Tin Mừng Cho Người Nghèo
View: 2811 - Lm. Giuse LÊ QUANG UY, Noel 2017 30/12/2017 10:12:50 am
Tin Mừng Cho Người Nghèo
NOEL, GẶP CHÚA GIÊSU NƠI NGƯỜI NGHÈO
GNsP - Các bạn trẻ lứa chúng tôi, sau năm 75 đang là thanh niên hăng hái, có lẽ đi theo cha Tiến Lộc, cha Khởi Phụng lang thang chỗ này chỗ kia, riết rồi thành một bản năng hay sao ấy, cứ các dịp Lễ lớn trong Đạo, đặc biệt là Noel, thế nào cũng biến mất khỏi Sàigòn, lô nhô lao xao ở các vùng, các nơi có bóng dáng người nghèo, có trẻ em bụng ỏng, có cụ già hom hem và có các bệnh nhân nan y, thường là bị bỏ không còn ai lui tới. Cũng lạ, những địa chỉ nghèo ấy chẳng có nhạc nhiếc tưng bừng, đèn đóm sáng choang; không có tiệc Réveillon no nê thịnh soạn có khi kéo suốt từ 8g tối đến 4g sáng; không có những quần áo đẹp, son phấn và trang sức quyến rũ; chẳng thấy đâu những gói quà nhìn giấy gói và nơ buộc đã thấy mê, không nỡ xé ra xem bên trong là những thứ gì…
Đấy, toàn người dân tộc da dẻ đen đúa, quần áo xù xì, bốc một thứ mùi tổng hợp của khói, của núi rừng, của nước suối; toàn người tâm thần cười cười khóc khóc, la hét hoặc im thin thít; toàn các em khuyết tật lăn tròn trên sàn nhà vì xương giòn như thủy tinh, bò không được, nói chi đi đứng; toàn các cụ già ngồi thu lu trên giường, móm mém cười vui chỉ vì mới nhận được món quà là một chai dầu gió; toàn những người giang hồ tứ chiếng, bị thu gom từ lòng lề đường Sàigòn đem lên giữa rừng cao-su Bình Phước, giống như giam mà lại không có án tù, không có CA gác… (Ảnh chụp Thánh Lễ Giáng Sinh trên trại giam Đồng Nơ, 26.12.2010).
Chúng tôi còn nhớ một đêm Noel, chắc là năm 81 hay 82 gì đó, từ chiều, bảy tám đứa chúng tôi đi chợ rồi đạp xe len lỏi giữa các khu phố hóc hẻm sát sân bay Tân Sơn Nhứt, vào đến nhà một ông cựu chiến binh cụt chân từ thời Pháp. Ông làm cái nghề lạ lùng là dưỡng gà đá cho người ta. Gà vào cuộc độ xong, có thắng thì cũng te tua xây xát, ông dưỡng gà cho khỏe lại, khi nào nó vào độ khác, thắng thua gì ông cũng được trả cho khoảng chục lon gạo. Ông già có vợ lai, đẻ 11 đứa con, ngày thường tản ra đi ở đợ làm thuê hết một nửa để nuôi một nửa còn lại được đi học cho bằng chị bằng em với người ta. Có lẽ đêm Noel và Giao Thừa Tết Ta là hai đêm duy nhất trong năm "có mặt trăm phần trăm quân số".
Các bạn nữ chúng tôi cùng với bà chủ lo nấu một nồi cà-ri gà thật to, trong khi bọn con trai thì phụ ông chủ quét dọn căn phòng chính, nơi có thể trải chiếu ngồi chen chúc hơn hai chục người. Chúng tôi không quên bầy một máng cỏ đúng nghĩa là máng cỏ trần trụi ngày xưa của Gia Đình bé Giêsu sơ sinh. Điện không có, chúng tôi thắp khoảng 6, 7 ngọn nến, ánh sáng lập lòe trong buổi chiều xập tối. Chúng tôi cùng nhau đọc Tin Mừng theo Luca, đến đoạn "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" thì nghe tiếng sụt sịt khóc… Kết thúc, cô con gái lớn cũng trạc tuổi chúng tôi buột miêng nói: "Nhà Chúa nghèo hơn nhà em rồi đó!"
Chúng tôi lại nhớ những đêm Noel cách nay đã chục năm, kéo nhau lên Di Linh thăm làng Phong của các dì Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Thế nào chúng tôi cũng được giao lo hoạt cảnh canh thức trước Lễ. Đến tối, chúng tôi làm thành một hàng hai vừa đi vừa hát rảo qua giữa cộng đoàn ngồi kín 3 cánh ngôi Nhà Thờ gỗ… "Đường khuya chúng con đi đón Chúa Giêsu Giáng Sinh ra đời, thành tâm khát khao xin Chúa trú thân nơi Nhà chúng con…" Chúng tôi bưng tượng Hài Nhi Giêsu đi đầu, từng tiểu khúc chúng tôi dừng lại hỏi thật to bằng tiếng Kinh: "Có ai muốn đón Chúa Giêsu về Nhà mình không?" Ngang qua chỗ thiếu nhi thế nào tiếng đáp lại cũng to nhất, vui nhất, kèm theo tiếng vỗ tay rào rào như pháo. Còn ngang qua chỗ các cụ già và người lớn, tiếng vỗ tay chỉ là những tiếng lộp bộp lẹp bẹp vì ngón tay chẳng còn, lòng bàn tay sần sùi thô nhám còn đang phải nắm lấy cây gậy… (Ảnh chụp ở làng phong Gia Lành, Di Linh, Noel 2017).
Lần khác, trong bài chia sẻ Tin Mừng Lễ đêm ở khu điều trị phong Bến Sắn, tôi hỏi to trong Nhà Thờ là có anh chị nào mới sinh em bé mà hôm nay có mặt không? Mọi người reo to và đồng loạt chỉ tay về cuối Nhà Thờ: từ trong bóng tối ngoài hiên, ngượng nghịu bước ra một đôi vợ chồng bồng trên tay một bé trai còn đỏ hỏn, có lẽ chỉ mới bốn, năm ngày tuổi. Câu chuyện hao hao giống như chuyện Thánh Phanxicô năm 1223 trên hang núi Greccio bên Ý, mà từ đó, cả thế giới có thói quen bầy một máng cỏ trong Đêm Giáng Sinh. Thật tuyệt vời, qua hình tượng sống động và cụ thể của một gia đình nghèo như thế, những người dân hiền hòa mộc mạc nơi đây, hôm ấy, đã gật gù cười tươi vì hiểu được một điểm thần học sâu xa của Tin Mừng hiện sinh: đó là Ba Giuse, Mẹ Maria và trẻ Giêsu chắc chắn lúc này và bây giờ ("here and now" như ta thường nói) đã rất vui vì tìm được một chỗ trọ ấm áp bình an ngay trong ngôi làng Bến Sắn này, ngay trong từng gia đình, ngay trong tâm hồn mỗi người. (Ảnh chụp trao quà Giáng Sinh 2015 ở buôn Bù Nhùi của người Stiêng, tỉnh Bình Phước).
Noel với người điên thì… điên một cách rất ư là điên! Sáng sớm 24 tháng 12 chúng tôi đã lên tới Đức Trọng. Giúp trại nữ ăn sáng xong thì sang chơi với bên trại nam cách đó khoảng hơn trăm mét. Ban ngày họ tìm chỗ nắng rơi trên sân trại để nằm hong nắng bằng đủ các tư thế của… diễn viên điện ảnh. Được một chút thì có ai đó xách động bùng phát một sân khấu văn nghệ dã chiến. Một anh ít bị "ẩm IC" nhất, có tài ăn nói, đứng lên điều khiển chương trình. Để trấn áp các "bạo loạn" có thể nổ ra bất cứ lúc nào giữa các ca sĩ quần chúng, thỉnh thoảng anh lại quát lên: "Ngồi xuống, không tao đá một cái… trật lấc bây giờ!" Các tiết mục Noel thế nào cũng là "bao nhiêu năm Chúa xuống gian trần, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu". Vậy rồi có khi lạc đề, chuyển sang " xuân này con không về" hoặc "thư của lính, balô làm bàn nên nét chữ không ngay". Bất ngờ có ông thượng úy bộ đội Trường Sơn bị bom giập điếc tai và váng đầu, bước ra đòi hát "Sư đoàn ba trăm lẻ bảy" với lại "Năm anh em trên một chuyến xe tang" ("Xe tang" rõ ràng chứ không phải "xe tăng" đâu ạ!).
Thế rồi cũng vẫn những con người hiếu động và bất thường ấy, buổi tối trong Thánh Lễ Giáng Sinh, họ lại bỗng nhiên trở thành như "những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật". Khuôn mặt và ánh mắt lờ đờ vô cảm của họ bỗng như tinh anh hẳn lên, lóe lên một tia sáng nào đó khi nghe loan báo "một Tin Mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân". Mà không chừng, Tin Mừng Giêsu từ Trời cao vọng xuống, quả thật đã đến được với họ trước hết, nhanh hơn hết, sâu xa thấm thí nhất so với những người ngỡ là bình thường sáng trí như chúng ta?!? (Ảnh chụp một cụ già người Mnông ở Đăklăk, Noel 2015).
Có năm Giáng Sinh chúng tôi không tổ chức đi đâu xa, nhưng làm một cuộc Marathon với 4 Thánh Lễ dành cho 4 "Mái Ấm" ngay trong thành phố Sàigòn, trải ra trong suốt 9 tiếng đồng hồ, từ 18g chiều Noel đến 3g sáng hôm sau. Lúc đó chúng tôi mới chịu chức được 5, 6 năm, còn khỏe và còn "hăng" lắm, không biết có luật Phụng Vụ nào cấm không cho một Linh Mục làm nhiều Lễ như thế không. Chúng tôi biện hộ thế này: nội trong ngày 24 có Thánh Lễ ban sáng, chiều có Thánh Lễ Vọng, tối có Thánh Lễ Ban Đêm, qua ngày 25 có thêm Thánh Lễ Rạng Đông, có thể an tâm dâng cả 4 Thánh Lễ.
Mặt khác, chúng tôi đến dâng Lễ cho các mái ấm mà Đêm Giáng Sinh chắc chắn họ không tài nào chen chân được giữa hàng nghìn, hàng vạn người đổ về các Nhà Thờ như trẩy hội. Họ bị vướng cặp nặng, bị kẹt chiếc xe ba bánh, họ lại là người có HIV, là bà bầu đơn thân, là các em khiếm thị bé tý xíu, họ lạc lõng giữa những sa hoa lộng lẫy bên ngoài mà thiếu hẳn đi cái "máng cỏ" nhỏ nhỏ, nghèo nghèo bên trong để đón Hài Nhi Giêsu.
Lịch dâng Lễ Noel của chúng tôi là 18g, Phòng Khám Xóm Mới trên đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp. 20g là Mái Ấm Hồng Ân trên Hóc Môn, 22g là Mái Ấm Huynh Đệ Như Nghĩa ở quận Bình Tân, cuối cùng 24g là khu nhà trọ của các công nhân Xa Quê của một Cty May Mặc.
Vậy là buổi chiều chúng tôi có mặt ở Phòng Khám Đa Khoa Xóm Mới của vợ chồng bác sĩ Đăng Phấn – Nhu Hương. Mọi người tập họp đông đủ: các bệnh nhân AIDS và người thân, các chị em bầu Nhà Sarnelli, các nhân viên y tế và các thân hữu thường xuyên lui tới với người… có Hát! Bàn thờ chúng tôi dâng Lễ được đặt ngay giữa một bên là Máng Cỏ một bên là băng-ca một bệnh nhân AIDS không Công Giáo. Bác sĩ Phấn kể: Hồi chiều anh này đang được mổ thì thuốc tê hết công hiệu, anh đau quá kêu toáng lên, ca mổ phải ngưng, anh bất chợt nhìn sang Máng Cỏ thấy tượng Hài Đồng Giêsu thì chụp lấy kêu lên: "Con đau quá, cứu con, Chúa ơi!" Kêu mấy tiếng thì anh đột nhiên thấy người nhẹ lâng lâng, không còn đau tý nào. Ca mổ tiếp tục cho đến khi hoàn tất mà không cần thêm thuốc tê. Và bây giờ thì anh nằm đó hiệp dâng Thánh Lễ Giáng Sinh, hạnh phúc có lẽ vượt xa mọi người đang có mặt đêm ấy. Chúa Giêsu có cái kiểu "nhập thể", "nhập thế" lạ lùng kỳ diệu như vậy đó, có ai tin nổi không?
Đêm Marathon ấy, chúng tôi cứ xong một Lễ, uống cốc nước, ăn chút bánh rồi lại lên đường rong ruổi dọc ngang các quận huyện nội ngoài thành Sàigòn. Các bạn Nhóm Fiat thì đã đến với từng nơi ấy từ chiều, dọn máng cỏ, phụ nấu ăn, sau Lễ ở lại ăn bữa Agape Noel với Mái Ấm. Các bạn sẽ chỉ tạm biệt ra về, để sẽ tập họp chung lúc nửa đêm ở khu nhà trọ Xa Quê của ông ông Lê Danh Ích để hiệp dâng Thánh Lễ cuối cùng với các công nhân nghèo. (Ảnh chụp các bạn Nhóm Fiat ở giữa các em bé khu nhà trọ Xa Quê ở Hố Nai, Đồng Nai, Noel 2010).
Hơn 3 giờ sáng, mệt phờ, chúng tôi chia tay ai về nhà nấy. Bản thân chúng tôi về đến sân Nhà Dòng, chỉ còn thấy một Lễ Đài và một khoảng sân rộng, trống trải, im ắng, vắng tênh và đầy những tờ báo người dân đi Lễ Đêm dùng để lót ngồi, rồi vô tư vứt lại để vội đi chụp hình với cây thông, với ông già Noel, với các thiên thần bằng búp-bê...
Gió đêm mùa Đông của Sàigòn chỉ se se lạnh nhưng cũng đủ thổi tung những mảnh rác ấy giạt từ góc sân này sang gốc cây bên kia… Chả trách chúng tôi vẫn cứ muốn Lễ Noel, đi tìm, gặp gỡ, ở lại và vui với người nghèo. Hình như ở những nơi ấy – có phải quá cảm tính chăng – chúng tôi nghe được tiếng vọng từ trên rất cao:
"Vinh danh Thiên Chúa trên Trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…"
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, Noel 2017
Theo FB: Tin Mừng Cho Người Nghèo