ĐIẾU THI BÁI BIỆT
View: 882 - Trần Kiêm Đoàn 24/11/2023 01:11:12 pm (Nguyên là sinh điếu thi viết trước 25 ngày, khi Thầy Tuệ Sỹ còn tại thế.Thầy đã được Phật tử đọc lên nghe và gật đầu mỉm cười an lạc.
Có một vài hiệu đính nhỏ cho thích hợp ngay sau khi Thầy viên tịch.
https://thuvienhoasen.org/a40219/sau-giac-truong-son)
Nam mô nhất niệm chí thành Hồng ân Tam Bảo:
Giữa dòng đời thành trụ hoại không,
Như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông;
Theo mưa dầm nước lũ,
Trời đất đã sang Đông.
Báo tin đầy thương tiếc:
Hòa thượng Thiền sư Tuệ Sỹ,
Sau 81 năm trụ thế, 74 mùa bản hạnh viên dung,
Trí tuệ, từ bi pháp thân hư huyễn,
Vừa theo mây nước ra đi:
“Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”
Nhớ hương linh xưa…
Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,
Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:
Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,
Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,
Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…
Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,
Hơn bảy mươi năm trước,
Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,
Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…
Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:
Vĩnh quyết, nhất tâm, nương mình Phật đạo.
Thắng duyên một thuở,
Nơi xứ Huế trầm lắng, đơn sơ,
Mà được xem là kinh đô Phật giáo.
Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:
“Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…
Đem ân pháp truyền thừa cho sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.
Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,
Nên uyên thâm tài trí song toàn,
Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…
Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,
Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.
Thích Tuệ Sỹ:
Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,
Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học do những công trình nghiên cứu uyên thâm.
Tuổi trung niên: Một cõi tài hoa văn đàn thi phú,
Biên và dịch nhiều danh phẩm Đông Tây kim cổ...
Đạo và đời tương tác nhân văn.
Chiên đàn hương hỷ lạc,
Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.
Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…
Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,
“Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng”
Lịch sử sang trang,
Sư về bên cổ tích.
Từ tâm trong thế cuộc can qua,
Sách vở văn chương một thời xa lạ,
Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.
Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,
Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.
Cửa Thiền không khép,
Giữa cuộc bể dâu.
Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;
Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,
Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:
Là tu sĩ không chỉ nguyện cầu,
Là thi nhân thơ càng dậy sóng…
Là học giả tay không nghìn phương trượng,
Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.
Nước trong không sợ vương tay,
Cây ngay không tày chết đứng;
Nên đã trải qua mấy bờ sinh diệt,
Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!
Thầy Tuệ Sỹ,
Hòa thượng thiền sư Tuệ Sỹ,
Nhà thơ học giả Tuệ Sỹ,
Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,
Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.
Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,
Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.
Và cứ thế phiêu linh vời vợi,
Cứ an nhiên như đã về đã tới!
Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,
Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.
Thầy vừa mới đó…
Chiều êm vắng tiếng dương cầm tịch tĩnh,
Và hôm nay vân hành Bồ Tát Đạo,
Vạn lý du bước tiếp cuộc hành trình,
Bọt nước bèo mây như như hoa đóm,
Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.
Có chín phẩm hoa sen làm nụ cười phụ mẫu,
Hiển bày sen nở thấy Phật trọn niềm vui,
Bồ tát viên dung là bạn lành.
Cuộc đời là quán trọ,
Nẻo về là thiên phương.
Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:
“Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?”
Chân không diệu hữu,
Thầy vừa ra đi như bóng mây bay qua,
Sư tử hống Trường Sơn uy nghi rừng thẳm,
Nắng xế trăng tà không lại hoàn không.
Theo diệu lý Khổ, Duyên, Không;
Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy.
Đường về Bến Giác thuần thanh tịnh.
Tứ chúng tri ân bái biệt Thầy.
Pháp quyến, môn đồ,
Thiện hữu, thiền duyên…
Tiếp dẫn pháp hành vãng sanh Cực Lạc,
Chí tâm đồng niệm:
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn