Alternative title

Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 16

View: 1317 - TK NEWS DIRECT    23/04/2020 11:04:44 am
Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 16
Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 16
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

Chùa Từ Hiếu - 59 Lô D, Đường Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, Saigon

TÂM THƯ 16

GỬI TOÀN THỂ CÁC CHÚNG ĐỆ TỬ TẠI GIA TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Hòa Thượng Thích Quảng Độ

Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Ngay sau Pháp nạn 63, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, thể hiện ý chí hòa hiệp của tất cả các hệ phái Phật giáo trong hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông, chấm dứt một thời gian dài riêng Phật riêng Thầy, riêng tông môn pháp phái, do những biến cố lịch sử kéo dài. Giáo Hội là thể thống nhất của bốn chúng đệ tử Phật mà sở y là hai hệ Tăng-già Nam Tông và Bắc Tông, trên cơ sở đó là các tập đoàn cư sỹ sinh hoạt trong các môi trường xã hội và địa lý cá biệt. Tông chỉ của Giáo Hội đã được nêu rõ trong bản Hiến chương: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất điều hợp các tông phái Phật Giáo Việt Nam để phục vụ Nhân Loại và Dân Tộc bằng cách Hoằng Dương Chánh Pháp.”

Giáo Hội được thành lập chỉ sau một thời gian ngắn, do tác động bởi cuộc chiến huynh đệ tương tàn, do ảnh hưởng các nguồn tư tưởng triết học tôn giáo đến từ phương Tây, do áp lực từ các tổ chức chính trị biểu hiện tình trạng nhân tâm ly tán, xã hội phân hóa, một số hệ phái không tuyên bố mà tự động ly khai; tuy vậy, sở y của Giáo Hội là hai hệ truyền thừa Nam-Bắc Tông vẫn giữ vững kỷ cương Đạo thống, vẫn kiên trì lý tưởng phụng sự hòa bình dân tộc, với những đóng góp to lớn trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, mà dư âm vẫn tồn tại cho đến ngày nay dù một phần đã bị biến thái do bởi mị lực chi phối của các pháp hữu lậu ô nhiễm, do bởi sức quyến rủ của danh lợi thế tục.

Sau ngày hòa bình, đất nước được thống nhất về mặt chính trị, nhưng về mặt xã hội đã phát sinh mâu thuẫn dân tộc giữa một bộ phận chiến thắng và bộ phận chiến bại, dẫn đến tình trạng xung đột tình cảm dân tộc, nhân tâm ly tán, kéo dài cho đến gần nửa thế kỷ. Đấy là hậu quả của tình trạng chia cắt Nam Bắc lâu dài với hai hệ chính trị xã hội đối lập bắt nguồn từ những xung đột giữa các khuynh hướng duy tâm, duy vật, duy lý, phản lý, gây nên những cuộc tranh chấp bạo lực khốc liệt trong các hệ thống tư tưởng triết học tôn giáo phương Tây, lan rộng đến các nước phương Đông, mà thảm họa chiến tranh khốc liệt với ý đồ vẽ lại bản đồ quyền lực thế giới đã đổ vào đất nước Việt Nam, từ đó khơi dậy ý thức lương tâm nhân loại trong các cộng đồng nhân bản trên thế giới.

Trong bối cảnh lịch sử xã hội như vậy, Tăng-già Việt nam trong cả hai hệ truyền thừa, mà bản thể là thanh tịnh và hòa hiệp, không còn là hình ảnh tôn nghiêm cho bốn chúng đệ tử quy ngưỡng, cho đến lúc biến dạng để trở thành một tập đoàn dưới sự chỉ đạo thế tục. Các bậc Tôn trưởng trong Tăng một số tự khoác khôi giáp nhẫn nhục ẩn thân trong cô tịch, một số khác bằng tất cả mọi phương tiện không vượt ngoài Pháp Luật thiện thuyết kiên trì lý tưởng phụng sự, nỗ lực hàn gắn vết thương chia cắt dân tộc, nhưng lực bất tòng tâm. Các pháp hữu lậu ô nhiễm, các giá trị thế tục, những vị ngọt của danh lợi và những địa vị không tưởng không có thực trong xã hội đã lần lượt len lỏi vào hàng ngũ bốn chúng đệ tử, làm điên đảo trật tự Tăng-già. Tình trạng phân hóa nội bộ giữa các chúng đệ tử, sinh hoạt trong các phương vực khác nhau, trong nước cũng như ngoài nước, càng lúc càng rạn vỡ trầm trọng.

Trong bản phận sự kế thừa Tổ ấn, trong cương vị nhiếp dẫn đồ chúng, tôi đã nỗ lực bằng tất cả khả năng kham nhiệm để duy trì giềng mối Đạo thống, nhưng đã không đủ sức ngăn chặn bánh xe trượt dốc của Tăng-già phân hóa. Do bởi bản chất tùy tăng lan tỏa của pháp hữu lậu, càng nỗ lực cố kết, sự phân hóa càng lúc càng lan rộng. Cho đến lúc, phương tiện tùy nghi vô thi bất khả, với danh xưng Tăng Thống GHPGVNTN, tự nhận trách nhiệm trước uy đức Lịch đại Tổ sư, nên tôi quyết định đình chỉ chức vụ của tất cả các thành viên trong các cơ cấu hành chánh của Giáo Hội, với kỳ vọng cho đến khi nào Tăng-già hòa hợp y Pháp y Luật để trên đó tái lập các cơ cấu của Giáo Hội.

Sự phân hóa của Tăng-già dẫn đến sự biến thái của Giáo Hội, để từ đó các pháp thế tục đã làm điên đảo các hành trì của bốn chúng đệ tử, làm thoái thất tín tâm của những người đã tin Phật và chưa tin Phật.

Bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già là do những trực hành và chánh hành của hai chúng xuất gia cùng với những hộ trì Pháp và Tăng của hai chúng tại gia. Hòa hợp bốn chúng đồng tu là thể hiện của Pháp Luật thiện thuyết trong thế gian giữa các cộng đồng xã hội sai biệt với những hình thái cạnh tranh sinh tồn như là quy luật tồn tại. Lợi đắc và danh vọng, địa vị và quyền lực, những giá trị thế tục, nhũng pháp hữu lậu ô nhiễm này, là những áp lực mà hai chúng tại gia thường trực đối diện; rồi do tác dụng hỗ tương giữa bốn chúng trong các sinh hoạt thường nhật mang tính thế tục dẫn đến tình trạng Giáo Hội bị lũng đoạn, bị lạm dụng như là công cụ đấu tranh cho các quyền lợi thế tục, và hệ quả là Tăng-già bị phân hóa, bốn chúng phân ly, riêng Phật, riêng Thầy, riêng tông môn pháp phái.

Trong thời Đức Thế Tôn tại thế, khi Tăng-già bị phân hóa, hai chúng tại gia được thể hiện là nhân xúc tác cho quá trình hòa hợp. Đức Thế Tôn đã đặt nhiệm vụ hộ trì cho chúng tại gia, với giáo giới: Chúng xuất gia có thể bị phân hóa nhưng bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng được thiết lập trong Pháp Luật thiện thuyết không thể bị phá vỡ, như một thỏi vàng nguyên chất bị chia cắt, nhưng giá trị nội tại của vàng không vì vậy mà biến chất. Nếu chúng tại gia hộ trì Chánh Pháp với tín tâm thanh tịnh, không bị pha tạp với những giá trị thế tục, thì đây là nhân xúc tác cho quá trình hòa hợp Tăng-già trên đó thiết lập các cơ cấu của Giáo Hội để các chúng đệ tử Phật hành đạo giữa các cộng đồng dân tộc và xã hội sai biệt. Chúng xuất gia y Pháp Luật thiện thuyết hành đạo vì ích lợi và an lạc phổ biến của chư thiên và nhân loại; chúng tại gia y bản phận sự mà hành trì Pháp-tùy pháp thích hợp, vì mục đích an lạc để tăng ích cho gia đình và xã hội, vì lý tưởng phụng sự hòa bình cùng tiến bộ của dân tộc và nhân loại.

Chư Phật xuất hiện thế gian, công bố Chánh Pháp, vì cứu cánh giải thoát và an lạc cho chúng sanh, chúng đệ tử Phật tùy theo bản phận sự mà hành đạo và hộ trì Chánh Pháp, vì sự tăng ích và an lạc cho chính mình và cho nhiều người. Lữ hành đi trong rừng rậm đầy nguy hiểm mà không mục đích sẽ dẫn đến họa diệt thân; đệ tử Phật chưa giác ngộ cũng vẫn còn là chúng sanh lang thang trong rừng rậm sinh tử, tri kiến điên đảo bởi những tà kiến và ác pháp, nếu không xác định mục đích chân chính từ chánh kiến, chánh tư duy, sẽ không tránh khỏi những tai họa từ những ác nghiệp mà chính mình đã tạo; không chỉ gây tai họa cho bản thân, mà còn gây tai họa cho những người thân yêu do bởi cộng nghiệp.

Nguyện cầu uy đức Tam Bảo gia trì tín tâm thanh tịnh cho các chúng đệ tử, bốn chúng hòa hiệp đồng tu, Chánh Pháp xương minh, tồn tại lâu dài trong thế gian, vì sự tăng ích và an lạc cho chư thiên và nhân loại.

Tâm thư viết tại chùa Từ Hiếu, Saigon, ngày 9 tháng 4 năm 2019
Tức ngày 5 tháng 3 năm Kỷ Hợi
Phật lịch 2562

Sa-môn Thích Quảng Độ



Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin