Alternative title

Tạp ghi đặc biệt cuối năm

View: 1483 - Giao Chỉ San Jose    2/01/2018 01:01:59 am
Tạp ghi đặc biệt cuối năm
Tạp ghi đặc biệt cuối năm

Viết và phổ biến đêm giao thừa Tây.

      Trong những ngày cuối năm, chúng tôi ghi nhận được không phải một chuyện, mà khá nhiều chuyện.  
 

1)  Lạc Việt tất niên. 
Tôi đến tham dự tất niên của thi văn đoàn Lạc việt. Chợt nhớ rằng người sáng lập là thi sĩ đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Đã 25 năm qua. bao nhiêu là dâu bể. Hội viên đã ra đi. Cố vấn cũng ra đi. Còn lại ông Chánh Chinh Nguyên trông cậy vào ông Phó Hải Mõ San Jose. San Jose hiện nay có vấn nạn về nơi cư ngụ. Hội nào mà có trụ sở thì có chỗ cho anh chị em sinh hoat. Không có chỗ là hạ màn. Câu lạc bộ Bốn Phương là nhà riêng của Hải Mõ dành ưu tiên cho Lạc Việt. Cố vấn chỉ còn tôi và bác Diệu Tần tham dự. Cả hai đều đã ngoài 80. Hội của anh em ta hàng năm vẫn treo giải thơ văn. Cái khó bó cái khôn, tuy hội đã sống trên một phần tư thế kỷ nhưng hội chưa có danh, lại chưa có tiền. Giải Văn và giải Thơ chỉ có hàng trăm. Chưa lên đến bạc ngàn. Danh tiếng thực sự chưa vang lừng thiên hạ. Vì vậy nên không có tác phẩm khả quan gửi về dự thi. Thiên hạ coi thường vì Danh không có mà Lợi cũng không. Năm 2017 không chấm giải thơ vì không có bài nào qua vòng sơ khảo. Năm 2018 sẽ làm sao đây. Tôi mạn phép góp ý với văn hữu. Nên cố gom tiền cho Văn Thơ một mỗi bên một giải duy nhất. Các giải khác chỉ là danh dự thôi. Giải duy nhất phải là một ngàn hay nhiều hơn. Một ngàn cho một bài thơ ngắn là được rồi. Xin ra đề rõ ràng  sẽ không nhận những bài thơ tràng giang đại hải. Thu gọn vài hàng trong một trang. Xin nhắc  lại chuyện xưa với vị cố vấn Hà Thượng Nhân. Anh em nói rằng thơ bác làm hay quá. Ông nói thơ của mình chỉ là kể chuyện nhớ vợ thương con. Chưa có tính xây dựng. Tôi nói rằng: Ông ơi, chỉ một câu thơ ông làm trong tù cũng đủ mang cả trời đấu tranh tư tưởng. Đó là câu thơ: Những mái đầu cất cao, không một lời than thở. Ngày nay Lạc Việt chúng ta phải đi tìm những câu thơ như thế. Tôi đưa thêm thí dụ khác. Cao Tần viết lời thơ năm 1976 về một bữa nhậu ngủ say:

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi

Những hào hùng uất hận gối lên nhau

Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới: 

Ta làm gì cho hết nửa đời sau? 

 
Hay bài thơ Kỷ vật cho em của Lính Phuơng được Phạm Duy phổ nhạc Anh hỏi em bao giờ trở lại, anh trả lời mai mốt anh về.

Những bài thơ như thế của thời nay đã có, cần  tìm cho ra và đề nghị vinh danh. Giải Nobel không do các tác giả nộp đơn thi mà do các nhà thông thái đề nghị. Tôi mong Lạc Việt ra thông báo để thiên hạ giới thiệu tác phẩm và mời tác giả tham dự. Tất cả đều được giữ riêng. Sẽ chỉ công bố kết quả sau cùng. Hy vọng sẽ có kết quả khả quan hơn là không có giải Thơ như năm 2017.

 

Chuyện thứ hai:  
Cây mùa Xuân Thương binh VNCH tại Sài Gòn. Thật vô cùng cảm động khi xem được đầy đủ hình ảnh cây mùa xuân lần thứ bẩy tại dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Chương trình họp mặt sáng và chiều. Mỗi buổi có mặt từ 400 đến 500 chiến binh. Hàng xe lăn ngồi phía trước. Chiến hữu thương binh đủ loại và mọi quân chủng ngồi nghiêm trang trật tự phía sau. Cha trẻ tuổi làm MC  giới thiệu chương trình. Cha Lê Ngọc Thanh chủ nhiệm nói đôi lời chào mừng và tiếp theo là văn nghệ. Các cô ca sĩ tài tử và tình nguyện lần lượt hát bài Việt Nam Việt nam của Phạm Duy và Ly rượu Mừng của Phạm đình Chương. Những lời ca Việt Nam không đòi xương máu. Việt Nam hai câu nói khi lìa đời,  máy chiếu hình khán giả tưởng chừng đã thành tượng đá. Lời nhạc chúc người binh sĩ công thành đã làm cho cô gái rơi lệ. Các thương binh lần lượt lên hát tình ca và chấm dứt là phần phát quà Xuân tiền mặt một triệu đồng và 200 ngàn lộ phí. Phần lớn các thương binh thuộc Biệt Khu Thủ đô, miền Đông và miền Tây.  Tin tức địa phương cho biết cộng sản loan tin sẽ có mưa bão lớn nhưng anh em vẫn ra đi từ 4 giờ sáng. Cha trưởng ban cũng cho biết từ 7 năm trước thượng tọa Thích Không Tánh có sáng kiến tổ chức đầu tiên nhưng không thành . Chùa đã bị cộng sản phá. Thầy nhờ các cha đứng ra tổ chức. Tưởng là chỉ một năm. Ai ngồi thương binh từ bốn phương ghi danh ngày càng nhiều nên phải tổ chức 2 buổi vào năm thứ bẩy. Nhờ công đức của các anh chị em tình nguyện nên mọi sự cũng thành công tốt đẹp. Từ phương xa, tôi chỉ ngồi xem phim mà cũng thấy tràn đầy niềm xúc dòng cuối năm.

blank 
Chuyện thứ ba. Bài thơ gửi thợ móng tay.

Báo Mỹ vừa phỏng vấn chúng tôi câu chuyến cuối năm. Hỏi rằng làm cơ quan xã hội IRCC 40 năm qua. Trong lãnh vực định cư, tìm việc làm cho những người mới đến, ông có ghi nhận được điều gì đặc biệt. Báo Mỹ thường chỉ hỏi về Dân Sinh và hướng về đề tài tìm hiểu xem di dân có đến đây tranh dành công việc của người Mỹ bản xứ hay không. Tôi đã có dịp trả lời như sau. Khách hàng của chúng tôi đa số khác biệt văn hóa và  ngôn ngữ. Chúng tôi tìm việc cho bà con vào thập niên 80 qua 90 cho đến đầu thế kỷ thứ 21 đều là làm về điện tử. Đặc biệt là nghề thợ hàn điện tử assembler hay technician gần như không có cạnh tranh với người Mỹ. Các hãng xưởng mở ra tuyển dụng hàng chục ngàn nhân công Việt Nam trong một phần tư thế kỷ. Kỷ niệm đáng ghi nhớ là vào thời kỳ điện tử phát triển thì nhiều dân ty nạn đến Mỹ vừa đến cơ quan ghi danh tìm việc là mấy bữa sau tự động có việc làm chẳng cần nhờ cậy nhân viên. Hãng xưởng thuê nhân công Việt Nam không muốn ăn cơm Mỹ trong Cafeteria. Họ tìm xe lunch Việt Nam. Biết bao nhiêu gia đình tỵ nạn, chồng lái xe, vợ đứng nấu bếp tất tả ngược suôi khắp vùng bay Area. Đó là nghề họ tự động tìm ra mà không phải do cơ quan giới thiệu. Nghề xe Lunch không hề tranh dành với các bạn Mỹ bản xứ. Còn nghề thứ hai mới đặc biệt cũng do người Việt bảo nhau tiến vào một thị trường hoàn toàn mới mẻ. Nghề thợ Móng tay. Phần lớn họ chỉ dẫn cho nhau đi vào con đường làm đẹp cho những bàn tay nước Mỹ. Tục truyền rằng chính bà tài tử Hoa Kỳ là bạn của cô Kiều Chinh đã có ý kiến mở đầu. Từ đó các phụ nữ Việt vùng Vịnh Cựu Kim Sơn bay đi bốn phương trời để lập nghiệp. Đó cũng là nghề mà cơ quan thiện nguyện không cần khổ công kiếm việc.  Tôi hết sức vui mừng về sự thành công của nghệ xe Lunch và nghề thợ Móng tay. Trong cảm hứng cuối năm, tôi có làm bài thơ để tặng các bậc nữ lưu đã từng có nhiều năm công vụ trong chiến trường "He và Neo". Các bà đã từng nằm nghe tiếng súng trong trại gia binh, nhìn đốm lửa hỏa châu mà cầu nguyện cho chồng trở về bình yên. Chia xẻ đau thương khi chồng rã ngũ. Đi tiếp tế cho chồng tù cộng sản. Tiễn chồng con vượt biên. Đến khi đoàn tụ qua Mỹ bèn ra tay bước vào nghề thợ Móng để cúi đầu xuống những bàn chân cho con được đi lên.

Cuối năm tôi gửi tặng các chị với lòng kính trọng.
 

 Bài thơ Thợ Móng.

Những mái đầu cúi xuống những bàn chân. 
Không một lời than thở. 
Không hóa chất nào hủy hoại được 
bàn tay người mẹ trẻ can trường.  
Tay mẹ trắng tô điểm những bàn chân đen.  
Để những đứa con của mẹ từ tiểu học 
mà lớn lên thành tiến sĩ.  
Con đi học mà chính mẹ già tốt nghiệp.
Bằng cấp nào to hơn bằng Nail.              

Đã 30 năm tô điểm móng tay 
cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 
Từ cô thổ dân Alaska  
cho đến nàng gốc Phi ở Harlem. 
Những bàn tay làm đẹp những bàn tay. 
Những bàn tay mở đường
cho đàn con vào đất Mỹ. 
Tương lai trong bàn tay.  
Bàn tay thợ Móng. 

GC, SJ            

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin