TS. Bạch Xuân Khỏe Hướng Dẫn Trên Mạng: Thực Tập Chánh Niệm Trong Mùa Dịch Covid 19
View: 1083 - Tâm Nhuận Phúc 9/07/2020 06:07:14 am Kể từ đầu năm 2020, cơn đại dịch COVID-19 đã hoành hành tại nước Mỹ, gây ra những hậu quả chưa từng có. Mùa dịch này đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của người dân Mỹ. Tác hại của nó đến đời sống vật chất và tinh thần của người Mỹ không sao kể hết.Nhiều nhà chuyên môn đã tìm cách giúp người dân Mỹ chuẩn bị đời sống tinh thần vững vàng để vượt qua mùa đại dịch. Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Khỏe là một trong số này. Thực ra, Tiến Sĩ Khỏe không xa lạ đối với cộng đồng giáo dục California. Là một giáo viên trung học tại Sacramento, trước đây anh đã từng có những buổi huấn luyện cho các giáo viên thuộc các học khu California về chủ đề ứng dụng thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) tại các trường học, giúp học sinh tăng cường khả năng học tập, và có sức khỏe tâm lý vững vàng hơn. Trong mùa dịch COVID-19, những buổi hướng dẫn của anh đã được thực hiện theo dạng trực tuyến trên mạng. Đại Học Stanford và The California Teachers Association (CTA) đã phối hợp tổ chức hai buổi webinar: vào ngày 21 tháng 04 có chủ đề “Mindfulness and Self-Care for Educators in the Time of Pandemic”, và ngày 5 tháng 5 có chủ đề “The Science of Mindfulness and Self-Care”. Hai diễn giả là Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ và Jason Dilg- Giám Đốc Điều Hành của tổ chức Be Mindful. Cả hai buổi hướng dẫn vẫn còn lưu trữ trên mạng, mọi người có thể vào xem lại để tham khảo:
https://tinyurl.com/ycd2p345
https://tinyurl.com/y9gct88e
Cũng như trong các buổi hướng dẫn trước đây, tiến sĩ Khỏe giới thiệu khái niệm về Chánh Niệm, tại sao Chánh Niệm có thể giúp đỡ giáo viên và học sinh vượt qua những khủng hoảng về mặt tinh thần trong cuộc sống. Định nghĩa đơn giản, thực tập Chánh Niệm là việc tập trung sự chú ý đơn thuần vào một đối tượng ngay trong giây phút hiện tại mà không có sự phán xét. Đối tượng tập trung đó được xem như là chiếc neo (anchor) để giữ cho con thuyền tâm ý ở tại ngay bây giờ và ngay ở đây, không trôi nổi đi khắp nơi trong quá khứ và tương lai. Chiếc neo hữu hiệu để bắt đầu thực tập Chánh Niệm chính là hơi thở. Ai còn sống cũng đều thở. Hơi thở xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, và là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa thân và tâm. Đại dịch Covid đã đem đến muôn vàn căng thẳng trong đời sống: lo lắng tật bệnh, phải sống cách ly, công ăn việc làm bị đe dọa, tin tức trên truyền thông đa phần là tin kém tốt lành… Trong một môi trường như vậy, nếu không biết cách tự thoát ra khỏi những căng thẳng liên tục, thì tổn thương về sức khỏe tâm lý và vật lý là điều khó tránh khỏi. Thực tập Chánh Niệm, cùng hơi thở trở về với giây phút hiện tại là một cách hữu hiệu để làm giảm những tâm lý căng thẳng. Một vài hơi thở sâu và nhẹ với tâm bình an không lo lắng thực sự là một liều thuốc bổ. Nên bắt đầu thực tập chỉ trong một vài phút, với vài hơi thở, sau đó hãy tăng dần thời gian. Thực tập chánh niệm giống như việc đánh răng, cần thực hành hằng ngày dù không cần kéo dài. Nhiều nỗi lo âu về covid 19 chưa có câu giải đáp, và kéo dài đến chừng nào chưa biết. Thay vì để tâm lo lắng vô ích đến tương lai, ta có thể trở về an lạc trong giây phút hiện tại. Mọi chuyện rồi sẽ qua, mà ta chỉ có thể sống ngay bây giờ. Một hơi thở lành mạnh, một cơ thể chưa tật bệnh là điều ta đang có. Hãy hưởng trọn vẹn nó trong một vài giây phút bình an. Tiến sĩ Khỏe nhắc đến lòng biết ơn như là một liều thuốc bổ cho tâm lý. Đại dịch covid là một tai họa, nhưng nó cũng đem đến một vài điểm tích cực cho đời sống. Chưa bao giờ gia đình lại có nhiều thì giờ gần gũi nhau nhiều như vậy. Đây là lúc mà nhiều người Mỹ sống trở lại với những niềm vui đơn giản thường bị bỏ quên trong cuộc sống bận rộn như đi bộ, làm vườn, thăm hỏi bạn bè…
Để đưa ra một số điều nên làm trong mùa dịch, Tiến sĩ Khỏe ví tâm thức của người như một tài khoản ngân hàng. Nó chứa những gì mà ta bỏ vào hằng ngày. Thay vì nạp vào tâm thức những điều tiêu cực, hãy dành thời giờ để nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực. Thay vì liên tục nghe và đọc những tin tức đầy lo âu, bất an, hãy dành thời giờ cho những điều làm cho mình lạc quan hơn. Nên giữ những thói quen cho một cuộc sống lành mạnh. Dành nhiều thì giờ để ngủ, để tập thể dục, để đi bộ. Nên dành thì giờ để cầu nguyện cho những nạn nhân của coronavirus. vì lòng thương người có khả năng đem lại bình an cho tâm người cầu nguyện.
Trong buổi hướng dẫn thứ hai, tiến sĩ Khỏe và Jason Dilg đã đi sâu hơn vào khoa học của hoạt động não bộ, để giải thích tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài sẽ tác động đến sức khỏe tâm lý ra sao; và thực hành Chánh Niệm giúp hoạt động não bộ phát triển cân bằng như thế nào. Nói một cách vắn tắt, stress, những cảm xúc tiêu cực làm giảm thiểu khả năng nhận thức, phán xét logic, khả năng thông cảm, yêu thương của chúng ta. Có 4 vùng não bộ liên quan nhiều đến cách hành xử của con người: thùy trán, đồi thị, hồi hài mã và hạch hạnh nhân. Khi có một hình ảnh xuất hiện trước mắt ta, vùng đồi thị (thông tin giác quan) sẽ gởi tín hiệu đến cho vùng hạch hạnh nhân (xử lý ký ức). Nếu đó một là hình ảnh tích cực - thí dụ như một chú chó con, thì hạch hạnh nhân truyền tín hiệu để cho vùng hồi hài mã (vùng lưu giữ trí nhớ, kiểm soát cảm xúc) và vùng thùy trán (vùng nhận thức, logic, ngôn ngữ, yêu thương) cùng hoạt động. Ta sẽ nhớ chú chó con dễ thương ra sao; ta bắt đầu có những hành động thân thiện, yêu thương dành cho chú chó. Nhưng nếu đó là một hình ảnh mang tính tiêu cực, đe dọa- thí dụ như một con rắn độc, lập tức hạch hạnh nhân sẽ đóng lại mọi hoạt động của vùng nhận thức và vùng ký ức. Vùng đồi thị lập tức ra lệnh cho cơ thể phản xạ để sinh tồn: bỏ chạy, giết chết con rắn… Phản xạ để sinh tồn diễn ra nhanh hơn nhiều lần so với hành động trước những cảm xúc tích cực. Đó là bản năng sinh tồn của mọi sinh vật, trong đó có con người. Nó không hoàn toàn xấu xa. Tuy nhiên, nếu phải liên tục tiếp xúc với cảm giác căng thẳng, phải hành động theo kiểu phản xạ bản năng trong một thời gian dài, não bộ sẽ mất dần trí nhớ, khả năng nhận thức, yêu thương, phán xét logic…Những tác hại của stress trong xã hội Mỹ là rất nhiều, kể cả dẫn đến việc tự sát vì không chịu nổi sự căng thẳng, tuyệt vọng.
Chánh Niệm là phương pháp trị liệu hữu hiệu cho tổn thương não bộ do stress gây ra. Thực tập chánh niệm làm tăng khả năng tập trung, nhận thức, trí nhớ, tăng khả năng suy nghĩ logic, phát triển lòng thương yêu. Chánh Niệm chuyển phản xạ (reaction) thành hành động có xuy xét. Khi bị kích thích, ta thường hành động theo phản xạ. Nay nếu giữa sự kích thích và hành động có một vài giây giữ chánh niệm, thì ta có khả năng đáp ứng (response) một cách có xuy xét hơn. Điều này có khi thay đổi cả một đời người. Đã có biết bao nhiêu người hối hận trong tù vì những hành động theo phản xạ không đáng có, thiếu suy xét trong quá khứ. Đã có bao nhiêu người hối hận vì quan hệ hôn nhân tan vỡ, chỉ vì những lời nói tuôn ra trong lúc nóng giận, không còn khả năng suy xét và kềm chế.
Tiến sĩ Khỏe đưa ra một thí dụ dễ hiểu về việc thực tập Chánh Niệm làm thay đổi một phản xạ theo cảm xúc kéo dài trong quá khứ của chính anh. Trước đây anh rất sợ chuột, hễ thấy chúng là hốt hoảng bỏ chạy. Trong một đêm cắm trại ngoài trời, anh thấy một con chuột. Thay vì bỏ chạy, lần này anh quyết định ngồi yên, trở về với hơi thở của mình, và lặng yên quan sát con chuột. Nó chỉ tìm thức ăn, rồi trở lại tổ của mình. Vậy thì chuột đâu có hại mình! Anh quyết định tiến gần đến nó hơn một chút. Nó vẫn như thế, đi ra tìm thức ăn rồi trở lại tổ. Mỗi lúc một gần con chuột hơn, nhưng nó vẫn làm việc của nó, còn anh tiếp tục theo dõi hơi thở của mình một cách bình an. Từ đó, anh không còn sợ chuột nữa.
Những buổi hướng dẫn Chánh Niệm trước đâu của Tiến Sĩ Khỏe thường được thực hiện cho một nhóm vài chục người, và phải ghi danh trước. Nay do mùa đại dịch, hai buổi hướng dẫn của anh được tổ chức trên mạng, và được phổ biến rộng rãi cho mọi người tham khảo. Được biết, các văn phòng thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ cũng có những buổi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm để giúp nhân viên vượt qua những căng thẳng trong mùa dịch. Thực tập Chánh Niệm đang giúp đỡ về mặt tâm lý cho nhiều người Mỹ ở khắp nơi vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.