Ngọn nến tàn canh
View: 645 - Nguyễn Hương 15/11/2024 08:11:26 am Huế một chiều đông dưới hiên chùa Thiên Mụ.Tôi khắc sâu trong tâm khảm ánh hoàng hôn buổi chiều hôm ấy, buổi chiều lần đầu tiên tôi được nghe biết đến Hoà Thượng Tuệ Sỹ cùng với ngài Quảng Độ, và thiền sư Trí Siêu qua lời kể của thầy HT. Kết thúc câu chuyện tôi được tặng một tấm hình của Hoà Thượng Thích Quảng Độ mang về, tôi giữ gìn cẩn thận tấm hình tới bây giờ.
Rời chùa, mang trong mình những ngổn ngang tâm sự. Tôi lang thang trong chiều mưa, không biết rằng mưa Huế rất lạnh, mưa Huế rất buồn hay chính cái lạnh lẽo của hồn tôi, nỗi buồn đau xé của một đứa con gái xa quê mang trên mình những buồn thương của lứa tuổi mới lớn? Cứ như thế, nước mắt theo theo những hạt mưa rơi trên má tự bao giờ. Tôi khóc cho chính tôi hay tôi khóc vì bị chấn động mạnh bởi thầy Tuệ Sỹ qua bức hình đen trắng mờ mờ với cái cổ dài và thân hình gầy tong teo ốm nhom ốm nhách của Thầy?
Sau này tình cờ tôi đọc được bài thơ từ một thầy đồng hương chép tay gửi cho:
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.
Từng chữ từng chữ như những kim châm đâm sâu vào da thịt, tôi mơ màng nghe những buốt rát, cảm nhận tâm can mình rất đau. Tôi nghe tim mình thắt lại, Những câu thơ đọc lên mang trong đó một hình ảnh tả chân vô cùng rõ nét, cơ thể tôi lạnh toát, tâm trí hiện rõ mồn một hình ảnh Thầy trong bốn bức tường chật hẹp cũng dậy sóng quay cuồng nhức nhối với đạo pháp với dân tộc, những trăn trở về đỗ vỡ điêu tàn của thế gian. Tôi có cảm giác ngột ngạt như tay chân đang bị trói lại, càng vùng vẫy càng run sợ, càng run sợ càng như bị sóng dìm.
Chính bài thơ trên là cầu nối kết duyên để sau này tôi tìm tới với nhiều tác phẩm của Thầy. Và rồi hơn hai mươi năm sau, tôi đã được đảnh lễ Thầy, được nhìn thấy Thầy trong chiếc Y sờn màu phai nâu đỏ, thân hình gầy rất gầy với vài loại dây dợ lằng nhằng khác trên cơ thể. Nhưng vẫn đôi mắt ấy vẫn sáng ngời một vẻ tinh anh như trong tâm khảm tôi từng tưởng tượng, nụ cười hiền và khuôn mặt rất “dễ thương”, (cho phép tôi được dùng hai từ ấy để diễn tả về Thầy, có lẽ nó không phù hợp khi miêu tả dung nghi của một bậc thầy khả kính, nhưng khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, ánh mắt khi tôi được lần đầu trông thấy đã khiến cho tôi dịu vơi biết bao bão giông đang dồn dập, một khuôn mặt sao khiến cho người đối diện trông thấy có thể yên lòng đến vậy! Tôi không tìm thấy được ngôn từ nào để diễn tả cảm giác gần gũi đầy năng lượng ấy, dễ thương là cảm giác đầu tiên mà tôi nghĩ đến) giọng Thầy trong veo nhưng cũng lắm lúc hụt hơi thều thào, từng câu từng chữ Thầy dạy vẫn in rõ mỗi khi tôi nhắm mắt nhớ về thầy.
Cùng thời điểm bệnh Thầy trở nặng thì cũng là lúc chồng tôi lâm bệnh nặng, tôi mang trên mình đời sống của ba sinh mạng. Cách thầy nhẹ nhàng đối mặt với cơn đau chính là bài học dạy tôi cách vượt qua nỗi bế tắc và bất hạnh của chính mình. Tôi muốn được nói cảm ơn Thầy vì nhờ bám víu vào nụ cười hiền, ánh mắt đầy nâng đỡ, khuôn mặt dễ thương vô úy của Thầy cho tôi đủ động lực để có thể đứng trên đôi chân gầy guộc đầy những chai sần bởi những lần dẫm bước trên những hố sâu vực thẳm, mà không gục ngã hay đúng hơn là nhờ Thầy mà tôi còn thấy mình cần phải sống.
Nhưng trước Thầy chắc tất thảy mọi người đều trở nên run rẩy và mọi ý nghĩa để diễn tả bằng từ ngữ đều tan biến. Những ngổn ngang hình như đã nhường chỗ cho sự ấm áp và thư thái, thật lạ!
Tôi chết lặng người khi nhận tin Thầy viên tịch. Vậy là câu hỏi tôi dự định bạch Thầy khi có dịp, Thầy có sợ chết không? chưa kịp hỏi! Tôi leo lên xe chạy như kẻ mộng du, và bất định tôi đi thẳng tới bệnh viện AIH, chọn một góc khuất bên cánh trái hướng mắt về phía cầu thang chờ đợi, chờ đợi gì? Và cứ thế khóc như mưa. 9h tối tôi rời bệnh viện về nhà cùng nỗi mất mát không thể viết thành lời.
Ngày đưa tang Thầy, lòng tôi một lần nữa hoảng hốt bàng hoàng. Một tiếng rầm vang lên là khi Kim Quan của Thầy được hạ xuống, di chuyển vào đài hoả táng. Cảm giác mất mát chạy bủa khắp sống lưng, hai cánh tay bắt đầu bất động, toàn thân cũng bắt đầu tê cứng như bị đóng băng hoàn toàn. Lửa thiêu đốt Thầy, lửa thiêu đốt hết những cơn đau, lửa thiêu đốt hết những nhọc nhằn bất công một đời, nhưng lửa không thể thiêu đốt được trái tim và trí tuệ của Thầy. Lửa không thể thiêu đốt tài sản vĩ đại của Thầy, một vị đại Bồ Tát vô úy trong tôi.
Con đường đi qua bệnh viện AIH và nhà anh Quảng Diệu, nơi Thầy mới đây còn lưu trú điều trị đã trở thành con đường tôi chọn đi lại mỗi ngày, tôi đi mà không đi đâu cả, đi để thấy an lòng. Vì nơi đó, tôi tìm thấy Thầy và tìm thấy nỗi nhớ về Thầy.
Kính lạy Thầy, cho con thêm một lần hướng lên hư không, nhìn ra biển cả dập đầu cúi lạy Người bằng tất cả sự kính yêu và thương nhớ, cho con thêm một lần cúi đầu hôn vào vi trần bụi đỏ nơi đó có hình hài và đại nguyện vô cùng của Thầy. Kính lạy Người vì đã ảnh hưởng tích cực tới cuộc đời con. Người đã cho con sức mạnh để có thể đi bằng đôi chân, nhìn bằng đôi mắt của chính mình, cho con thêm tự tin đối diện với bão giông cuộc đời này.
Con trân quý Người và con biết ơn Người, Ngọn nến soi sáng cuộc đời con!
“Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời"
Con sẽ mang trong tâm tư gương mặt “dễ thương” của Thầy như là nhu yếu phẩm để sống, để đi suốt quảng đời còn lại!
Nguyễn Hương