HAI TUẦN TỪ THIỆN TẠI VIỆT NAM
View: 1331 - Phan Trung Kiên 21/06/2020 01:06:39 pm Đôi lời nhân ngày Father's DayMắt cay cay làm sao khi mở những món quà của các con tặng đến Phan Trung Kiên sáng nay nhân Lễ Father's day 2020.
Post lại những tấm hình "Gà trống nuôi con" của người cha quá tuyệt của mình, như một nén hương kính dâng lên người trong Ngày Lễ của Cha năm nay và bài viết nhân Lễ Tiểu tường của Người.
Thêm vài hình ảnh những ngày đầu đặt chân đến Hoa kỳ (Ngày 30 tháng 3 năm 1982) với Cậu Nghĩa đã bảo trợ 5 cha con đến Mỹ & tấm hình Ba lo Lễ thành hôn năm 1983 cho Anh Hai cùng với Lễ nhận giải học sinh giỏi cho 2 em Hương Sỹ Nhân và Phan Mẫn thời Tiểu học do Hội Phụ huynh và Giáo chức San Diego tổ chức.
Kính chúc Những Người Cha có một Ngày Lễ thật trọn vẹn hạnh phúc vui tươi bên các con, các cháu hôm nay.
Phan Trung Kiên
Những món quà nhân ngày Father's Day
Năm cha con vừa đến Mỹ và Cậu nghĩa (bìa trái) - thiếu Kiên vì là người bấm máy.
Người và hành lý vừa đến được Bến Bờ Tự Do
Đám cưới Anh Hai Phan Vũ Liến
Hương Sỹ Nhân và Phan Mẫn nhận phần thưởng hồi Tiểu Học
Hương Sỹ Nhân (bìa trái), kế bên là anh Hai Phan Vũ Liến, Phan Trung Kiên và Phan Mẫn (bìa phải)
Cậu Nghĩa (bìa trái), Ba với Anh Hai và 2 em Hương Sỹ Nhân, Phan Mẫn trong ngày đầu tiên đến Mỹ
************
Ngày 9 tháng 8 năm 2006, chúng tôi về tới phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi vẫn còn chưa hết mệt vì đoạn đường bay vượt đại dương cộng thêm vào cái nắng gắt của Sài Gòn làm tôi cảm thấy cái mệt như thấm vào sâu hơn. Mệt nhưng đầu óc của tôi thật sự vui vẻ và khoẻ khoắn… Có lẽ vì tôi ý thức được mục đích của chuyến đi và trọng trách của mình. Tôi vui vì biết mình sắp làm được điều gì đó thật sự có ý nghĩa.Tôi check out, rời khỏi phi trường, về đến khách sạn. Sau khi tắm táp, tôi ngủ một giấc thật sâu để chuẩn bị cho cuộc hành trình bắt đầu từ ngày mai.
Tôi được chị Vũ Lan đưa đến gặp thầy Tuệ Sỹ ngay sáng hôm sau, ngày 10 tháng 8. Tại ngôi chùa Già Lam thanh tịnh này tôi đã được tiếp chuyện với Thầy. Tuy Thầy đã tuổi ngoài 60 nhưng tôi vẫn bắt gặp ở Thầy sự lanh lẹ với đôi mắt thông minh ngời sáng. Tôi may mắn được hầu chuyện với Thầy suốt buổi sáng, trong cuộc gặp mặt của 2 thầy trò sau 4 năm xa cách. Bỗng nhiên, trong buổi sáng này tôi vô tình lại gặp được 2 người chị mà trước đây tôi vẫn trò chuyện qua điện thoại và thường được nghe về 2 chị rất nhiều qua người anh Cả khả kính của tổ chức GĐPT Hải ngoại mà chưa một lần diện kiến. Thoạt đầu Thầy hỏi Tôi: “Con có biết hai chị này không?” Tôi dường như ở tuổi này rồi vẫn chưa hết ngây ngô, trả lời một cách thật vô tư: “Dạ không ạ.” Khi nghe Thầy giới thiệu đó là chị Xuân Hòa và chị Yến Như.
Tôi chợt ngây người ra một chút. Thì ra là 2 chị quý kính của tôi. Chúng tôi được biết chị Yến Như đến thăm Thầy từ một tiểu bang rất xa xôi vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Thầy và chúng tôi trò chuyện và chụp hình lưu niệm rồi sau đó hai chị cáo từ ra về. Tôi tiếp tục trò chuyện với Thầy và Thầy đưa tôi lên thư viện của chùa và cho tôi nghe vài bản nhạc được phát ra từ cây guitar thùng do thầy đàn qua giai điệu classic thật là tuyệt vời.
Tôi vui lắm khi được Thầy mời cùng ở lại dùng cơm trưa cùng Thầy. Cũng nhờ may mắn như vậy, tôi biết thêm về cuộc sống thường nhật của Thầy. Bữa cơm thật đạm bạc nhưng tôi ăn thật ngon miệng, có lẽ bởi tôi đang thật sự vui và hạnh phúc. Sau bữa ăn, tôi được Thầy tặng cho một vài cuốn sách do Thầy viết và chính tay Thầy ký tặng. Thầy hỏi tôi còn ở Việt Nam trong bao lâu. Khi được biết tôi còn ở Việt Nam đến ngày 22 tháng 8, Thầy đã cho tôi một cuộc hẹn vinh dự được gặp Thầy Mạnh Thát vào ngày 20 tháng 8 tại một cốc nhỏ của Thầy ở Bình Chánh. Tôi vui lắm, khi ra về tôi còn nhớ rất rõ đã hẹn gặp lại Thầy vào sáng sớm ngày 20 tháng 8. Trên đường về lại khách sạn, tôi cứ lâng lâng với niềm hạnh phúc ấy.
Ngày 11 tháng 8, tôi đã có mặt ở Đà Nẵng như dự tính từ chuyến bay sớm nhất trong ngày, bởi nơi ấy Mẹ và em gái tôi cũng đang rất mong gặp lại tôi, hơn nữa trong tôi cũng đang nóng lòng được trở lại quê xưa. Tôi dành suốt cả ngày hôm đó cho bà con nội ngoại. Sáng hôm sau, tôi cùng vài người bắt đầu chuyến viếng thăm các mảnh đời bất hạnh.
Tôi đã đến Mái ấm tình thương của dòng thánh Phaolo Đà Nẵng, nơi đây đang nuôi dưỡng tất cả 42 cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Tiếp xúc với các soeurs, tôi còn được biết thêm về những hoạt động khác của Mái ấm, ở đây không chỉ nuôi dưỡng các cụ già mà còn tạo cơ hội cho các em không đủ điều kiện đến trường. Hơn thế nữa các soeurs còn tạo công ăn việc làm cho các em khuyết tật bằng cách dạy nghề cho các em, từ đó đã phát triển thành cơ sở dạy nghề tại số 47 Yên Bái, Đà Nẵng.
Tại đây, tôi được tiếp xúc và trò chuyện rất nhiều với Soeur Xuân, lại được biết thêm Soeur sắp thuyên chuyển công tác đến một vùng cao khác. Nơi ấy là một mảnh đất nghèo nằm giữa Pleiku và Quy Nhơn. Soeur còn nói thêm rất nhiều về những mảnh đời bất hạnh ở đó… Tất cả những điều tôi nghe được làm cho lòng tôi se thắt lại…
Cụ Maria, 77 tuổi, đang hát tặng Phan Trung Kiên tại Mái ấm Tình thương
Tôi xin gởi tặng Soeur 100 đô-la để Soeur thêm vào công tác phí và cũng nhờ Soeur chuyển món quà 30 thùng mì tôm mà chúng tôi đã chuẩn bị trước, định sẽ biếu tặng Mái ấm tình thương ở đây, nhưng được biết nơi Soeur đến sẽ rất nghèo và đang cần rất nhiều sự giúp đỡ của những tấm lòng vàng và tôi đã mạo muội nhờ Soeur Huỳnh Thị Xuân giúp chúng tôi một tay để chuyên chở những yêu thương này đến người dân ở đó.
Các Soeurs tại Mái ấm tình thương (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Rời khỏi Mái ấm tình thương, tôi lại có hẹn với một số chị em tiểu thương trong chợ Mới, đến xế chiều sẽ ra cầu Cẩm Lệ để tham dự buổi phóng sanh nhân mùa Vu Lan báo hiếu và lễ khoác y cho Đức Mẹ Quán Thế Âm.
Tôi đã đến đúng hẹn, buổi lễ vốn đã trang trọng với sự tôn kính của các Chư Tôn Đức và Phật Tử lại càng linh thiêng hơn khi bầu trời sập tối và mây đen ùn ùn kéo đến làm tối cả một khoảng trời. Từng giọt mưa nặng hạt rơi xuống rồi ào ào như trút nước làm ướt tất cả những người đang tham dự buổi lễ… Tôi đứng vào hàng cùng làm lễ với các Chư Tôn Đức và trong đầu tôi bắt đầu gợi lại kỷ niệm ngày xưa, khi tôi, anh cả và 2 em trai đã vượt biển cùng người Cha khả kính vào tháng 6 năm 1981. Ngày ấy cũng sóng gió nổi lên suốt 2 đêm 1 ngày, cả 5 cha con chúng tôi đều đã cầu nguyện Đức Mẹ Quán Thế Âm. Khi đó tôi đã khấn nguyện: “Nếu Đức Mẹ che chở cho chiếc ghe của con vượt được sóng gió đến với bến bờ tự do, con sẽ trở về để làm tất cả những gì trong khả năng của con cho quê hương, sẽ nâng đỡ cho những mảnh đời kém may mắn, và sẽ làm tất cả bằng sức của mình để xoa dịu cho những nỗi đau của những con người bất hạnh.” Lời khấn nguyện của tôi dường như đã được Người nghe thấy và che chở. Bởi thế, hôm nay tôi trở về đây để hoàn thành ước nguyện của mình. Đó cũng là những gì Ba tôi trăn trở khi đã xế chiều vào những ngày cuối đời của Ba do cơn bạo bệnh. Tôi đã tâm sự cho Ba nghe tất cả những gì tôi sẽ làm, khi ấy Ba tôi vui nhiều lắm. Và đây cũng là món quà tôi muốn dâng cho Ba nhân mùa Vu Lan báo hiếu cũng như ngày giỗ đầu của Ba.
Dòng suy nghĩ của tôi bị gián đoạn bởi đã đến lúc tôi trèo lên cao và khoác y cho Đức Mẹ Quán Thế Âm trên dòng sông dưới cầu Cẩm Lệ. Ở đó đang có rất nhiều ghe cập vào dưới chân của Người, bởi tượng được đặt giữa dòng sông, muốn đến được đó chỉ có phương tiện duy nhất là ghe.
Phan Trung Kiên khoác y cho Tôn Tượng Đức Mẹ Quán Thế Âm
Thế là hết một ngày, hôm sau ngày 13 tháng 8, tôi phải dành thời gian cho gia đình vì phải chuẩn bị làm giỗ đầu cho Ba tôi.
Ngày 14 tháng 8, như có một cái duyên đưa đến, sau khi tiếp chuyện với mục sư Sanh theo lời giới thiệu của anh Hà Vy tại Nhà Thờ Tin Lành Đà Nẵng, tôi được nói chuyện với Thầy Thích Thiện Nguyện trên phone và được biết Thầy đang ở Sài Gòn, sẽ đến Đà Nẵng vào chuyến bay lúc 11.30 am cùng ngày.
Thầy Thích Thiện Nguyện trước tôn tượng đang dang dở
Tôi có nhã ý muốn đón Thầy, thật vui vì Thầy đã đồng ý. Tôi đưa Thầy về chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Tiên Sa. Tôi đã nhìn thấy một ngôi Chánh Điện thật uy nghi và một công trình đang dang dở. Đặc biệt là Tượng Đức Mẹ Quán Thế Âm cao 49 thước (khoảng 156 feet). Nếu hoàn thành, Tôn Tượng này sẽ là Tượng Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam. Thầy đang kêu gọi những tấm lòng hảo tâm từ đồng hương để hoàn thành công trình vĩ đại này. Nghe và thấy như vậy, cá nhân tôi đóng góp 100 đô-la đến với Thầy. Nhân chuyến viếng thăm này, tôi cũng trao cho Thầy 40 đô-la của gia đình Bác Hối và 30 đô-la từ gia đình Cậu Chỉ.
Thầy cũng được biết hôm nay sẽ là giỗ đầu của Ba tôi, Thầy vui vẻ nhận lời đến làm chủ lễ cùng các Chư Tôn Đức khác trong buổi lễ Tiểu Tường của Ba tôi. Tôi vui nhiều lắm vì đã làm được điều gì đó cho Ba… Con cảm ơn Thầy và cảm ơn Ba thật nhiều…
Ngày 15 tháng 8 tôi đã thức dậy từ sớm cho kịp chuyến xe đi Huế. Đến Huế, tôi được chào đón bởi vợ chồng anh Vĩnh Hướng theo lời giới thiệu của anh Hào. Chúng tôi trò chuyện trong một quán cafe rất Huế “Vĩ Dạ Xưa”. Tại đây tôi được tiếp xúc với những tấm lòng bao la cao cả của những con người nhỏ bé. Việc làm của anh chị Vĩnh Hướng cũng rất giống với việc làm của tôi đã và đang làm. Giống như nhũng người cùng chí hướng gặp nhau tôi và anh chị trò chuyện thật nhiều về những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi đã tìm đến làng Sình, một làng rất nghèo ở Huế. Ở đây tôi được tiếp xúc với những trẻ em hiếu học nhưng nghèo khó, tôi muốn nâng cánh ước mơ của các em được tiếp tục đến trường. Tôi đã trao 10 học bổng Trung Học cho ngôi làng nghèo khó này cộng thêm 1 học bổng Đại Học đặc biệt cho 1 bé gái trong gia đình có 5 anh em, cha mất sớm, chỉ một mình mẹ tần tảo nuôi các em ăn học. Thêm nữa tôi gặp một ước mơ dung dị đơn giản của một học sinh lớp 8 sau khi đã được học bổng của tôi rằng em muốn được vào Sài Gòn để thăm chị và anh trai đi làm mướn đã 2 năm nay chưa về được một lần thăm nhà. Thêm một lần nữa, tôi lại quyết định tạo điều kiện cho bé Hoài Lan đến Sài Gòn với chuyến bay khứ hồi trị giá 1 triệu 7 trăm ngàn đồng. Để khích lệ tinh thần học tập của các em, tôi còn hứa: “Nếu các em còn giữ lực học khá giỏi thì tôi vẫn còn duy trị học bổng này, nếu không thì học bổng này sẽ được trao cho những bạn khác.” Trong ánh mắt các em, tôi đọc được những niềm hân hoan hứng khởi…
Chia tay với làng Sình, chúng tôi lại tìm đến Đức Sơn, đó là một tu viện do Ni Sư Thích Nữ Minh Tú làm trụ trì.
Phan Trung Kiên đang sinh hoạt với các em mồ côi tại Cô Nhi Viện Đức Sơn (Huế)
Tôi được biết ở đây có 20 Sư Cô đang nuôi dạy trên 200 trẻ cô nhi. Hiện khi tôi đến, trẻ nhỏ nhất mới chỉ được 42 ngày tuổi.
Các em đang dùng cơm chiều
Ni Sư Minh Tú tâm sự về sự khó khăn và cố gắng của mình. Tôi đã gởi tặng Ni Sư 200 USD. Sư cảm động lắm và nói: “Cảm ơn, Sư sẽ biến số tiền này thành những dòng sữa ngọt ngào cho các em vì thật sự bây giờ các em cũng đang rất cần sữa nhưng bây giờ là mùa tựu trường sắp đến, cần phải để dành tiền cho các em lớn đóng học phí.”
Tôi rất muốn ở lại thêm nữa nhưng thời gian không cho phép vì tôi phải trở về Đà Nẵng ngay trong đêm đó. Trở về Golden Sea, nơi tôi đã cư ngụ suốt mấy ngày qua vì sáng hôm sau khi tôi sửa soạn ra phi trường đến Nha Trang cho kịp cái hẹn đã hẹn trước với Chị Tuyết Trinh, người đang dạy cho 24 em khuyết tật tại căn nhà nhỏ bé của riêng mình vào chiều ngày 16 tháng 8. Như một cái duyên khác, ông chủ khách sạn đã ngỏ ý xin 10 học bổng cho Xã Điện Hòa khi biết được việc làm của tôi. Chú Lê Văn Hai nói: “Ở đó có nhiều em giỏi nhưng nhà nghèo không có tiền đến lớp…” Tôi nhận lời Chú Hai nhưng không thể cùng Chú Hai đi đến Xã Điện Hòa, Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam ngay được, bởi tôi chỉ còn vài giờ tại Đà Nẵng này. Tôi uỷ quyền cho Phước sẽ đến tận nơi trao học bổng vào tuần sau.
Tôi ra phi trường sớm hơn giờ bay rất nhiều bởi tôi muốn ghé ngang qua 520 Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Tôi lại gặp một hoàn cảnh mủi lòng hơn. Sáu chị em mồ côi cha mẹ, người chị lớn chưa đầy 25 tuổi sau khi xuất giá đã không về nhà chồng như những người con gái khác mà tiếp tục sống với những cái nón, cái mũ bán được hằng ngày để nuôi 5 đứa em ăn học và người con 7 tháng tuổi. Tôi, một lần nữa lại trao đến Trà My tình thương của tôi, đó là 1 học bổng Trung Học cho em là 500.000 đồng. Phải chia tay với em thật vội vã, tôi chạy đến phi trường. Sau hơn 1 giờ bay tôi đã có mặt ở Cam Ranh và được chào đón bởi chị Tuyết Trinh. Tôi ngỏ ý được đi từ phi trường đến nơi các em đang học nhưng khi đó đã xế chiều, các em đã về. Thôi đành nán lại ngày mai vậy.
7 giờ sáng hôm sau, tôi đã có mặt tại chùa Long Sơn. Ở đây tôi được tiếp xúc với Đại Lão Hoà Thượng trụ trì chùa. Vì tuổi đã cao nên sức khoẻ cũng không được tốt, bởi thế chúng tôi không làm phiền Hoà Thượng quá lâu.
Hoà Thượng Trụ Trì Chùa Long Sơn và Phan Trung Kiên
Tôi xin phép được lễ Phật, thăm viếng cảnh chùa rồi đến gặp Thượng Toạ Thích Minh Thông, người đang là Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Phật học tại Nha Trang. Trò chuyện với Thầy, tôi may mắn được Thầy ban cho một đạo từ dù rất ngắn. Khi được biết việc làm từ thiện của tôi, Thầy đã đùa vui: “Nếu có ai đó trông coi công việc của Thầy bây giờ thì Thầy sẽ cùng tôi đi làm từ thiện.”
Thượng tọa Thích Minh Thông và Phan Trung Kiên
Thời gian của tôi ở Việt Nam quá ít nên các cuộc gặp gỡ trò chuyện thường rất ngắn ngủi. Phải chia tay với Thầy Minh Thông, tôi chạy ngay đến cơ sở Phúc Minh 23/3 Thái Nguyên Nha Trang, nơi dạy nghề may cho các em khuyết tật.
Tại đây tôi đã gởi món quà 20 đô-la của nhạc sĩ Trần Chí Phúc, tác giả của ca khúc Tìm Em Ở Chợ Mã Lai cho một bé gái mà đến đây tôi mới biết tên em là Ngọc. Anh chỉ biết cô bé qua tấm hình chụp chung với các bạn mà tôi đã cho anh xem. Và anh đã sáng tác ca khúc trên khi nghe được những thông tin về con gái Việt Nam đi làm dâu xứ người cùng các ngược đãi bất hạnh khốn cùng. Món quà 10 đô-la của chị Ngọc cũng được trao tận tay chị Trinh, người đang điều hành cơ sở như ý chị muốn.
Frère Sơn (từ trái) và 24 học sinh khuyết tật tại cơ sở Phúc Minh
Tôi lại được tận mắt chứng kiến những số phận kém may mắn được nâng đỡ dưới bàn tay nhỏ bé nhưng rộng lòng thương của người cô, người thầy, người chị, người mẹ Tuyết Trinh. Tôi gởi tặng các em 2,5 triệu đồng để góp chút phần nhỏ bé vào tình người lớn lao mà chị đang làm.
Ngồi: Vũ (câm & điếc), Đức(tật 2 chân) 2 em thích học computer và Hạnh (nghèo, cha đang bệnh. Đậu Đại Học 2 năm liền nhưng không có tiền đóng học phí. Tôi nhận bảo trợ cho 3 em này từ cơ sở Phúc Minh.
Đứng: Chị Tuyết Trinh, Phan Trung Kiên, Phước (Cháu của Phan Trung Kiên)
Tôi được mời ở lại dùng cơm trưa với các em. Các em vui lắm, dù không nói được vẫn hỏi thăm tôi bao nhiêu tuổi, tôi từ đâu đến… Tôi chỉ biết được các thông tin ấy khi nghe Chị Tuyết Trinh dịch lại cho mình. Trong bữa cơm trưa hôm đó, tôi vô tình may mắn được gặp Frère Sơn ở dòng thánh Lasan, người mà trước khi gặp mặt tôi đã nghe chị Tuyết Trinh kể rất nhiều về sự giúp đỡ của Frère cho cơ sở may khuyết tật này. Nhận lời mời của Frère, chúng tôi đến nơi Frère đang sống, làm việc và nuôi dạy 30 em học sinh cá biệt. Trò chuyện với Frère một lúc lâu tôi biết thêm nhiều về dòng thánh Lasan này.
Chia tay với Frère Tôi hẹn gặp lại một ngày gần đây với một duyên khác. Thế là ngày 17 tháng 8 đã trôi qua một cách nhanh chóng. Đến sáng hôm sau, trước khi rời khỏi Nha Trang tôi đã tranh thủ chút thì giờ ít ỏi để ghé qua Phật học viện Hải Đức Nha Trang.
Phật đường ở đây đang được trùng tu dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Thích Minh Châu là Trụ Trì. Thầy dẫn Tôi đi vòng quanh công trình đang xây cất dở dang và thuyết minh cho tôi về những gì phải làm
Thầy Thích Minh Châu (Hải Đức, Nha Trang)
Chia tay với Thầy, tôi đến Ban Mê Thuột theo lời giới thiệu của một người bạn trên chuyến xe dài chừng 5 giờ đồng hồ. Tôi được đón tiếp bởi vợ chồng cô chú Thành, khi nghe qua mục đích của tôi làm từ thiện trong suốt hơn một tuần vừa qua. Cũng theo lời giới thiệu của cô chú, chúng tôi đã tìm đến một gia đình có 6 anh chị em học đại học, tất cả đều học rất giỏi và rất hiếu học nhưng họ rất nghèo, rất khó. Một người mẹ chuyên lo may vá để dành dụm lo cho các con ăn học.
Khoa, đang học năm thứ ba Đai Học Bách Khoa, cùng người Mẹ
Tại đây, tôi đã trao một học bổng đại học Bách Khoa trị giá 200 đô-la. Kế tiếp, tôi tìm đến một gia đình nghèo hiếu học khác và đã trao học bổng trung học trị giá 1,2 triệu đồng.
Tôi trở lại Sài Gòn vào chuyến bay 4 giờ chiều ngày 19 tháng 8. Sau đó khoảng 2 giờ, tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Hoài Phương và người em trai tên Hòa. Cả 2 đều đang làm việc tại số 142 Lý Chính Thắng, họ là anh và chị của bé Hoài Lan, người đã được học bổng tại Làng Sình ở Huế. Khi Hoài Phương và Hòa được hỏi lý do vì sao nghỉ học, cả hai đều cho chúng tôi biết họ là con lớn nên hy sinh đi làm để phụ ba mẹ lo cho các em. Họ cũng đã cảm ơn tôi đã tạo điều kiện cho chị em gặp nhau, cũng như tặng học bổng để giúp Bé Hoài Lan có điều kiện đến trường.
Rời khỏi số 142 Lý Chính Thắng, tôi đến thăm Thầy Phan Văn Bé, Người thuộc dòng Giuse cũng đã giúp cho Chị Tuyết Trinh rất nhiều trong công tác từ thiện của chị tại Nha Trang. Thầy đã giúp cho chị mượn 15 máy may để thực hiện công việc đó. Nay không may Thầy đang bị căn bệnh ung thư máu đe dọa tính mạng. Tôi đến thăm Thầy tại khoa huyết học bệnh viện Chợ Rẫy vào tối 19 tháng 8, 2006.
Thầy Phan văn Bé, đang điều trị tạI BV Chợ Rẫy
Những hình ảnh tôi đã chứng kiến làm cho tôi xúc động và tôi đã gởi tặng Thầy 100 đô-la để Thầy thêm vào chi phí chữa bệnh. Tôi còn nhớ sáng ngày 19 tháng 8 đó gọi cho Thầy Nguyên Vương (thị giả của thầy Tuệ Sỹ) để xác nhận lại về cuộc gặp Thầy Mạnh Thát vào sáng hôm sau. Thầy trả lời tôi rằng không có gì thay đổi, thế nhưng đến xế chiều Thầy lại gọi cho Tôi và cho biết Thầy Mạnh Thát có công chuyện Phật sự ở thành phố khác nên không thể tiếp tôi được. Thế là tôi lại có cơ hội tiếp tục trò chuyện với Thầy Tuệ Sỹ.
Thầy Tuệ Sỹ và Phan Trung Kiên đang đón Taxi đến nhà Chị Sương
Chúng tôi đã gặp nhau từ sáng sớm cuộc chuyện trò vui vẻ kéo dài mãi đến trưa mới tạm ngưng, khi Thầy cùng tôi nhận được lời mời của chị Xuân Hòa đến nhà chị Sương (cũng là một Phật Tử) dùng cơm trưa. Bữa cơm chay đó được các chị âm thầm chuẩn bị trước. Thật vui vẻ, ấm cúng vô cùng!
1
Ngày cuối ở Việt Nam, tôi đã tự dành chút thời gian cho riêng mình. Tôi đến thăm các anh chị em Phật tử lớn tuổi và những ngôi chùa khác tại Sài Gòn.
Đã hết 2 tuần của chuyến đi, tôi phải trở về để lo cho cuộc sống gia đình, để lo cho những ấp ủ của mình và công việc làm của công ty đang cần đến sự hiện diện của tôi.
PHAN TRUNG KIÊN
San Diego, California
Ngày 26/08/2006