Alternative title

Lá thư cuối tuần

View: 877 - Rộng Mở Tâm Hồn    15/04/2023 12:04:35 pm
Lá thư cuối tuần
Lá thư cuối tuần
Một Phật tử ở Boston (MA, Hoa Kỳ) gọi điện cho tôi nêu thắc mắc sau khi tham dự một buổi giảng pháp của một vị Hòa Thượng. Trong buổi giảng, Thầy nói rằng việc Phật tử chào nhau bằng cách chắp tay và nói “Mô Phật” là không đúng, và cái sai này đã bắt nguồn từ ngay chính nơi quý thầy, rất nhiều thầy cũng sai như vậy nên Phật tử làm theo. Thầy giải thích, chữ “nam-mô” (namo) mới có nghĩa là cung kính, quy kính, còn chỉ riêng chữ “mô” thì không có nghĩa gì. Cho nên, khi chào nhau cần phải nói đủ là “Nam-mô Phật”, nói “Mô Phật” là sai trái, không đúng.

Thắc mắc của người Phật tử này là tại sao một điều sai trái như vậy mà có rất nhiều người, kể cả quý thầy, đều không biết để tiếp tục kéo dài, phổ biến? Và người này đặt câu hỏi với tôi: Chào nhau bằng câu Mô Phật như vậy có thật là sai trái không, có tội lỗi gì không? Và nếu là không đúng, thì đối với những người vẫn nói Mô Phật, mình có nên góp ý để họ sửa sai hay không?

Câu trả lời khẳng định của tôi là “không”. Việc dùng chữ “Mô Phật” là một thói quen từ lâu đời trong nhà chùa cũng như trong cộng đồng Phật tử, và thói quen đó không có gì sai trái cả khi nó được dùng để biểu lộ một tâm thành kính, kính trọng Tam bảo, tôn trọng người đối diện. Nếu dùng ngữ nghĩa để giải thích cho rằng chữ “nam mô” mới đúng, chữ “mô” là sai, vậy cũng cần nói thêm rằng chữ “Phật đà” (Buddha) mới đúng, chữ “Phật” là sai! Nhưng nói như vậy là không đúng với tinh thần của đạo Phật, vốn hướng đến sự thanh lọc thân tâm hơn là chạy theo hình thức ngôn từ.

Trong quy ước của ngôn ngữ, bất kể cách dùng nào được đa số cộng đồng chấp nhận thì cách dùng đó mặc nhiên là đúng, vì có thể giúp cho mọi người nhận hiểu, giao tiếp với nhau, ngay cả khi nó không thực sự hợp lý. Chẳng hạn như chúng ta nói “thuốc ngủ” là thuốc uống vào để ngủ, thì lẽ ra theo suy luận hợp lý, “thuốc ho” phải là thuốc uống vào... để ho! Nhưng trong ngôn ngữ giao tiếp chúng ta hiểu ngược lại, thuốc ho luôn được hiểu là thuốc trị ho, uống vào để bớt ho. Những “bất hợp lý” như thế này có rất nhiều trong ngôn ngữ, nhưng không ai nghĩ đến chuyện phải thay đổi, sửa chữa cho “hợp lý” cả, bởi vì mọi người đều hiểu đúng những cách dùng đó trong giao tiếp thì không cần phải thay đổi, và thật ra là không thể thay đổi.

Trở lại vấn đề chữ “Mô Phật” mà rất nhiều người đã quen dùng, nó diễn đạt được tâm ý, tình cảm của người nói và người nghe cũng tự nhiên hiểu được, không có gì nhầm lẫn, vậy nên không có gì sai cả.

Nếu phân tích sâu hơn thì dù là “mô” hay “nam mô” cũng chưa hoàn toàn đúng theo Phạn ngữ, chỉ là một sự phiên âm gần giống mà thôi. Và sự phiên âm đó cũng là một phương tiện để diễn đạt ý nghĩa, không phải một cách chuyển dịch tuyệt đối chính xác. Hãy xét thêm như chữ Bồ Tát mà tất cả Phật tử đều quen thuộc, thì hình thức phiên âm đầy đủ phải là Bồ-đề-tát-đỏa (bodhisattva), nhưng từ lâu người ta đã giản lược lại thành hai chữ Bồ Tát và mọi người đều quen thuộc với danh xưng này. Như vậy thì sao có thể nói là sai?

Tuy nhiên, điều đáng buồn là câu chuyện “Mô Phật” này chỉ là một trong rất nhiều hoang mang, thắc mắc khác trong cộng đồng Phật tử, phát sinh từ những buổi thuyết giảng của quý thầy. Nhiều Phật tử hoang mang giữa “A-di-đà Phật” với “A-mi-đà Phật”, trong khi mỗi thầy lại nói một cách khác nhau. Không ít Phật tử khác hoang mang giữa “niệm Phật” với “niệm Bụt”, trong khi thực tế thì dù Bụt hay Phật cũng không có cách gọi nào hoàn toàn chính xác theo đúng chữ Buddha trong Phạn ngữ. Và trong tất cả kinh điển Phật đã thuyết dạy, chưa thấy có kinh điển nào nói rằng phải phát âm đúng thì thân tâm mới được giải thoát.

Do vậy, câu trả lời chung cho tất cả những vấn đề thuộc loại này là không cần thiết phải quan tâm đến. Con đường tu tập đức Phật dạy rất rõ ràng, từ việc giữ giới cho đến thực hành theo Bát chánh đạo, mỗi việc đều có ý nghĩa và hiệu quả tu dưỡng thân tâm một cách cụ thể. Người Phật tử chỉ nên chú tâm vào những điểm này để tu tập thật tốt thì lợi ích hiện tiền có thể thấy được, không cần phải bận tâm đến chuyện đúng sai trong những danh xưng. Đức Phật đã từng dạy trong kinh Đại Bát Niết-bàn: “Thường tỉnh kỷ quá, bất tụng bỉ đoản.” (Thường xét lỗi của chính mình, không nói chỗ khiếm khuyết của người khác.) Chỉ cần chúng ta tự mình chú tâm tu tập cho thật tốt, đâu cần phải quan tâm đến những người khác tu sai, làm sai hay nói sai?

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin