ÔN RA ĐI ĐỂ LẠI NỤ CƯỜI
View: 633 - Trần Trung Đạo 28/11/2023 08:11:22 am Trước khi đi ngủ, gần nửa đêm 23 tháng 11, tôi nhắn tin cho Tâm Thường Định hỏi ai sẽ thức tối nay. Tâm Thường Định bảo “Quảng Pháp thức tối nay”. Chúng tôi dặn dò nhau khi có việc gì sẽ gọi.Sau 4 giờ sáng vài phút tức sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 tại Việt Nam, có tiếng phone reo. Quảng Pháp gọi. Bên kia là tiếng khóc và vài giây sau là tiếng nói nhỏ “Ôn đi rồi anh”, “Bao giờ?”, “Mới đây thôi”. Quảng Pháp chào để báo tin cho các thầy và anh chị em khác. Một lúc sau, phone lại reo, Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, Phó Thư Ký của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN gọi. “Bạch thầy, con biết rồi, Quảng Pháp vừa gọi con”, tôi mở lời trước. Hai thầy trò khóc với nhau vài phút rồi hẹn vào “Zoom” bàn công việc.
Nhắc lại, sáng 15 tháng 9 năm 2023, tôi nhận tin nhắn từ Quảng Diệu Trần Bảo Toàn, nguyên văn: “Lần này Ôn TS chắc không qua khỏi 3 tháng nữa rồi, hồng huyết cầu còn 50%, suy tủy không sanh hồng huyết cầu, di căn qua phổi, oxy trong máu giảm còn 85-90%.... Ôn có thể đi bất cứ lúc nào, con đã chuyển vào viện. Con báo Chú hay. Giờ không thể làm gì nữa, trừ việc để Ôn không đau đớn mà viên tịch thôi.”
Trong suốt bốn năm, chúng tôi đã nhận nhiều tin nhắn về bệnh tình của Ôn. Mỗi hai tuần, mỗi tháng hay khi cấp bách chúng tôi nhận mỗi ngày để biết bệnh tình của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhiều khi thập tử nhất sanh nhưng Ôn không than thở hay kể lể. Khi cần, Ôn tập họp chúng tôi để nghe, để bàn, để dặn “những vấn đề” chứ không nói chuyện sống chết. Học trò có lẽ lo lắng sức khỏe của Thầy hơn chính Thầy. Lần này, theo lời Quảng Diệu, sau kết quả thử nghiệm của bác sĩ, bệnh của Ôn tới hồi nguy ngập.
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn là đệ tử tại gia gần gũi và thân tín nhất của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Hơn hai mươi năm trước, ngọn gió nhân duyên thổi những hạt thông vàng đến cuộc đời Bảo Toàn. Nhà quản trị kinh tế thương mại trẻ tuổi từ Thụy Sĩ trở thành đệ tử tại gia của Ôn Tuệ Sỹ. Hòa thượng ban cho Trần Bảo Toàn pháp danh Quảng Diệu. “Diệu” có nghĩa là vi diệu hay kỳ diệu bởi vì trong hành trình 25 năm sau trong thời gian trụ thế của Ôn và cuộc đời của Quảng Diệu đã gắn bó với nhau một cách diệu kỳ. Ôn chứng minh cho hôn lễ của Bảo Toàn và Thu Hương.
Hạt thông nhân duyên thấm đẫm nước Suối Từ đã nẩy mầm và lớn lên từ đó.
Khi Ôn trở bệnh nặng, Quảng Diệu thỉnh Ôn về để mời bác sĩ đến tận nhà chăm sóc. Ôn sống một thời gian khá dài trong căn phòng riêng dành cho Ôn. Nơi đó, Ôn có một không gian yên tỉnh, độc lập để đọc sách, dịch kinh. Nơi đó, Ôn không còn “nhớ dương cầm” nữa mà tiếng dương cầm có thể vang lên bất cứ khi nào Ôn thích. Nơi đó có tiếng nước reo trong chiếc hồ nhỏ, và nơi đó có cả tiếng cười trẻ thơ khi Ôn quây quần bên các cháu.
Quảng Diệu và tôi có mối thân tình trước Ôn nữa nhưng tôi không phải là Ôn. Ôn duy nhất trong khi tôi là một trong hàng trăm, hàng ngàn người làm thơ, viết văn và lang thang khắp chốn ta bà chờ một ngày nào đó chưa biết để đi qua bến khác. Tình cảm của chú cháu chúng tôi cũng không mọc lên một cây thông, một cụm hoa hay một bụi cỏ nào. Nhân duyên chúng tôi chỉ là những ngọn gió lành thổi mát đời nhau khi cần đến.
Là một cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh lấy tư tưởng “Duy Tuệ Thị Nghiệp” làm kim chỉ nam và yêu thích thơ văn dĩ nhiên tôi biết và đọc Ôn từ những ngày mới đặt chân lên trên các giảng đường. Tôi chỉ học Ôn sau này nhưng ngày đó tôi chưa học Ôn một lớp nào. Ôn dạy Phật Khoa trong các lớp học trên lầu ba ít sinh viên và yên tỉnh trong lúc chúng tôi học kinh tế chính trị đông đảo và ồn ào trong các giảng đường 18, giảng đường 19 dưới lầu hai.
Hội đồng giáo sư đại học Vạn Hạnh là kết hợp tinh hoa của thời đại mà chắc hàng trăm năm sau cũng chưa có thể có. Khi gặp những vị mà tên tuổi của họ ngày đó đã trở thành huyền thoại, chúng tôi cũng chỉ cúi đầu chào. Dù sao, ba năm miệt mài đèn sách ở Đại Học Vạn Hạnh, tôi đã thay đổi tận căn bản nhận thức của mình trong nhiều lãnh vực.
Một lần kể chuyện Quán Café Bà Vú, Ôn bảo “Tôi đọc bài thơ đó rồi”. Ôn nói vài lời khuyến khích rồi tiếp: “Ngày đó các anh chờ tôi ra đâu phải uống café thôi mà còn chờ tôi ra để trả tiền giùm”, “Bộ Ôn giàu lắm sao?” tôi hỏi. “Giàu có gì đâu nhưng tôi có lương, dạy Phật Khoa đó, còn các anh thì không.” Nói xong Ôn cười lớn, một nụ cười hồn nhiên mà các học trò của Ôn sẽ nhớ mãi. Ôn dạy ở Vạn Hạnh nhiều năm trước khi tôi vào trường. Học trò Ôn nhiều vị có tiếng tăm và lớn tuổi hơn Ôn nhiều.
Ôn là thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Kinh Điển khi chỉ mới 28 tuổi đời. Ôn nhỏ hơn các thành viên khác như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu gần ba chục tuổi. Tôi hình dung trong phiên họp của Hội Đồng chắc Ôn phải đứng suốt hay ngồi sau xa.
Tin nhắn vẫn qua lại giữa hai chú cháu mỗi khi cần suốt bốn năm như thế qua nhiều giai đoạn. Bệnh tình Ôn có khi nguy ngập tưởng Ôn sẽ ra đi ngay nhưng lại khỏe sau một thời gian thuốc thang tịnh dưỡng. Ôn nhập viện lần này có thể là lần cuối vì như bác sĩ nói Ôn sẽ khó mà hồi phục. Làm gì đây? Tôi tự hỏi, chẳng lẽ ngồi chờ Ôn ra đi để khóc, để đám tang, để tiếc thương khi Ôn không còn nghe được nữa.
Buổi chiều 15 tháng 9, 2023 Hội Đồng Hoằng Pháp họp để nghe cập nhật các tin tức mới về sức khỏe Ôn. Chúng tôi đồng ý rằng trong lúc theo dõi bệnh tình của Ôn sẽ phát hành một tuyển tập gọi là Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Thượng Tọa Nguyên Tạng là người đặt tựa cho kỷ yếu. Ôn chắc chắn không cần nghe hay đọc những lời ca ngợi, tri ân nhưng đệ tử chúng tôi thì lại rất cần. Tri ân Ôn là một cách căn dặn chính mình để tinh tấn tu học và để nhớ những lời dặn dò của Ôn cho dù Ôn không còn bên cạnh nữa.
Hòa thượng Thích Như Điển, Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu Phó Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trưởng Ban Báo Chí Hội Đồng Hoằng Pháp chấp thuận đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thời gian 10 ngày để mời các tác giả viết và viết. Mười ngày là một thời gian quá ngắn để viết về một bậc chân tu ở tầm vóc như Ôn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn tất phần bài vở. Không ai biết khi nào ngọn gió vô thường sẽ thổi qua đây. Chúng tôi nhận được sự chiếu cố của chư tôn đức và đáp ứng nồng nhiệt của các văn nghệ sĩ trong nhiều lãnh vực.
Ban Chủ Biên gồm Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và Thượng Tọa Thích Hạnh Viên. Ban Biên Tập Kỷ Yếu gồm: Thị Nghĩa - Trần Trung Đạo, Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn, Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang - Vĩnh Hảo, Quảng Diệu - Trần Bảo Toàn, Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ. Một ban kỹ thuật với Nguyên Túc - Nguyễn Sung, Quảng Pháp - Trần Minh Triết, Nhuận Pháp - Trần Nguyễn Nhị Lâm làm việc ngày đêm để thiết kế hình thức và nội dung kỷ yếu.
Tôi phải đi xa nhiều lần trong thời gian kỷ yếu được biên tập. Tuy nhiên, với sự tận tụy của các anh trong Ban Biên Tập cuối cùng Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được ra đời. Ban kỹ thuật trong nước vội vã tìm cách in vài cuốn để trình lên Ôn. Ôn có khi khỏe khi mệt. Khi khỏe Ôn đọc vài trang và cứ thế đọc xong cuốn kỷ yếu dày trên 500 trang của gần 70 tác giả.
Tôi ở xa về. Nhìn tấm hình Ôn đang đọc những bài viết tri ân Ôn, tôi hồi hộp hỏi anh em “Đọc xong Ôn có nói gì không?” “Không, Ôn chỉ mỉm cười.” Tôi cảm động quá vì đó cũng là tất cả những gì chúng tôi mong muốn.
Ôn ra đi để lại nụ cười.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
(Ảnh bên trái HT Thích Tuệ Sỹ đọc "Kỷ yếu tri ân" và ảnh bên phải là cuốn Kỷ yếu được đặt trên bàn thờ Hòa thượng)