Alternative title

Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 15

View: 1310 - TK NEWS DIRECT    23/04/2020 11:04:44 am
Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 15
Những Tâm thư cuối đời của Đức Đệ ngũ Tăng Thống: Tâm thư số 15
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

Chùa Từ Hiếu - 59 Lô D, Đường Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, Saigon

TÂM THƯ 15

ƯỚC NGUYỆN TĂNG-GIÀ HÒA HỢP

Hòa Thượng Thích Quảng Độ

Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

- Kính gởi: Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng Giáo Phẩm GHPGVNTN,

- Đồng kính gởi: Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Chư Đại Đức Tăng-Ni.

Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-Ni,

Trong một thời gian dài, trước những dấu hiệu phân hóa nội bộ trong hàng ngũ Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống đã liên tục ban hành các Giáo chỉ và Thông điệp, với ý hướng duy trì bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già, làm nơi quy ngưỡng cho bốn chúng đệ tử hành đạo, tiến tu đạo nghiệp, trong sứ mệnh phụng sự dân tộc và nhân loại. Thế nhưng, viễn ảnh tan rã của Tăng-già, dẫn theo sự sụp đổ của Giáo Hội, càng lúc càng diễn biến phức tạp.

Mặc dù tự thể thắng nghĩa Tăng-già do đức Thế Tôn thi thiết, không có bất cứ Thiên Ma Ngoại đạo, hay bất cứ thế lực nhân và phi nhân nào có thể phá hoại; tuy vậy, Tăng-già, trong ý nghĩa quy ước, tồn tại như một tổ chức xã hội trong cộng đồng nhân loại, như một quy luật tất yếu, đã thường xuyên bị chi phối bởi những thăng trầm lịch sử của quốc gia và xã hội, khiến cho nguy cơ Phá Tăng, và thực tế Phá Tăng, đã từng hiển hiện trong nhiều thời đại. Trong những biến cố lịch sử như thế, Chư Tổ Đức đã lánh mình ẩn cư vào những nơi cô tịch, như những ngôi sao lẻ loi trong đêm dài tăm tối, tự khoác khôi giáp nhẫn nhục tối thắng, duy trì ngọn đèn Chánh pháp, dù chỉ như đốm lửa tàn, không tắt ngúm trong quốc gia phương vực mà các Ngài đang hành đạo.

Thế giới dù trải qua vô lượng bất khả tư nghị kiếp số thành-trụ-hoại-không, nhưng Phật tánh trong mỗi chúng sinh dù bị bao phủ bởi nhiều lớp khách trần phiền não, vẫn không hề bị tổn hại. Đây là niềm tin bất động của những người con Phật, là căn cơ vững chắc cho tâm bồ-đề kiên cố, không thoái chuyển, tùy cơ hành đạo và hóa đạo trong mọi nhân duyên thuận nghịch.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập sau những giai đoạn đen tối của đạo pháp, bằng những hy sinh vô úy của bốn chúng đệ tử, bằng máu, xương và nước mắt, tiếp tục bản nguyện của Lịch đại Tổ Sư, đồng hành với đại khối dân tộc, cùng chung lý tưởng dựng nước và giữ nước, cùng chung lý tưởng phụng sự hòa bình và an lạc cho cộng đồng dân tộc mà trong trường kỳ lịch sử đã phải nhận chịu vô vàn khổ lụy, nhưng vẫn kiên cường giữ vững giá trị và phẩm chất của dân tộc.

Sau Pháp nạn 1963, tất cả các hệ phái Phật giáo tại Miền Nam Việt Nam do nhận thức rõ ý nghĩa “bốn chúng hòa hợp đồng tu”, đã đồng tâm quyết định thống nhất thành một tổ chức Giáo hội, mà mục đích và lập trường thuần nhất được tuyên bố trong Lời Mở Đầu của bản Hiến chương: “Công bố lý tưởng hòa bình của giáo lý Đức Phật, hai Tông phái Phật giáo (Bắc Tông và Nam Tông) tại Việt Nam thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc.”

Giáo hội đản sinh trong bối cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn, như là hậu quả của lịch sử hai nghìn năm phát triển tư tưởng tôn giáo-triết học Phương Tây, mà đỉnh cao là nhũng xung đột trầm trọng của các xu hưóng tư tưởng duy lý và phản lý, những mâu thuẫn biện chứng của các chủ nghĩa duy tâm và duy vật, dẫn đến những mâu thuẫn quyền lực chính trị và xã hội mà hậu quả là hai cuộc đại thế chiến. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội đã phải gánh chịu những sức nén trầm trọng của các thế lực quốc tế, cùng lúc với tình trạng nhân tâm ly tán, dân tộc mất định hướng, mất chủ quyền tự quyết, khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn tình trạng phân hóa đã xảy ra trong nội bộ Giáo hội. Dù vậy, hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo Hội vẫn kiên trì lý tưởng phụng sự hòa bình dân tộc và nhân loại.

Cho đến nay, đất nước chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã gần nửa thế kỷ, mà mâu thuẫn và hận thù đang còn là lưỡi gươm lơ lửng đe dọa vận mệnh tồn vong của dân tộc. Một Giáo Hội tồn tại trong tình trạng phân hóa dân tộc, trong vận mệnh tồn vong bị đe dọa bởi những xung đột quyền lực quốc tế, đã chưa đủ thời gian lớn mạnh để ngăn chặn những tác động nguy hại, nhưng các pháp hữu lậu ô nhiễm thực tế đã phát sinh trong bốn chúng đệ tử, dẫn đến tình trạng phân hóa nội bộ trầm trọng. Tinh thần hy sinh vô úy, uy vũ bất khuất, của các thế hệ Phật tử trong quá khứ, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đã hoàn toàn suy sụp đến mức hầu như vô lực, chỉ còn đủ sức để tranh chấp nội bộ vì lợi đắc vật chất nhỏ mọn, vì những danh vọng hão huyền và địa vị không có thực trong xã hội.

Tôi, Sa-môn Thích Quảng Độ, trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, tự nhận trách nhiệm lịch sử này trước uy đức của Lịch đại Tổ Sư, và cũng trong trách nhiệm lịch sử này, với ý hướng kịp thời ngăn chặn bánh xe phân hóa không lao xuống vực thẳm ô nhiễm hủy diệt, tôi đã quyết định, bằng Quyết định số 12/TT/VTT/QD, Phật lịch 2562, Saigon ngày 19 tháng 10 âm lịch Mậu tuất (tức 25/11/2018), đình chỉ mọi hoạt động của Giáo hội, để Tăng-già có thời gian thể hiện bản thể thanh tịnh và hòa hợp, làm nơi quy ngưỡng vững chắc cho bốn chúng hòa hợp đồng tu, hòa hợp hành đạo và hóa đạo, phụng sự Dân tộc và Đạo pháp, trong lý tưởng phụng sự hòa bình dân tộc và nhân loại.

Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-Ni.

Đức Thế Tôn trước khi thị hiện Niết-bàn đã di chúc thâm thiết: “Chớ nghĩ rằng sau khi Ta diệt độ, Chúng Tỳ-kheo không còn Đạo sư hướng dẫn. Sau khi Ta diệt độ, Pháp và Luật mà Ta đã giảng dạy chính là Đạo sư của Chúng Tỳ-kheo”, và lại nữa, "Các pháp hữu vi là vô thường, các ngươi hãy tinh tấn tu tập, chớ có buông lung."

Di giáo ấy là ngọn đèn soi tỏ lối đi cho Tăng-già đệ tử Phật trong lịch sử hành đạo và hóa đạo, từ quá khứ cho đến hiện tại, từ Đông cho đến Tây. Mỗi khi Tăng-già đối diện trước nguy cơ phân hóa, Pháp và Luật thiện thuyết là sở y kiên cố để trên đó dựng lại những gì đã bị xô ngã, hàn gắn lại những gì đã bị phá vỡ. Đức Thế Tôn, đấng Đại trí, thấu hiểu mọi căn cơ, các tập khí tùy miên, cùng các xu hướng dị biệt, ý lạc dị biệt, của các hàng chúng sanh, đã thấy rõ khi chúng đệ tử sinh hoạt giữa lòng xã hội thường xuyên bị tác động những giá trị thế tục, rất dễ bị dẫn đến dị giới, dị kiến, những nhân duyên dẫn đến Phá Tăng, do đó đã thiết lập bảy pháp diệt tránh là nguyên tắc sở y để dập tắt các tránh sự có thể xảy ra trong Tăng. Trong trường họp tránh sự diễn tiến phức tạp đến trình độ mà toàn thể Tăng-già không thể hòa hợp, thì pháp diệt tránh cuối cùng là "như thảo phú địa" nếu được thực hiện như Pháp như Luật, tất cả tránh sự sẽ được dập tắt, và bản thể Tăng-già thống nhất được xác lập. Đây là điều không thể dựa vào bất cứ nguyên tắc hay đạo lý thế tục nào mà có thể thích hợp để dẫn dụng.

Tôi nay tuổi đã ngoài 90, trí lực đã đến lúc suy kiệt, với chút hơi tàn của sinh mệnh, tự thấy không còn kham năng gánh vác trọng trách trước lịch sử tồn vong, suy thịnh, của dân tộc và đạo pháp, duy chỉ còn đủ sức để giữ một điều cương lĩnh mong manh của Giáo Hội, ước nguyện duy nhất trong những ngày còn lại của tuổi đời là được thấy uy đức Tăng-già sáng chói, bản thể thống nhất được xác lập. Tăng già thanh tịnh hòa hợp là sở y vững chắc cho Giáo Hội, là chỉ nam hướng đạo cho bốn chúng đệ tử hòa hợp đồng tu, cùng hòa hợp trong lý tưởng phụng sự dân tộc và nhân loại như Hiến Chương Giáo hội đã công bố.

Nguyện cầu uy đức Tam Bảo, uy lực hộ trì Chánh pháp của thiên long bát bộ, Tăng-già sớm thành tựu xác lập bản thể thanh tịnh hòa hợp, vì sự tăng ích và an lạc của chư thiên và nhân loại.

Phật lịch 2562, Chùa Từ Hiếu, Saigon ngày 26 tháng 3 năm 2019

Tức ngày 21 tháng 2 năm Kỷ Hợi

Cẩn bạch

Sa-môn Thích Quảng Độ


Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin