Alternative title

Xoay quanh câu chuyện Thầy Minh Tuệ - Niềm vui và nỗi buồn

View: 527 - Nguyễn Minh Tiến    18/05/2024 11:05:54 am
Xoay quanh câu chuyện Thầy Minh Tuệ - Niềm vui và nỗi buồn
Xoay quanh câu chuyện Thầy Minh Tuệ - Niềm vui và nỗi buồn
Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất, đắp một tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải được nhặt nhạnh từ đâu đó, và ôm bình bát tự chế bằng ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo chiều dài con đường quốc lộ mà không xác định điểm đến. Nhiều người nói rằng vị sư này đã đi như thế suốt chiều dài đất nước Việt Nam từ nhiều năm qua, cứ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam… Nghe nói đã được 4 vòng ra vào như thế. Sư đi chỉ để mà đi, không cần điểm đến. Vị sư này là thầy Thích Minh Tuệ.

Thầy nói với mọi người rằng mình không phải là tăng sĩ của giáo hội. Thầy không nhận đệ tử, nói rằng không dám làm thầy của bất cứ ai mà chỉ là người đang tập học theo lời dạy của Phật. Thầy không nhận cúng dường bằng tiền bạc, chỉ nhận thức ăn trong buổi sáng để ăn vào giữa ngày (ngọ thực), ngoài ra thầy không nhận gì khác. Thầy cũng không vào trú ngụ trong nhà người dân mà dừng lại ngủ nghỉ ở bất cứ nơi đâu vào cuối ngày. Gốc cây, đồng trống, nghĩa trang… đều là nơi thầy có thể nghỉ qua đêm. Và khi ngủ nghỉ, thầy cũng chỉ ngồi, không nằm.

Khi tôi viết những dòng này thì những bước chân độc hành của thầy không còn là độc hành nữa, mà đã có hàng ngàn người nối bước đi theo, thậm chí là vây quanh thầy bất cứ khi nào có thể. Và họ đi chỉ để được… đi theo thầy, cũng không cần phải đi đến đâu.

Những ghi nhận trên đây là thực tế nhìn thấy, nghe biết từ xa, chưa bàn đến việc đúng hay sai, nên hay không nên. Với công năng của mạng xã hội ngày nay như Fa-cebook, Tiktok, Youtube… thì số lượng người nhìn thấy và nghe biết như vậy đã lên đến hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói có thể đến hàng triệu… Và như vậy, câu chuyện về thầy Minh Tuệ không dừng lại ở những ghi nhận đơn thuần về việc làm của một cá nhân, mà đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ ở những người xem thấy hay nghe biết. Những ấn tượng đó là tích cực hay tiêu cực, tất nhiên là tùy thuộc vào sự hiểu biết và cảm nhận của mỗi người, không ai giống ai. Tuy nhiên, trong số rất nhiều những ý kiến, bài viết về thầy Minh Tuệ đang lưu hành qua Internet, có thể tạm phân chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất phản đối, chê trách; nhóm thứ hai ngợi khen, tán thán; và nhóm thứ ba bày tỏ sự hoài nghi, không xác quyết. Trong thực tế, có một số bài viết rơi vào cả hai hoặc ba nhóm này, khi người viết vừa tán thành ở một số điểm, vừa không tán thành ở những điểm khác và thậm chí có cả những điểm hoài nghi không xác quyết. Do vậy, bài này sẽ không đề cập riêng đến ý kiến của bất cứ ai, mà chỉ nêu ra những điểm người viết thấy cần góp ý.

Cùng một hiện tượng mà có thể tạo ra nhiều luồng ý kiến phức tạp khác nhau, điều này quả thật rất ít có. Bài viết này không có tham vọng đưa đến một sự nhận hiểu đồng thuận về việc làm của thầy Minh Tuệ, bởi điều đó tất nhiên là bất khả thi. Tuy nhiên, quan điểm của người viết là một khi đã nêu ý kiến trước công luận, nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhiều người chứ không chỉ riêng mình biết, thì cần thiết phải tôn trọng những chuẩn mực chung. Và trong trường hợp của người Phật tử thì chuẩn mực chung cao nhất chính là Kinh điển, chứ không phải là những ý kiến chủ quan của bất cứ ai. Do vậy, đứng trước một vấn đề, chúng ta ai cũng có quyền khen ngợi hoặc chê trách, nhưng điều quan trọng là sự khen ngợi hoặc chê trách đó phải đúng đắn, có căn cứ, có lập luận hợp lý, thay vì chỉ là những cảm nhận chủ quan. Vì những ý kiến chủ quan của một người, khi chia sẻ rộng rãi lại có thể tạo ra ảnh hưởng nơi nhiều người khác. Nếu ảnh hưởng đó đúng đắn thì tất nhiên là việc tốt, nhưng nếu là sự ảnh hưởng từ những nhận xét không chính xác thì sẽ không tốt chút nào.

Có người gọi việc rất nhiều người đi theo thầy Minh Tuệ là “hiệu ứng đám đông”, cách gọi này không chính xác. Hiệu ứng đám đông (Informational So-cial Influence) hàm nghĩa là người tham gia vào một sự kiện nào đó mà hoàn toàn không có chủ ý của chính mình, chỉ làm theo đám đông, vì tin rằng đám đông đó hành động đúng. Trong trường hợp những người đi theo thầy Minh Tuệ, chúng ta không thể xác định ý nguyện hay nhận thức riêng của mỗi người, nhưng chắc chắn không thể nói chung rằng tất cả họ chỉ làm theo đám đông. Tất nhiên còn có thể bàn thêm về nhiều nguyên do khác nhau, nhưng sử dụng cách nói “hiệu ứng đám đông” trong trường hợp này là thiếu chính xác, nếu không muốn nói là có thể xúc phạm nhiều người trong số đó.

NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH

Có những chỉ trích rất nặng nề đối với việc thầy Minh Tuệ “ôm nồi cơm điện đi lang thang”, thậm chí gọi thầy là “thằng ba trợn”. Một số phê phán chỉ trích khác, ngay cả từ một số tăng sĩ, cho rằng nếu đã tự nói mình không phải tu sĩ Phật giáo thì không được khất thực, không được đắp y, dù là tấm y khác biệt với những tăng sĩ khác, vì vẫn làm cho Phật tử lầm tưởng đó là tăng sĩ… Thậm chí có người còn lạm dụng những từ ngữ nặng nề như “trộm pháp”, “trộm tăng tướng” v.v… Chúng ta sẽ bỏ qua tất cả những chỉ trích tương tự thuộc loại này, vì chúng hoàn toàn vô lý, vô căn cứ và thô thiển đến mức người Phật tử tỉnh táo nào cũng có thể nhận ra, không cần bàn đến. Giáo pháp của đức Phật là rộng mở cho bất cứ ai, ngay cả ngoại đạo tà giáo mà thức tỉnh, muốn vận dụng theo một phần lời Phật dạy để tu tập cũng không ai cấm cản.

Dưới đây chúng ta sẽ chỉ đề cập đến những chỉ trích mà người nêu ra có thể hiện tinh thần trách nhiệm, có thiện ý muốn tốt đẹp cho cộng đồng. Và do vậy, những ý kiến chỉ trích này cho rằng, lẽ ra thầy Minh Tuệ không nên làm như vậy, không nên đi như vậy, không nên tu theo cách như vậy thì tốt hơn. Dưới đây chỉ nêu một vài ý kiến tiêu biểu thuộc loại này.

1. Việc đắp y nhiều màu, dùng bình bát bằng ruột nồi cơm điện là không đúng pháp.

Những người chỉ trích cho rằng, ngay cả y phấn tảo, được chắp vá từ nhiều mảnh vải, cũng phải được nhuộm thành một màu chứ không thể để “lòe loẹt” như vậy gây phản cảm đối với hình ảnh một tăng sĩ Phật giáo. Và bình bát là một pháp khí được xem như “bảo bối” của đạo Phật, không thể tùy tiện thay bằng… ruột nồi cơm điện, như vậy là “bôi bác, làm xấu” Phật giáo.

Tất nhiên, nhận xét như thế nào là quyền của mỗi người. Ở đây chỉ xin nêu 2 ý kiến.

Thứ nhất, Kinh điển ghi nhận việc một vị tăng chỉ sở hữu duy nhất một bình bát (nhất bát - 一鉢) dùng để đi khất thực, nhưng chưa thấy chỗ nào đưa ra quy chuẩn về bình bát phải làm bằng chất liệu gì hay như thế nào. Từ điển Phật Quang, bản Hán ngữ, trong một mục từ “nhất bát - 一鉢” ghi nhận: “即表示佛教修行者生活之簡樸 - tức biểu thị Phật giáo tu hành giả sinh hoạt chi giản phác” (tức là biểu thị đời sống đơn giản mộc mạc của người tu hành trong Phật giáo.) Dựa theo đây mà nói thì cái bình bát bằng ruột nồi cơm điện của thầy Minh Tuệ không có gì trái luật, mà ngược lại còn rất đơn giản mộc mạc.

Thứ hai, Kinh điển đề cập đến tệ nạp y (弊納衣), gọi tắt là nạp y, cũng gọi là phẩn tảo y (糞掃衣), đều mang nghĩa là tấm y xấu tệ, không có giá trị với người đời. Chúng tôi không thấy có chỗ nào nói đến việc quy định màu sắc. Đối với y (ca-sa) của một vị tăng thông thường thì đúng là không nên chọn màu đẹp đẽ, mà nên nhuộm cho xấu đi, gọi là hoại sắc, trong ý nghĩa là để tránh sự tham chấp vào hình sắc. Riêng y phẩn tảo mà một vị tăng theo hạnh đầu đà sử dụng thì không thấy nói đến việc nhuộm màu. Kinh Thập nhị đầu đà (佛說十二頭陀經 - Phật thuyết Thập nhị đầu đà kinh) do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (求那跋陀羅) dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ vào đời Tống, có dạy rằng: “應入聚落中, 拾故塵棄物浣之令淨, 作弊納衣覆除寒露。 - Ưng nhập tụ lạc trung, thập cố trần khí vật hoán chi linh tịnh, tác tệ nạp y phú trừ hàn lộ.” (Nên vào trong xóm làng, nhặt những mảnh vải cũ đã vất bỏ đi, giặt cho sạch sẽ, may thành nạp y đắp lên người để ngăn sự rét lạnh, sương gió.) Rõ ràng, trong kinh không nói đến việc phải chọn màu sắc hay phải nhuộm cho cùng màu các mảnh vải nhặt được.

Như vậy, tấm nạp y và bình bát của thầy Minh Tuệ không có gì là không đúng pháp. Còn nếu nói là “gây phản cảm” thì đó là cảm nhận riêng của mỗi người, chúng ta không bàn đến. Tuy nhiên, với rất nhiều người đang công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ, yêu mến thầy thì họ đã thấy là không có gì “phản cảm”.

2. Việc một tăng sĩ đi lang thang không trụ xứ là không đúng pháp.

Những người đưa ra ý kiến chỉ trích này tranh cãi xoay quanh việc cho rằng thầy Minh Tuệ không thực hành đúng hạnh đầu đà; thầy Minh Tuệ không đủ điều kiện như luật quy định để làm một du tăng; thầy Minh Tuệ lang thang khất thực trên đường như vậy không đúng pháp v.v…

Trước hết xin lưu ý rằng thầy Minh Tuệ đã tự nói với mọi người rằng thầy không phải là một thầy tu, không thuộc về chùa hay giáo hội nào. Thầy không dám làm thầy bất cứ ai mà chỉ là một công dân Việt Nam đang tự mình tập học theo lời Phật dạy. Với một người như vậy thì những chỉ trích như trên là không đúng chỗ, bởi là một công dân thì có quyền làm mọi điều không vi phạm pháp luật, còn những quy định thuộc về nội bộ Phật giáo không áp dụng cho người này.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn xem thầy là một vị thầy Phật giáo - đây là ý riêng của chính tôi, dựa trên những gì tôi nghe biết được - nên tôi sẽ tiếp tục cân nhắc xem những chỉ trích như trên, nếu áp dụng cho một vị thầy Phật giáo thì có đúng hay không?

Thật ra, việc có những vị tăng sĩ tu hành không ở cố định một trụ xứ là chuyện rất bình thường trong Phật giáo. Trong sách Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄), quyển 27, còn ghi lại những câu thi kệ được rất nhiều người biết đến:

一 鉢千家飯
孤身萬里遊

Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.

(Bình bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa.)

Nếu ở yên một chỗ thì làm sao có việc ăn “cơm ngàn nhà”? Một thân cô độc, đi như dạo chơi trên đường muôn dặm, chẳng phải là hình ảnh một vị tăng Phật giáo đó sao? Như vậy có thể thấy, việc một vị tăng sĩ chọn tu tập ở một trụ xứ như chùa, tự viện, tịnh thất… tất nhiên là quen thuộc với hầu hết chúng ta, nhưng nếu có người rời khỏi nơi ở cố định để tu tập theo cách “vô trụ xứ” thì cũng không có kinh điển nào nói việc ngăn cấm. Và cũng theo ý này, thầy Minh Tuệ khất thực đúng pháp (chỉ nhận vừa đủ ăn, không nhận gì khác ngoài thức ăn, chỉ ăn ngày một bữa…) trên con đường “muôn dặm” thì không có gì sai với giáo pháp của đức Thế Tôn.

Vậy nếu nói thầy Minh Tuệ tu hạnh đầu đà thì có đúng pháp không? Trước hết, tôi không dám chắc là thầy Minh Tuệ có tự nhận rằng mình tu hạnh đầu đà. Tuy nhiên, nếu điều đó là có, chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là hạnh đầu đà.

Trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) và một số kinh điển Nam truyền có nhắc đến 13 hạnh đầu đà (Dhutanga-niddesa) như sau:

1. Hạnh phấn tảo y.
2. Hạnh ba y.
3. Hạnh khất thực.
4. Hạnh khất thực từng nhà.
5. Hạnh nhất tọa thực.
6. Hạnh ăn bằng bát.
7. Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong).
8. Hạnh ở rừng.
9. Hạnh ở gốc cây.
10. Hạnh ở giữa trời.
11. Hạnh ở nghĩa địa.
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong.
13. Hạnh ngồi (không nằm).

(Trích từ Thanh tịnh đạo luận của Ngài Phật Âm - Buddhaghosa, Chương II, Ni sư Trí Hải Việt dịch)

Trong Kinh điển Bắc truyền thì hiện còn lưu giữ kinh Thập nhị đầu đà như tôi đã dẫn ở phần trước. Trong kinh này, đức Phật đã dạy 12 hạnh đầu đà như sau:

一者在阿蘭若處。- Nhất giả tại a-lan-nhã xứ.
二者常行乞食。 - Nhị giả thường hành khất thực.
三者次第乞食。- Tam giả thứ đệ khất thực.
四者受一食法。 - Tứ giả thụ nhất thực pháp.
五者節量食。 - Ngũ giả tiết lượng thực.
六者中後不得飲漿。- Lục giả trung hậu bất đắc ẩm tương.
七者著弊納衣。- Thất giả trước tệ nạp y.
八者但三衣。 - Bát giả đãn tam y.
九者塚間住。- Cửu giả trủng gian trụ.
十者樹下止。 - Thập giả thụ hạ chỉ.
十一者露地坐。- Thập nhất giả lộ địa tọa.
十二者但坐不臥。- Thập nhị giả đãn tọa bất ngoạ.

Dịch sang tiếng Việt:

1. Sống nơi thanh vắng yên tĩnh;
2. Thường thực hành pháp khất thực,
3. Đi khất thực luôn bình đẳng theo thứ lớp;
4. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa;
5. Ăn điều độ, có chừng mực;
6. Sau bữa ăn không uống nước;
7. Chỉ dùng tệ nạp y;
8. Chỉ có 3 tấm y;
9. Ngủ nghỉ nơi nghĩa địa;
10. Ngủ nghỉ dưới gốc cây;
11. Ngủ nghỉ nơi đồng trống;
12. Khi nghỉ ngơi cũng chỉ ngồi không nằm.

So sánh như trên, chúng ta thấy số lượng 13 hạnh tuy nhiều hơn nhưng lại vừa thừa vừa thiếu. Chẳng hạn như không thấy có các hạnh số 1 (ở nơi thanh vắng) và số 5 (ăn có chừng mực) như trong số 12 hạnh, trong khi đó hạnh thứ 12 (nghỉ chỗ nào cũng xong) thật ra là thừa khi đã có 4 hạnh từ 8-11 kể ra những chỗ nghỉ v.v…

Kinh Thập nhị đầu đà cũng giảng giải chi tiết về 12 hạnh đầu đà, quý vị nào quan tâm có thể tham khảo thêm.

Chúng ta có thể phân chia 12 hạnh đầu đà như trên thành 3 nhóm: 2 hạnh liên quan đến y phục (7 và 8), 5 hạnh là việc ăn uống (2 đến 6) và 5 hạnh là về chỗ ngủ nghỉ (1 và 9 đến 12). Hiểu được như vậy, chúng ta không cần thiết phải so sánh từng chi tiết, mà chỉ cần quan sát 3 điểm: ăn, mặc và ngủ nghỉ, thì có thể biết một người có thực hành hạnh đầu đà hay không. Bởi vì rất rõ ràng là khi thực hành hạnh đầu đà, việc ăn mặc và ngủ nghỉ của hành giả hoàn toàn không giống như những người bình thường.

Cần lưu ý rằng, 12 hạnh đầu đà cũng giống như 12 sự chỉ dẫn để làm theo, hành giả không nhất thiết - và cũng không thể - cùng lúc thực hiện tất cả. Chẳng hạn như đã ngủ nghỉ nơi nghĩa địa thì không thể ngủ nghỉ nơi đồng trống v.v…

So với những gì ta đã nhìn thấy nơi chuyện ăn mặc, ngủ nghỉ của thầy Minh Tuệ, ta có thể thấy là không khác biệt. Đúng là thầy đang theo hạnh đầu đà.

3. Cách tu của thầy Minh Tuệ gây ra sự chia rẽ trong Phật giáo

Những người chỉ trích lập luận, nếu cho rằng chỉ có thầy Minh Tuệ là tu theo chánh pháp thì không lẽ nào hàng chục ngàn tăng ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp? Do vậy, họ lo ngại rằng “hình ảnh tăng ni hiện tại đang bị suy giảm trước nhãn quan của quần chúng”. Nghiêm trọng hơn, trong nhóm ý kiến chỉ trích này có người còn cho rằng thầy Minh Tuệ đang gây chia rẽ trong Phật giáo, đang “phá hòa hợp tăng” bằng việc thực hành cách tu khác biệt của mình.

Ý tưởng cho rằng việc ca ngợi thầy Minh Tuệ sẽ làm giảm đi sự tôn kính của Phật tử đối với chư tăng ni ở tự viện vì cho rằng họ tu không đúng chánh pháp là một so sánh loại trừ hoàn toàn không đúng. Trước hết, thầy Minh Tuệ không thuyết giảng, không nói chuyện nhiều với Phật tử, do vậy việc tôn kính hay ca ngợi thầy đều là tự phát. Ở đây, chúng ta lưu ý rằng nếu hình ảnh thầy Minh Tuệ gợi lên được niềm kính tín ở một số đông người, thì sự kính tín đó cũng có thể hướng đến chư tăng ni, bất cứ khi nào các vị chứng tỏ được rằng mình đang hành trì chánh pháp. Đây không phải là một sự lựa chọn hay loại trừ lẫn nhau. Chỉ cần người Phật tử có sự nhận hiểu đúng về chánh pháp thì chắc chắn sẽ không có những phán đoán sai lầm. Nhưng nếu như người Phật tử không hiểu chánh pháp, thì một phần lớn trách nhiệm hẳn phải quy về nơi những người trong nhiều năm qua đã nhận lãnh vai trò giáo hóa. Như vậy, tất nhiên trong cả hai trường hợp, đều không thể đổ lỗi cho sự tu tập của thầy Minh Tuệ.

Cũng cần lưu ý rằng, việc tu tập của thầy Minh Tuệ đã âm thầm diễn ra từ nhiều năm qua, và thầy chưa hề gây ảnh hưởng không tốt đến bất cứ ai. Do vậy, nếu vì lý do nào đó mà người Phật tử suy giảm niềm tin đối với một số tăng ni thì cần xem lại chính các vị đó, không có lý do gì để đổ lỗi cho thầy Minh Tuệ.

Việc tu theo chánh pháp không phải là độc quyền của riêng ai. Và chánh pháp của Phật cũng không chỉ riêng là việc khất thực hay theo hạnh đầu đà… Còn có rất nhiều pháp môn khác được chỉ bày trong kinh điển, mà với bất cứ pháp môn nào trong số đó, chỉ cần người hành trì thực sự chuyên tâm tu tập cầu giải thoát, chắc chắn người Phật tử thành tín sẽ hết lòng kính ngưỡng, tôn trọng.

Một số người đã đi quá xa khi so sánh việc thầy Minh Tuệ khất thực và theo hạnh đầu đà làm chia rẽ tăng đoàn, là phá hòa hợp tăng. Họ so sánh với trường hợp của Đề-bà-đạt-đa thuở xưa đã đề xuất 5 điều cực đoan nhưng bị đức Phật từ chối. Lập luận này có thể thấy ngay là hoàn toàn vô lý. Đề-bà-đạt-đa là người chủ động đề xuất, kêu gọi những điều mà đức Phật biết rằng không thích hợp để áp dụng chung cho tất cả các tỳ-kheo, cho nên Phật đã không chấp nhận. Còn trường hợp thầy Minh Tuệ, theo cách nhìn của những người này có thể cho là đã tu tập một cách cực đoan vì cũng không thể áp dụng cho tất cả các tỳ-kheo, nhưng khác biệt hoàn toàn ở đây là thầy Minh Tuệ không hề kêu gọi hay lôi kéo bất cứ ai tu tập theo giống mình. Và thầy Minh Tuệ cũng không tự chế ra “pháp tu mới” như nhiều người lầm tưởng. Những gì thầy đang thực hành đều có ghi chép trong Kinh điển. Cho nên quy kết như trên là vô lý và thiển cận.

Trong thực tế, chúng ta quả thật đã thấy có sự chia rẽ trong hàng ngũ tăng ni qua sự kiện này, nhưng nói chính xác thì đây chỉ là sự chia rẽ giữa một số các vị tăng, hoàn toàn không thể gọi là chia rẽ tăng đoàn, càng không liên quan gì đến trường hợp gọi là “phá hòa hợp tăng”. Một tăng đoàn hòa hợp thì chắc chắn sẽ càng tinh tấn hòa hợp hơn nữa qua sự kiện này. Sự chia rẽ mà chúng ta nhìn thấy trong những ngày qua chính là những luồng ý kiến khác nhau từ chính các vị tăng sĩ, như tôi đang đề cập. Kẻ khen người chê, không chấp nhận ý kiến của nhau thì tự gây ra chia rẽ, điều đó không liên quan đến một tăng đoàn hòa hợp đúng nghĩa tu tập theo lời Phật dạy.

NHỮNG LỜI KHEN NGỢI

Đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi, ca tụng thầy Minh Tuệ, và rõ rệt hơn nữa là đã có hàng ngàn người đổ ra đường để chờ đón thầy hoặc để đi theo thầy, cùng theo thầy vào cả những nghĩa trang hay bãi đất trống khi thầy dừng nghỉ. Sự cung kính của người Phật tử đối với một bậc tu hành là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, ngay cả khi khen ngợi hay ca tụng ai thì sự khen ngợi hay ca tụng đó cũng cần phải đúng đắn, hợp lý thì mới thực sự có giá trị. Trong thực tế, đối với một bậc chân tu thì sự ca tụng hay tôn thờ không đúng mức còn là một chướng duyên rất lớn cho vị ấy. Chúng tôi sẽ không lặp lại tất cả những lời khen ngợi đối với thầy Minh Tuệ, mà chỉ nêu ra ở đây một vài điểm mà theo chúng tôi là thực sự chưa thích hợp.

1. Thầy Minh Tuệ tu hạnh đầu đà là một tầng bậc cao hơn giới luật, chỉ có pháp tu này mới mau giải thoát.

Rất nhiều người đã khen ngợi, ca tụng thầy nhưng hoàn toàn không đúng ở điểm này. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu qua lời Phật dạy về vấn đề này để thấy được chỗ không đúng. Những gì trình bày dưới đây sẽ cố gắng y cứ vào Kinh điển và Giáo pháp, hoàn toàn không phải ý kiến chủ quan của người viết.

Trước hết, hạnh đầu đà hoàn toàn không phải là một pháp tu. Do đó, nếu một người suốt đời hay thậm chí nhiều đời nhiều kiếp chỉ giữ theo 12 hạnh đầu đà, người đó cũng không bao giờ đạt đến sự giải thoát, không bao giờ giác ngộ.

Thứ hai, hạnh đầu đà khác với giới luật và càng không phải là một tầng bậc cao hơn giới luật, mặc dù chúng ta thấy có vẻ như giữ theo hạnh đầu đà là khó khăn hơn. Đức Phật chưa bao giờ dạy rằng các vị tỳ-kheo phải theo hạnh đầu đà mới đạt được sự giải thoát, giác ngộ.

Thứ ba, hạnh đầu đà khác với khổ hạnh, không phải là khổ hạnh. Chữ đầu đà (dhūta) cũng được phiên âm là đẩu tẩu (抖擻), mang ý nghĩa là rũ bỏ, dẹp bỏ, nghĩa là những hạnh này có công năng giúp người tu tập rũ bỏ, dẹp bỏ tâm tham dục, sân hận, ái luyến...

Các hạnh đầu đà có thể rất khó thực hành đối với người bình thường, nhưng thật ra không quá cực đoan và ép xác như người tu khổ hạnh. Chính Đức Phật đã từ bỏ lối tu khổ hạnh nên không có lý do gì ngài lại dạy đệ tử tu khổ hạnh, ép xác. Do vậy, nếu chúng ta gọi các hạnh đầu đà là “khổ hạnh” hoặc “đầu đà khổ hạnh” đều là sai ý nghĩa.

Lấy ví dụ, hạnh đầu đà thứ 5 nói rằng: “Ăn điều độ, có chừng mực.” Đây không thể xem là khổ hạnh. Có người giải thích rằng “chỉ ăn một nắm cơm trong bát”. Không phải như vậy. Bình bát của vị khất sĩ được gọi là ứng lượng khí (應量器), tức là vật chứa tùy theo lượng mức cần thiết. Điều này có nghĩa là, nếu một vị tỳ kheo cần một lượng thức ăn nhiều mới đủ bữa, vị ấy có thể chọn một bình bát hơi lớn hơn; ngược lại, nếu ăn ít thì sẽ chọn một bình bát nhỏ hơn cho phù hợp (ứng lượng). Đức Phật không dạy rằng người tu phải ăn uống thiếu đói, mà dạy rằng nên ăn vừa đủ, biết đủ. Trong Quy Sơn cảnh sách văn, Tổ Quy Sơn nói “tam thường bất túc” (3 chuyện ăn, mặc và ngủ nghỉ đừng cho đến mức đủ). Điều này có nghĩa là, một vị tỳ-kheo nếu ăn 3 chén cơm là vừa no, thì gần đến mức no đủ, vị ấy nên bớt lại một chút (bất túc), chứ không có nghĩa là ăn quá ít, ăn đói. Như vậy, nếu một vị thân hình to lớn, có nhu cầu ăn nhiều hơn, cần đến 6 chén, thì vị ấy vẫn được ăn đủ 6 chén, nhưng khi ăn đến chén cuối cùng, lúc đã gần no đủ thì nên bớt lại một chút. Trong Pháp Hoa văn cú, Đại sư Trí Khải giải thích về hạnh đầu đà này: “多食難消生睡懈怠, 少食饑縣乏力故節量食。 - Đa thực nan tiêu sanh thụy giải đãi, thiểu thực cơ huyền phạp lực, cố tiết lượng thực.” (Ăn quá no thì khó tiêu hóa, sinh ra buồn ngủ và lười biếng; ăn quá ít thì đói gầy mất sức, cho nên phải ăn uống tiết chế vừa đủ.) Chúng ta thấy rõ, đây hoàn toàn không phải là khổ hạnh.

Và như hạnh thứ 12, khi nghỉ ngơi chỉ ngồi không nằm, có vẻ như rất khó thực hiện đối với người bình thường. Nhưng một vị hành giả tu tập có ý chí kiên cường khổ luyện thì trải qua một thời gian rồi sẽ thấy là bình thường, có thể thực hiện được mỗi ngày mà không phải đau đớn khổ nhọc gì. Đó là do cơ thể khi được luyện tập sẽ có khả năng thích nghi. Và đối với những ai có thực hành thiền tọa nhiều đều biết, nếu ngồi đúng tư thế thiền tọa để nghỉ ngơi thì cơ thể vẫn chấp nhận được. Cho nên đây cũng không thể gọi là khổ hạnh.

Ngoài ra, trong trường hợp đang đề cập, chúng ta cần tìm hiểu và phân biệt thật rõ ràng 3 khái niệm khác nhau sau đây.

Thứ nhất là giới hay giới luật. Đây là những điều mà bất cứ người Phật tử chân chánh nào cũng phải thọ trì, nghĩa là thọ nhận và gìn giữ làm theo trong suốt cuộc đời mình. Người cư sĩ có 5 giới, vị sa-di có 10 giới, vị tỳ-kheo có 250 giới, vị tỳ-kheo-ni có 348 giới (theo Tứ phần luật). Những giới luật này là bắt buộc đối với một người đệ tử Phật, trong ý nghĩa là nếu không giữ giới thì người ấy không còn là đệ tử Phật. Một người cư sĩ Phật tử nếu không giữ theo 5 giới thì danh xưng Phật tử đó không chân chánh, không đúng nghĩa.

Thứ hai là pháp môn tu. Phật dạy nhiều pháp môn tu, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh riêng của mỗi người đều có thể tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Có người tu thiền, có người tu Tịnh độ… Mỗi pháp môn tu đều nên có thầy truyền dạy và hướng dẫn để sự tu tập không sai lệch.

Thứ ba là các công hạnh. Hạnh đầu đà là một trong số rất nhiều công hạnh mà người tu có thể phát nguyện làm theo, gọi là lập hạnh. Có người lập hạnh chăm sóc người già, có người lập hạnh bố thí, có người nguyện giữ theo 12 hạnh đầu đà… Vào thời đức Phật, ngài Ma-ha Ca-diếp là người theo hạnh đầu đà và được đức Phật khen ngợi, gọi là Đầu đà Đệ nhất. Vì ngài được Phật khen là “đệ nhất” nên chúng ta biết rằng ngoài ngài Ca-diếp ra, hẳn còn có nhiều vị khác nữa cũng theo hạnh đầu đà, cho nên đức Phật mới so sánh và gọi ngài là “đệ nhất”.

Khi một người Phật tử bước vào con đường tu tập thì quan trọng nhất và trước hết là phải thọ giới, giữ giới. Chính vì tầm quan trọng này, đức Phật từng dạy trong kinh Đại Bát Niết-bàn rằng sau khi ngài nhập diệt, các vị tỳ-kheo phải “lấy giới luật làm thầy”. Nếu một tỳ-kheo không giữ giới luật thì không còn là tỳ-kheo nữa.

Sau khi đã thọ giới, người tu hành cần phải chọn một pháp môn tu. Chính pháp môn tu mới là con đường đưa đến sự giải thoát, giác ngộ. Pháp môn tu giúp ta nhận biết và chứng nghiệm chân lý, ở đây là bốn chân đế (Tứ diệu đế) do đức Phật thuyết giảng. Khi tu tập theo pháp môn đã chọn, chúng ta giảm bớt tham, sân, si, phiền não… Sự giảm dần này nếu được duy trì và ta cứ tiếp tục tu tập tinh tấn thì mỗi ngày sẽ càng thêm thanh thản, an lạc. Đó chính là hướng dần đến sự giải thoát.

Cuối cùng, việc lập hạnh là một phương tiện hỗ trợ trên đường tu. Người tu hành có lập hạnh và kiên trì giữ hạnh tu thì việc tu tập sẽ hiệu quả hơn. Có thể hình dung giống như một chiếc xe, nếu được lắp thêm động cơ phụ sẽ chạy nhanh hơn. 12 hạnh đầu đà có thể nói là một loại “động cơ phụ” rất mạnh mẽ, cho nên nếu người tu tập có thể giữ theo các hạnh này thì sự tu tập sẽ càng tinh tấn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bản thân các hạnh đầu đà không phải một pháp tu, nên chỉ có thể có tác dụng trợ giúp mà thôi.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số điểm tương đồng giữa giới luật và các hạnh đầu đà. Chẳng hạn như hạnh thứ 4, “mỗi ngày chỉ ăn một bữa” thật ra vào thời đức Phật là áp dụng cho tất cả các vị tỳ-kheo, không cần phải là người theo hạnh đầu đà. Người nào ăn sau giờ ngọ (giữa trưa) gọi là ăn “phi thời”, nghĩa là không đúng giờ, trái giờ. Hoặc như hạnh thứ 8, “chỉ có 3 tấm y”, thật ra là cũng được áp dụng cho tất cả các tỳ-kheo vào thời đức Phật, không chỉ riêng với người theo hạnh đầu đà. Tuy nói là “ba y” nhưng thật ra chỉ là ba phần khác nhau để hợp lại thành một bộ y phục đầy đủ. Và người tu hành chỉ có một bộ đó thôi. Đức Phật đã chế định, các vị tỳ-kheo không được nhận và cất giữ dư thừa, nhiều hơn số đó. Điều khác biệt ở đây là một vị tỳ-kheo bình thường có thể nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường, nhưng nếu đã theo 12 hạnh đầu đà thì không được nhận, mà phải tự mình nhặt vải, may thành y phẩn tảo để sử dụng. Và tấm y phẩn tảo đó phải được sử dụng cho đến khi nào hư mục, không thể nào chắp vá được nữa mới được phép thay tấm y khác.

Tóm lại, thầy Minh Tuệ thực hành hạnh đầu đà là rất đáng kính trọng, nhưng đó không phải là “cao hơn giới luật”, cũng không phải là “pháp tu duy nhất để giải thoát”. Chắc chắn thầy Minh Tuệ cũng đã chọn cho mình một pháp tu nào đó ngoài việc giữ theo các hạnh đầu đà.

2. Khen ngợi, xưng tán thầy Minh Tuệ kèm theo việc so sánh để chỉ trích, phê phán người khác

Rất nhiều người ngợi khen, xưng tán thầy Minh Tuệ nhưng kèm theo đó là so sánh thầy với những người khác để chỉ trích, phê phán. Điều này thật ra cũng không có gì sai trái theo quan niệm thế tục, nhưng từ góc nhìn của người Phật tử là không nên làm.

Thứ nhất, khi chúng ta tán thán, hoan hỷ với thiện hạnh của một người, trong lòng ta khởi sinh một niềm vui nhẹ nhàng, trong sáng, ta có được công đức của sự tùy hỷ. Đức Phật cũng nhiều lần khuyến khích điều này. Có rất nhiều việc chúng ta biết là tốt đẹp nhưng tự thân ta chưa làm được, khi thấy người khác làm được, ta hoan hỷ chúc mừng, vui theo với niềm vui thành tựu của người khác, đó là tùy hỷ. Tất nhiên, hình ảnh thầy Minh Tuệ tinh tấn tu tập theo chánh pháp là một điều khiến chúng ta vui mừng, tán thán, nên việc xưng tán thầy cũng giúp ta có được niềm vui tùy hỷ. Thế nhưng nếu kèm theo đó ta khởi tâm so sánh và chỉ trích, phê phán người khác, cho dù là phê phán không sai, nhưng chính trong tâm ta đã tự nhiên mất đi niềm hoan hỷ ban đầu. Như vậy, đây là điều không có lợi cho chính chúng ta.

Chúng ta vẫn có thể và cần phải phê phán những điều sai trái, gây tổn hại niềm tin đối với chánh pháp, nhưng ta nên làm điều đó vào một lúc khác, một thời điểm khác sẽ tốt hơn, thay vì kết hợp “hai trong một” vào lúc này.

Thứ hai, khi chúng ta sử dụng hình ảnh thầy Minh Tuệ để so sánh với những người ta muốn phê phán, vô hình trung ta đã tạo ra một sự đối lập, tương phản giữa hai bên, và như vậy là lôi kéo thầy vào vòng thị phi, tranh cãi, một điều mà chắc chắn thầy đã từ bỏ. Xét về lý, ta đã không nên làm như vậy; còn xét về tình, tức là về mặt cảm tính, ta vô tình khiến cho thầy trở thành đối tượng của sự ganh ghét, thù nghịch, và điều đó cũng không nên.

Thứ ba, những phê phán loại này thật ra thường chỉ thỏa mãn tâm lý của người phê phán mà không thực sự có tính thuyết phục cao đối với người khác. Trong tranh biện, muốn chỉ ra sai trái của một người chúng ta phải dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, không thể dựa trên sự so sánh với người khác. Nói một cách cụ thể, nếu A sai thì phải do A đã làm trái với những tiêu chuẩn đúng nào đó, và điều này phải được chứng minh một cách độc lập, chứ không thể kết luận A sai chỉ vì so sánh với B đúng. Cho nên, muốn phê phán một cách thật thuyết phục, chúng ta cần chỉ ra những điểm sai trái cụ thể thay vì mang ra so sánh như trong trường hợp này.

3. Bày tỏ sự tôn kính thái quá

Việc bày tỏ thái độ tôn kính là quyền của mỗi người và không có gì sai trái. Tuy nhiên, những ngày qua khi số người ngưỡng mộ thầy Minh Tuệ đã lên đến hàng ngàn người, cùng lúc đổ xô ra đường để chờ đón thầy, đi theo thầy… thì rõ ràng sự bày tỏ đó đã tạo thành vấn đề. Trên nhiều đoạn đường, người ủng hộ thầy quá đông đã tràn ngập cả mặt đường, gây tắt nghẽn giao thông.

Sự bày tỏ thái quá này rõ ràng có thể tạo ra khó khăn cho sự tu tập của thầy Minh Tuệ. Thầy đã độc hành như thế nhiều năm qua, đó là pháp tu tập của thầy. Nay mỗi ngày đều phải đi giữa dòng người đông nghịt và không còn một chỗ nghỉ ngơi nào thật sự yên tĩnh, thanh vắng, chắc chắn không phải là điều thầy mong muốn. Tuy rằng sự tôn kính của Phật tử đối với một người tu hành chân chánh là đáng trân trọng, nhưng nếu sự bày tỏ đó có chừng mực hơn, hợp lý hơn thì sẽ thuận lợi cho thầy hơn trên con đường tu tập.

Nhiều người cho rằng đó cũng là thử thách để thầy tu tiến. Tất nhiên điều này không sai, nhưng nếu mỗi người Phật tử ngưỡng mộ thầy đều có sự suy xét hợp lý thì tôi tin rằng họ sẽ không muốn tạo ra tình huống khó khăn như thế cho thầy. Việc đổ xô đi theo thầy quá đông không mang lại lợi ích gì cho tự thân ngoài việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính. Tốt hơn, chúng ta nên biến lòng ngưỡng mộ tôn kính đó thành động lực tu tập để nỗ lực thực hành và hoàn thiện bản thân mình. Khi chúng ta làm được như vậy, chẳng những tự thân ta được lợi lạc mà chắc chắn thầy cũng được chia sẻ một phần công đức giáo hóa. Đây mới chính là ý nghĩa tôn kính thiết thực nhất.

Theo một chiều hướng khác, nhiều người lại ca tụng thầy Minh Tuệ như một vị thánh sống, là Phật Di-lặc ra đời… Đây là một sự sai lầm, lệch hướng nghiêm trọng. Đối với một người đã tự nói rằng mình đang “tập học” thì sự tôn xưng thái quá không phải là yêu kính thầy, mà thực sự đang vô tình gây khó cho thầy. Trong thực tế, ở cõi phàm thánh đồng cư này, chúng ta là những người phàm mắt thịt thì ngay cả khi có duyên may ở bên cạnh một vị thánh cũng không thể nào nhận biết. Còn việc chỉ dựa vào những gì đã nghe biết về thầy Minh Tuệ mà tôn xưng thầy là bậc thánh thì e là có phần thái quá. Hơn nữa, việc tôn xưng như thế cũng không giúp gì cho sự tu tập của thầy cũng như của chính chúng ta. Tốt nhất, hãy xem thầy là một bậc thầy, qua việc thực hành tinh tấn và nghiêm túc lời Phật dạy đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng để nhìn theo và học hỏi.

NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Chỉ một thời gian ngắn sau khi “hiện tượng thầy Minh Tuệ” tràn ngập trên các trang mạng xã hội, nhiều hệ quả khác nhau đã phát sinh. Mặc dù thầy Minh Tuệ đã tu tập theo cách này từ nhiều năm qua, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn gần đây, khi các Youtuber, Tiktoker, Facebooker gần như liên tục đưa lên những hình ảnh, câu chuyện về thầy, thì những ảnh hưởng rộng khắp mới bắt đầu phát sinh theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Trong thực tế, những hành giả Phật giáo có sự thực hành giống như thầy Minh Tuệ cũng rất nhiều. Tại hầu hết các nước theo truyền thống Nam tông, các vị tỳ-kheo đều nghiêm túc duy trì truyền thống khất thực mỗi ngày, ngay cả khi họ tu tập cố định ở một trụ xứ. Và số người thực hành viễn du để tu tập cũng không ít. Tại Thái Lan, các hành giả tu tập theo truyền thống Thiền trong rừng (Forest Tradition) của ngài Ajahn Chah cũng có nếp sống vô cùng khắc khổ, thiếu thốn nhiều tiện nghi nếu so với cuộc sống của người bình thường. Người Phật tử ở những nơi đó tuy tôn kính các vị nhưng không “bộc phát” thành một hiện tượng quá ồn ào như ta vừa chứng kiến.

Điều này hẳn phải có nguyên nhân khác biệt của nó. Khi nhìn thấy sự bày tỏ tín tâm của hàng ngàn Phật tử nơi thầy đi qua và rất nhiều những chia sẻ tích cực từ khắp nơi trên mạng Internet, chúng ta không thể không vui mừng khi thấy ít ra là niềm tin đối với chánh pháp của đức Thế Tôn vẫn đang tiềm tàng trong tâm thức người Phật tử Việt Nam ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, từ sự bày tỏ lòng tôn kính theo cách hơi thái quá và có phần “bất thường” của đông đảo những người Phật tử, chúng ta có thể nhìn thấy được phía sau đó là một sự khát khao, thiếu thốn sự dẫn dắt và nêu gương của các bậc chân tu Phật giáo. Việc thầy Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường của bất cứ ai mà chỉ xin thực phẩm vừa đủ ăn mỗi ngày một lần, đúng ra chỉ là điều rất bình thường theo đúng lời Phật dạy, thì lại trở thành một “hiện tượng rất lạ” đối với nhiều người dân. Đó là vì xưa nay họ chưa từng gặp!

Và bàn đến việc này thì quả thật có nhiều vấn đề nan giải, nhưng nếu muốn Phật giáo phát triển lành mạnh và dài lâu thì không thể không đề cập đến. Việc đức Phật chế định trong giới luật “盡形壽不得捉持生像金銀寶物- tận hình thọ bất đắc tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật” (vị tỳ-kheo suốt đời không được cất giữ tiền, vàng, vật quý) là điều không ai có thể phủ nhận được. Thế nhưng, liệu điều giới này phải được vận dụng, giữ theo như thế nào trong thời đại hiện nay thì quả thật không dễ dàng nói được.

Nếu nói rằng đã là giới luật là nhất thiết phải y theo, thì chúng ta cũng phải thừa nhận ngay là hầu như mọi sinh hoạt Phật giáo trong hiện tại sẽ hoàn toàn tê liệt. Tuy nhiên, theo chiều hướng ngược lại, nếu một vị tỳ-kheo lại hầu như quên hẳn đi, xem như chưa từng nghe biết đến điều giới này, thì cũng là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Bởi vì điều đó rõ ràng dễ dàng dẫn đến sự lạm dụng niềm tin của tín thí, dẫn đến sự phóng túng buông thả và thậm chí là sa đọa trong nếp sống của nhiều tăng sĩ. Nói như vậy cũng không phải là quá lo xa, mà thật ra là đang đề cập đến những gì đã và đang diễn ra trong giai đoạn gần đây. Và đây là một nỗi buồn rất lớn cho mọi người Phật tử, cho tương lai đạo pháp.

Trước thực trạng đó, nhiều Phật tử đã phản ứng bằng cách không tiếc lời chê bai, công kích hoặc châm biếm những kẻ sa đọa mà họ gọi là “ma tăng”, sử dụng tiền cúng dường của tín thí cho cuộc sống xa hoa của riêng mình. Những phê phán của họ không sai, và từ quan điểm tích cực, có thể đó là điều cần thiết để thức tỉnh những tín đồ mê muội đang vây quanh các “ma tăng” này. Nhưng thực tế cho thấy dường như điều đó chưa thực sự mang lại kết quả. Và đây cũng là một nỗi buồn lớn cho người Phật tử, khi hình ảnh cao quý của chư tăng bị hoen ố bởi chính những người đang giữ trọng trách hoằng truyền lời Phật dạy.

Hình ảnh thầy Minh Tuệ xuất hiện vào lúc này cùng với hiện tượng xôn xao trong những ngày qua dường như gợi mở một điều gì đó để chúng ta có quyền hy vọng. Những bước chân thầm lặng của một con người tự hạ thấp mình, hạ thấp mọi nhu cầu vật chất của bản thân xuống đến mức tối thiểu, giờ đây dường như đang phát ra âm vang hùng hồn còn hơn cả vạn lời thuyết giảng. Điều này chứng minh một thực tế là, hạt giống thiện lành trong lòng người Phật tử Việt Nam ở khắp mọi nơi vẫn đang còn nguyên đó, nhưng không thể được khơi dậy bởi những lời thuyết giảng suông hay những lý thuyết cao siêu xa vời. Người Phật tử cần có một hình mẫu thực tế để chứng minh một cách giản dị nhưng đầy thuyết phục, rằng một đời sống tu tập theo đúng lời Phật dạy là có thể, và có một con người bằng xương bằng thịt đã và đang thực hành như vậy nhiều năm qua.

Trong hàng triệu Phật tử Việt Nam, hiện có bao nhiêu người có thể tu tập như thầy Minh Tuệ? Tôi không có ý nói đến việc “rập khuôn” với pháp bộ hành như thầy, nhưng chỉ cần là thực sự chuyên tâm tu tập theo đúng lời Phật dạy. Ở đâu đó trên đất nước này, tôi tin chắc chắn là vẫn có những vị tăng, ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp đang âm thầm tu tập như vậy, nhưng ít người biết đến. Thầy Minh Tuệ chỉ là một trong số họ vừa được công chúng nhìn thấy do những nhân duyên tình cờ, nhưng có thể chính là một gợi mở để cộng đồng Phật tử được biết đến nhiều người khác. Sẽ thế nào nếu chúng ta có được hai, ba… cho đến rất nhiều vị tiếp tục hiện ra? Sẽ thế nào nếu sẽ có một, hai, ba… cho đến nhiều ngôi chùa mà tăng chúng ở đó ai cũng “tam y nhất bát”, mỗi ngày chỉ nhận cúng dường thực phẩm vừa đủ ăn và nỗ lực tinh cần tu tập? Cho dù các vị ấy không thuyết pháp, những Phật tử vây quanh các vị cũng sẽ luôn được thấm nhuần pháp vị, và chắc chắn là niềm tin vào Tam bảo của họ sẽ ngày càng kiên cố hơn. Tuy nhiên, với sự chuyên tâm tu tập đúng chánh pháp và học hỏi kinh điển thì chắc chắn là bất kỳ điều gì các vị nói ra sau đó cũng đều sẽ là chánh pháp.

Đức Thế Tôn dạy rằng, tất cả các pháp đều do nhân duyên. Hợp, tan, thành, hoại cũng đều do nhân duyên. Nếu duyên lành đã đến, hẳn những điều như trên sẽ không chỉ còn là mơ ước của người Phật tử. Nhưng nếu nhân duyên không hội đủ, thì ít ra đây cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh, và người Phật tử phải luôn nhớ rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nỗ lực tu tập của tự thân mỗi người vẫn luôn là yếu tố quyết định cuộc đời của chính mình.

LỜI KẾT

Anh Đỗ Hồng Ngọc kể lại rằng, một lần anh đến thăm Hòa thượng Thích Thanh Từ và thưa hỏi nhiều chuyện. Lúc ra về anh thưa: “Nãy giờ học với thầy nhiều quá, giờ xin thầy một chữ thôi trước khi về.” Thầy cười và nói đúng một chữ: “Buông.”

Thật tuyệt vời! Tôi rất tâm đắc với sự “tóm gọn” này. Suy cho cùng, cuộc đời của mỗi chúng ta từ lúc bắt đầu ngậm bầu sữa mẹ là đã bắt đầu bám chấp, khi thấy có người đến gần là đưa tay che bầu sữa bên kia để “giữ” cho riêng mình. Càng lớn lên, những thứ mà ta bám chấp cũng ngày càng nhiều hơn chứ không chỉ là việc đưa bàn tay bé tí xíu che bầu sữa mẹ. Thế rồi có duyên lành đến với Phật pháp, ta học được biết bao điều cao quý, nhưng xét cho cùng bất cứ điều nào trong số đó dường như cũng đều hướng ta đến sự buông xả. Rồi trải qua biết bao nhiêu vùi dập khổ đau trong cuộc sống, cuối cùng chúng ta mới có thể nhận ra một điều đơn giản là, càng buông được nhiều thứ, cuộc sống ta càng thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Và hơn thế nữa, còn có một quy luật bất biến muôn đời là, cho dù ta không học được cách buông xả thì đến phút cuối đời rồi ta cũng phải buông tất cả.

Hình ảnh thầy Minh Tuệ đầu trần chân đất thanh thản bước trên đường đã cho tôi một ấn tượng vô cùng sống động về chữ “buông”. Ở hình ảnh đó, nếu xét theo những nhu cầu của một con người đang sống, dường như ta không còn tìm được bất cứ một thứ gì để có thể buông ra được nữa. Một tấm y không thể dùng cho ai khác, một ruột nồi cơm điện nếu vất đi e rằng cũng không có người nhặt lấy. Và chỉ có vậy, không còn gì khác trên tấm thân xác thịt của thầy. Ấy vậy mà có lúc thầy đã nói: “Con chỉ còn cái mạng này, nếu còn sống thì con tu tiếp.” Hóa ra mạng sống mới chính là tài sản quý giá nhất thầy chưa buông, vì còn đang giữ lại để tu tiếp.

Có phần chắc chắn là trong một thời gian nữa những quan tâm đến thầy Minh Tuệ sẽ dần dần lắng xuống. Và tôi mong là như vậy, để thầy có thể tiếp tục những bước chân tu tập an tĩnh và yên vui. Mặc dù vậy, hình ảnh đơn sơ mộc mạc của thầy trong những ngày qua đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi tin rằng điều này cũng xảy ra với nhiều Phật tử khác. Chúng ta luôn cảm thấy mình còn thiếu thốn điều này, vật khác, nhưng khi soi vào tấm gương thầy Minh Tuệ, ta mới nhận ra mình có quá nhiều, thậm chí là thừa thãi. Chỉ riêng một điều này thôi, chắc chắn đã làm cho cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cho dù chúng ta đã đọc hiểu lời dạy của đức Thế Tôn không biết bao nhiêu lần, tất cả chúng ta đều cần đến sự minh họa sống động cho những lời dạy ấy. Và đó chính là vai trò của những bậc chân tu khi xuất hiện ở đời.

Đức Phật dạy rằng: “Tâm thức vô thường, dị sinh dị diệt.” Phàm phu chúng ta dù nỗ lực tu tập đến đâu cũng còn chưa thể biết chắc được ngày mai. Một năm, hai năm hay mười năm nữa, chúng ta không thể chắc chắn rằng thầy Minh Tuệ có còn giữ được “chân cứng đá mềm” như những năm qua. Nhưng điều đó không hề gì. Ngọn đèn phước tuệ chỉ một lần tỏa sáng cũng đã đủ để giúp ta soi thấy những góc khuất trong chính tâm hồn mình. Sự hoàn thiện của mỗi người vẫn thuộc về nỗ lực của chính bản thân mình. Tôi thực sự vui mừng với cơ duyên được biết đến hình ảnh tu tập của thầy Minh Tuệ, và bên cạnh thực trạng Phật giáo nước nhà đang đầy dẫy những biến tướng đáng buồn, hình ảnh đơn sơ mộc mạc của thầy như một điểm lóe sáng để chúng ta nhen nhúm lên những hy vọng về tương lai.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin