Alternative title

Cảm Niệm Tang Lễ Cụ Bà Ưu-bà-di Quảng Thao

View: 807 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng    22/01/2024 07:01:43 am
Cảm Niệm Tang Lễ Cụ Bà Ưu-bà-di Quảng Thao
Cảm Niệm Tang Lễ Cụ Bà Ưu-bà-di Quảng Thao
Tôi dạy lớp tối vừa xong lúc 7 giờ 30, vội ra phi trường bay xuống San Diego để cùng chia sẻ nỗi buồn mất mẹ của gia đình đạo hữu Phan Trung Kiên, người điều hành trực tuyến cho trường Cao Đẳng Phật Giáo Thực Dụng.

Trời mưa như những giọt buồn vương vào từng đôi mắt ngây dại của người con khóc mẹ. Ai từng tiễn biệt ngàn thu đấng sanh thành đều thổn thức nỗi đau xé ruột khi nhìn hình ảnh thân yêu và quý trọng nhất trong đời nằm im trong cỗ quan tài. Chốn già lam Như lai Thiền Tự rực rỡ màu hoàng y với hàng trăm tràng hoa, phướn, liễn và tràng phan, từ ngọ môn đi vào trong tang đường, khiến cho tôi có cảm giác như đang bước vào cảnh “thất trùng lan thuẫn” để tôn trí nhục thân của cụ bà Huỳnh thị Lục, pháp danh Quảng Thao, một Phật tử thuần thành, sản sinh những người con phụng sự đạo pháp.

Thật vậy, từng người con trai, con gái của cụ là những nhân tố đóng góp cho mạng mạch của Phật giáo hải ngoại luân chuyển, dù không phải thân xuất gia mà “tâm hạnh xuất trần” là vậy.

Người con trai đầu lòng có phước duyên từ tiền kiếp nên mê tụng kinh, niệm Phật từ nhỏ và từng đảm trách tụng niệm trong những ngôi chùa vừa kiến lập mà thiếu Tăng Ni kinh kệ.

Người con trai thứ hai tức Đạo hữu Phan Trung Kiên, Chủ nhiệm Liên Phật Hội trong vai trò truyền thông Phật Giáo tại Hải ngoại và sáng lập Kênh truyền hình TK News đã trở thành nguồn tin chính thức về những Phật sự khắp đó đây, đồng thời cũng chuyển tải những bài pháp vi diệu của chư tôn tịnh đức, Pháp sư đến những ai hữu duyên đón nhận.

Người con thứ trai ba từng một thời đứng trên sân khấu ca nhạc, cải lương để đem pháp âm thù thắng của Phật gia qua hình thức âm nhạc hòa vào nhân thế.

Người con trai thứ tư là một Phật tử, Giáo sư, giảng dạy tại Đại học Sacramento, lớn lên từ một đoàn sinh có tâm thành với các vị tôn túc, đệ tử Hòa thượng Phước Thuận và cung kính ôn như cha của mình.

Còn anh con trai út là một huynh trưởng, lãnh đạo Miền của Gia đình Phật tử tại Hoa Kỳ, gắn bó với đoàn sinh oanh, thiếu, đồng niên tại ngôi già lam này trên ba mươi năm, nên cái quả ngọt của cụ bà khi nằm xuống trở thành mật ngọt dâng hiến cho đời.

Bốn người con gái của cụ cũng là những đóa hoa trong vườn lam sen trắng, những cận sự nữ đắc lực và thuần thành của những ngôi tam bảo tại địa phương.

Vì những lẽ trên nên hai ngày tang lễ của cụ bà đã cung đón khoảng năm sáu mươi vị tăng ni khắp nơi về hộ niệm. Điều tôn quý và phúc đức vô vàn là dưới sự chứng minh của bốn vị Hòa Thượng đạo hiệu Thích Phước Thuận, Thích Minh Mẫn, Thích Nguyên Siêu, Thích Minh Hồi, hai vị Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thiện, Thích Nữ Tiến Liên và chư tôn đức tăng già từ nhiều tiểu bang đã hiện diện cùng gia tâm chú nguyện cho hương linh vãng sanh Tịnh độ, thật huyền nhiệm và cảm động.

Lời kinh trầm hùng liên tục từ nhiều đạo tràng và dòng người đến phân ưu chật kín tang đường trong khi trời mưa như thác đổ, những phái đoàn của chính quyền địa phương, các hội đoàn cộng đồng và nhiều tổ chức, đơn vị Gia Đình Phật Tử đồng thành kính viếng tang, đốt hương tiễn biệt hương linh. Anh Quang Ngộ Đào Duy Hữu đại diện Ban hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ lái xe từ Sacramento suốt đêm để kịp đến Như lai Thiền Tự đốt nén hương tiễn cụ về miền tịnh cảnh.

Tôi xem dự thời tiết biết rằng mưa sẽ nặng hạt từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều thứ bảy. Lòng tôi hồi họp lo âu… vì chương trình lễ kỳ siêu, cúng cơm và tâm tình dâng mẹ cũng như đạo từ của chư tôn đức bắt đầu lúc 12 giờ trưa. Và đúng như vậy, từ khi cung thỉnh chư tôn an tọa để chứng minh cho chương trình tiễn biệt cuối cùng thì trời mưa nặng hạt. Dưới mái bạt che kín thì không ảnh hưởng thời tiết bao nhiêu nhưng lúc di quan là một nan đề. Dù vậy lễ kỳ siêu và tâm tình vẫn diễn ra quá xúc động với những lời phát xuất từ con tim chân thành của những đứa con mất mẹ. Tôi lắng nghe từng lời cảm niệm, từng tiếng nấc nghẹn ngào của sự xót xa không nói nên lời… Những người con trai, con gái đều bày tỏ, nhắc lại lòng yêu thương vô hạn của mẫu thân, bởi:

Bao năm gian khổ héo hon,
Mẹ luôn cam chịu nuôi con nên người.

Rồi cháu nội, cháu ngoại với cả tiếng Việt và tiếng Anh, vừa đủ cho bà nghe, rằng: “Cháu yêu bà rất nhiều! I love you much!” Những lời nghe như xé lòng khi nước mưa càng ngày càng tuôn chảy.

Đạo từ của Hòa Thượng chứng minh vừa xong, Ban kinh sư thực hiện nghi thức phất trần khi hàng trăm vòng hoa được mang lên xe để dọn lối đi cho Lễ di quan đưa về hướng nghĩa trang San Diego an táng.

Lạ lùng thay, lúc động quan cũng là lúc trời quang mây tạnh, một vài hạt mưa bay theo làn gió đẩy đưa không đủ làm ướt y hậu của chư tôn túc hộ niệm. Đoàn xe tang hướng về nghĩa trang trong vòng 40 phút cũng gặp lúc mưa phùn nhè nhẹ, và khi cỗ quan tài ngừng hẳn nơi huyệt mộ lúc 3 giờ 30 phút thì quả nhiên trời tạnh hẳn, chỉ còn lất phất những giọt dư âm như cùng khóc với tang quyến khi thân xác cụ bà sắp trở về với tứ đại thiên thu.

Quả thật mẹ là cánh cò nên giọt mưa là linh hồn của mẹ, bởi suốt đời mẹ là:

Cánh cò cõng nắng, cõng mưa;
Mẹ ơi! Cõng cả bốn mùa gió sương!

Nhưng bây giờ thì:

Mẹ là ngọn gió đưa êm,
Mẹ là dòng suối diệu huyền bao la.

Và dòng suối ấy vẫn mãi chảy trong huyết quản chín người con, hai mươi lăm người cháu và hai đứa chắt, từng được uống dòng suối thương yêu mà cụ bà đã là hạt nhân cho quả lành chín mọng.

Tôi cúi đầu chắp tay hướng niệm, dâng thả một cành hoa hồng trên huyệt mộ lần cuối cùng, thành tâm nguyện cầu hương linh Cụ bà Ưu-bà-di Quảng Thao trực vãng Tây Phương. Nhìn lên trời mây đang nhẹ bay, tôi mường tượng chín phẩm sen vàng đang nở rộng để chào đón một chúng sanh vừa hoàn tất một kiếp nhân sinh trong thiện pháp với sứ mạng sản sinh cho đời những hộ pháp phụng trì chánh giáo.

Tôi có dịp ngồi cùng bàn với chín anh chị em nhà họ Phan, ăn bữa cơm chay thanh tịnh sau khi dâng cúng hương linh tại căn nhà mà cụ bà đã sống mười mấy năm qua, chuyện trò thân mật trong hai tiếng đồng hồ, tôi mới hiểu ra một điều mà đám tang cụ bà quả là hiếm có nơi xứ lạ quê người. Đó là bởi ba lý do: Thứ nhất là hòa trong gia đạo, thứ hai là cống hiến cho đời vô vụ lợi và thứ ba là cả nhà đều kính tin nhân quả.

Nam-mô Lạc Bang Giáo Chủ Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Phật Giáo Thực Dụng

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin