Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh
View: 1187 - Thích Mãn Giác 5/10/2020 11:10:04 am Một gương mặt bầm tím với râu tóc mọc dài yên nghỉ trong một chiếc quan tài. Tất cả những phần còn lại của con người yên nghỉ đó đều bị che lấp, không ai biết có vết tích gì trên những phần còn lại đó hay không.” Đó là hình ảnh sau cùng của Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH mà chúng ta biết được qua lời kể của những vị đại diện Viện Hóa Đạo đi “nhìn mặt”, hai ngày sau khi cố Hòa Thượng đã nằm xuống trong chốn lao tù của Cộng Sản.“Thượng Tọa Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17 tháng 10 năm 1978 đã bỏ mình trong một nhà tù của Cộng Sản tại thành phố Hồ Chí Minh.” Đó là lời loan tin của đài BBC London mà chúng ta và cả thế giới bên ngoài đã nghe được, cũng chỉ mấy ngày sau khi Hòa Thượng nằm xuống.
“Ngày 13 tháng 4 năm 1978, Cộng sản bắt giam Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Người bị giam trong hầm tối tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia cũ, bị lột bỏ áo quần, bị bí mật chuyển sang một nhà tù khác.” Đó là những chi tiết mà một vài tù nhân và người coi tù đã có cơ hội trông thấy chuyển đến cho chúng ta.
Trên đây gần như là tất cả những gì mà chúng ta có được một cách xác thực trong 6 tháng cuối cùng của cuộc đời Hòa Thượng. Những gì đó ngắn ngủi và hiếm hoi chẳng khác gì cái khoảnh khắc giữa sống và chết của một kiếp người. Nhưng chính những gì ngắn ngủi và hiếm hoi đó lại tô đậm và làm thành một hình ảnh to lớn và cao cả khác thường trong tâm hồn của tất cả chúng ta, tất cả những người Phật tử Việt Nam và tất cả những nhà nhân bản, tôn giáo, trí thức trên khắp thế giới đã từng biết đến cố Hòa Thượng. Đó chính là cái to lớn và cao cả, không phải của quyền uy bạo lực mà là của tinh thần và khí phách con người trước bạo lực quyền uy. Bởi vì, nếu khiếp nhược, nếu chịu cúi đầu trước quyền uy bạo lực thì cố Hòa Thượng đã không phải bị bắt, không phải bị hành hạ, bị đầu độc để rồi phải nằm xuống như thế.
Đó chính là cái to lớn và cao cả, không phải của chủ nghĩa, ý thức hệ mà là của tình thương và chân lý trong cơn hoành hành, tàn phá của chủ nghĩa, ý thức hệ trên mạng sống của dân tộc và của nhân loại ngày nay. Bởi vì, nếu chịu tôn thờ chủ nghĩa hơn là tôn thờ tình thương và sự sống thì cố Hòa Thượng đã không bị bắt, đã không bị hành hạ, bị tra khảo đánh đập để rồi phải nằm xuống như thế.
Nói cách khác, đó chính là cái to lớn và cao cả của Việt Nam – một Việt Nam tinh thần và khí phách, không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ cho bất cứ một thế lực thống trị bạo tàn nào dầu cho phải quằn quại đau thương đến bao nhiêu chăng nữa.
Cũng nói cách khác, đó chính là cái to lớn và cao cả cho đạo Phật – một đạo Phật không mang theo súng đạn, không mặc chiếc áo chủ nghĩa mà chỉ mang theo tình thương, chỉ mặc lấy chiếc áo nhẫn nhục để chịu đựng cái khổ cho con người và ngay cả, để chết cho đồng loại được sống, cho tiếng nói của trái tim con người cất lên.
Chính vì thế mà hình ảnh của cố Hòa Thượng từ cái chết ngày 17 tháng 10 năm 1978 đã trở thành một Biểu Tượng đấu tranh cho Hòa Bình, Độc Lập và Tự Do đích thực của Dân Tộc. Cũng chính vì thế mà tưởng niệm số Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH, chúng ta cũng tưởng niệm đến tất cả những người con của Dân Tộc và Đạo Pháp đã bỏ mình vì nghĩa cả, những vị Tăng, Ni đã tự thiêu, những chiến sĩ đã hy sinh và tất cả những đồng bào ruột thịt đã bị thảm sát dưới chế độ Cộng sản bạo tàn.
Cũng chính vì thế mà tưởng niệm cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH, chúng ta cũng hãy đem lòng cầu nguyện cho tất cả những người con của Dân Tộc và Đạo Pháp đang bước theo con đường mà cố Hòa Thượng đã đi, những vị lãnh đạo, Tăng, Ni và Phật tử của Giáo Hội, những chiến sĩ và đồng bào ở quê nhà đang bị cầm tù hay đang nổ lực hoạt động, đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng của Dân Tộc và Đạo Pháp.
Cúi xin Đức Phật Từ Bi gia hộ cho Giác Linh Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH và liệt vị Thánh Tử Đạo, cho anh linh của những Chiến Sĩ và Đồng bào đã hy sinh sớm về cõi Phật và xin cho tất cả chúng ta mãi mãi giữ vững được niềm tin để không bao giờ làm kẻ phản bội với ước vọng của Dân Tộc và với những người đã nằm xuống cho chúng ta được sống.
Los Angeles, Chùa Việt Nam, 17–10–1982