Alternative title

Xứ Nẫu Quê Tôi

View: 1273 - Châu Đông Cường    29/10/2021 08:10:10 am
Xứ Nẫu Quê Tôi
Xứ Nẫu Quê Tôi
Tôi xa quê tôi đã lâu, hơn 40 năm trôi qua. Chung quanh tôi là những người bạn rất thân… nam có, bắc có, trung có, tàu Việt cũng có. Vì lẽ đó, giọng “Nẫu” của tôi ít nhiều bị lai căn, không còn “Nẫu” thuần khiết nữa. Cách đây không lâu, anh em trong nhà mang chữ “Nẫu” ra đùa chơi để mua vui một cách vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, có người thắc mắc chữ “Nẫu” nghĩa là gì? Có bị coi thường? Có mang ý nghĩa miệt thị hay không?

Tôi không quan tâm đến ý nghĩ của ai đó về dân “Nẫu”, nhưng tôi xin mượn cơ hội này để giải bày vài thắc mắc của một số người, cũng như trình bày những khó khăn, chịu đựng của người dân xứ “Nẫu”… Thật ra, dân Nẫu có giọng Nẫu nguyên chất là những người dân sống ven biển vùng nam trung bộ, kéo dài từ đèo Cả ra đến Tam Quan. Nghĩa là, bao gồm hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Một số người hiểu lầm cả miền trung đều là dân Nẫu.

Miền Trung nói chung, xứ Nẫu nói riêng, đều không được thiên nhiên ưu đãi, ruộng đồng trù phú, cò bay thẳng cánh, như ở miền Nam... Người dân Nam bộ ngày xưa có cuộc sống an nhiên tự tại, làm chín ăn mười, không phải lo lắng cho ngày mai. Người dân miền Trung thì hoàn toàn ngược lại, làm mười để dành chín, vì cuộc sống bấp bênh… “Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn… Trời hành cơn lụt mỗi năm”, chiến tranh thì liên miên bất tận… Người dân chài, hôm nay đánh cá trúng triệu triệu, ngày hôm sau khi trái gió trở trời, mất sạch sành sanh! Người nông dân, mùa này trúng lớn, mùa sau hạn hán thiếu nước, mất sạch sành sanh! Vì lẽ đó, họ học cách lo toan, tiết kiệm, lo trước ngừa sau, phòng khi hạn hán, trái gió trở trời…!

Đối với một số người, “tiết kiệm” đồng nghĩa với “keo kiệt, bần tiện”. Đối với những người dân xứ Nẫu, vào miền Nam tha hương cầu thực, làm sao mà không tiết kiệm cho được, mặc dù hơi thái quá một chút. Hơn nữa, họ còn phải cưu mang cho những mảnh đời cơ cực, người thân của họ ở quê nhà, đang phải đương đầu với thiên tai từng giờ từng phút! Bên cạnh đó, giọng Nẫu là một trong những thổ âm miền Trung - nghe là lạ, khó nghe, hơi quê mùa… nhưng rất chân thật. Nói chung, chữ “Nẫu” có bị coi thường, có mang ý nghĩa bị miệt thị hay không là tùy vào cách nhận thức và trình độ kiến thức của mỗi người…!!! Bị coi thường miệt thị hay không là do cách sống của người đối với người, nơi nào cũng có, chớ chẳng có liên quan gì đến thổ âm của từng vùng… “Đâu đâu cũng có anh hùng, đâu đâu cũng có kẻ khùng kẻ điên”…

Còn chữ Nẫu có ý nghĩa gì? Xin thưa, nẫu là để ám chỉ: người ta (ngôi thứ ba – số nhiều hoặc số ít). Ví dụ như: Biệt thự này của ai? – của nẫu; ruộng này của ai? – của nẫu; xe hơi này của ai? – của nẫu. Mới nghe qua, tưởng chừng như “nẫu” là tên của một đại gia đó, rất giàu có. Nhưng thật ra, người trả lời chỉ muốn nói là không phải của mình… đơn giản như đang giỡn, thế thôi!

Chữ nẫu có từ giữa thế kỷ 15, thời chúa Nguyễn. Đơn vị hành chánh được chia thành nhiều cấp… dưới Huyện là Thuộc, dưới Thuộc là Phường, Nậu, Man. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu. Nậu Nại là chỉ nhóm người làm muối; Nậu Rổi là chỉ nhóm người bán cá; Nậu Cấy là chỉ nhóm người đi cấy mướn, v.v… Từ “Nậu” khởi đầu được xử dụng như một đại danh từ như, Nậu nại này, Nậu cấy nọ… nhưng để xử dụng như một ngôi thứ ba, thì gọi là “Nậu ấy”… Cũng như những đại danh từ danh xưng ngôi thứ ba khác: anh ấy thì gọi là “ảnh”, chị ấy thì gọi là “chỉ”, ông ấy, bà ấy thì gọi là ổng bả… Như vậy, “Nậu ấy” thì gọi là “Nẩu” cũng là chuyện dễ hiểu!

Có lẽ, do cách phát âm của người dân xứ “Nẩu” dấu hỏi đã biến thành dấu ngã trong những câu ca dao khá mượt mà, chất phác…

- Bẻ bông mà cắm lục bình,
Nẫu có xa mược nẫu, đôi đứa mình không xa

(Người ta có xa thì mặc người ta, hai đứa mình thì không)

- Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ

(đại ý là thương làm chi, để rồi họ cũng về lại xứ của họ)

Tôi xin mạn phép nêu ra một vài quan điểm cá nhân về tánh tình của người dân xứ Nẫu..

- Thường là nóng tánh, ăn cục nói hòn, nhưng chắc thiệt, dứt khoát.

- Ít tâng bốc, ngon ngọt như dân miền ngoài, nhưng cũng không bộc trực, nhiệt tình quá như dân miền trong.

- Con gái Nẫu thường khép kín, nghiêm nghị… ngoài đắng trong ngọt, rất chiều chuộng chồng, lo cho gia đình và có sức chịu đựng rất cao…

Vâng! Xứ nẫu quê tôi là vậy đó… Có khen, có chê, dân nẫu vẫn là dân nẫu! Sinh nơi đâu, chúng tôi không có quyền lựa chọn! Người tốt, người xấu, nơi nào cũng có, tùy theo cách sống của mỗi người tự chọn lựa! Đơn giản như đang giỡn, thế thôi!

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin