Alternative title

Ký Giả Dan Southerland và những ‘phút cuối cùng’ của Việt Nam Cộng Hòa

View: 1299 - Đinh Quang Anh Thái    30/04/2020 11:04:30 am
 Ký Giả Dan Southerland và những ‘phút cuối cùng’ của Việt Nam Cộng Hòa
Ký Giả Dan Southerland và những ‘phút cuối cùng’ của Việt Nam Cộng Hòa
Trong số các nhà báo ngoại quốc ở Việt Nam, ký giả Dan Southerland là một trong ít người ở lại tới ngày cuối cùng và chứng kiến ngày chót của Việt Nam Cộng Hòa 30 Tháng Tư 1975. Từ 1985 đến 1990, ông là giám đốc văn phòng Washington Post tại Bắc Kinh và tường thuật vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ Thiên An Môn, và do loạt bài này ông được trao giải Pulitzer. Trong cuộc chiến Việt Nam, ông làm việc cho hãng tin UPI và tờ The Christian Science Monitor, và cũng từng tường thuật chiến sự tại Cambodia, Lào, và cuộc chiến giữa Ấn Ðộ và Pakistan năm 1971. Ông từng là phó tổng giám đốc đặc trách chương trình của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) và từng viết cho nhiều hãng tin và báo chí quốc tế trong giai đoạn ông thường trú tại Tokyo, Hong Kong, Sài Gòn, Bắc Kinh. |Tháng Tư năm 2011, qua email, ông Dan Southerland trả lời phỏng vấn của Ðinh Quang Anh Thái về những diễn biến ở Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975.

- Ðinh Quang Anh Thái: Khi Sài Gòn sụp đổ cách đây 36 năm, lúc bấy giờ ông ở đâu?

- Dan Southerland: Tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư trước khi Sài Gòn sụp đổ, trong bối cảnh các xe tăng của quân Bắc Việt tiến gần vào Sài Gòn, lúc đó tôi ở tại khách sạn Continental để viết bài cho tờ The Christian Science Monitor. Tôi tường thuật những giây phút cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa với hai sự kiện trọng đại là việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và lễ nhậm chức tổng thống của Tướng Dương Văn Minh.

- ĐQAT: Tâm trạng của ông ra sao khi chứng kiến những sự kiện lịch sử đó?

- Dan Southerland: Tôi buồn khi nhìn thấy cảnh hỗn loạn của Sài Gòn. Tôi cố trấn an người thầy dạy tôi tiếng Việt và người thông dịch viên lâu năm của tôi. Tôi cũng đưa ra vài ý kiến là họ nên làm gì trong tình huống này. Cả hai quyết định ở lại; người dạy tiếng Việt thì vì hoàn cảnh gia đình, còn người thông dịch thì cho rằng chẳng có gì để lo sợ Việt Cộng. Khi tôi đến căn nhà nhỏ của anh thông dịch viên, anh chỉ cho tôi tình cảnh sống quá nghèo nàn của anh và bảo rằng không có lý do nào khiến anh bị cộng sản kết án.

Tôi ước rằng phải chi tôi khuyên được anh ra đi. Khi cộng sản chiếm chính quyền, họ hành hạ anh rất nặng nề, một phần cũng vì anh có quan hệ với tôi, nên sau đó anh vượt biên và tôi đã có dịp gặp lại anh ở Paris. Anh xin tôi tha lỗi vì trong thời gian bị cộng sản tra khảo, anh đã có những lời khai không đúng về tôi. Phần tôi, tôi cũng đã xin lỗi anh vì đã không hết sức thuyết phục anh thoát khỏi Sài Gòn thời gian đó.

Cũng vào những giờ phút cuối của Tháng Tư 75, tôi đã dàn xếp cho một giáo sư của đại học Sài Gòn cùng vợ và đứa con mới sanh của ông ta ra đi bằng trực thăng nhưng ông ta đổi ý vào giờ chót và ở lại, vì tin rằng Tướng “Big Minh” có thể thương lượng một cách ổn thỏa việc chia quyền với những người cộng sản.

Không chịu đi, nhưng ông giáo sư này lại gọi điện thoại nhờ tôi giúp đưa một quân nhân là bà con của ông ta ra đi. Lúc bấy giờ, tại mặt trận Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 90 cây số về phía Ðông, Sư Ðoàn 18 của Việt Nam Cộng Hòa đang chống trả trước những đợt tấn công dữ dội của quân Bắc Việt. Cho nên ý kiến đưa một quân nhân trốn khỏi đất nước trong khi những đồng đội khác đang chiến đấu sống còn khiến tôi tức điên lên và tôi đã đập nát chiếc điện thoại trên tay. Tôi ý thức rõ là tôi đang bị căng thẳng.

Tình cảnh lúc đó ngay tại Tòa Ðại Sứ Mỹ, giấy tờ tài liệu bị xé nát, hành lý và súng đạn bị vất ngổn ngang. Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang đẩy lui hàng ngàn người Việt Nam xô lấn nhau muốn xông vào sân Tòa Ðại Sứ để tìm đường thoát thân. Nhiều người ném giấy tờ tùy thân vào bên trong và kêu gọi giúp đỡ. Một người trong đám đông nhận ra tôi. Ông ta kêu tên một viên chức Mỹ. Tôi tìm được viên chức này và cùng nhau giúp đưa người đàn ông kia lọt qua cổng vào bên trong.

Trong không khí hoảng loạn đó, tôi gào qua điện thoại để gửi bài viết cho một đồng nghiệp cũng đang làm việc ở Sài Gòn chỉ tích tắc trước khi hệ thống điện thoại của Tòa Ðại Sứ bị cắt. Người điều hành phòng máy điện thoại đang lên máy bay để ra đi.

Tâm trạng tôi khi ấy giống như một số người Mỹ khác, cảm thấy rất đau buồn khi chứng kiến cảnh người Mỹ di tản trong khi nhiều người Việt Nam từng làm việc với Mỹ bị bỏ rơi lại. Quả thật, ra đi như thế thật là nhục nhã.

- ĐQAT: Ông từng đi theo và viết bài về các đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông nhận xét ra sao về những quân nhân này?

- Dan Southerland: Thành thật mà nói, quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) đã chiến đấu anh dũng khi đẩy lui cuộc tấn công của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968. Tôi cũng rất thán phục một số đơn vị của quân đội này trong các trận đánh tại Quảng Trị và An Lộc suốt thời gian diễn ra cuộc tấn công quy mô của Bắc quân năm 1972.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là có sự cách biệt khá lớn về khả năng tác chiến giữa đơn vị này và đơn vị khác của QLVNCH. Ðơn cử một thí dụ, năm 1972, trái ngược với Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam đã chứng tỏ là một đơn vị thiện chiến trong các trận đánh tại Quảng Trị cho dù không đủ quân số, thì Sư Ðoàn 3 Bộ Binh đã bị tan rã vì thiếu kinh nghiệm.

Tôi đã từng tường thuật về nhiều vấn đề trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, như tình trạng đào ngũ, hôi của, tham nhũng và thiếu khả năng của một số sĩ quan. Một vấn đề nữa là QLVNCH lệ thuộc vào không trợ của Mỹ, kể cả bom B-52. Khi sự hỗ trợ đó bị rút đi, hậu quả trở thành tai hại. Nhưng nếu nhìn tổng quát thì vẫn thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong một số đơn vị QLVNCH giữa 1972 và 1973, kể cả khi Mỹ đã rút quân.

Một số bài tường thuật của hãng tin Mỹ khiến người ta có cảm tưởng VNCH bị thất trận trong cuộc tấn công của Cộng quân năm 1972. Năm đó, ngày 11 Tháng Tư, trong một điện tín gửi cho mẹ tôi sống tại Arlington tiểu bang Virginia, tôi viết rằng: “Cho tới nay không có gì giống như trận Tết Mậu Thân 1978. Con vừa từ Quảng Trị và Huế về lại Sài Gòn và con thấy QLVNCH phòng thủ mạnh mẽ hơn những gì báo chí Mỹ tường thuật. Và rõ ràng là Bắc quân đang di chuyển dọc biên giới Cambodia khó lòng đặt chân đến Sài Gòn.”

Tôi cho rằng nhiều phóng viên Mỹ không tường thuật về QLVNCH, hoặc là họ đã tường thuật thoáng qua mà thôi. Cá nhân mình, tôi cũng nhiều lần tự chỉ trích về những cách tường thuật của mình. Chỉ có vài phóng viên ngoại quốc là nói được tiếng Việt để làm trọn vẹn việc tường thuật tin tức khi đi với quân đội VNCH; số đông còn lại đã chọn cách dễ dàng hơn là đi theo các đơn vị Hoa Kỳ.

Tôi đã từng viết một bài về tính nhân bản của các quân nhân thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của VNCH. Và tôi cũng đã viết câu chuyện về những người anh hùng của QLVNCH tại mặt trận An Lộc, với quân số ít ỏi so với Cộng quân và chỉ với những khẩu súng chống chiến xa loại nhẹ, họ đã tiêu diệt những xe tăng của Cộng quân. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ mình chưa mô tả được trọn vẹn những gì tôi chứng kiến.

Ðầu năm 1970, tôi ngưng làm việc với hãng tin UPI để dành thời gian vài tháng học tiếng Việt hòng có thể viết những câu chuyện sâu hơn với tư cách một phóng viên tự do. Nhưng rất tiếc, việc học Việt ngữ của tôi bị gián đoạn khi tờ The Christian Science Monitor mời tôi cộng tác. Ðúng lúc đó, chiến tranh bùng nổ tại Cambodia, thế là tôi bỗng nhiên phải tường thuật tin tức chiến sự của hai cuộc chiến.

Làm phóng sự về lực lượng thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa, nhà báo Dan Southerland phỏng vấn cố vấn Mỹ trong trận Mậu Thân II tháng 5 năm 1968 trên một nóc nhà Sài Gòn. 

- ĐQAT: Một số cuốn sách viết rằng, chính ông và nhà báo Phạm Xuân Ẩn đưa Bác Sĩ Trần Kim Tuyến – người từng cầm đầu ngành tình báo thời Tổng Thống Diệm – ra máy bay di tản khỏi Việt Nam; sau này, ông Ẩn lộ nguyên hình là cán bộ tình báo cao cấp của cộng sản miền Bắc, vai trò của ông lúc đó là gì?

- Dan Southerland: Ngày 30 Tháng Tư, tôi gọi điện thoại cho một số tờ báo ngoại quốc có văn phòng ở Sài Gòn, trong đó có tuần báo Time là nơi ông Phạm Xuân Ẩn làm phóng viên. Ẩn nói với tôi rằng có một người bạn từng quen biết lâu năm với chúng tôi là Trần Kim Tuyến hiện không thể tìm được đường thoát thân.

Tôi tin chắc chắn rằng, nếu ông Tuyến rơi vào tay cộng sản, ông sẽ không cách nào toàn mạng. Vì vậy tôi gọi ngay cho một viên chức Mỹ của Tòa Ðại Sứ nhờ giúp đỡ. Ông này báo cho tôi biết địa điểm mà chỉ trong chốc lát nữa một trực thăng sẽ đáp xuống để bốc người. Tôi báo ngay cho Ẩn. Thế là Ẩn hộc tốc lái xe đón ông Tuyến rồi đưa ông Tuyến đến một căn biệt thự nơi chiếc trực thăng sắp hạ càng xuống nóc nhà. Trần Kim Tuyến đi thoát. Lúc bấy giờ, tôi hoàn toàn không biết Phạm Xuân Ẩn là gián điệp của cộng sản.

- ĐQAT: Theo ông, tại sao ông Ẩn lại giúp ông Tuyến thoát khỏi tay cộng sản?

- Dan Southerland: Khi Ẩn về lại Việt Nam năm 1959, sau khi tốt nghiệp ngành báo chí tại Hoa Kỳ, ông ta rất sợ bị bắt. Vì lúc đó chính phủ của Tổng Thống Diệm đã bắt giam một số gián điệp Việt Cộng nằm vùng. Ẩn bèn tìm đến ông Tuyến và chính ông Tuyến xin cho Ẩn làm việc tại Việt Nam Thông Tấn Xã. Tuyến cũng vô tình không hề biết Ẩn là gián điệp nên đã che chở cho Ẩn khi ông này có thể lộ tông tích gián điệp nằm vùng. Chính vì vậy Ẩn mang ơn Tuyến vô cùng.

- ĐQAT: Sau năm 1975, ông đã có dịp quay lại Việt Nam chưa, nếu có, hình ảnh Việt Nam ra sao trong mắt ông?

- Dan Southerland: Năm 1982, trên đường tới Cambodia, tôi có dịp quay lại Việt Nam có vài ngày. Tôi nghe người Việt than trách về tình trạng thiếu thực phẩm và quần áo. Người cộng sản đã tỏ ra thiếu khả năng quản trị kinh tế. Nhiều chục ngàn người ở các thành phố bị đưa đi “vùng kinh tế mới” để trồng trọt mà rốt cục kết quả chẳng đi đến đâu. Gần 7 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vậy mà chế độ mới vẫn không an tâm nên tiếp tục giam cầm nhiều chục ngàn sĩ quan quân đội và công chức miền Nam trong các “trại cải tạo.” Sau này tôi nghe nói một luật sư Sài Gòn trước kia (Luật Sư Trần Văn Tuyên), một người từng chỉ trích chế độ của ông Thiệu, đã chết trong “trại cải tạo.” Sự kiện này rõ ràng cho thấy diện mạo của chế độ mới. Và tôi còn ghi nhận, rất nhiều người tôi gặp trên đường phố Sài Gòn – họ vẫn gọi thành phố này bằng tên Sài Gòn – vẫn bày tỏ tình cảm thắm thiết với người Mỹ.

Năm 2005, tôi và con trai là Matt xin được giấy chiếu khán du lịch để đến Việt Nam. Rõ ràng tôi thấy giới lãnh đạo cộng sản đã nhận thức là kinh tế của Việt Nam đang trôi vào thảm họa nên đã mở cửa chạy theo một nền kinh tế tư bản kiểu nguyên thủy. Sài Gòn bùng lên phát triển. Căn apartment trước kia tôi từng cư ngụ nằm ở đường Nguyễn Huệ nay bị phá đi và thay vào đó là một cao ốc vừa được xây lên. Nhưng dân chúng ta thán rằng giới lãnh đạo cộng sản hưởng lợi hơn bất kỳ thành phần nào khác do sự phát triển này của Sài Gòn.

Cũng trong dịp trở lại này, tôi và một bạn đồng nghiệp phóng viên Mỹ đã đến thăm khu Nghĩa Trang Quân Ðội gần Biên Hòa và chúng tôi tận mắt nhìn thấy cảnh hương lạnh, tro tàn của nghĩa trang này. Nơi đây bây giờ do bộ đội canh gác nên trông không khác gì một trại lính. Lính gác không cho chúng tôi vào bên trong và cấm chụp hình. Nhưng lợi dụng lúc các lính canh lơ đễnh, tôi chụp được một số tấm hình những ngôi mộ cỏ dại mọc đầy chung quanh. Tôi biết được rằng, những năm gần đây, nhờ dùng tiền đút lót, thân nhân những người lính Việt Nam Cộng Hòa nằm xuống trong cuộc chiến đã được phép vào nghĩa trang để dọn dẹp sạch sẽ một số ngôi mộ.

Sự kiện cũng khiến tôi nổi giận là ngay tại Bảo Tàng Chiến Tranh tại Sài Gòn, lịch sử đã bị bóp méo khi người ta trưng bày hình ảnh khiến người xem hiểu lầm là chỉ có người Mỹ chiến đấu chống lại cộng sản trong cuộc chiến vừa qua. Trong thực tế, người miền Nam Việt Nam đã chiến đấu nhiều năm trước khi Hoa Kỳ tham chiến và họ đã gánh chịu nhiều tổn thất nhân mạng nặng nề. Nhưng đau buồn thay, những người lính can trường này đã bị người ta xóa tên khỏi lịch sử.

- ĐQAT: Ông nhận định ra sao về hiện trạng của Việt Nam?

- Dan Southerland: Những tháng gần đây mọi việc diễn ra có vẻ không thuận lợi cho Việt Nam. Cải tổ kinh tế không dẫn tới cải tổ chính trị. Trước khi khai mạc đại hội đảng cộng sản vào Tháng Giêng vừa qua, nhà cầm quyền đã tung ra một đợt trấn áp những người hoạt động dân chủ và những blogger.

Một số luật sư, những người bất đồng chính kiến và những người hoạt động dân chủ đã bị bắt giam chỉ vì phát biểu quan điểm của họ. Chế độ còn sách nhiễu, thậm chí bắt giữ hoặc quản thúc tại gia những vị lãnh đạo các tôn giáo. Ngoài ra, luật mới về báo chí truyền thông vừa được ban hành, với những quy định mơ hồ, còn tạo thêm cơ hội dễ dàng để nhà cầm quyền kiểm soát gắt gao hơn và xử phạt nặng hơn giới cầm bút. Luật báo chí này còn làm cho vấn nạn tham nhũng – hiện đang lan tràn ở mọi cấp chính phủ – trở nên khó diệt trừ hơn.

Dầu vậy, vẫn có một số nhà báo và blogger Việt Nam rất can đảm, họ tìm cách phanh phui những vụ tham nhũng ở địa phương và hành vi lạm quyền của công an. Nhưng khi họ bắt đầu phanh phui tới những hành vi ở cấp cao hơn thì họ bắt đầu gặp nguy hiểm.

- ĐQAT: Cám ơn ông đã dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi./.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin