Lại Vấn Đề Tổ Chức Trong Đạo Phật (1993)
View: 1179 - Thích Nguyên Đạt 26/05/2020 04:05:51 pmCuộc họp ngày 31 Tháng Chạp năm 1964 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống. Thượng tọa Thích Tâm Châu được bầu vào chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo và Thượng tọa Thích Trí Quang giữ chức Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội.
(Ảnh tư liệu)
____________________________
Nhiều người chúng ta quá lý tưởng về một tổ chức Phật giáo bao gồm các đơn vị tổ chức Phật giáo khác nhau. Chúng ta há mong nhiều chùa, nhiều tự viện, nhiều hội, nhiều cộng đồng Phật giáo các địa phương thành một tổ chức, một giáo hội gọi là THỐNG NHẤT Phật giáo.
Có lẽ, một phần, chúng ta chịu ảnh hưởng những phong trào tổ chức bên ngoài đạo Phật và phần khác, do GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẬT cao đẹp của chúng ta trong quá khứ tại quê nhà, đã tạo cho chúng ta những ấn tượng tốt lành. Hình ảnh GHPGVNTN sau năm 1963 đó đã thúc giục chúng ta muốn thành đạt một mô thức như thế trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam hải ngoại, mặc dù cũng đang ở trong những hoàn cảnh mới khác biệt, tâm lý quần chúng, văn hóa dị biệt đối với quê hương Việt Nam. Vấn đề thống nhất các tổ chức Phật giáo địa phương thành một tổ chức duy nhất lúc nào cũng được đề cập trong quá khứ và có lẽ vấn đề nầy vẫn còn là một đề án chưa được giải quyết?
Thực sự, một hình thức tổ chức Phật giáo Việt Nam hải ngoại, thống nhất bao gồm hết các đơn vị tổ chức Phật giáo Việt Nam ở các địa phương khác nhau như thế, liệu có phản ảnh trung thực một tổ chức thống nhất hải ngoại để lãnh đạo và thực hiện các Phật sự tại các địa phương, hợp với hoàn cảnh mới không? Trong xã hội nầy, bất cứ tổ chức nào của Phật giáo lớn hay nhỏ đều có giấy phép sinh hoạt và bình đẳng trước luật pháp quốc gia. Mỗi đơn vị tổ chức Phật giáo đã có sẵn pháp nhân, pháp lý và tự do sinh hoạt tùy theo khả năng lãnh đạo của chư tăng, trách nhiệm của các vị cư sĩ hữu tâm và hoàn cảnh, nhu cầu tinh thần của quần chúng Phật tử. Việc tổ chức thành lập một giáo hội THỐNG NHẤT bao gồm các đơn vị các tổ chức Phật giáo các địa phương như thế, chúng ta chỉ dựa trên những tổ chức có sẵn pháp lý và đặt để ra một số lý thuyết, nguyên tắc, điều lệ, nội quy, danh xưng bao trùm. Còn thực tế, mọi tổ chức địa phương phải tự túc hành chánh, tài chánh, đảm trách mọi Phật sự. Hơn nữa, trong xã hội tự do sinh hoạt bình đẳng, không có một thứ nguyên tắc tập quyền nào có thể áp dụng và không có khả năng tài chánh nào đủ sức để chi phối cũng như không có một thứ tình cảm riêng tư nào để thuyết phục lôi cuốn mọi tổ chức thành những thành viên nòng cốt, sống chết cho một danh xưng to lớn, chỉ trừ tổ chức danh xưng to lớn đó là tác phẩm trung thực trong nổ lực của mọi tổ chức và được điều khiển phát triển của những cá nhân đại diện lỗi lạc và đạo hạnh.
Một tổ chức Phật giáo thống nhất muốn được thành tựu, nó còn phải dựa trên truyền thống tổ chức của đạo Phật đã có sẵn từ những nghìn năm lịch sử mà kinh điển thường đề cập và gương sáng của đức Bổn Sư. Bốn tổ chức căn bản của Phật giáo được đức Phật ấn định từ khởi thủy của đạo Phật, đó là tổ chức Tỳ Khưu (có Sa di), tổ chức Tỳ Khưu ni (có Sa di ni), tổ chức nam cư sĩ Phật tử và tổ chức nữ cư sĩ Phật tử. Tại sao đức Phật lại phân định ra bốn thành phần tổ chức như thế ngay từ lúc giáo hội ngài mới thành lập? Tại sao ngài không gom lại các thành phần nhân tố đó thành một tổ chức THỐNG NHẤT, to lớn ngay từ đầu, dưới quyền lãnh đạo tối thượng của ngài? Đức Phật là bậc đạo sư, ngài xuất hiện ra đời chỉ dạy chúng sinh con đường xả ly những danh lợi, nhưng danh xưng phù ảo để bồi đắp bản ngã vị kỷ, ngã tập thể, ngã cá nhân. Giáo lý ngài chỉ dạy không chấp thủ, không tranh chấp, xa rời những quyền hành, quyền lực, những phạm trù ý thức, tư tưởng, những hình tướng "phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng..." để dẫn đến sự tự tại tự do giải thoát phiền não ràng buộc của nội tâm. Đức Phật có phương tiện phân định ra bốn tổ chức là để nhằm vào việc giảng dạy giáo pháp của ngài cho từng căn cơ, trình độ giáo dục, tâm lý, chủng tính, chức năng của nhân sinh khác nhau. Bốn tổ chức Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di tuy có đời sống vật chất lao động, sản xuất, tiêu dùng ăn uống, ngủ nghỉ, thưởng thức tương đối giống nhau, nhưng đời sống tâm linh, khả năng đạo đúc trí tuệ, giới luật, chức năng khác nhau. Tổ chức Nam Phật tử có khác tổ chức Nữ Phật tử "Thiện nam tín nữ". Giới luật của tăng và ni chênh lệch nhau. Thực sự, trong mỗi một thành phần tổ chức, chẳng hạn nữ Phật tử, tự nội bộ cũng đã có nhiều khác biệt giữa các cá nhân về tâm lý, giáo dục, chức năng, nghiệp lực. Tổ chức của Tăng, của Ni, của Nam Phật tử cụ sĩ cũng thế. Nhiều trường phái Phật giáo ra đời trong thời kỳ đạo Phật phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ cũng như khi truyền sang các nước khác, nói lên nhiều khuynh hướng tâm lý quần chúng thế giới đến với đạo Phật. Trung Hoa có mười tông phái, Nhật Bản có mười một tông phái. Tây Tạng có phái Hồng Mạo và Hoàng Mạo. Phật giáo các quốc gia theo hệ Nam truyền có hàng xuất gia và tại gia bạch y. Phật giáo Việt Nam có đại thừa và tiểu thừa Phật giáo, rồi thiền tông, mật tông, tịnh độ tông v.v... Giờ đây, các quốc gia Tây phương, Âu Mỹ tiếp thu các hình thái Phật giáo từ nhiều nẽo đường Á Châu đến và phát triển đưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau để cung ứng cho nhiều thành phần dân chúng. Theo các tài liệu Buddhism in America của tác giả người Nhật Bản, ông Tetsuden Kashima, được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1977 và Buddhism in America, tác giả bà Emma McCloy Layman, là giáo sư đại học về nghành Tâm lý, xuất bản vào năm 1976 và được in lần thứ nhì năm 1978, cho thấy rằng nhiều tổ chức Phật giáo được thành lập khắp đó đây trên nước Mỹ: Buddhist Association of the United States, Buddhist Churches of America, Buddhist Society of Den-ver, Monasteries, Budđhist in the United States, Zen Center, San Francisco, Zen Mission Society, Zen Studies Sociecty, New York, Buddhist Church of San Francisco, Buddhist Church of Sacramento, Seattle Buddhist Church, Petsuin, Arizona Buddhist Church (Ari?), Bud-dhist Temple of Utah - Idaho, Ft. Lupton Buddhist Church (Colo.), Twin Cities Buddhist Assocciation (Minn.), Washinpton, D.C, Sangha, Cleveland Buddhist Church (Ohio) v.v...
Đề cập đến tổ chức Phật giáo, có quốc gia Phật giáo nào, có được một tổ chức Phật giáo thống nhất thực sự quy tụ tất cả các hệ phái không? Ngay cả sự hiện diện của các quốc gia Phật giáo Á Châu ở Mỹ cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Tổ chức của Vạn Phật Thành ở San Francisco không giống tổ chức của chùa Tây Lai ở miền Nam Cali-fornia v.v... Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất của chúng ta tại Việt Nam ra đời sau năm 1963 là kết quả trong bối cảnh lịch sử của đất nước hết sức đặc biệt. GHPGVNTN lúc ấy được quy tụ hầu hết mọi thành phần tổ chức Phật giáo và dân tộc để thực hiện vai trò lịch sử và sau đó GHPGVNTN tỏa ra nhiều dạng thức để chuyên chở các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật, triết lý, văn hóa, và tất cả những sinh hoạt này khi dân tộc lâm nguy, chúng trở thành một lực lượng, một tổ chức để biểu lộ tinh thần hùng lực vô úy của dân tộc Việt Nam, đến lúc bình, chúng ngấm sâu vào sức sống của dân tộc. Tổ chức Phật giáo bàn bạc trong sinh hoạt nhân gian Việt Nam nên không có kẻ thù nào chống phá hay tiêu diệt Phật giáo nổi. Làm sao chính thể Cộng sản Việt Nam tiêu điệt được Phật giáo Việt Nam, tiêu diệt thế nào được tất cả những tổ chức Phật giáo ỏ dưới nhiều hình thức khác biệt? Thật hời hợt mà cho rằng Phật giáo bị tiêu diệt dưới ách Cộng sản Việt Nam. Sự thực, chính quyền Cộng sản Việt Nam chỉ đập vào cái danh xưng tổ chức GHPGVNTN, chiếm đoạt các cơ sở tôn giáo, văn hóa giáo dục, áp bức các thành phần lãnh đạo của tổ chức. Còn thực thể Phật giáo Việt Nam ở niềm tin, lẽ sống đạo giáo, tình tự tín ngưỡng dân gian, văn hóa nghệ thuật, triết lý lập quốc khai phóng lâu đời của một dân tộc Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo vẫn còn đó! Còn một cách hiên ngang và thách thức với thời gian không gian, với mọi thế lực phi dân tộc qua Thành đô Chiền tháp. Gạt bỏ Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam làm thế nào tồn tại, phát triển trong quá khứ và hãnh điện với các quốc gia trên thế giới? Tổ chức Phật giáo phân ra nhiều ngã đường để cung ứng cho nhiều thành phần dân tộc, nên đã tạo nên sức mạnh vô hình vô tướng, phù hợp với giáo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã, không đứng trụ mà linh hoạt thong dong như mây trời có rồi không và không rồi có tùy theo bối cảnh lịch sử. Chính Phật giáo không có một tổ chức bao quát nào nhất định, không có một giáo quyền nào, nên không bị sức đối kháng hay triệt tiêu nào từ bên ngoài Phật giáo. Đề cập đến tổ chức Phật giáo là đề cập đến nhiều hệ phái, nhiều tổ chức, nhiều giáo hệ khác nhau, là trăm hoa đua nở để tô thắm cuộc đời, để sáng tạo, chế biến, thích nghi với mọi sự vật duyên sinh và hòa nhịp với những trào lưu tiến hóa của xã hội con người. Mới nhìn vào, hình như Phật giáo có quá nhiều tổ chức riêng rẽ, lỏng lẻo, nhưng kỳ thực những tổ chức riêng rẽ lỏng lẻo đó làm cho Phật giáo tồn tại và phát triển một cách sâu sắc khoa học. Tổ chức Tăng Tỳ Kheo làm trang nghiêm giáo hội theo giới luật hành trì của tăng tỳ kheo; Tổ chức Ni đóng góp cho giáo hội với khả năng của tổ chức Ni tỳ kheo và tổ chức Cư sĩ tại gia làm tiềm lực cho Phật giáo bằng khả năng của hàng cư sĩ tại gia. Hệ phái thiền có sức Sáng tạo và mang lại sinh lực cho Phật giáo. Tông phái tịnh - mật có sức thu hút những tâm hồn ngưỡng cầu chân lý và sống đạo. Phật giáo đại thừa có sức quyền biến để phát huy tư tưởng triết lý của Phật giáo. Phật giáo Nam tông giữ truyền thống cốt cách của nguồn mạch Phật giáo v.v... Tất cả đều trưng bày hương sắc cho mọi trình độ nhân sinh "khế cơ". Thế thì một tổ chức Phật giáo Thống Nhất Việt Nam hải ngoại chủ trương quy tụ, dung chứa các đơn vị tổ chức Phật giáo Việt Nam khác nhau liệu có khả năng về mọi mặt để lãnh đạo phong trào Phật giáo, truyền bá chánh pháp cho cộng đồng Phật tử Việt Nam hải ngoại đang đứng trước những mối quan hệ về nền hòa bình, về chính trị, xã hội, nhất là kinh tế trong thế kỷ 21 sắp đến không? Tổ chức Phật giáo Việt Nam, theo tôi, không cần phải gom lại dưới đanh nghĩa, theo một mô thức nhất định có tính cách hành chánh gò bó nào, mà nó phải được phân bủa ra để chuyên chở những nhu cầu cũ lẫn mới. Điều này rất hợp lý khi chúng ta đang sống trong thời đại xã hội khoa học kỹ thuật thực dụng, thứ nào ra thứ ấy, chuyên môn và chuyên môn. Tổ chức Tăng Tỳ Kheo không là tổ chức Ni Tỳ Kheo, nhưng ngày nay chúng ta tạm thu xếp thành một tổ chức xuất gia. Đối với người Tăng sĩ Phật giáo, chính ý nghĩa tăng già, chúng ta đã có sẵn một tổ chức mà đức Bổn Sư đã quy định từ buổi sơ khai thành lập giáo hội, dựa trên sự thanh tịnh và hòa hợp để tu tập và hoằng pháp. Chỉ có điều là mỗi cá nhân tăng sĩ chúng ta phải kiện toàn tổ chức bằng ý thức tự nguyện tự giác và khơi dạy cho kẻ khác cũng ý thức như thế và khuyến khích, nâng đỡ để đưa trình độ giáo dục về đạo học và thế học của các cá nhân tăng sĩ còn yếu kém lên. Tổ chức Tăng già khác hẳn với các tổ chức ngoài Phật giáo ở bản chấp và đường hướng. Tổ chức Tăng già dựa trên sự thanh tịnh giải thoát cá nhân, tập thể, thanh tịnh cộng nghiệp và góp sức làm lợi ích cho nhân sinh mà không dính mắc những thành quả. Không ai bảo ai, mỗi tăng sĩ tự đặt mình trong giáo pháp để tu tập và phục vụ là đã có một sự liên hệ chặt chẽ, một tổ chức không mang tên. Đối với việc thành lập một tổ chức to lớn, phải đâu đức Phật, ngài không biết và quan tâm đến? Ngài còn tường tận đặc điểm và sự khả dụng của một tổ chức bao quát to lớn gấp vạn lần sự hiểu biết đối với sự hiểu biết của chúng ta, vì ngài là giáo chủ một tôn giáo lớn, là thầy đứng đầu của 1250 đệ tử A la Hán Trí Tuệ, rồi lãnh đạo hàng vạn vạn người, rồi cả khối tứ chúng gồm những thành phần đệ tử vua chúa, quí tộc, trưởng giả giàu có, những bộ óc thông minh bác học tử hàng ngoại đạo, đến hạng nghèo khổ, ngu đốt cùng đinh và toàn thể tín đồ của ngài khắp các miền Trung Châu đô thị cũng như làng quê xứ Ấn Độ thời ấy. Ngài đã có kinh nghiệm một cách sâu sắc về một tổ chức, một giáo hội lớn, làm sao ngài không thấu đáo về vai trò của một tổ chức, tổ chức hàng ngũ chúng đệ của ngài? Cộng đồng tăng già được tập trung rộng lớn mà đức Phật vừa là người đầu não của giáo hội, của tổ chức, vừa là bậc đạo sư trực tiếp xét xử và phân giải mọi trường hợp xảy ra giữa các cá nhân tỳ kheo với tổ chức. Chứng tỏ điều nầy, đức Phật có đủ yếu tố về uy tín, quyền hành, tài chánh, nhân sự, kế hoạch, cơ hậu để tổ chức một tổ chức Phật giáo to lớn từ buổi bình minh của đạo Phật; ngài có thừa sức, vượt lên trên gấp muôn vạn lần chúng ta để thành hình một giáo hội bề thế, làm nhà lãnh tụ lừng lẫy cho một tổ chức Phật giáo để đương đầu với bối cảnh tôn giáo thần quyền, xã hội bất bình đẳng của Ấn Độ thời ấy mà đạo ngài là một lực lượng tư tưởng, triết lý hoàn toàn đối nghịch với các tôn giáo độc tôn, xã hội bất công nghiệt ngã đó.
Cuộc họp ngày 31 Tháng Chạp năm 1964 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn
(Ảnh tư liệu)
Thế nhưng ngài không đi con đường bành trướng giáo hội ngài bằng ngã sức mạnh của tập thể, của tổ chức. Làm như thế chỉ tạo nên sự tranh chấp từ bên ngoài và bên trong nội bộ bằng quyền lực thô bạo, không phản ảnh được đường hướng chân chính và mục tiêu giải thoát an lạc và mai sau tạo ra cho đạo ngài tiền lệ tổ chức dựa trên sức mạnh tập thể với quyền lực tranh chấp, nhất là tổ chức lọt vào tay những đồ đệ chưa thoát khỏi tham vọng. Từ đó dẫn đạo ngài băng hoại. Đạo ngài đi trên con đường tổ chức lòng người, tổ chức tâm linh, khai mở cho chúng sinh, nhân quần xã hội bằng ánh sáng trí tuệ, tình thương yêu muôn loài chúng sinh, tinh thần bình đẳng. Đạo ngài không chủ trương một tổ chức trung ương tập quyền không giáo quyền và giáo điều, nên đạo ngài là con đường thênh thang không ai tranh đoạt và thắng nổi.
Trong hoàn cảnh địa dư quá rộng lớn của Ấn Độ, Phật cho thành lập nhiều cộng đồng tăng già, nhiều tổ chức tăng sĩ ở các địa phương khác nhau, và hệ thống giáo hội tăng già của Phật trở thành tổ chức dựa trên nguyên tắc bình đẳng, dân chủ tự nguyện, tự giác, không có tập quyền. Tổ chức của ngài có tính cách chuyên chở, diễn dịch và thể nghiệm sự cao quý của giáo pháp mà mọi tổ chức cộng đồng tăng già các địa phương khác nhau hay hàng cư sĩ đều hướng vào đó như một gương sáng. Tổ chức của ngài không phải là thứ tổ chức bắt mọi người phải tuân phục những nguyên tắc khô cứng, giáo điều điều lệ, nội quy gượng ép và phục tùng hay hứa hẹn các cái. Nguyên tắc căn bản mà đức Phật chủ trương, để tổ chức các cộng đồng tăng sĩ ở các địa phương, là pháp Yết Ma, là nguyên tắc dựa trên nghiệp của hàng tỳ kheo xuất gia, là thanh tịnh cộng nghiệp. Thanh tịnh cộng nghiệp dựa trên thanh tịnh cá nhân, sống độc thân, hành trì Giới luật và hy sinh phục vụ chúng sinh. Tập quyền của đoàn thể tăng già là gì? là giới luật mà đức Bổn Sư là nguồn mạch, là linh hồn của tập quyền, của giáo hội, của tổ chức Phật giáo thời ấy. Trong luật tạng Tỳ kheo được mô tả rõ ràng "... Hệ thống tổ chức tăng đoàn của đức Phật dựa trên nguyên tắc dân chủ, không tập quyền, do đó các tăng đoàn địa phương sống và sinh hoạt như những cộng đồng tự trị, không bị chi phối bởi một cộng đồng trung ương tối cao nào cả. Đời sống của một vị tỳ kheo là đời sống khônggia đình, đi hay ở đâu tùy sở thích, tùy nhu cầu hành đạo và hóa đạo riêng biệt của mình, chứ không bị buộc chặt vào bất cứ một cộng đồng nào, vì vậy một tỳ kheo trong giờ trước đang ở tại CƯƠNG GIỚI nầy thì thuộc về cộng đồng tăng lữ nầy, nhưng trong giờ sau vị ấy bước sang cương giới khác thì đã là thành viên của cộng đồng tăng lữ đó và phải chấp hành các nghĩa vụ cũng như hưởng thọ các quyền lợi ở cộng đồng đó. Do tính cách di động nầy mà mặc dù tăng đoàn được chia nhỏ thành nhiều tăng đoàn cộng đồng địa phương khác nhau với những sinh hoạt tự trị khác nhau, không có trung ương chi phối, nhưng tất cả đều sinh hoạt nhịp nhàng theo những QUI TẮC chung, khiến một tỳ kheo từ nơi nầy sang nơi kia, không bị bối rối và sinh hoạt thường nhật của người xuất gia không hề bị gián đoạn. Tất cả các cộng đồng địa phương như vậy trong vô hình tạo thành một cộng đồng THỐNG NHẤT, đó là cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật" (Theo luật tỳ kheo, pháp Yết Ma, tập I trang 46, 47 của cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ). Ở đây ta lưu ý các từ của đoạn văn luật tỳ kheo, đó là CƯƠNG GIỚI, QUI TẮC, THỐNG NHẤT. Cương Giới là lãnh vực địa dư mà cũng là sự hội nhập, sự hòa hợp... Qui Tắc là tinh thần dân chủ, bình đẳng, tự nguyện tự giác... Thống Nhất là cùng hành động cùng đường lối, cùng mục tiêu, lý tưởng, tự độ mà độ tha v.v...
(Ảnh tư liệu)
Một khi chúng ta không lãnh hội được ý thức tổ chức một tổ chức Phật giáo Thống Nhất đích thực theo truyền thống và hoàn cảnh xã hội ngày nay, mọi cơ cấu tổ chức đều dựa trên chuyên môn, phân quyền phân nhiệm, đồng nhất tính, thì không nên cố gượng ép, cố vá víu và tốn biết bao thì giờ công sức, tiền của để tổ chức một tổ chức chỉ có danh xưng trong ý đồ dùng danh xưng ấy cho những mục tiêu không chính đáng, nhất là tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt ảnh hưởng chính trị quyền lợi cá nhân, phe nhóm, những tham vọng, những mưu đồ ở sau lưng của tôn giáo Phật giáo hay là tổ chức chỉ có danh tướng nỡm.
Ý thức được như thế, tất cả chúng ta đều bình tĩnh và nổ lực tìm kiếm một phương thức nào đó, tạm chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại để chúng ta vừa khai triển tinh thần truyền thống của đức Phật là vị đạo sư đã hướng dẫn tổ chức ngài có một lịch sử dài rộng hơn tất cả các tổ chức khác từ xưa đến nay và thích ứng với xã hội hiện đại để thổi vào Phật giáo một sinh lực khác nữa, đồng thời gói ghém được hoài bảo của mọi chúng ta trong vai trò lãnh đạo tinh thần quần chúng Phật tử. Chẳng hạn, trước hết chúng ta bỏ qua một bên các hình thức tổ chức lâu nay mà chúng ta bị vướng bận về nguyên tắc hành chánh, danh xưng, chức vị, chức tước, bầu bán, nội quy, điều lệ, hội thảo v.v... và làm thế nào mỗi năm hay hai năm một lần, chúng ta tạo được những cuộc gặp gỡ đạo tình thân mật lẫn nhau nhân mùa Phật Đản, Hiệp Kỵ hay Vu Lan, kiết hạ v.v... Từ đó chúng ta thăm nom, trao đổi, chia sẻ những Phật sự các địa phương, những mối liên hệ cần thiết. Rồi cũng từ không khí đùm bọc thân tình đạo vị đó, chúng ta cung thỉnh một vị tăng, mà tất cả chúng ta đều chấp thuận, thay chúng ta liên lạc và theo dõi Phật sự các địa phương, nhất là những địa phương gặp nhiều khó khăn về điều kiện hoằng pháp v.v... Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, sự họp mặt của chư tăng lại diễn ra tùy theo thời gian không gian đã được đa số ấn định. Vị tăng thay chúng ta để liên lạc Phật sự các địa phương, không hẳn phải lớn tuổi, cao lạp, miễn có tinh thần phục vụ, đạo hạnh. Sự họp mặt đạo tình chia sẻ như vậy tránh đi những hình thức tổ chức nặng nề về các nguyên tắc nội quy, hình thức tổ chức không thực tiễn, tình trạng ngày càng phân hóa. Kết quả đó may ra đưa chúng ta trở về ít nhiều với truyền thống tổ chức của đạo Phật, mà không dẫm lên vết chân tình trạng phân hóa của các tổ chức thế gian, lại phù hợp với tâm lý các cộng đồng Phật giáo địa phương, đồng thời chuẩn bị hay nói đúng hơn nuôi dưỡng một lực lượng tinh thần rộng lớn để thích ứng hay đối phó với mọi hoàn cảnh. Lực lượng tinh thần đó nối kết keo sơn lẫn nhau một cách sâu sắc, không tổ chức mà hóa ra tổ chức, không nguyên tắc, bất thành văn, là một thực thể Phật giáo thống nhất từ ý chí, hành động và chí nguyện cao cả.
Nếu không, mọi chúng ta mãi lẩn thần với danh xưng, với chức quyền vô ích mà bỏ mất những cơ hội, và đầu óc chứa đầy bóng mờ vọng tưởng, và từ đó thiếu cái nhìn sâu sắc những tháng ngày sắp tới cho một đạo Phật Việt Nam hải ngoại hướng đến thế kỷ 21 với những thế hệ con em Phật tử Việt Nam cần đến ánh sáng giác ngộ, từ bi và thực dụng.
THÍCH NGUYÊN ĐẠT
Phật Đản 2537
Nguồn: Uyên Nguyên