai tiệm hỹ”, không phải là duyên cớ chỉ trong một sớm một chiều, mà nguyên do phát triển lần hồi từ lâu xa.

Cuối những thập niên thế kỷ trước, một phương pháp sử học được áp dụng để giải thích những biến thiên xã hội, “lý thuyết thế hệ” (theory of generations). Nó đặc biệt được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng để khảo sát xã hội Mỹ và Úc châu như là chuẩn mực cho các xã hội khác áp dụng trong những bối cảnh khác nhau.

Tầng lớp lãnh đạo chính trường Mỹ hiện tại vào lứa tuổi xế chiều của đời mình đều là những nhân vật thuộc “Thế hệ Tăng vọt” (Boom Generation), con đẻ của những chiến binh G.I trở về từ các chiến trường Thế chiến II, sinh sau ngày hòa bình, tính cho đến 1960, và đến tuổi vào đời khi mà chiến tranh Việt Nam leo thang đến hồi quyết định bằng cuộc tấn công Mậu thân 1968. Tuổi vào đời của họ đã làm kinh hoàng thế giới, đã làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam; và vào tuổi cuối đời, họ cũng đang làm điên đảo thế giới.

Thế hệ con cái của họ, Thế hệ X (Generation X), sơ sinh xấp xỉ trong khoảng 1976-1981, lớn lên trong sự phồn vinh, phát triển cao độ của chủ nghĩa tư bản; khi đến tuổi thành nhân, họ chứng kiến sự sụp đổ của khối Cộng sản châu Âu, và trong tuổi trưởng thành họ đã đưa một người da đen lên làm Tổng Thống quyền lực nhất hành tinh, làm nức lòng những sắc dân nhược tiểu, và nước Mỹ trở thành biểu tượng của những giá trị dân chủ và nhân quyền được hiểu theo truyền thống tư duy tôn giáo và triết học phương Tây. Nhưng trong đó, càng lúc càng bộc lộ mâu thuẫn gay gắt của “bảy thế hệ đồng cư”; xung đột thế hệ cha và con thành hai thái cực gần như thù địch mà xem ra tưởng chừng chỉ có thể giải quyết bằng bạo lực. Và nó đã dọa sẽ xảy ra như vậy.

Xung đột lan sang thế hệ cháu của họ, Thế hệ Y (Generation Y), sơ sinh xấp xỉ sau 1996. Thế giới đã một phen sửng sốt một cách thích thú khi mục kích một cô bé 15 tuổi, Greta Thunberg, từ Thụy Điển, năm 2018, đứng trước Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (The 2018 United Nations Climate Change Conference), dõng dạc tuyên bố trước những chính khách đang nắm vận mệnh của hàng tỉ con người trên quả đất: “Các Ông đã lừa dối chúng tôi. Nhưng thế hệ trẻ chúng tôi hiểu rõ sự phản bội của các ông. Những cặp mắt của tất cả thế hệ tương lai đang nhìn vào các Ông. Và nếu các Ông tìm cách lừa dối chúng tôi, tôi nói với các Ông rằng chúng tôi không bao giờ tha thứ cho các Ông.”

Thế rồi, từ Djakata cho đến New York, hàng hàng lớp lớp thiếu nhi và thiếu niên từ các lớp Tiểu học và Trung học rời sân trường, bước ra đường phố, kêu gọi Ông và Cha của chúng chịu trách nhiệm với những gì đã làm, để lại hậu quả tồi tệ cho các thế tương lai phải gánh chịu.

Rồi thế hệ này đang trưởng thành, và chúng có chăng sẽ gây hậu quả với những vấn đề biến đổi khí hậu và biến thiên xã hội, như thế hệ ông-cha đã làm? Chu kỳ lịch sử sẽ quay trong một vòng tròn khép kín, hay trong một vòng xoáy xoắn ốc?

Thế hệ tiếp theo, được gọi tên là Thế hệ Alpha. Các nhà nghiên cứu hàn lâm đang thu thập và tổng hợp các dữ liệu để dự trắc Thế hệ Alpha này sẽ suy nghĩ như thế nào, làm việc ra sao, và tiêu thụ theo thị hiếu gì? Cùng lúc, các nhà doanh nghiệp sản xuất cũng dự đoán thị hiếu tiêu thụ của thế hệ này để cung cấp những sản phẩm mang lại lợi nhuận tối ưu.

Các nhà truyền giáo, các lãnh đạo tôn giáo, cũng đang thương nghị về đức tin của tín hữu sau thời đại dịch. Trong ác mộng bởi đại dịch hoành hành, khi mà các nhà khoa học không còn được tin tưởng, một số đông tín đồ tôn giáo trước do bị chi phối bởi xã hội tiêu thụ nên tỏ ra thờ ơ với các lễ nghi cầu nguyện, nay quay về với Đấng Tối Cao của họ, cầu nguyện ân sủng để được bảo vệ. Thế nhưng, tín tâm theo giải pháp tình thế ấy có thể bền vững không, và những biện pháp ứng phó đại dịch có trở thành tập quán sinh hoạt trong thời hậu đại dịch hay không? Hiểu biết để tồn tại, đó là quy luật tồn tại cho mọi sinh vật, không riêng gì loài người.

Và ở đây, chúng ta, các đệ tử Phật, từ những kinh nghiệm ứng phó đại dịch, dự hướng về các thế hệ tương lai, cần học những gì, tư duy như thế nào, tu tập pháp môn nào, từ Tam tạng Thánh điển y chỉ nguyên tắc khế lý và khế cơ, để có thể bằng kinh nghiệm thực học, thực tu và thực chứng, trao truyền, hướng dẫn các thế hệ hậu bối vững vàng trong Chánh đạo.

Khi được thỉnh vấn về khả năng Chánh pháp diệt tận, Đức Thế Tôn trả lời Tôn giả Ca-diếp: “Chiếc thuyền ra khơi chất đầy hàng hóa; nó không chìm vì sóng nước, giông bão, mà chìm vì chính trọng tải của nó.”

Trước khi nhập Đại Niết-bàn, Thế Tôn di giáo: “Các hành vô thường, các ngươi hãy không ngừng tinh tấn.”

Lời cầu nguyện đầu năm: Cầu nguyện cho bốn chúng đệ tử có đầy đủ nghị lực tinh tấn để khắc phục mọi chướng ngại, cùng hòa hiệp đồng tu trong Chánh pháp, vì sự tăng ích và an lạc cho chính mình và cho nhiều người, trong đời này và trong nhiều đời sau.

Đêm Trăng tròn, tháng Giêng Tân Sửu, Pl. 2564.

Tuệ Sỹ


Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin