Alternative title

Viết từ vùng lũ: Đầu hàng

View: 1782 - Nguyễn Vũ Thạch Anh (Quartz Ro)    18/10/2020 11:10:50 am
Viết từ vùng lũ: Đầu hàng
Viết từ vùng lũ: Đầu hàng
Sáng qua, trời không mưa gió, mọi người ngồi uống trà nói chuyện. Bẵng đi một chốc chừng nửa tiếng không để ý, nhìn ra sân thấy nước dâng lênh láng mặt sân mới trước đó còn ráo nước.

Trời bắt đầu mưa vừa, đến giữa trưa thì đã lên bằng mức cao nhất của ba đợt lụt trước. Lúc này tin báo thời tiết xấu dồn dập gọi về, mưa to dần và có gió lớn.

Nước tiếp tục lên nhanh thấy rõ, chẳng mấy chốc đã tràn vào nhà. Nhà mình đang ở là nhà cậu họ làm trên nền nhà cũ của ông bà ngoại từ xưa. Bà ngoại nói, ngoại 87 tuổi về đây làm dâu từ năm 16 mà nước lên cao nhất cũng chỉ xâm xấp ngoài sân thôi. Nhà này coi như chỗ cao nhất nhì xã Triệu Đại, luôn nằm ở vị trí an toàn bất kể bao nhiêu năm lũ lụt.

Nước tiếp tục dâng nhanh nhưng vẫn là nước trong, nghĩa là nước đọng do mưa bị gió và dòng nước từ thượng nguồn đẩy lên chứ chưa phải nước từ đầu nguồn đổ về; đồng nghĩa nguy cơ nước dâng còn cao hơn nữa.

Nước lên tới nửa đầu gối, trời cũng chiều dần, mọi người còn vài tiếng để kê đồ đạc, lúa má lên cao, đồng thời set up lối lên một gác nhỏ xíu nằm áp mái mà tiếng địa phương gọi là cái tra, diện tích khoảng bằng cái giường cỡ Queen, nối liền với một khoảnh la phông cũng nhỏ cỡ đó nhưng ko được gác ván cho dễ ngồi, chỉ có thể ngồi trên những thanh đà ngang 5-10 bằng gỗ.

Vì mấy mươi năm nước không vào tới nhà nên chỗ dự phòng cho lũ lớn này cũng không được chu đáo, không có thang để leo lên, đành phải kê bàn, giường tủ để làm bậc thang leo lên nóc. Ổn ổn thì nước cũng đã quá đầu gối.

Trong nhà hiện có tới 14 người, trong đó có một em bé 2 tuổi, hai bà già gần 90; 8 người trong số này không biết bơi kể cả mình.

Nhà còn đúng 4 cái áo phao hôm trước mình mua xuống. Kiểm kê đồ ăn thấy có gần 7 thùng mì gói, ngạc nhiên hỏi cậu ở đâu ra mà nhiều vậy. Vì hôm trước lúc mình mang đồ cứu trợ xuống phát cho dân làng có nói cậu giữ lại 5 thùng mì, 5 bình nước nhưng cậu đem phát hết, chỉ giữ lại 1 thùng mì gói, 1 thùng nước. Cậu nói mấy hôm nay nhận hàng từ thiện của các đoàn. Thế là mình từ người đi cứu trợ trở thành người được cứu trợ, thức ăn tạm ổn nhưng nước sạch chỉ còn một thùng 20 lít.

Sau khi vất vả xếp xong 2 tấn lúa, kê gác đồ đạc trời cũng vừa tối. Ăn vội bữa cơm với dưa leo mắm ruốc đợi chờ lũ tới. Thời gian nặng nề trôi theo từng mức nước dâng. Đồ đạc bắt đầu trôi nổi, lại lục đcj kê giường phản lên thêm từng ít dưới anh đèn dầu leo lét; đèn pin được sử dụng hạn chế hết mức để tiết kiệm pin, điện thoại cũng vậy. Điện đã cúp được ba ngày...

10h đêm, mưa to như trút nước, gió rít gào như tiếng máy bay vừa cất cánh bay ngang nóc nhà. Đã có tiếng khóc thầm, có tiếng càu nhàu vì sợ hãi “đã nói đừng về ... “.

Bầy 3 chó con vừa tập ăn được cho nằm với mẹ trên mặt bàn kêu ăng ẳng vì rớt xuống nước. Tiếng lợn kêu eng éc từ nhà bên vọng lại. Không một ai ngủ được dù ai cũng bảo nhau ngủ đi lấy sức lỡ nửa đêm còn leo gác. Nước đã quá gối từ lâu và không có dấu hiệu dừng lại. Những người phụ nữ trong nhà trừ mợ chủ nhà tinh thần suy sụp, hoảng loạn mỗi người mỗi kiểu.

Thời gian càng trôi nguy cơ phải lên nóc nhà càng hiển hiện. Cơn sợ hãi lo lắng càng tăng lên theo thời gian vì chợt nhận ra nơi trú ẩn tạm quá nhỏ cho 14 con người, đưa được hai người già gần 90 tuổi lên độ cao 4m cũng là vấn đề khi mà những bậc thang tự tạo cũng là tạm bợ và bằng gỗ, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào vì nước dâng sẽ nổi theo và bị xô lệch. Ngực nóng ran, dạ dày co thắt lại, cố đè sự sợ hãi xâm lấn vì mình vẫn là một trong số ít người bình tĩnh còn sót lại, mình không dám sợ, không được phép sợ ...

Vừa nhìn chừng mức nước vừa suy tính các biện pháp lên xuống khi nước dâng và nước rút với các vật dụng có trong nhà. Nghĩ được gì là đi bàn với người cậu Hoàng để sắp xếp. Hai người cậu họ tuổi đã cao lầm rầm “căng hè...”.

12h, sức chịu đựng của cậu Hoàng tới hạn, cậu bàn “phải đi thôi, mai trời lặng gió phải thuê đò đi khỏi đây...”. Môi mím chặt, ánh mắt tràn đầy sợ hãi. Mấy ngày qua cậu đã rất kiên cường, trong số năm người đàn ông ở đây, cậu vừa khoẻ, vừa giỏi bơi, cũng tháo vát nhất, tâm tính cũng đủ trầm ổn nhưng từng cm nước dâng lên đã bào dần sức chịu đựng và cũng hiện rõ dần sự thật là nguồn lực còn lại từ thức ăn nước uống tới chỗ ngồi đều không đủ cho 14 người, trong đó có 6 người gồm mình và cậu tạm coi là khách từ BMT về Quảng Trị rồi kẹt lại. Các dì và bà ngoại nhanh chóng đồng ý với phương án của cậu. Mình cũng không thể khác. Phải đi để dồn tài nguyên cho người ở lại. Bà ngoại và mấy dì cũng ko thể chịu nổi 2,3 đêm căng thẳng như này nữa, ngoại quá già còn mấy dì chưa bao giờ biết nước lụt...

Cậu Hoàng thông báo cho anh em cậu Huỳnh chủ nhà, hai người ra sức cản ý tưởng mà họ cho là điên rồ. Để đi đò tới được Đông Hà phải băng qua sông Thạch Hãn, con sông hung hãn đặc biệt khi nước lũ về, nghĩa là cầm chắc cái chết với con đò nhỏ mong manh của dân vạn chài.

Cậu Huỳnh gọi cho ngừoi bạn sống gần cầu Đại Lộc nơi con sông chảy qua để hỏi thế nước và tham khảo phương án. Câu trả lời “ Không đi được, lật chết ...”. Nhưng lòng cũng đã quyết, cậu Hoàng vào giường nằm chen vào cùng 5 người còn lại, cố ngủ, tiếng ngáy vang lên. Cảm thấy mừng, vì ai cũng được, phải có người ngủ được để có sức. Đêm còn dài, bất cứ khi nào cũng cần sẵn sàng để đưa mọi người lên cao khi nước dâng lên chừng 30 phân nữa.

Nằm yên không động đậy để cho cậu và bà ngoại lúc này cũng thiếp đi được ngủ. Thỉnh thoảng dậy mở điện thoại soi mực nước đã lên thêm bao nhiêu với các mốc được nhắm sẵn. Khi là vết trắng trên tường, khi là tay kéo của tủ lạnh. Cập nhật cho mẹ và mấy chị tình hình “nước chỉ ngang mắt cá thôi” để mẹ khỏi lo. Rồi tắt máy tiết kiệm pin...

Đứa nhỏ đột nhiên thức giấc rồi khóc ngằn ngặt. Chó con chó mẹ lại bị rớt xuống nước kêu ăng ẳng. Bò nhà ai phía sau nhà rống lên giữa đêm. Gió rít gào càng mạnh trong cơn mưa khủng khiếp. Tinh thần mọi người căng thẳng tột độ. Mãi một lúc sau những âm thanh mới dần lắng xuống...

3h sáng, con chó nhỏ lông xù chẳng hiểu sao lại bơi một mình vào phòng mình nằm ngủ, đuối sức kêu ăng ẳng, may là chân trước còn bám được vào mép ghế đang nổi bồng bềnh. Ngồi dậy ẳm nó ra với mẹ, soi nước thấy không còn tăng nhanh nữa. Cập nhật cho mẹ “nước xuống 10cm”, rồi tắt máy.

Mưa ngừng, gió lặng, trời sáng dần, nước cũng rút được xíu xiu. Gọi đò vào để đi. Mợ Thanh nấu mì để mọi người ăn sáng. Không ai nuốt nổi dù mì còn có chút thịt bò và hành lá, quá sang cho một ngày mưa lũ. Ngoại kêu đắng miệng. Chia đôi tô mì, ráng nuốt để có năng lượng cho chuyến vượt sông.

Cậu Huỳnh lại gọi thêm vài người để hỏi đi được không, có một người nói “đò đã nhận chắc hắn có cách đi được”.

Sắp xếp hành lý lên thuyền, nghe tiếng con chó nhỏ kêu, tưởng nó rớt nước nên chạy vội vào thì thấy con chó xù vẫn đứng với mẹ mà lại kêu rối rít như đòi đi theo. Ba con chỉ có mình nó kêu. Con này mấy hôm trước đã xin cậu đem về nuôi, âm thầm đặt tên Phú Tài, cũng là tên ngôi làng đang ở. Gãi đầu nó kêu ở yên đây mai mốt cậu ra đón, tự nhiên nó ngoan hẳn ko kêu nữa như có linh tính.

Ôm mọi người ở lại thật chặt rồi lên thuyền. Cậu Huỳnh khóc, cậu Hoàng không nhịn được cũng bật khóc nức nở. Quay mặt đi để giữ bình tĩnh. Đò dần xa khỏi nha đi vào cánh đồng nước mênh mông. Người trên nhà vẫy tay đến khi thuyền khuất hẳn.

Cũng may trời lặng gió, mặt nước khá êm. Mực nước cũng cao nên chỉ thỉnh thoảng đáy thuyền mới hơi quẹt nhẹ bên dưới, cũng ko biết là quẹt vào mặt đường hay mồ mả. Mênh mông nước là nước. Thuyền đôi lần phải quay đầu đổi hướng vì mực nước không đủ. Chị vợ anh lái đò cầm một sào tre thỉnh thoảng chọc xuống nước để dò. Chị khoe chị mới đi chuyến đầu!!! Hỏi anh đi mấy chuyến rồi, “Eng nớ đi được 3 4 chuyến chi đó. Đi ri chơ phải gởi 4 đứa con cho mệ nội coi dùm...”

Thuyền đi quang từng làng. Có khi len giữa chỗ bị đổ của một bức tường trường học. Có khi vượt qua hàng rào B40 đã chìm sâu trong nước bên dưới, tiếng rào sắt cọ vào thuyền đáy chôm rợn da gà. Từng ngôi làng chìm trong dòng nước. Có làng ngập hết chỉ còn mái ngói. Tranh thủ chỗ nước êm chụp vội vài tấm hình, lỡ đâu sống sót đi ra còn có cái khoe.

Thuyền đến gần sông, chị đứng mũi thuyền mặt tái mét, nói nhỏ “ chuẩn bị qua sông, cầu Ngài để qua!”. Dù mấy nay ít tin quỷ thần nhưng cũng thầm cầu nguyện xin phép Thuỷ thần Hà Bá cho thuyền qua sông an toàn. Nhìn ra xa xa là cây cầu bắc qua sông. Thì ra phải đánh thuyền thật xa lên đầu dòng rồi thả xuôi dòng xuống nương theo dòng nước rồi lái dần từng ít một qua sông.

Nhìn thấy dì Nguyệt hoang mang nhìn ra mặt sông vội kêu “dì không được nhìn sông!”. Dì nhắm tịt mắt lại ngay, tay bấu chặt mép thuyền. Thuyền mấy lần chòng chành trong sóng nước như muốn lật, rồi cũng an toàn tới bờ là con đường tỉnh lộ chạy lên Đông Hà ....

Đầu hàng cơn lũ, may mà còn trốn chạy thành công.

Thuê taxi về tới Đông Hà, tới chỗ gởi xe nhà cô Ái, chào cô để về, hẹn hết lụt quay ra. Nói với cô “con phải ra lại, nhìn người ở đây, con thương chịu không nổi”. Viết dòng này là nước mắt chảy dài y như lúc nói với cô.

Tranh thủ trời ngưng mưa, đường ra Đà Nẵng như người lái taxi hỏi dùm là ko ngập. Quyết định chở cả nhà đi ngay vì sợ thời tiết lại thay đổi.

Thần kinh căng thẳng làm cơn buồn ngủ đi đâu mất dù cả đêm không ngủ; vừa qua Hầm Hải Vân, cơn buồn ngủ như bất thần kéo đến, ráng chạy tới nhà anh bà con, ăn miếng cơm. Trốn tới khách sạn môt mình nằm ngủ vì nhà anh nhiều con nít, chợp mắt tí rồi dậy, viết những dòng này để kỷ niệm ...

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin