Nghĩ về Phật giáo Việt Nam
View: 1363 - Vĩnh Hảo 29/02/2020 09:02:49 amTỪ CHỐN LƯU ĐÀY NHÌN VỀ CHỐN TÙ ĐÀY
Hơn mười năm trước, ông Hoàng Nguyên Nhuận có xuất bản một tác phẩm thuộc loại tùy bút, nhan đề “Từ Chốn Lưu Đày” ít ai biết đến, không phải vì tác phẩm không hay mà vì nó bị chìm lỉm trong cả núi những tác phẩm mang tính chất hoài niệm, hoài hương, nhớ nước thương nhà… cùng với những hồi ký chính trị, hồi ký cải tạo, hồi ký vượt biển, v.v… Dù sao thì nhan đề của tác phẩm ít nhất cũng cho chúng ta khái niệm về tâm trạng và hoàn cảnh của người Việt tị nạn trong hoàn cảnh chơi vơi lạc lõng nơi xứ người: chắc chắn rằng trong thời gian đầu mới định cư, họ đã từng cảm nhận sâu sắc về một đời sống “lưu đày”. Chính mình chọn lựa con đường vượt biển, vượt biên, trốn khỏi đất nước, nhưng sự chọn lựa ấy là một chọn lựa đau khổ, bị thúc đẩy bởi phản ứng tự vệ trước một đảng phái, một chế độ hà khắc. Nếu không có đảng phái ấy, chế độ ấy, mình đã không đời nào tự chọn lựa con đường rời khỏi quê hương, tự “lưu đày” mình.
Tâm trạng bị “lưu đày” là tâm trạng chung của người Việt hải ngoại thời ấy, mà có lẽ tác giả Hoàng Nguyên Nhuận cũng không ngoại lệ. Nhưng bây giờ còn rất hiếm người Việt sống đời lưu vong ở hải ngoại cảm thấy mình đang bị lưu đày-và có lẽ tác giả Hoàng Nguyên Nhuận cũng không ngoại lệ trong trường hợp này. Họ có thể về thăm quê hương nếu có tiền và không có tì vết gì “xấu” đối với chế độ hiện tại. Thực tế này tạm thời cáo chung cái tâm thức lưu đày của đa số người Việt tị nạn, nhưng không có nghĩa rằng mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác.
Sau hơn một phần tư thế kỷ, đất nước đã thay đổi khá nhiều về bề mặt. Điều này ai cũng có thể thấy rõ. (Dù là một đảng phái hay một chế độ khác cầm quyền sau hơn một phần tư thế kỷ thì đất nước cũng phải thay đổi thôi. Cầm quyền 5 năm mà chẳng thay đổi được gì thì cũng nên rút lui để nhường quyền cho người khác, huống hồ là gần 30 năm!) Đất nước thay đổi, nhưng đảng phái ấy, chế độ ấy, vẫn còn. Nói vậy không có nghĩa là đòi hỏi đảng phái ấy, chế độ ấy phải biến mất đi-một đảng phái tốt, một chế độ tốt thì nên tiếp tục cầm quyền để đưa đất nước tiến lên-nhưng chính là mong đợi sự thay đổi ở nền tảng của nó. Có nghĩa rằng, tôi vẫn tin nơi đâu còn có sự độc tài, toàn trị, nơi ấy không có dân chủ và tự do thực sự.
Những thay đổi ở bề mặt thì bất cứ chế độ cầm quyền nào cũng có thể thực hiện được; còn thực chất bên trong thì lại là vấn đề khác. Nó liên quan đến chủ trương, đường hướng dài lâu của đảng cầm quyền mà ở đây, thiết tưởng không cần phải bàn nhiều; chỉ xin nói về một số điểm liên quan trực tiếp đến Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo trong chốn “tù đày.”
Nói “tù đày” để chỉ cho hiện tình của Phật giáo trong nước e rằng nhiều người-nhất là những người đang hết lòng bênh vực đảng cầm quyền như ông Hoàng Nguyên Nhuận và phe nhóm của ông-sẽ không đồng ý, vì cụm từ này diễn tả sự đày đọa hay hành hạ trong chốn lao tù. Nhưng định nghĩa về ngục tù và sự đày đọa bây giờ không còn là định nghĩa cứng ngắt trong từ điển nữa, mà được suy diễn theo thực tế của đời sống người dân dưới sự cai trị khắc nghiệt của một chế độ độc đảng, qua đó, bất cứ sự giam hãm, trói buộc, quản chế, quản thúc, kềm kẹp, kiểm soát, ngăn chặn, bao vây, không cho đi-lại, cắt hộ khẩu, cắt đứt thông tin và liên lạc (bởi nhà cầm quyền)… đều là những hình thức của “tù”; cũng như bất cứ sự đàn áp, tra tấn (thể xác hay tinh thần), đe dọa, khủng bố, bắt bớ, bắt cóc, mời “làm việc” liên tục (bởi nhà cầm quyền)… đều là những hình thức của “đày.”
Với ý nghĩa mở rộng như thế, xin nói ngay là Phật giáo Việt Nam có hai giáo hội đang bị tù đày:
Giáo hội Thống nhất, gọi cho đủ là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), là giáo hội độc lập được hình thành trước năm 1975, bị cấm hoạt động công khai, chỉ có thể âm thầm hành đạo; các vị lãnh đạo giáo hội này từng bị lưu đày, từng bị ở tù, và hiện đang bị quản chế, quản thúc tại gia;
Giáo hội Nhà nước, gọi cho đủ là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), là giáo hội được thành lập năm 1981 dưới sự hướng dẫn, lèo lái, kiểm soát… của Nhà nước, và từ khi thành lập cho đến nay cũng sinh hoạt theo sự chỉ đạo của Nhà nước.
Từ thực trạng tù đày nói trên, có thể nói là hai giáo hội đều là nạn nhân. Điều khác là có biết được mình là nạn nhân hay không; và nếu biết thì phản ứng thế nào?
HAI CON ĐƯỜNG
Chẳng ai sinh hoạt thầm lặng hoặc công khai trong hai giáo hội trên mà không biết rằng giáo hội của mình bị cấm chỉ những điều đáng làm, và bị thúc đẩy phải làm những điều không đáng làm; những điều bị cấm chỉ thì giới hạn sứ mệnh của mình đối với dân tộc và đạo pháp, những điều bị thúc đẩy phải làm thì khiến mình rời xa truyền thống Tăng-già. Ngay từ khởi điểm của cuộc ma-xát giữa Phật giáo và chính quyền Mác-xít, một số biết rõ, thẳng thắn phản ứng, không chấp nhận sự kiểm soát và lèo lái của nhà nước, muốn được tiếp tục hành đạo theo truyền thống nhất quán từ ngàn xưa của mình; số còn lại cũng biết, nhưng giả lờ như không biết, hoặc biết mà ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận nó để được yên thân mà hành đạo trong những giới hạn được cho phép. Từ đó mở ra hai con đường cho hai anh em một nhà chia tay nhau: hai giáo hội. Điều này không có gì đáng tiếc nếu hai anh em vẫn tương kính và thương yêu nhau, âm thầm hỗ trợ nhau trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Chia tay theo cách ấy âu cũng là điều cần thiết trong một giai đoạn nào đó. Nhưng nếu điều này có thể thực hiện thì lại chẳng phải là điều mà nhà cầm quyền mong đợi. Vậy rồi, suốt 23 năm tạm thời chia tay, càng lúc mờ xa không thấy đâu là cơ hội để đoàn tụ.
Sự can thiệp của chính quyền vào nội tình Phật giáo qua giáo hội “hợp pháp” trong một thời gian dài khiến cho những người trong giáo hội này quen thuộc dần, mất cả tinh thần độc lập và tự quyết hồi nào không hay, đến nỗi những quyết định quan trọng đều phải chờ đợi sự dẫn đạo của nhà nước (thông qua Ban Tôn Giáo). Và thay vì nhìn những thành viên của một đảng phái chính trị đang bao vây, lợi dụng, kiểm soát mình, như là những ngoại nhân, thì giờ đây, lại nhìn những anh em tạm thời chia tay của mình như là người ngoài, nếu không muốn nói là kẻ thù. Những đòn miếng của ngoại nhân thế tục đánh vào mình là chuyện thường thôi, chỉ là những cái đau ngoài da, ẩn nhẫn chịu đựng lâu ngày sẽ lành; nhưng anh em trong nhà mà sử dụng những đòn miếng, thủ thuật của đảng phái chính trị bên ngoài để đánh mạnh vào đồng đạo của mình thì đau ở tận tâm can.
Ngả rẽ của hai con đường nếu không bình tâm nhìn lại, sẽ không có cơ may nào nối kết. Vì vậy cần phải nhìn lại để thấy mấu chốt của cuộc phân ly; nhìn lại để tìm con đường trở về ngồi lại bên nhau. Bệnh khổ của thế gian, Pháp Phật có trăm ngàn phương thuốc chữa trị, không lẽ nỗi đau của Tăng-già lại không thuốc chữa?
Phương thức chữa trị, quý ngài đã nắm trong tay, nơi đây không dám lạm bàn. Chỉ xin ghi lại một số điều đáng suy gẫm lâu nay về những gì đã xảy ra, đang xảy ra trên hai ngả đường phân ly ấy. Đâu là điểm giống, đâu là điểm khác?
THẾ NÀO LÀ PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG?
Đây là điều mà bất cứ người con Phật nào, xuất gia hay tại gia, đều có thể tự hiểu. Tựu trung có hai khía cạnh cần quan tâm mà nếu thiếu thì Phật giáo Việt Nam sẽ không còn là Phật giáo Việt Nam nữa: Lý tưởng và sinh hoạt thường nhật.
Lý tưởng của người xuất gia là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” (trên thì thực hiện con đường giác ngộ của Phật, dưới thì mở lòng cứu độ chúng sanh). Thực hiện lý tưởng ấy chính là thể hiện truyền thống muôn đời của Phật giáo.
Sinh hoạt thường nhật của Tăng-già đặt nền tảng trên giới luật và phương thức lục hòa. Theo Phật giáo phát triển (Đại thừa), Tăng-già tự nguyện dấn thân “thiệp thế hành đạo” (gần gũi, tiếp xúc với cuộc đời mà hành đạo), từ đây lại mở ra thêm nhiều qui chế và điều lệ mới tùy theo quốc gia và thời đại.
Đó là truyền thống của Phật giáo nói chung, áp dụng cho Tăng-già (tập thể xuất gia), hoặc cho từng cá nhân tăng sĩ. Nhưng những tập thể Tăng-già rời rạc, những cá nhân tăng sĩ hay cư sĩ rời rạc, chỉ chăm lo phần tu tập cá nhân hoặc phát triển cục bộ trong môn phái, địa phương, thì ở một giai đoạn hoặc hoàn cảnh nào đó, có thể gặp những chướng duyên ngoại tại và từ những chướng duyên không thể đơn độc ứng phó, đòi hỏi phải có một sự kết hợp sâu rộng và chặt chẽ để tự tồn và phát triển. Nhu cầu kết hợp ấy thôi thúc và đưa dẫn đến việc thống nhất các hệ phái, sơn môn Phật giáo. Do đó, Phật giáo như một tổ chức, một tập thể thống nhất về mặt lý tưởng và hỗ trợ sinh hoạt trên bình diện qui mô hơn là điều cố nhiên phải định hình.
Trên sách vở, hay trong từ điển, người ta có thể định nghĩa Phật giáo một cách đơn giản như là “những lời Phật dạy” (giáo: lời dạy; Phật giáo: lời Phật dạy). Nhưng đó chỉ là nghĩa phụ, còn trên mặt thực tế, người ít học đến cỡ nào cũng phải hiểu rằng ngoài nghĩa phụ nói trên, nghĩa chính của danh từ Phật giáo còn chỉ cho một tổ chức Phật giáo, nói theo tiếng Việt là “đạo Phật”, có nghĩa là có một hoặc nhiều tổ chức Phật giáo (trong mỗi quốc gia) có đường hướng, lý tưởng, lãnh đạo và quần chúng. Nếu Phật giáo chỉ là những lời dạy của Phật thì đã không có Tam Bảo (gồm Phật, Pháp và Tăng), và nếu Phật giáo chỉ là những lời dạy trên kinh điển thì cũng đã không từng có tập thể Tăng-già (qui định là một chúng tỳ-kheo từ 4 người trở lên) ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Đã có người cố tình tảng lờ về sự hiện hữu của tổ chức Phật giáo như là một tôn giáo (dù rằng trên bình diện học thuyết, Phật giáo không nằm trong định nghĩa của một tôn giáo thần quyền như các tôn giáo khác), hẳn là muốn kêu gọi Phật giáo đồ chấp nhận một Phật giáo tín ngưỡng vô tổ chức, không cần danh tướng, không cần hình thức, mặc chính quyền muốn làm gì thì làm đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc? Nói vậy thì chẳng hiểu gì về Phật giáo, mà cũng chẳng hiểu gì về lập trường của Phật giáo đối với dân tộc.
Nhìn lại con đường truyền bá của đạo Phật vào Việt Nam, chúng ta thấy lý tưởng và sinh hoạt của Phật giáo đã tùy thuận nhân tình và quốc độ nơi đây, thích ứng và hòa quyện với tính hiếu hòa và tinh thần tự chủ của dân tộc. Suốt dòng lịch sử gần hai nghìn năm của Phật giáo tại Việt Nam, Phật giáo luôn gắn liền với dòng sinh mệnh của đất nước, đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc; mà muốn thực hiện điều ấy, trước nhất Phật giáo phải kết hợp thành một khối thống nhất, có đường hướng, có lãnh đạo, có quần chúng, từ thượng tầng đến hạ tầng. Chính từ đây mà Phật giáo Việt Nam tạo nên bản sắc riêng, mở ra truyền thống đặc thù của mình trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh song hành với sự nghiệp cứu quốc, kiến quốc, trong thì vun bồi đạo lực, ngoài thì có thể giúp nước an dân. Truyền thống cao đẹp ấy được trao truyền và kế thừa qua nhiều triều đại, nhiều thế hệ, cho đến thời đương đại qua Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951, cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964.
TRUYỀN THỪA, KẾ THỪA CÁI GÌ?
Như thế, một giáo hội gọi là truyền thống, kế thừa sự nghiệp của gần 2000 năm Phật giáo trên quê hương là giáo hội nào? Kế thừa, truyền thừa cái gì? Và thế nào là chính thống?
Không phải rằng một giáo hội kế thừa được truyền thống phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc thì mặc nhiên mang tính chính thống sao? Vậy mà khi Tăng Ni và Phật tử kêu gọi sự phục hoạt của một giáo hội chính thống, một giáo hội dân lập không phải tay sai, không phải công cụ của bất cứ chính quyền nào, thì một số Phật tử khác lên tiếng phản đối, mỉa mai; trong khi đó, lại có vẻ tán đồng ủng hộ một giáo hội do nhà nước chỉ thị thành lập với sự công nhiên tuyên bố tính cách chính thống một cách độc đoán, độc tôn, thiếu dân chủ và công bằng, qua Hiến chương (của giáo hội này): “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là tổ chức Phật Giáo duy nhất đại diện cho Phật Giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài.”
Xin nhìn lại lịch sử để tìm câu trả lời.
Ngày 04 tháng 01 năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Giáo hội này là hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập từ năm 1951 như đã nêu ở trước.
Không phải đến ngày đó mới có sự thống nhất Phật giáo. Cũng không phải đến thời điểm đó mới nêu đặt vấn đề Phật giáo với dân tộc. Mà chính là, trong mốc điểm tựu thành sự thống nhất hòa hợp lịch sử ấy, trùng tuyên truyền thống cao đẹp của gần hai nghìn năm Phật giáo trên quê hương, khẳng định tính cách truyền thừa của mình đối với sự nghiệp hành đạo cứu đời của tiền nhân, đưa vai ra sẵn sàng đảm nhận trọng trách của Phật giáo đồ đối với nhân loại và dân tộc. Kế thừa là kế thừa chỗ đó.
Đây, hãy nghe đoạn mở đầu của Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất:
“Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.”
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.” (1)
Chính vì đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc mà giáo hội ấy không thể tiêu vong, sụp đổ theo các chế độ chính trị giai đoạn. Khi nào dân tộc còn, giáo hội ấy còn. Lúc dân tộc khổ đau, giáo hội ấy phải lên tiếng, phải phản ứng, không thể ngồi im mà nhìn hoặc a tòng theo các thế lực ác đày đọa dân sinh.
“Không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt”, về mặt triết lý, thể hiện tinh thần vô ngã; về mặt hành động, xác minh con đường dấn thân, nhập thế, hòa nhập cuộc đời của Phật giáo.
“Thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời, và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác. Điều này giải thích cho ta tại sao (Quốc sư) Khuông Việt đã ung dung tích cực tham gia vào việc nước việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của tổ quốc…” (2) Vô ngã và dấn thân. Dấn thân một cách vô ngã. Phật giáo có mặt trong cuộc đời như thế. Và sự truyền thừa, kế thừa cũng ở chỗ đó. Kế thừa truyền thống vừa hành đạo, vừa cứu đời mà không dính mắc vào cuộc đời, chứ không phải chỉ tập họp lại với nhau như “làm một bài toán cộng” (3), dưới sự chỉ đạo chăn dắt của một đảng phái chính trị cầm quyền.
Trên thực tế, cũng như theo lý thuyết mà ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ Cộng sản đứng ra sắp đặt việc thống nhất Phật giáo ghi lại, thì GHPGVN được tổ chức theo mô hình kim tự tháp lộn ngược (4) (có nghĩa là chỉ có thượng tầng và trung tầng là thực sự có mặt), còn hạ tầng thì bỏ trống. Hạ tầng đây là quần chúng Phật tử. Đây không phải là điều sơ xuất của đảng CSVN khi chỉ đạo thành lập GHPGVN mà là sự cố tình ngay từ ban đầu để Phật giáo không bám rễ được vào quần chúng, sẽ bị kiểm soát và bị bứng đi bất cứ lúc nào Đảng muốn. Chính quyền lo sợ có thể trong tương lai, GHPGVN sẽ nắm được quần chúng rồi tạo nên một thế lực đối lập mạnh mẽ đối kháng lại họ, nên họ cắt rễ trước. Đó là điều không may, nhưng cũng là điều may. May ở chỗ giáo hội do nhà nước chỉ đạo đã không nắm được quần chúng để lôi kéo về phía Đảng, phục vụ cho Đảng. Từ điểm này, có thể đặt nghi vấn rằng, vậy thực sự ai, tổ chức nào, đang nắm được đa số quần chúng tại Việt Nam? Không lẽ Đảng CSVN? Không lẽ GHPGVN? – Không phải. Mà chính là Phật giáo Việt Nam nói chung. Một nền Phật giáo truyền thống, độc lập, đứng trong lòng dân tộc. Nhưng nói vậy thì hãy còn mông lung mơ hồ lắm. Vì khi nghĩ đến môät nền Phật giáo như thế, quần chúng Phật tử vẫn tìm kiếm một biểu tượng cụ thể để nương vào. Biểu tượng ấy phải hội đủ tính cách truyền thống đối với Đạo Pháp và đối với Dân tộc. Trong trường hợp đó, sẽ không tổ chức Phật giáo nào đủ tầm vóc và uy tín làm biểu tượng ngoài Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Do kiên trì với truyền thống Đạo Pháp và Dân Tộc (không kèm theo Chủ Nghĩa Xã Hội) mà GHPGVNTN dù bị nhà nước cố tình xóa tên, tiêu diệt, vẫn còn sống và tiếp tục làm biểu tượng cho Phật giáo Việt Nam.
Như vậy, một giáo hội gọi là truyền thống là giáo hội dân lập, được thành lập do ý nguyện thống nhất của Tăng Ni và Phật tử, trong tinh thần hòa hợp và dưới sự soi sáng của giáo lý Phật; và được tổ chức một cách độc lập, không có sự can dự của bất cứ thế lực chính quyền hay đảng phái chính trị nào. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ra đời, đã có mặt và sinh hoạt trong truyền thống và trong tính cách truyền thừa nói trên.
Khi đất nước hết chiến tranh, nhu cầu thống nhất Phật giáo toàn quốc là điều mà tất cả Tăng Ni và Phật tử cả nước mong đợi, nhưng chắc chắn là không thể “làm bài toán cộng”, nhất là bài toán cộng được chỉ đạo, được đặt ra và được giải đáp sẵn bởi một đảng phái thế trị vốn chẳng thực lòng gì đối với việc xây dựng và phát triển Phật giáo.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không chấp nê cái tên và tổ chức của mình. Tổ chức Phật giáo Việt Nam từ Tổng Hội có thể buông bỏ để trở thành Giáo Hội Thống Nhất thì làm sao không thể từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chuyển thành một giáo hội mới! Nhưng phải có tính cách kế thừa, và phải chuyển vận được truyền thống cao đẹp của nghìn xưa. Không lẽ từ đại dương đi vào ao cạn? Không lẽ gần hai nghìn năm hành đạo cứu đời, dựng nước giữ nước, bây giờ đi kế thừa sự nghiệp của Mác-Lê hay Hồ chủ tịch? Không lẽ gần hai nghìn năm phục vụ đạo pháp, phụng sự dân tộc, bây giờ tập họp lại để tôn vinh, phụng sự, hay làm công cụ hỗ trợ một đảng phái, một chính quyền?
PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM KHÁC VÀ GIỐNG NHAU CHỖ NÀO?
Một nhóm người xưng là “Phật tử trí thức” thường tung ra những loạt bài đả kích Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đả kích từ cá nhân các vị lãnh đạo, cho đến lập trường, đường hướng, sinh hoạt… của các vị này; đặt câu hỏi rằng Giáo Hội Thống Nhất (GHPGVNTN) loay hoay gần 30 năm đã làm được gì (từ trong nước đến hải ngoại), đồng thời đề cao những thành tựu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) dưới sự chỉ đạo của nhà nước Cộng sản.
Trước khi đi vào chi tiết là GHPGVNTN đã làm được gì, giống và khác thế nào với GHPGVN, xin thưa rằng, đối với tôi, Phật tử là Phật tử, không có Phật tử trí thức hay Phật tử thất học. Vào cổng chùa, hãy lột bỏ hết những tước hàm, học vị, bằng cấp, giai tầng… để đem thân và tâm thanh tịnh, thiết tha cầu học đạo lý giác ngộ, giải thoát. Phật giáo chỉ có “thiện tri thức” là những người bạn đạo đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nhau trên bước đường tu học; chứ không có cái gọi là “trí thức Phật tử” hay “Phật tử trí thức” là những người khoa bảng ngoài thế tục vào chùa (hoặc không bao giờ vào chùa) mà cứ khoe khoang, khoác lác, viết hàng chục bài viết về Phật giáo một cách bác học thông minh, nhưng chẳng biết tôn kính quy y Tam Bảo, chẳng thọ giới, chẳng hề thực hành giáo lý, xuất hiện ở đâu cũng phô trương bản ngã to tướng, chuyên dòm ngó lỗi người đề cao tự thân và phe nhóm, thấy lợi thì nhúng vào, thấy danh thì chạy theo, chỉ biết Phật giáo trên sách vở, hay qua những thông tin từ báo chí, giấy tờ, lời đồn, lời kể… Vâng, thì cứ tạm cho là có một thành phần gọi là “Phật tử trí thức” đi, nhưng thực chất chỉ là “Phật tử giấy”.
Bây giờ xin trình bày lược qua về những gì Giáo Hội cũ và mới làm được, không làm được:
– Lý tưởng: mục tiêu tối hậu của người con Phật là đạt đến giải thoát, giác ngộ; lấy trí tuệ làm sự nghiệp; song song với nỗ lực thành tựu đạo quả bồ đề là hạnh nguyện cứu độ nhân sinh, không có lý tưởng hay sự nghiệp nào cao hơn thế. Lý tưởng này phản ảnh truyền thống muôn đời của Phật giáo là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” (như đã nêu ở trước), được cô đọng lại trên bình diện quốc gia là “Đạo Pháp và Dân Tộc”, như là phương châm hành hoạt. Với lý tưởng này, thành viên (cá nhân) của cả hai giáo hội, tất nhiên là phải theo đuổi, dù là ở trong giáo hội nào, hoặc không ở trong giáo hội nào. Bởi vì tăng sĩ Phật giáo mà không theo đuổi lý tưởng này thì chẳng có thể gọi là tăng sĩ hay Sứ giả Như Lai đươc nữa. Đây là điểm giống. Nhưng nếu GHPGVN được hình thành với phương châm “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội” thì đã khác với GHPGVNTN rất nhiều, rất xa.
– Vị trí, vai trò của Phật giáo trong lòng Dân tộc: Hai giáo hội đều được hình thành từ một đất nước, nhưng trong hai hoàn cảnh và thời đại khác nhau. Vấn đề không phải là thành lập trước hay sau, mà ở chỗ là mỗi giáo hội đã tự đặt mình vào vị trí, vai trò nào trong dòng sinh mệnh dân tộc. Đây là lập trường của GHPGVNTN, đã được nêu ra bằng biểu ngữ trong Đại Hội Kỳ VII vào năm 1977, tại trụ sở trung ương Chùa Ấn Quang, và được lặp lại sau này qua “Yêu Sách 9 điểm” ngày 25/6/1992: “Pháp lý của Giáo Hội là 2000 năm truyền đạo trên giải đất Việt Nam này; Cơ sở của Giáo Hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo; Địa vị của Giáo Hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé…” Và hãy nhìn vào lời mở đầu của hai bản hiến chương của hai giáo hội, chúng ta thấy GHPGVNTN đã “không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc”, còn GHPGVN thì ghi rõ như vầy trong Lời Nói Đầu của Hiến Chương: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” (5) Một bên thì đặt mình vào dòng sinh mệnh của Dân tộc; một bên thì đặt mình vào sinh mệnh của một chế độ, một nhà nước, mà đàng sau, là một đảng phái chính trị thế tục.
– Về sinh hoạt: Đức Phật dạy là sau khi ngài nhập diệt, đệ tử ngài phải lấy giới luật làm thầy, phải nương vào giới luật mà sinh hoạt, vì giới luật chính là thọ mạng của chư Phật. Điểm này thì cá nhân những thành viên của hai giáo hội đều theo đuổi, vì đã là truyền thống lâu đời; nhưng về mặt tổ chức sinh hoạt thì chính vì GHPGVN đặt mình trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, thông qua Ban Tôn Giáo và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, nên các sinh hoạt truyền thống của Tăng-già bị xâm phạm và can thiệp một cách phi lý. Điển hình là các giới đàn truyền giới cho tăng sĩ, đều có sự “chứng minh” của những cán bộ nhà nước; các giới phẩm (Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức…) đều có sự chuẩn nhận của nhà nước mới được thành tựu. Đây là điều mà GHPGVN làm được mà GHPGVNTN không thể nào chịu được.
– Các chương trình Phật sự cụ thể: Nhóm “Phật tử giấy” đặt vấn đề là GHPGVNTN (kể cả trong nước lẫn hải ngoại) đã làm được gì, có đưa ra được chương trình Phật sự cụ thể nào chăng? Nếu câu hỏi này do một vị thiền sư chân chính nêu đặt thì câu trả lời của GHPGVNTN sẽ là “không có gì cả” (vì những gì chúng tôi làm được đều không ghi sổ sách, cũng chẳng nộp báo cáo cho ai, cũng chẳng kể lể công ơn, công đức gì với ai). Nhưng đây là câu hỏi của những người chấp nê hình thức, đặt nặng danh tướng, cho nên vì phương tiện mà phải trả lời theo pháp thế gian như sau: ngoài Phật sự thời đại (có tính giai đoạn) là đấu tranh đòi hỏi sự phục hoạt của một giáo hội độc lập, sinh hoạt theo đúng truyền thống của Tăng-già (mà GHPGVN không làm), chúng tôi vẫn hoàn thành tất cả nhiệm vụ của Tăng-già (mà GHPGVN có làm – không kể là làm tốt hay không). Nhiệm vụ ấy của Tăng-già là gì? – Ngoài việc tu tập cá nhân, chúng tôi còn chăm lo việc hoằng pháp lợi sanh qua các Phật sự cụ thể như: sáng tác, dịch thuật, mở các lớp giảng dạy Phật Pháp cho Tăng Ni lẫn cư sĩ, hướng dẫn quần chúng tu tập, làm báo chí hay đặc san Phật giáo, mở nhiều trang lưới (websites) Phật giáo, làm việc từ thiện xã hội (cho trong nước lẫn ngoài nước), in kinh, xây chùa, đúc tượng… Trong hoàn cảnh bị nhà nước cấm chỉ sinh hoạt, cố tình triệt tiêu, nhân sự giáo hội chúng tôi đâu có công khai tự xưng mình là người của Giáo Hội Thống Nhất! Một số không hợp tác với Giáo hội nhà nước, và số còn lại thì vì muốn được yên thân hành đạo, đã chịu ghi tên chùa mình vào danh sách đơn vị của GHPGVN. Cho nên, đừng có nhìn nơi những bảng tên chùa mà xét đoán sự việc. Hãy nghe Quán Như, một Phật tử có tu tập, có nhiệt tâm đối với Phật giáo, và cũng có liên hệ khá gần gũi với các “Phật tử giấy”, nhận xét như sau về Tăng Ni trong nước:
“Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản-dù đã biến chất và suy yếu như chế độ CSVN hiện tại-mọi hoạt động, dù trong phạm vi thuần túy tôn giáo, cũng phải đặt trong vòng kiểm soát của chế độ, do đó một số chư Tăng Ni-kể cả những Tăng Ni đã tích cực hoạt động, bị tù đày trong các giai đoạn vận động của giáo hội trước đây-phải chấp nhận tòng quyền, đặt mình dưới bảng hiệu GHPGVN để còn hoạt động đáp ứng nhu cầu Phật sự, gìn giữ truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc và cố tạo dựng một tư thế càng độc lập càng tốt đối với chính quyền…” (6)
Ở một đoạn khác, Quán Như viết thêm:
“Những hoạt động bảo vệ Phật Pháp và tự do tín ngưỡng của GH truyền thống từ 1975 dù bị đàn áp và lùi vào vị thế thầm lặng, nhưng ảnh hưởng của nó đã lan rộng trong tâm khảm của đại đa số Phật tử. Do đó chư tăng dù phải sinh hoạt trong những ngôi chùa dưới bảng hiệu GHPGVN, phải tự chứng tỏ rằng nếu mình không đối lập thì cũng độc lập với chính quyền, và nhất là không phản bội hay chống đối với GH truyền thống, mới tạo được sự kính trọng của Phật tử. Đối với một số vị trong quá khứ đã minh định hợp tác với nhà nước để chèn ép GH truyền thống thì hầu hết các chùa chiền, cơ sở của các vị ấy đã bị Phật tử tẩy chay…” (7)
Với sinh hoạt vô danh, vô tướng như thế, GHPGVNTN làm sao có được “bản thu hoạch” hay “bản báo cáo” như GHPGVN để đệ trình cho Ban Tôn Giáo, Mặt Trận Tổ Quốc, hoặc để biện minh phân trần với những người chỉ sống và tin sự việc trên sách vở, giấy tờ và những bảng thống kê?
Cho nên, thật là ấu trĩ cạn cợt khi các “Phật tử giấy” nói rằng GHPGVNTN bây giờ chỉ còn có HT Huyền Quang, HT Quảng Độ và TT Tuệ Sỹ, và mặc nhiên xem tất cả chùa chiền, tất cả Tăng Ni Phật tử hiện sinh hoạt trong nước đều thuộc về GHPGVN! Đúng là những đầu óc chỉ vụ hình thức, mà cũng do vụ hình thức, họ luôn đánh giá hiện tình Phật giáo trong nước qua số lượng chùa chiền, Tăng Ni, Tăng Ni được du học, trường Phật học, số Phật tử đi chùa… Qua những số lượng, họ nói hùa theo phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cộng sản rằng trong nước “hoàn toàn không có đàn áp tôn giáo,” hoặc “tự do tín ngưỡng được tôn trọng triệt để.” Ở đây không thể giải thích dài dòng cho các “Phật tử giấy” được, chỉ xin mời quý vị ấy vì lòng thương đất nước quê hương, hãy về sống và tìm hiểu sinh hoạt của các chùa, các trường Phật học một thời gian tối thiểu một năm để thấy thực chất của vấn đề tự do tôn giáo như thế nào. Tuy nhiên, cũng xin cố gắng chia sẻ đôi điều với quý vị như sau:
Tín đồ đi chùa, đi nhà thờ rất đông vào những ngày lễ hội có nói lên được chính sách tự do tôn giáo của nhà nước cộng sản không? Những ngày lễ hội là những ngày truyền thống có từ lâu trên đất nước ta. Cứ vào dịp lễ Phật Đản, đồng bào lũ lượt kéo nhau tập trung quanh lễ đài chính, hoặc trên những con đường được thông báo trước là có xe hoa rước Phật. Những người đi lễ hội này không nhất thiết là Phật tử mà bao gồm tất cả những người khác tôn giáo, và đa phần của đám đông lễ hội là những người ham vui, đi xem cảnh, xem người, trai gái gặp gỡ, hẹn hò, tán tỉnh nhau. Y hệt như vậy, ngày Giáng sinh cũng là ngày mà đồng bào bất kể tôn giáo, kéo nhau tập trung quanh nhà thờ chính (ở Sài gòn là nhà thờ Đức Bà, ở Nha Trang là nhà thờ Đá). Những ngày lễ hội đó, người ta chỉ ùn ùn kéo đến địa điểm tổ chức, rồi đi lòng vòng, ăn uống, nói cười… chẳng mấy người có ý vào hoặc có thể vào được bên trong chùa (hay nhà thờ) để thực hành các nghi thức tôn giáo. Vì là lễ hội, người ta tập trung một cách tự phát, không có tổ chức, không có sự xách động hay kêu gọi gì của giáo hội, cho nên nhà nước không qui trách lỗi cho nhà chùa hay nhà thờ, mà nhà nước cũng không có bất cứ biện pháp nào để ngăn chận sự tự động tập trung của đồng bào. Nhà nước chỉ tăng cường lực lượng công an bảo vệ trật tự mà thôi. Vậy có thể nào lấy sự kiện lễ hội để biện minh cho tự do tôn giáo, biện minh cho sự phát triển đổi mới của nhà nước hay không? Trong khi đó, việc hành đạo của giáo hội (các tôn giáo) đều bị nhà nước giới hạn, và điểm tối kỵ nhất là nhà nước đã can thiệp vào những sinh hoạt có tính cách thiêng liêng và nội bộ của tôn giáo như giới đàn truyền giới, bổ nhiệm và suy tôn giới / giáo phẩm, soạn thảo chương trình học nội điển cho các trường Phật học, v.v…
Số lượng trường Phật học (Phật học viện) hiện nay có tăng thêm so với những trường Phật học trước năm 1975 không? Hay là những trường Phật học trước kia được phép hoạt động trở lại qua sự chấp thuận của Ban Tôn Giáo và qua một cái bảng hiệu khác? Có một số Phật học viện bị đóng cửa vĩnh viễn từ năm 1975, quý vị có biết điều này không? Tăng ni sinh thuộc các trường Phật học này có được nhà nước cấp gạo, đài thọ tiền mua sách vở và đủ thứ chi tiêu khác trong đời sống hàng ngày không? Hay là cuối cùng cũng do sự hỗ trợ của Tăng Ni và Phật tử hải ngoại là chính yếu?
Tất cả các trường Bồ Đề (trung và tiểu học) của Giáo hội bị nhà nước chiếm dụng hoàn toàn để làm nhà ở tư nhân cán bộ, hoặc các cơ sở buôn bán của nhà nước… thì nên kể là tăng hay giảm về bất động sản cũng như công tác văn hóa giáo dục của Phật giáo?
Tất cả các chùa chiền trong nước hiện nay có tăng thêm không? Có thêm nhiều chùa mới hay vẫn chỉ là những chùa cũ từ trước 1975, bây giờ đã hư dột, đổ nát cần sửa chữa? Và quý vị có biết là có một số ngôi chùa bị biến mất hoàn toàn để trở thành những công sở của nhà nước không? Thế rồi, những chùa cũ được tân trang, trùng tu từ nam ra bắc (mà quý vị cho là công lao của nhà nước cộng sản, hoặc của Giáo hội theo nhà nước), vậy quý vị có biết tiền bạc ở đâu mà các chùa này có để lo việc trùng tu hay không? Của nhà nước chu cấp hay là của Giáo hội nhà nước đài thọ? Hay chẳng qua đều do các đồng bào Phật tử hải ngoại (là chủ lực góp của) cùng Phật tử trong nước (góp sức) phối hợp mà hoàn thành? Mà để sự vận động tài chính thành công, nếu không do sự hỗ trợ của Tăng Ni hải ngoại thì làm sao mà có? Trên thực tế, nhà nước và Giáo hội nhà nước chẳng có góp công lao gì trong việc trùng tu các ngôi chùa tại Việt Nam, ngoài việc ký giấy phép với điều kiện chịu đút lót tiền bạc của đương sự đứng đơn. Còn những “danh lam thắng cảnh” mà nhà nước hết lòng hỗ trợ để tạo nên những điểm du lịch, tham quan, hành hương (10 cảnh hành hương nổi tiếng như nhóm “Phật tử giấy” ca tụng!) thì chẳng qua là việc đầu tư kiếm lợi của nhà nước mà thôi, sao lại có thể nông cạn đến mức không nhìn ra sự thực này? Đó có phải là nhà nước “ủng hộ Phật Pháp” đâu, mà chỉ là ủng hộ túi tiền của họ thôi! Và việc trùng tu có thể được xem như là sự tiến bộ chăng?
Về Tăng Ni sinh du học ở nước ngoài, cũng na ná như việc trùng tu chùa chiền cũ nát ở trong nước. Có bao giờ quý vị hỏi chuyện, tìm hiểu về đời sống của các Tăng Ni du học chưa? Từ khi làm thủ tục xin đi du học cho đến khi được cấp giấy phép ra đi, tốn kém bao nhiêu tiền túi của gia đình mình, hay của Phật tử hải ngoại, để chuyển vào túi của chính các thành viên cao cấp có thẩm quyền thuộc Giáo hội nhà nước và các cán bộ nhà nước liên hệ? Được ra hải ngoại để học rồi, mỗi tháng nhận tiền từ đâu mà sinh sống, đóng học phí, mua sách vở? – Xin thưa, nhà nước và Giáo hội nhà nước không đóng góp giúp đỡ gì cho các Tăng Ni sinh du học cả: hoàn toàn là do Tăng Ni và Phật tử hải ngoại đài thọ!
Cho đến việc cứu đói, giảm nghèo (do nhà nước kêu gọi), cứu trợ thiên tai… quý vị có biết đâu là nguồn tài chính trọng yếu để thực hiện các công tác này không? Vẫn là từ nguồn tài trợ từ hải ngoại mà các thành viên của Giáo hội truyền thống lúc nào cũng sẵn sàng đưa vai ra gánh vác, vận động.
Mà Tăng Ni và Phật tử hải ngoại là ai? Phần nhiều là người của Giáo hội truyền thống đó thưa quý vị; còn những người không thuộc về (hoặc không công bố thuộc về) Giáo hội truyền thống thì đa số cũng không phải là người của Giáo hội nhà nước, cũng chẳng phải là cán bộ nhà nước. Vậy thì nhà nước và Giáo hội nhà nước kể công kể ơn gì đây trong việc “phát triển” và “xây dựng” Phật giáo trong nước?
Tóm lại, gần 30 năm nay, giáo hội chúng tôi chẳng làm được gì nhiều, ngoài những việc hoằng pháp lợi sinh đã từng làm từ trước năm 1975; chỉ có điều khác là vì hoàn cảnh, chúng tôi phải làm việc trong sự thầm lặng, không nêu danh, không hiển tướng mà thôi. Vấn đề hoằng pháp phải xem như là việc nhà (hoằng pháp thị gia vụ), giáo hội nào cũng phải làm và làm được theo khả năng và giới hạn của mình, không dám so bì hơn thua, nhiều ít (vì đi xa hơn nữa thì rơi vào danh tướng); nhưng điều chúng tôi tin chắc rằng đối với dân tộc và đạo pháp, chúng tôi đã làm đúng chức năng và sứ mệnh của mình, giữ được truyền thống cao đẹp của Phật giáo từ nghìn xưa, không bao giờ chịu khuất lụy trước cường quyền, đặt sinh mệnh của mình trong dòng sinh mệnh của dân tộc và đạo pháp nên luôn sẵn sàng hy sinh cho sự trường tồn và hưng thịnh của dân tộc và đạo pháp.
LÀM CHÍNH TRỊ?
Nhưng những việc Giáo hội chúng tôi làm thì lại bị quy chụp là “làm chính trị.” Điều này thực tế ra sao?
Truyền thống của Tăng-già từ nghìn xưa là không tham dự thế quyền. Phật giáo trong những triều đại hưng thịnh nhất vẫn luôn nằm ngoài những tranh chấp quyền bính thế gian. Vị trí của Phật giáo là vị trí cố vấn cho các chính quyền, khích lệ các quân vương và chính quyền mang tinh thần Phật Pháp đem vào thế gian hầu mang lại phúc lạc, an bình cho dân sinh. Không bao giờ có sự việc tăng sĩ đấu tranh, biểu tình… để đòi lật đổ chính quyền rồi chính mình lên thay. Trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam chưa từng xảy ra việc đó. Nhà cầm quyền cứ lo sợ và chụp mũ Phật giáo làm chính trị. Những người ủng hộ chính quyền cũng nói hùa theo, cho rằng Giáo hội Thống nhất làm chính trị. Thậm chí một vài bậc lãnh đạo trong Giáo hội thuộc nhà nước cũng công khai tuyên bố là các thành viên Giáo hội Thống nhất làm chính trị. Ở đây không dài dòng bàn cãi về các định nghĩa “chính trị” theo cách từ chương sách vở. Chỉ xin nêu những hình ảnh cụ thể, nhưng trước hết, xin trích dẫn một vài đoạn của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận để thấy phần nào sinh hoạt truyền thống của thiền môn, đặc biệt là đối với vấn đề chính quyền hay chính trị:
“Nên nhớ rằng: không phải chỉ bắt đầu từ đời nhà Lý, Phật giáo mới cố vấn chỉ đạo cho guồng máy chính quyền. Phật giáo đã làm việc này từ nhà Đinh. Phật giáo không ngửa tay xin việc hoặc quị lụy, luồn cúi quyền môn để xin ân huệ, nhằm thỏa mãn ý định ty tiện riêng tư, để lấn trên ép dưới đối với các đạo khác. Phật giáo bao giờ cũng đứng ngoài chính quyền. Các thiền sư có đời sống riêng, tại các tự viện, để tu đạo, hành đạo. Lịch sử Việt Nam chưa từng ghi một vị thiền sư nào đang tinh tiến tu hành mà cởi bỏ pháp phục để nhận phẩm phục của triều đình, và nhập cung điện an cư bao giờ.” (8)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất giữ đúng truyền thống ấy: không tham dự thế quyền; và vì không có mục đích tham dự thế quyền nên không làm chính trị. Còn việc tranh đấu đòi hỏi sự phục hoạt của Giáo hội truyền thống trong vòng 30 năm nay, là nguyện vọng và là phản ứng chính đáng để minh định lập trường nhất quán của mình, đồng thời giữ gìn không để Phật giáo rơi vào vòng kiểm soát chỉ đạo của một đảng phái chính trị thế tục đang làm hại nước hại dân, tránh cho Phật giáo không lưu lại vết nhơ trong lịch sử gần hai nghìn năm gắn bó với dân tộc. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chỉ đòi hỏi sự sinh hoạt bình thường như trước 1975, một sinh hoạt độc lập không có sự can dự, kiểm soát, chỉ đạo của bất kỳ chính quyền nào (dù là chính quyền tốt, huống gì là chính quyền xấu).
Nhìn lại những thành viên lãnh đạo của GHPGVN thì sao? Giáo hội này trực thuộc Ban Tôn Giáo, Ban Tôn Giáo trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, Mặt Trận Tổ Quốc và Nhà nước nằm dưới sự chỉ đạo lèo lái của Đảng CSVN. Như vậy, về mặt tổ chức, giáo hội này đã là một tập thể hoàn toàn nằm trong guồng máy chính quyền, không giữ được truyền thống lâu đời của Phật giáo, và coi như đã làm chính trị (nhưng lại làm chính trị trong vị thế của những bù nhìn, vì không có quyền hạn gì cả). Đó là chưa kể đến một vài thành viên khác trong giáo hội này là dân biểu Quốc hội. Đây lại là điểm rõ rệt hơn, chứng minh sự tham chính của thành viên và của giáo hội này.
Những “Phật tử giấy” bênh vực cho các nhà sư làm dân biểu Quốc hội nhà nước CSVN, lôi sử sách xưa, kể tên các vị quốc sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần để so sánh với sự “dấn thân nhập thế”, cố vấn chỉ đạo… cho chính quyền. Ôi, thật là buồn cười! Giữa vị thế quốc sư thời xưa và dân biểu thời nay khác nhau một trời một vực không lẽ người tự xưng trí thức như quý vị lại không thấy? Các dân biểu Quốc hội này đâu có giống dân biểu Quốc hội của các nước tự do dân chủ! Họ đâu có được mời làm cố vấn chỉ đạo, cũng đâu có bất cứ quyền hạn nào để góp phần, góp ý xây dựng đất nước, phục vụ dân tộc! Còn như bảo rằng chỉ có cái danh dân biểu thôi chứ không làm chính trị gì cả thì lại càng không thể chấp nhận được, vì nói vậy tức là tự công nhận mình chỉ ngồi đó cho có vị, tức là làm bù nhìn thôi sao? Biết mình chỉ bị lợi dụng để làm bông hoa trang điểm cho chế độ cầm quyền mà cũng chịu bị lợi dụng để mang tiếng cho bản thân, cho Thầy Tổ, cho lịch sử Phật giáo? Xin lắng nghe Hòa Thượng Thích Trí Quang nói về vấn đề thiệp thế của người xuất gia cách đây 31 năm: “Đối với công việc thì công việc thiệp thế cố nhiên không phải là công việc chánh của người xuất gia. Công việc chánh của người xuất gia là hoằng pháp. Cho nên dầu cho người xuất gia phải làm một cán bộ trung kiên của Phật giáo, nhưng cán bộ ấy phải lo công việc hoằng pháp đã. Công việc thiệp thế nếu cần lắm, người xuất gia cũng chỉ làm mà không giữ địa vị. Địa vị thiệp thế bất cứ dưới hình thức nào, trong địa hạt gì, cũng mâu thuẫn không nhiều thì ít, đối với địa vị người xuất gia, địa vị Tăng bảo: Địa vị đạo-sư của tín đồ.” (9)
Thế mà quý vị “Phật tử giấy” cứ hết mình bênh vực cho sự “dấn thân nhập thế” theo kiểu ủng hộ nhà nước tối đa của các nhà sư dân biểu, mà lại khích bác, chống lại sự “dấn thân nhập thế” của các thành viên Giáo hội Thống nhất trong công cuộc đấu tranh bảo vệ truyền thống Phật giáo, đòi hỏi tự do nhân quyền và mưu cầu phúc lạc cho toàn dân? Tôi không hiểu quý vị đứng trên lập trường nào để chống báng bên này, ủng hộ bên kia, một cách thiếu suy nghĩ, một cách không trí thức như vậy! Không lẽ trí thức Việt Nam thời nay, hay là trí thức Phật tử thời nay, chẳng có lập trường gì cả? Theo phe chánh thấy không được danh lợi gì bèn theo phe tà? Hãy trung thực nhìn lại bản thân quý vị xem. Có phải là trong quá khứ chính quý vị là những người từng ủng hộ hết mình cho Giáo hội Thống nhất, nhưng vì lý do này hoặc lý do khác, vì tự ái cá nhân, vì hiềm khích riêng tư, vì không được trọng dụng và cất nhắc lên những địa vị cao mà mình mong đợi… nên cuối cùng chạy theo phía tà mà chống báng bên chánh tới cùng? Cho dù quý vị có khăng khăng chối cãi, trong thâm tâm, tôi vẫn thấy nhục thay cho quý vị rồi.
TỒI TÀ PHỤ CHÁNH – CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ
Tôi không có ý bất kính đối với các thành viên của Giáo hội nhà nước, vì ngoài một số “tăng giả” do công an và cán bộ nhà nước trá hình trà trộn vào các chùa chiền, nhiều vị trong số ấy là thầy, là sư bá, sư thúc, sư huynh, sư đệ, hoặc là bạn của tôi. Các vị lại là hàng Tăng bảo, chúng trung tôn, nên tôi luôn kính thờ. Sở dĩ tôi phải dài dòng phân tích trình bày bao nhiêu chuyện chỉ là hy vọng quý ngài nhìn lại con đường 30 năm vừa qua. Chúng ta, Tăng Ni và Phật tử của hai giáo hội, đã thành tựu được gì, mất mát những gì?
Thành tựu trong 30 năm qua cũng chẳng hơn gì 10 năm của Phật giáo từ 1964 – 1975: 10 năm trong khói lửa chiến tranh, 10 năm trong thời đại nghèo kém và văn minh kỹ thuật chưa được tân tiến như 30 năm sau này; nhưng 30 năm sau này, không phải chỉ có quý ngài đơn độc hành đạo mà còn có sự đóng góp thầm lặng của chúng tôi.
Còn về mất mát thì nhiều lắm. Chuyện mất mát về tài sản, động sản và bất động sản, của giáo hội, chẳng là điều to tát đáng kể. Thế gian vô thường, có gì bền chặt mà tiếc nuối với những vật ngoại thân ấy. Nhưng niềm đau khó gột rữa là thâm tình thầy-trò, sư-môn phải ly tán, bằng hữu không nhìn mặt nhau; chưa kể đến nhiều Tăng Ni Phật tử đã phải hy sinh vì bảo vệ đạo pháp; và còn nữa, còn nhiều mất mát đau thương giữa thầy-trò, huynh-đệ chúng ta. Những mất mát đó, nhìn thật kỹ, sẽ thấy rằng không phải do chính chúng ta tạo nên mà do tác động của ngoại nhân, của một thế lực chính trị đầy thủ đoạn và vô cùng xảo quyệt. Trong khi thế lực ấy đã đạt tới quyền lực vô song của ma vương với bao gian trá và hiểm độc mà chúng ta thì chưa đạt tới mức thần thông quảng đại như Phật. Chúng ta đành bị động, tạm thời phân chia nhau mỗi người mỗi ngả để tiếp tục hành đạo. Trong một giai đoạn, một hoàn cảnh đặc biệt cần có phản ứng tức thời, chúng ta đã phải chọn lựa một trong hai con đường. Con đường của quý ngài không sai, con đường của chúng tôi cũng không sai. Chỉ có thể nói là thích hợp hay không thích hợp theo từng bối cảnh xã hội. Nhưng hẳn nhiên là quý vị cũng đồng ý là có con đường dài lâu và có con đường nhất thời của Phật giáo chúng ta để đối phó với một tình thế. Khi tình thế ấy xảy đến, chúng tôi chọn lựa con đường dài lâu, quyết bảo vệ truyền thống của tiền nhân, còn quý vị chọn lựa con đường nhất thời, tạm thời xuôi theo thế lực hiểm ác đang đe dọa hủy diệt mình, với ước vọng nương theo xu hướng mới mà hoằng trì Phật đạo. Hai chọn lựa đều mang lại những mất mát đau thương: chúng tôi thì bị đặt trước hiểm nguy, cái chết, tù đày; quý ngài thì đặt trước nỗi nhục của sự xuôi dòng, mang những tai tiếng không đẹp từ phía quần chúng. Điều an ủi và giữ chúng ta còn nghĩ tưởng đến nhau là trong suốt giai đoạn 30 năm qua, vấn đề hoằng pháp vẫn được tiến hành, bằng cách này hoặc bằng cách khác, công khai hoặc âm thầm. Là những đứa con được sinh ra từ miệng Phật, chúng ta hãy còn diễm phúc tắm gội trong ánh sáng của Trí tuệ, Từ bi và Hùng lực của ngài, cho nên, chỉ cần một sát-na quay về thôi, là chúng ta đã hòa nhập trong nhau, không còn biên giới. Không có bất cứ thế lực nào (dù là ngoại nhân hay nội nhân) có thể chia rẽ phân tán chúng ta được. Chỉ cần quay về. Bình tĩnh nhìn lại nhau. Trung thực trao đổi mọi vấn đề. Chúng ta có khả năng để làm việc đó. Chỉ vài bước thật ngắn, chúng ta đã có thể cùng một nhà rồi. Nhưng để cất được những bước chân, cũng đòi hỏi nhiều trí tuệ và dũng lực để vượt qua những thành kiến, những ngộ nhận, những ngờ vực còn tồn đọng sau hơn 20 năm. Mà để có thể xích lại gần nhau hơn, trước nhất chúng ta phải thực hiện vài bước. Vài bước ấy, chỉ dựa trên một tiêu đề ngắn gọn mà Tăng Ni Phật tử mọi thời đại đều thực hành: “Tồi tà phụ chánh” (phá bỏ điều tà-ác, ủng hộ điều chánh-thiện). Xin đề nghị những bước cụ thể như sau, đi từ tích cực đến tiêu cực:
Chống ác, hành thiện: Nếu biết rằng thế lực đó tà ác, chỉ làm hại cho đạo pháp và dân tộc, hãy tích cực chống lại dù phải hy sinh cả thân mạng, đồng thời thực hiện tất cả những điều lành, ủng hộ người hiền lương để phục vụ nhân loại, chúng sanh;
Không chống ác, hành thiện: Nếu biết thế lực kia là ác nhưng mình không đủ sức chống chọi, không đủ sức tách ra khỏi vòng kềm chế của họ, thì cứ giữ mình, không chống đối, nhưng đối với cái thiện, tập thể thiện, bằng hữu thiện… (đều là anh em một nhà của mình) phải hết sức ủng hộ;
Không hợp tác với ác, không chống thiện: Biết rằng thế lực kia tà ác, không thể chống lại họ được thì cũng giữ thái độ bất hợp tác (vì tiếp tay với họ, đứng vào hàng ngũ của họ có nghĩa là mình cố tình làm ác, gián tiếp làm ác); đã không hợp tác với ác mà vẫn sợ không dám ủng hộ cho điều thiện thì cũng đừng chống báng điều thiện (vì chống báng điều thiện lại chính là làm ác);
Đó là 3 thái độ mà chúng ta có thể chọn lựa để tách mình ra khỏi sự trì níu của ác nghiệp. Giữ được một trong 3 thái độ trên, trong một thời gian, chắc chắn biên giới ngăn cách giữa chúng ta sẽ mờ nhạt dần. Hãy tin tưởng nhau. Chúng ta đều là những người con Phật, những kẻ thực hiện con đường bỏ ác làm lành, không lẽ lại là những người ác, làm việc ác, chủ trương ác? Không giúp nhau được thì cũng không thể nào hại nhau. Hãy trở về bên nhau băèng những bước chân của những long-tượng. Được như vậy thì không còn thứ tù đày nào có thể giam nhốt, xiềng xích chúng ta được nữa.
Con đường trở về luôn rộng mở chờ đón chúng ta. Vì sự hưng thịnh của Phật Pháp, vì sự phúc lạc cho sinh dân, xin hãy cất bước lên đường.
California, ngày 12 tháng 01 năm 2004.
VĨNH HẢO
_________________________
CHÚ THÍCH:
(1) Đức Nhuận, Đạo Phật và Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới xuất bản năm 1996, trang 595 – 612.
(2) Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập II, xb 2001, trang 461 – 462.
(3) Lời của Hòa Thượng Thích Trí Quang, nguyên văn như sau: “Nói chung, thống nhất Phật giáo Việt Nam là tăng cường sự thanh khiết và sức mạnh của Phật giáo Việt Nam chứ không phải là làm bài toán cộng…”, trích từ tài liệu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam của Đỗ Trung Hiếu, bản đánh máy phổ biến trong nước năm 1994, trang 44.
(4) Đỗ Trung Hiếu, Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, phần Phụ lục, Hiến chương GHPGVN, trang 50.
(5) Đỗ Trung Hiếu, tài liệu đã dẫn, trang 40.
(6) Quán Như, Âm mưu tiêu diệt Phật giáo của CSVN, Phú Lâu Na xuất bản 1996, trang 76.
(7) Quán Như, sđd. trang 78 – 79.
(8) Đức Nhuận, sđd. trang 96.
(9) Thích Trí Quang, Người Xuất Gia, Phú Lâu Na tái bản tại Hoa Kỳ, 2003, trang 96-97.