Nhà báo và thời cuộc
View: 1148 - Đỗ Duy Ngọc 22/06/2018 06:06:29 pmThông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến tháng sáu, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động.
Cụ thể, số lượng báo in là 193 (Trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử là 150. Thống kê cũng cho thấy, có 17.297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo. Đó là chưa kể một đội ngũ đông đảo cộng tác viên trên toàn quốc.
Một nền báo chí đông đảo, đa dạng và phong phú, thế nhưng, rất tiếc là chỉ có một giọng, giống một dàn đồng ca chỉ có một kẻ chỉ huy, gần ngàn tờ báo và tạp chí chịu sự lãnh đạo và chi phối bởi một tổng biên tập.
Chức năng của nhà báo là phản ánh, thông tin, ghi nhận những vấn đề của xã hội và đời sống, những vấn đề văn hoá, chính trị và quan trọng nhất là phải nói lên được tâm tư, khát vọng của nhân dân. Ngòi bút của nhà báo phải luôn phản ánh trung thực, đó là điều phải có của một nhà báo. Báo chí còn mang chức năng dự báo, thế nhưng bây giờ báo chí chỉ chạy theo đuôi nhà nước.
Bây giờ, hãy xem gần một ngàn tờ báo, tạp chí đang có mặt hiện nay, nội dung có gì? phóng viên viết gì? Ngoài những bài viết khai thác đời tư những người nổi tiếng, những chuyện nhảm nhí về thế giới của ca sĩ diễn viên, loanh quanh với những người nổi tiếng ăn gì, mặc gì, làm gì, ngủ với ai? Những chuyện hiếp dâm, loạn luân. Những bài học phòng the, những loại thuốc giúp kéo dài chuyện chăn gối, kéo thêm tuổi thọ, bày cách hưởng lạc, quảng cáo đủ thứ không phân biệt thật giả. Những chuyện ảo tưởng về một thế giới không thực, những vấn đề chính trị, xã hội chỉ viết lại một chiều theo những văn bản, tư liệu của công an, tòa án, cơ quan tuyên huấn cung cấp. Do vậy, báo nào cũng viết giống nhau, không có một cái nhìn riêng, tư duy riêng của tờ báo hay của phóng viên, chỉ khác nhau ở cách trình bày hay font chữ. Và như thế, các bài báo giống như thứ sinh sản vô tính, ra hàng loạt, các nhà báo như những người đang ở trong trại lính, đồng thanh hô giống nhau khi nghe hiệu lệnh. Họ không dám viết về những cuộc biểu tình đang diễn ra, không dám ghi lại những xung đột giữa dân và lực lượng an ninh. Họ không dám viết về những tay cướp đất, những cuộc sống khốn cùng của người dân mất đất. Họ không dám nói tới những tai ương của những ngư dân khi ra biển, và cũng không dám gọi đích danh kẻ thủ ác. Họ không dám viết về mối nguy đang đe doạ hàng ngày đất nước này bởi có bàn tay đang nắm ngòi bút của họ, lái theo ý của quyền lực. Họ không dám kể những điều mắt thấy tai nghe mà chỉ viết theo chỉ thị. Nhiều khi họ liên minh với ma quỷ, cấu kết với kẻ xấu thông tin đánh lừa dư luận để thủ lợi, để giữ ghế.
Xã hội biến chuyển từng giờ, cuộc sống có biết bao nhiêu điều mà nhà báo có thể phản ánh trong các bài viết của mình, nhưng họ trốn tránh sự thật, không dám nói lên sự thật. Họ trở thành những kẻ hèn nhát, bẻ cong ngòi bút, trốn tránh hiện thực. Như thế, nên gọi họ là những viên chức, những cán bộ thông tin của bộ phận tuyên huấn, họ không xứng đáng với tên gọi nhà báo. Và như vậy, cũng chẳng nên có cái gọi là ngày nhà báo 21.6.
Họ đánh mất lòng tin ở độc giả. Có một thời, người ta tin vào báo, báo nói như là cách chứng minh nói có sách, mách có chứng. Giờ thì báo đi song hành với láo, và người ta xa rời báo chí. Và cũng chính vì chẳng còn tin vào báo chính thống, độc giả lại tìm đọc tin ngoài luồng, tin không chính thức và người ta tin vào hệ thống tin tức đó, một mớ bòng bong rối như tơ vò chẳng biết thục hư.
Nhà báo tự đánh mất mình vì danh lợi, vì chức vụ. Nhiều nhà báo vì miếng ăn, vì một chuyến tham quan, vì một cái phong bì mà đánh rơi lương tâm, ca ngợi kẻ đang âm mưu cướp nước, làm kẻ tuyên truyền cho tham vọng xâm lăng. Đáng lẽ nhà báo sát cánh cùng nhân dân, đứng về phía nhân dân lại chọn phía đối nghịch, cam tâm làm nô bộc, viết theo chỉ thị, hèn nhát làm tay sai. Lại có nhà báo viết tâng bốc kẻ có quyền một cách trơ trẽn, mượn báo để xu nịnh kiếm danh, kiếm lợi. Lại có kẻ trở thành phát ngôn cho các nhóm lợi ích, đi ngược lại với quyền lợi của số đông, phản bội lại lý tưởng nghề nghiệp.
Là nhà báo mà không thấy nỗi đau của nhân dân, không thấy mối nguy mất nước, không thấy những bất công đang đè nặng trên mỗi số phận con người, không thấy nỗi uất ức của những thân phận bé mọn, thì có xứng đáng để gọi là nhà báo không? Cầm ngòi bút mà không còn lương tri, không đồng cảm với những bất hạnh của đồng bào mình, không lo âu trước viễn cảnh của dân tộc, không xót xa trước những cảnh thương tâm, thì chẳng còn xứng đáng là người cầm bút. Và cũng bởi những lẽ ấy, nhiều nhà báo bị quần chúng khinh ghét, xem thường, tẩy chay, chịu nhiều nguyền rủa.
Vẫn biết cũng có rất nhiều nhà báo có tâm, có lý tưởng nghề nghiệp, có hoài bão cống hiến. Nhưng những người như thế là những anh hùng cô đơn, họ khó sống trong một tập thể đã bị hư hỏng, tha hóa, họ bị đe doạ và đôi khi phải bỏ mạng. Họ bị bủa vây tứ phía từ nhiều thế lực. Cuối cùng rồi họ cũng phải chọn một con đường khác để sống nếu không cam tâm uốn cong ngòi bút của mình.
20.6.2018
DODUYNGOC