Nắng hạ nung người và Mùa hè rực rỡ
View: 1072 - Lê Tạo 9/06/2020 08:06:06 pm Tháng 6 này đánh dấu 35 năm, ngày tôi rời Việt Nam. Tôi rời VN trong cơn nắng hạ nung người. Tôi tới Mỹ một năm sau đó cũng trong mùa hè rực rỡ.Gã bạn ngày xưa email bảo: viết vài dòng đi, coi như kỷ niệm bọn mình những ngày đầu xa xứ. Tôi nhận lời, rồi để đó. Ngày này sang tháng khác, việc nọ nối việc kia, tôi khuất lần, dù có người nhắc. Nhưng 35 năm, 1 con số đẹp. Tôi không thể hẹn nữa. Gõ thôi. Vâng, những tháng ngày đầu, là: Nắng gió đất Phi
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Nắng gió đất Phi
Tôi đến Phi vào một buổi sáng trời yên, sóng lặng của tháng bảy, sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển lớn. Ghe chúng tôi không dám cập vào bờ, mà đậu xa xa khoảng vài chục thước. Ba người xuống "thúng", chèo vào bờ, tìm hiểu đây là nơi đâu của đất Phi. Bởi Phi có vài đảo nhỏ, trong đó có Mindanao đang nằm trong tầm kiểm soát của phiến quân. Đây là điều mà chúng tôi biết được khi theo dõi đài BBC, trước khi ra đi. Chúng tôi không muốn lạc vào hòn đảo đó.
Mấy phút sau, trẻ em và người lớn túa ra, như bu lại quanh ba người vừa cập bờ. Tôi thấy những cánh tay đưa lên, bên này nói qua, bên kia nói lại. Hiểu nhau không? chỉ có trời biết. Chúng tôi trên ghe nhấp nhỏm. Vài phút sau, vài thanh niên lực lưỡng tay cầm M16 đi xuống mé biển. Chúng tôi hồi hộp. Chuyện gì đến, đã đến. Tôi thấy mấy người cầm súng ra hiệu cho ba người lên thúng. Họ cũng lên, và ra hiệu chèo thúng ra ghe. Cả ghe hết hồn. Làm gì bây giờ. Dĩ nhiên, bỏ chạy thì kịp thôi, nhưng còn ba người kia? Mà ở lại để chết chùm à?
Cả ghe quyết định ở lại. Chúng tôi chấp nhận chịu chung số phận cho cả ghe chứ không thể bỏ những người tiên phong dò đường. Và chúng tôi đã gặp những trái tim bồ tát. Họ chỉ dẫn chúng tôi lái ghe vào đất liền, chạy ngược lên con sông. Một lúc sau, đến đường nhựa lớn, họ ra dấu cho ghe ngừng chạy. Và bảo chúng tôi lên bờ.
Những bước chân đầu tiên trên đất Phi là những bước chân không vững. Tôi bước đi bước thấp bước cao. Loạng quạng như muốn té. Tiếp theo là cái nắng té tát. Nắng như đổ lửa trên đầu. Nắng như tát vào trước mặt. Nắng như phủ chụp phía sau. Nắng chói lòa đằng trước té đom đóm. Tôi đi như 1 kẻ vô hồn, đầu óc trống trơn, chỉ biết mình đã sống.
Đêm mùa hè đổ xuống chầm chậm. Mọi người đang say ngủ. Riêng tôi thì không. Tôi mở mắt thao láo, nhìn lên trần. Tôi đang nằm trên tầng hai của dãy nhà đang dùng làm cơ quan chính quyền. Ban ngày, chúng tôi di chuyển xuống nhà ăn, với tường xây, mái tôn, nền đất. Ban đêm, chúng tôi được lên dãy nhà hành chánh này. Đàn bà, con gái, trẻ em, được ở tầng 1. Đám đàn ông, con trai, nằm tầng 2. Tôi không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại, người tôi cứ lâng lâng, nhồi lên, nhấp xuống. Người ta gọi là say-sóng-bờ. Vâng, tôi bị say sóng bờ như thế suốt mấy hôm liền.
Cảm nhận đầu tiên của tôi về phi là Nắng. Nắng đổ lửa. Nắng té tát. Nắng đốt cháy da người suốt mấy ngày, sau đó thì dịu lại.
Chúng tôi ở đảo Mindoro được vài ngày thì có nhân viên cao ủy xuống làm giấy tờ. Hai tuần sau được cao ủy tị nạn chuyển lên trại chuyển tiếp Manila.
Nắng Manila cũng chẳng thua gì Mindoro. Cái nắng gắt của thành phố ồn ào bụi bặm này như bày trò hăm dọa đám người tị nạn. Tuy nhiên, đây là thời gian tuyệt vời. Chúng tôi ăn, ngủ, tắm rửa, thoải mái Chiều chiều, từng chuyến xe chẳng biết từ đâu đổ người về. Ai nấy quần áo bảnh bao. Lúc đầu, chẳng biết tại sao. Cũng là tị nạn, họ đến đảo nào mà được ăn mặc đẹp, ai nấy hả hê như thế. Và rồi cũng hiểu ra: họ lên đường đi định cư, từ trại Bataan, nơi những người được Mỹ chấp nhận sau những lần phỏng vấn và đến đây học tiếng Anh. Tối tối, ngồi hóng chuyện những người sắp đi về phía thiên đường, chúng tôi nhìn nhau, cùng thầm mong trong đầu, 1 ngày nào, mình cũng sẽ được như thế.
Thời gian ở trại chuyển tiếp, tôi xin được 2 bộ quần áo cũ của những người đang lên đường định cư. Đó là báu vật cho những tháng ngày ở đảo sau này.
Chúng tôi ở trại chuyển tiếp hơn 2 tuần nữa, rồi chuyển xuống trại tị nạn Palawan.
***
Trên chuyến tàu “chợ” khởi hành lúc gần nửa đêm từ Manila, thủ đô của Phi luật Tân, sau gần 1 ngày rưỡi trên biển, chúng tôi vào cảng Palawan lúc trời gần sáng. Mặt biển lặng yên như tờ giấy. Mầu đỏ hồng từ chân trời càng lúc càng sáng rực, làm chúng tôi náo nức không thể tả. Một bình minh của vũ trụ. trong lòng người tị nạn chúng tôi cũng le lói ánh bình minh.
Người hướng dẫn đưa chúng tôi xuống tàu, đi 1 đoạn, vượt qua cầu tàu, lên phố. Anh thông dịch viên VN từ trại tị nạn, ra làm thông dịch. Chúng tôi được dồn lên 1 chiếc xe chở đất và 1 chiếc xe khách, chạy từ cảng về trại. Đến trại, họ đưa vô ngay trong “barrack”. Những thuyền nhân mới tới Palawan, phải qua mấy ngày trong này, nội bất xuất, ngoại bất nhập, để khai lý lịch, và để trại sắp xếp nơi ở. Sáng chủ Nhật, cả trại nghỉ. Ban thông tin của trại phát ra những bài ca nghe rớt nước mắt. Nghe Khánh Ly hát: Người Di Tản Buồn; nghe Việt Dzũng ca Món Quà Cho Quê Hương, ruột cứ như đứt từng khúc…. “Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương, em bán cho đời tìm đường vượt biên…”. Việt Dzũng đã sáng tác và hát thay cho chúng tôi, những người đi tìm đường sinh trong đất tử. Bên trong barrack, nhìn xuyên qua hàng rào kẽm gai, thấp thoáng bên ngoài, thấy người ta tự do phơi phới, mình nước mắt lưng tròng.
Vài người bạn học cùng trường khi xưa, đã nhanh chân đi trước, nghe tin có người mới tới, thế là tìm đến, xem có người quen không. Và là gặp nhau. Môt cô bạn, học cùng lớp ở VN, đang làm xướng ngôn viên trong trại, (đi trước gần 1 năm) nghe tin, tìm tới buổi trưa, nhưng không gặp, vì tôi phải đi vác củi mà trại chia cho mỗi gia đình. Mà vác làm gì, có gì mà nấu? Xoong nồi ở đâu? Mấy ông đi trước làm ăn như cái con … gì đó. Cho những người mới tới cái gì không cho, lại đi cho củi. Cạp được sao, mấy cha nội?
Vài đứa bạn, thằng cho mượn rựa, chẻ củi. Thằng kiếm cho cái xoong móp méo. Thằng kiếm đâu ra cái thùng cũ, nói rằng quý lắm, rang giữ đừng bị mất, sau này ra khỏi barrack làm gia tài để đựng nước. Thằng nào cũng nói: cũ kỷ, móp méo, nhưng quý lắm nghen mậy. Tụi nó chỉ có cái tới trước, chứ cũng trên răng dưới dép thôi. Hạnh phúc đến ứa nước mắt.
Ngày ra khỏi barrack, tôi về căn nhà tranh ọp ẹp, nằm ngay mép nước, bên cạnh phi đạo. Mỗi buổi trưa tiếng máy bay lên xuống nghe điếc con ráy. Gia tài chỉ có hai cái áo thun cũ, 1 cái quần sọt ngắn, một cái quần jean mòn nơi mông, xin 1 anh tại Manila, và 1 bộ đồ mặc từ lúc rời VN. Lẽ ra có đem theo một túi nhỏ quần áo, nhưng lúc vội vã lên ghe lớn, túi xách mấy bộ quần áo đã để lại trên xuồng nhỏ, không mang theo được.
Mùa hè của Phi, đầy nắng gió. Nắng nóng và gió rát. Nắng cháy da, khét lẹt. Gió ran rát mặt người. Căn nhà ọp ẹp đó đã cưu mang tôi trong những ngày nắng cháy ấy.
Tới trại, tôi viết thư về nhà ngay, báo tin sống sót. Tôi chúi mũi học Anh Văn ngày đêm. Bọp bẹp dăm bảy câu, làm vốn. Sáng sớm xách canh nhựa 20 lít cũ càng và một cái thau móp méo đi chờ lấy nước, rồi đi học. Gần trưa, chạy ra ban lương thực chờ lấy thịt, có khi cá, có khi trứng. Ăn trưa, rồi đi học. Chiều đi lang thang trên biển, trên phi đạo mà nhìn về bên kia biển lớn. Tối, lại học nghe đàm thoại từ máy thu thanh … của nhà bên cạnh. Họ đang học gì, mình nằm trên căn gác nhà lá, nghe theo.
Mấy tháng ở đảo, hai ngày một lần, xe thư vào trại. Ai cũng chờ nghe ban thông tin phát thư, gọi lanh lãnh gần suốt buổi chiều. Mình con bà phước, làm gì có thư hải ngoại mà chờ. Nghĩa là không bao giờ nhận được một đồng tiên đô nào. Có ai gởi cho mà nhận. Có chăng, chờ 1 tấm thư, từ VN gởi sang.
“Thư quê hương như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười”
(Cao Tần)
Mình đi trễ, đến sau. Vậy mà phái đoàn Mỹ xuống làm bụp bụp, phỏng vấn ngày đêm. Tất cả những phái đoàn của nước khác, năm thì mười họa, xuống trại chỉ làm nửa ngày, hay từ 9-10 giờ sáng, tới khoảng 2 giờ chiều là xong. Phái đoàn Mỹ thì khác. Hình như khoảng 3 tháng, họ vào trại một lần.. Họ làm từ sáng sớm tới gần nữa đêm (cho đến khi hết hồ sơ xin đi Mỹ). Tới lượt mình, xong 1 cái nhẹ nhàng. Hai tuần sau, nhận danh sách chuyển trại lên Battan. Mấy thằng bạn cũ và cô bạn chung lớp ngày xưa, trợn mắt
- Mày ở Ở Palawan chưa nóng đít đã được đi rồi. Tụi tao chờ hoài, chưa biết ai nhận.
- Ừ, trời đất thương tao.
“Vựợt biên có phước, định cư có phần”. Có phước thì sống qua cơn gió bão, nhưng đi định cư thì không ai giành phần của ai được. Tôi nói:
- Phần tao tao lãnh. Chừng nào tới phiên tụi mày thì tụi mày đi.
Bạn bè đón tôi ở barrack, ngày đến. Bạn bè tiễn tôi đi ở ngay cầu tàu, ngày đi.
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về….” Chiều nay tôi đi, chứ chẳng phải là mai. Đi thôi. Đi mà lòng vẫn nhớ biển Palawan, nhớ nắng, nhớ gió, nhớ căn nhà lá tồi tàn, nhớ sáng lãnh lương thực, chiều cuối tuần xem phim màn ảnh lớn. Nhớ những tấm lòng bạn hữu trước, sau.
Bạn bè học cùng trường ở Việt Nam rồi cũng đi. Thằng đi Đan mạch, thằng đi Pháp, vì không có thân nhân, cũng chẳng giấy tờ gì chứng minh để được Mỹ nhận. Cô bạn học cùng lớp chờ đi Úc, cho đến hơn 1 năm sau….
Tôi giã biệt Palawan để đến Battan với lòng háo hức của 1 thằng con trai vừa mới lớn. Trước ngày đi, chạy xuống chỗ mấy bà Sơ, xin cái túi xách. Trong túi xách ấy, bây giờ có thêm 1 cái áo sơ mi và cái quần jean mua ở chợ Phi, ngoài phố.